“Các nhà lãnh đạo cần có một tầm nhìn”

Giáng Vân

Nhà thơ, nhà báo

Năm ngoái, sau một trận bão, Hà Nội mất hàng trăm cây xanh, trong đó có hàng chục cây cổ thụ lâu năm. Những cái cây bật gốc, trơ ra bộ rễ đã bị đốn chặt qua nhiều lần đào đường, thay gạch vỉa hè. Để cây xanh Hà nội không bị đổ, trước mùa mưa bão, người ta chỉ còn cách chặt hết lá cành. Có nhiều cây, có hai, ba nhánh lớn, bị chặt mất hai, còn một. Nhìn tổng thể những hàng cây Hà Nội, liên tưởng đến những người què quặt tật nguyền, khổ sở vô cùng. Tôi tin là cây có linh hồn, và chúng đau đớn quằn quại toàn thân. Những cái cây đã sống cùng thời gian, cùng lịch sử và con người Hà Nội hàng chục, hàng trăm năm.

Năm trước, tôi đi tham quan hồ Núi Cốc. Một vùng trời đất, nước non hữu tình, đẹp như trong mơ, nếu… Trời ạ, nếu như không có bàn tay con người chạm vào. Tất cả đã bị bê tông hóa, bị biến dạng. Lừng lững đập vào mặt những công trình xấu xí, vô cảm từ ngoài vào trong. Tôi không hiểu vì sao người ta có thể đặt vào một không gian nên thơ, hiền hòa yên tĩnh như vậy những công trình thô thiển xấu xí nhường vậy? Vì dốt nát, hay vì từ dó họ có thể lấy từ công quỹ vài tỷ. Chắc chắn là cả hai. Cũng từ hai nguyên nhân này, hàng loạt những phong cảnh hữu tình khác, những kho báu khác của đất nước chúng ta cũng đang bị đè ra băm vằm tơi tả.

Ba Vì, xứ sở thần tiên của đất đai, rừng, và hồ, và suối. Bạn có thể đi bát ngát theo cảm hứng, dừng chân ở đâu cũng đẹp mê man. Nhưng điều kinh ngạc nhất mà bạn có thể cảm nhận, chính là nơi nào bàn tay con người chạm vào, lập tức bị biến dạng, bị hủy hoại. Phải nói ngay, thủ phạm chính là những khu du lịch được mở rầm rộ trong thời gian gần đây. Ngay trong rừng cò, phía ngoài treo biển: “Cấm săn, bắn và giết thịt chim muông, thú rừng”, thì phía trong đó là bữa tiệc lớn, la liệt cò bị vặt đầu, quay, nướng, làm chả… Bên cạnh chỗ ngồi của hàng trăm con người ồn ào ăn uống là xương của loài chim gầy gò này vứt la liệt. Loài chim này là biểu tượng của sự thanh bình nơi làng quê đang bị tận diệt. Cũng như vậy, muốn ăn thịt thú rừng bạn có thể đến các loại rừng cấm, theo các tour tham quan… nghĩa là hợp pháp (!!!).

Năm nay, tôi trở lại Đà Lạt sau gần mười lăm năm. Tôi kêu lên với bạn tôi là Đà Lạt bây giờ xấu xí quá, không nhận ra được nữa. Thảo nào nhà văn Ngô Thị Kim Cúc bảo: “ Đà Lạt bây giờ cũng giống như một cái thị trấn miền núi, hay trung du nhạt nhẽo nào đó. Chán lắm!”. Và bởi vậy, câu chuyện đầu tiên tôi được bạn rót vào tai cho nghe là chuyện nhà báo Nguyễn Hàng Tình vì viết một bài đăng trên Thanh niên, viết về sự thật một Đà Lạt đang bị băm nát nên bị ép đuổi việc (!!!). Buồn quá.

Hôm nay, đọc trên FB của nhà thơ Hoàng Hưng chuyện sách Ebook về Cát Tiên do các em học sinh Cát Tiên viết. Một sáng kiến tuyệt vời để cộng đồng lên tiếng bảo vệ Cát Tiên. Tôi nhớ câu chuyện của bạn tôi, chị Đinh Thị Nga, người phát hiện thánh địa Cát Tiên cũng như cả một nền văn hóa cổ xưa chìm lấp dưới lòng đất dọc theo hai bờ sông Đồng Nai mà Cát Tiên là điểm nhấn. Theo chị kể, di tích này được phát hiện từ năm 1984, khi bạn tôi còn làm ở Phòng Bảo tàng Lâm Đồng. Chị đã theo đúng quy trình, báo cáo với Viện khảo cổ TP Hồ Chí Minh, nhưng không ai có ý kiến gì. Mãi cho tới 1998, do quá sốt ruột vì sợ bị tàn phá, bị đào trộm cổ vật, nên ông Y Nhung, lúc đó là Bí thư Huyện Ủy Cát Tiên mới đánh đường ra tận Viện Khảo cổ Trung ương để báo cáo, rồi sau đó một thời gian, Cát Tiên mới được chúng ta biết đến. Câu chuyện của bạn tôi rất dài, không thể kể hết. Trong câu chuyện của bạn,tôi hiểu rằng rằng, cả một miