Quyền cơ bản, hiến pháp cho mới có?

TS Nguyễn Sỹ Phương, CHLB Đức

(Đây là nguyên bản của bài đã được biên tập đăng trên Tia sáng trong dịp Tết)

Xếp theo tổng số điều khoản đề cập, thì Hiến pháp Nga 1993 có 48 điều về “quyền và tự do của con người và của công dân“. Hiến pháp Việt Nam năm 1992 có 44 điều về “quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân“. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp Việt Nam năm 1992 hiện nay (DTHP) có 38 điều về “quyền con người, quyền nghĩa vụ cơ bản của công dân“. Hiến pháp Trung Quốc 1982, sửa lần cuối 2004 có 33 điều. Hiến pháp Liên Xô 1977, sửa lần cuối năm 1991 có 31 điều. Hiến pháp Đức chỉ có 19 điều. Hiến pháp Mỹ, quyền cơ bản chỉ liên quan tới chừng 10 điều khoản tu chính. Quyền cơ bản được coi là đặc trưng của một nhà nước dân chủ, và nếu hiểu do Hiến pháp cho mới có, thì Nga sẽ là nước dân chủ nhất, thứ nhì là Việt Nam, tiếp theo là Trung Quốc, Liên Xô, Đức và Mỹ cuối bảng.

Quyền cơ bản là một phạm trù chính trị luật học, nội hàm bao gồm quyền công dân và quyền con người được phân thành 26 quyền: quyền được bảo vệ nhân phẩm, quyền được toà án tuyên phán, quyền bình đẳng trước pháp luật, tự do tín ngưỡng nhận thức, tự do biểu đạt ý kiến, được bảo vệ hôn nhân gia đình, bí mật thư tín, khiếu nại, chỗ ở không bị xâm phạm, sở hữu không bị chiếm đoạt, chuyển quyền sở hữu theo văn bản lập pháp, học hành được nhà nước bảo hộ, quyền cha mẹ, quyền tỵ nạn, quyền được trình bày trước toà, được pháp luật bảo vệ, được toà tuyên phán khi tước bỏ quyền cơ bản nào đó, bảo đảm trình tự pháp lý khi bị tước quyền tự do, quyền tự do lưu trú, tự do nghề nghiệp, bình đẳng tham gia vai trò lãnh đạo quản lý trong bộ máy chính quyền, tự quyết định quốc tịch, tự do lập hội, tự do hội họp biểu tình, chống lại các hành vi vi hiến, bầu và ứng cử. Quyền công dân cũng là quyền con người, khác mỗi chỗ có hiệu lực chỉ riêng công dân nước đó, trong khi quyền con người có hiệu lực đối với cả mọi công dân từ các nước khác tới. Trong số hơn 3 triệu người Việt sống khắp thế giới, hơn nửa mang quốc tịch Việt Nam chỉ hưởng quyền con người, không hưởng quyền công dân nước họ.

Quyền cơ bản trước hết là quyền tự thân, phân biệt con người với động vật, “tạo hoá cho họ“, tức nằm sẵn trong chính con người. Nhưng không phải tất cả mọi quyền tự thân; bởi liệt kê trên không hề đề cập tới những quyền tự nhiên, như sinh lý, ăn, ngủ, thở… hay quyền kinh tế mua bán, vay mượn, đổi chác, hoặc tình cảm yêu đương, hiếu, hỷ… vốn mang tính tuyệt đối hiểu theo nghĩa luôn tồn tại trong bất cứ xã hội nhà nước nào dù dân chủ hay không, mà chỉ những quyền được nhà nước do người dân sinh ra phải chịu trách nhiệm pháp lý bảo đảm cho họ: 1- chắc chắn, 2- liên tục, 3- được viện tới toà án bảo vệ, mới được gọi là quyền cơ bản. Hiến định quyền cơ bản vì vậy đồng nghĩa với hiến định trách nhiệm pháp lý nhà nước phải bảo đảm quyền con người đã được hiến định. Nguyên lý đó được Hiến pháp Đức quy định ngay tại điều 1, “Quyền cơ bản có hiệu lực trực tiếp, ràng buộc lập pháp, hành pháp và tư pháp phải bảo đảm“.

Như vậy quyền cơ bản không phải cứ ghi vào hiến pháp là có, mà chỉ khi chế tài được nhà nước chịu trách nhiệm bảo đảm nó mới có. Chức năng soạn thảo hiến pháp, do vậy, một khi đã hiến định quyền cơ bản nào, thì phải xác định được ở các khoản mục tiếp theo các quy phạm chế tài nhà nước thích ứng. Hiến pháp Mỹ còn không đưa ra điều khoản quyền cơ bản, như tự do tôn giáo, ngôn luận, báo chí, biểu tình, hội họp chẳng hạn, mà hiến định trực tiếp trách nhiệm nhà nước: “Quốc hội không được phép ban hành luật quy định tôn giáo nhà nước, cấm tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận báo chí, hoặc hạn chế quyền biểu tình hội họp…“ (Tu chính số I). Hay Hiến pháp Nga, điều 29 về “quyền tự do truyền thông báo chí“, quy định “cấm (nhà nước) kiểm duyệt“.

Còn Dự thảo Hiến pháp (DTHP) nước ta? Có thể phân tích trường hợp điển hình, Điều 21: “Mọi người có quyền sống“. Tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ và Việt Nam đều chung câu: “tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng… trong những quyền ấy, có quyền được sống“. Quyền được sống ở đây hiểu là quyền sống bình đẳng ngang nhau, chứ không phải sống nô lệ thuộc địa (Hoa Kỳ và Việt Nam trước đó đều thuộc địa), không mang nghĩa sự sống sinh lý. Vậy quyền sống ở điều 21 DTHP hiểu theo 1- cuộc sống bình đẳng, hay 2- sự sống? Nếu hiểu theo 1 thì phải ghi rõ “có quyền sống bình đẳng“ để không nhầm lẫn với sự sống, nhưng lại trùng với điều 17 DTHP. Nếu hiểu theo 2, thì liệu nhà nước ta đã chuẩn bị đủ tiền đề bảo đảm nó được thực thi, một khi được coi là quyền cơ bản, nếu không sẽ bị viện tới toà án bảo vệ? Hiến pháp Nga, điều 20 ghi: “1. Mỗi người có quyền quyết định đối với sự sống của họ. 2- Cho tới khi hủy bỏ án tử hình, một văn bản lập pháp cấp Liên bang có thể quyết định hình phạt tử hình…“. Như vậy điều 20 Hiến pháp Nga chỉ nhằm quá độ để nhà nước đi tới bỏ án tử hình. Hiến pháp Đức điều 2 ghi: “(2) mỗi người có quyền quyết định sự sống và toàn vẹn cơ thể“. Từ đó bộ Luật Hình sự Đức không có hình phạt tử hình và cấm mọi hình thức tra tấn, khủng bố tinh thần. Nhưng vấn đề không đơn giản vậy, để thực thi điều 2 chỉ gọn 13 từ, nhà nước phải đối mặt với vô vàn câu hỏi nảy sinh trong thực tế: Liệu bác sỹ giúp người sống thực vật được chết hay nạo thai có vi phạm quyền quyết định sự sống? Sự sống tính từ thai nhi hay từ khi ra đời? Hiến tạng có vi phạm quyền được toàn vẹn cơ thể, và lúc nào thì được gọi là chết để hiến nó? Bắn máy bay đang chở khách bị bọn khủng bố cướp có vi phạm điều 2…?

Còn nếu quyền sống, điều 21 DTHP đưa ra tương tự quyền sinh lý, ăn, uống, thở, nhìn, nghe… là những quyền tự nhiên, tuyệt đối, vốn không thuộc nội hàm quyền cơ bản, thì không thể đưa vào hiến pháp. Nhầm lẫn về quyền tự nhiên tuyệt đối với quyền cơ bản lặp lại tương tự tại điều 35: “Công dân có quyền được bảo đảm an sinh“. Trách nhiệm này, chỉ các nước hiện đại mới chế tài được nhà nước bảo đảm cho người dân, như Đức hiện bất kỳ người dân nào, kể cả người nước ngoài sinh sống ở Đức không có thu nhập đều được cấp 374 Euro/tháng/người cộng tiền thuê nhà, điện nước, các chi phí đột xuất, cưới xin, tang lễ, sinh nở, tai nạn; chữa bệnh, học hành đều miễn phí; được gọi tiêu chuẩn Hartz IV; cấp quá muộn hoặc thiếu họ kiện ra toà. Còn nếu coi điều khoản trên theo nghĩa, công dân đóng phí hưu trí được hưởng hưu trí, đóng bảo hiểm sức khoẻ được chữa bệnh miễn phí, tức thuộc quan hệ mua bán bảo hiểm, thì đó là quyền tự nhiên, tuyệt đối, bất cứ nhà nước nào, thời đại nào cũng vậy cả, không thuộc quyền cơ bản. Tương tự điều 36: “Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp“. Chắc chắn nhà nước Việt Nam không thể cấp Hartz IV như Đức. Vậy có nghĩa người dân tự tìm lấy nơi ở, là quyền tự nhiên tuyệt đối không thuộc nội hàm quyền cơ bản. Điều 38: “Công dân có quyền làm việc“, đồng nghĩa hiến định nhà nước có trách nhiệm bảo đảm việc làm cho họ. Chưa nước hiện đại nào làm nổi điều đó. Còn nếu hiểu làm việc là quyền tự nhiên, tuyệt đối, chẳng nhẽ sinh ra chỉ nằm, ăn chơi, thì không thuộc nội hàm quyền cơ bản. Ở họ điều khoản trên được thay bằng: “Quyền tự do nghề nghiệp việc làm“, nghĩa là nhà nước không được phép can thiệp và không để ai cưỡng bức họ. Điều 39 quy định “Nam nữ có quyền kết hôn và ly hôn“; dù có không hiến định cũng chẳng nhà nước nào cấm nổi, tức quyền tự nhiên tuyệt đối, không thuộc quyền cơ bản. Thực ra có thể hiến định: quyền tự do kết hôn và ly hôn, để chống cưỡng ép hôn nhân. Tương tự, điều 40 “trẻ em có quyền… được chăm sóc giáo dục“; điều 41 “có quyền được bảo vệ sức khoẻ“; điều 43 “quyền nghiên cứu khoa học“; điều 44 “quyền hưởng thụ các giá trị văn hoá; điều 46 “quyền được sống trong môi trường trong lành“ (đến các nước hiện đại nhất cũng không thể, chỉ hạn chế ô nhiễm!). Đặc biệt điều 42, “công dân có quyền và nghĩa vụ học tập“; đã là quyền và nghĩa vụ thì giống như nghĩa vụ quân sự mang tính bắt buộc, nhà nước phải bảo đảm cho công dân thực thi; liệu nhà nước ta có đủ tài chính phổ cập phổ thông miễn phí, cấp học bổng cho đại học, học nghề, hay trẻ em bị án tù phải bố trí giáo viên dạy phổ thông trong tù cho chúng như ở Đức? Còn nếu coi đó là quyền tự nhiên tuyệt đối thì không cần đưa vào hiến pháp, bởi chẳng nhà nước nào có thể cấm hay bắt họ học được.

Lẽ dĩ nhiên, nước nào quyết định hiến pháp nước đó, có thể tùy ý đưa mọi quyền con người vào hiến pháp mà không cần chế tài trách nhiệm nhà nước; nhưng trong thời đại hội nhập toàn cầu ngày nay không thể bất chấp những nguyên lý khoa học mang tính phổ quát; một khi đã đưa vào hiến pháp mà không hoặc không thể thực hiện, thì bản hiến pháp đó sẽ vĩnh viễn mất uy danh tối thượng và nhà nước đó luôn bị coi vi hiến trong con mắt thế giới!

Không chỉ nhiều điều khoản quyền cơ bản không đưa ra được quy phạm chế tài nhà nước bảo đảm quyền đó, mà còn trao cho nhà nước quyền hạn chế nó thiếu chuẩn mực thước đo, tất nảy sinh lạm quyền, phủ định lại quyền hiến định, đã được chứng minh bởi thực tế mọi bê bối bức xúc bất bình ở nước ta hiện nay đều bắt nguồn từ “bầy sâu“ lạm dụng chức quyền, vụ lợi.

Điều 15 DTHP, điểm 1, mệnh đề đầu: “Quyền con người, quyền công dân được nhà nước và xã hội thừa nhận, tôn trọng bảo vệ“, tức xác định rõ trách nhiệm nhà nước, có thể tìm thấy ở hầu hết hiến pháp trên thế giới hiện nay. Nhưng mệnh đề tiếp theo: “THEO hiến pháp và pháp luật“ vốn được hiểu gồm tất cả các văn bản lập pháp, lập quy, chỉ thị, do bất kỳ cơ quan nào trong bộ máy nhà nước ban hành. Điểm 2 còn nhấn mạnh tiếp, các quyền trên bị giới hạn “trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức, sức khoẻ cộng đồng“, mà không hề định lượng cần thiết ở mức nào, giới hạn ra sao, nghĩa là bỏ mặc cho quan chức hành xử tự đo lường. Nếu nhà nước vừa chịu trách nhiệm lại vừa tự quyết định mà bảo đảm được quyền cơ bản, thì bất cứ nhà nước nào trong lịch sử nhân loại từ nô lệ tới nay đều bảo đảm được cả, không cần đến hiến pháp dân chủ phải chế tài nhà nước mới bảo đảm được quyền cơ bản cho người dân.

Không hiếm quyền cơ bản không thể tránh được những tình huống giới hạn; nhưng như ở Nga, để giới hạn quyền tự do và nhân phẩm, điều 22 Hiến pháp quy định bắt người phải có trát toà cấp trong vòng 48 tiếng kể từ lúc bắt; hay điều 23 quy định quyền bí mật thư tín điện thoại, nếu giới hạn phải có quyết định toà án. Hiến pháp Đức, quyền cơ bản nào bị giới hạn đều có câu thông qua “một văn bản lập pháp“, nghĩa là quyết định bởi cơ quan quyền lực cao nhất và có hiệu lực đối với mọi người chứ không phải một cá nhân để cưỡng bức họ. Chưa đủ, để tránh chính văn bản lập pháp vi hiến, điều 19 quy định khi giới hạn quyền cơ bản: “Trong bất luận trường hợp nào, đều không được phép đụng tới bản chất quyền cơ bản vốn bất khả xâm phạm… Bảo đảm cho người bị giới hạn quyền cơ bản được quyền pháp lý chống lại (viện tới toà án)“. Còn để tránh người dân lạm dụng quyền cơ bản phạm luật, điều 18 quy định tước bỏ quyền cơ bản mà người đó lạm dụng, nhưng bằng “án quyết của Toà Hiến pháp“.

Mệnh đề “theo Hiến pháp và pháp luật“ được DTHP lặp lại nhiều lần, tại điều 22 quy định “quyền thư tín…“, nhưng “việc bóc mở… do pháp luật quy định“. Điều 24 “công dân có quyền tự do đi lại và cư trú...“, nhưng theo “quy định của pháp luật“; hậu qủa Hà Nội hay bất cứ thành tỉnh nào hạn chế nhập hộ khẩu vẫn đúng Hiến pháp; trong khi cùng hiến định quyền tự do đi lại cư trú như ta, nhưng không điạ phương nào thuộc EU dám cấm dân các nước EU khác đến cư trú nhập khẩu. Điều 26, “công dân có quyền tự do ngôn luận, báo chí…“ như bất kỳ hiến pháp Âu Mỹ nào, nhưng khác họ ở chỗ “theo quy định pháp luật“. Tương tự điều 31, “người bị thiệt hại có quyền được bồi thường… theo quy định của pháp luật“; điều 32, người làm trái luật trong việc bắt giữ phải bị xử lý theo pháp luật“.

Theo đúng nguyên lý “logic học hình thức“, tất cả điều khoản “Mọi người có quyền…“, kèm theo mệnh đề “… theo pháp luật“ đều được phép chuyển đổi thành: “Mọi người có quyền … do nhà nước quy định“, vô hình trung phủ nhận luôn chức năng hiến pháp sinh ra để chế tài nhà nước – cái giá phải trả do kỹ thuật lập hiến một khi không tuân thủ khoa học logic hình thức.

Ngoài lỗi về giới hạn quyền cơ bản có thể phủ định toàn bộ quyền đó, nhiều câu chữ thay vì sử dụng thuật ngữ pháp lý đưa ra những quy tắc xử sự, thước đo chuẩn mực, cân đong đo đếm được, lại sử dụng ngôn từ nghị quyết đại hội, mang tính kêu gọi định hướng, gây nguy cơ lạm quyền hoặc vô trách nhiệm hoặc không thể áp dụng, hoặc áp dụng tùy thuộc nhận thức, động cơ của cá nhân, cơ quan hành xử. Điều 19 DTHP về quyền của Việt kiều: “là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam“, trích y nguyên nghị quyết Đảng vốn mang tính kêu gọi đoàn kết; trong khi đó, mối quan hệ giữa Việt kiều với trong nước chủ yếu thuộc lĩnh vực tình cảm không phải đối tượng điều chỉnh của pháp luật, đặc biệt khi họ có quốc tịch nước khác. Trong khi Pháp, để hiến định quyền ngoại kiều, điều 24 Hiến pháp họ ghi: “Pháp kiều có đại diện trong Thượng viện“. Tương tự, điều 16: “Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác“; khái niệm “tôn trọng“ thuộc ý thức tình cảm không phải đối tượng điều chỉnh của pháp luật, đến bố mẹ cũng không buộc được con cái chứ chưa nói nhà nước Việt Nam đối với 80 triệu công dân họ. Lẽ ra điều 16 có thể diễn đạt như điều 2 Hiến pháp Đức: “Mỗi người có quyền phát triển tự do nhân cách, chừng nào không vi phạm (khác với tôn trọng) quyền của người khác…“. Điều 17, “Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá, xã hội“. Vậy giải thích thế nào về vai trò lãnh đạo của đảng vốn cũng chỉ là một tập hợp các cá nhân đảng viên, 10 quy định đảng viên không được phép làm, đảng viên phải tiên phong gương mẫu, lãnh đạo trung cao cấp dứt khoát phải đảng viên, liên minh công nông là nòng cốt, rồi vai trò kinh tế nhà nước, văn hoá xã hội chủ nghĩa? Trong khi ở Đức, nhà nước hiện đang kêu gọi tuyển dụng người gốc ngoại quốc vào nhiệm sở công chức; hay đảng nào được dân bầu thì cầm quyền, nhưng bộ trưởng không phải đảng viên họ là chuyện bình thường, bộ máy hành chính không do đảng cầm quyền bố trí mà theo luật tuyển dụng công chức; đó chính là nội hàm của khái niệm “không phân biệt đối xử“.

Sở dĩ các điều khoản về “quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân“, được biên soạn không theo thông lệ hiến pháp thế giới như phân tích ở trên, mặc dù Việt Nam cũng như bất kỳ quốc gia nào đều nhằm “dân giàu nước mạnh xã hội dân chủ công bằng văn minh“, là do Hiến pháp 1992 như ý kiến cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, “theo khuôn mẫu của Cộng hòa Xô Viết, nó không gần với những khuôn mẫu chung của thế giới và có một số quy định cốt lõi lại xa rời với Hiến pháp 1946“. Nếu coi Hiến pháp là nền tảng pháp lý xây dựng nên nhà nước, thì thực tế sụp đổ nhà nước Liên Xô vốn đã ở giai đoạn “Xã hội Xã hội Chủ nghĩa Phát triển“, chứ không ở “thời kỳ quá độ“ như ta nghĩa là còn yếu kém hơn họ, cần phải truy tìm từ nguồn gốc nền tảng Hiến pháp họ, để giải quyết tận cốt lõi DTHP ta hiện nay, nếu thực sự muốn được nhân dân yên tâm đồng thuận, không e ngại gây hậu hoạ như hiến pháp Liên Xô!

N.S.P.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn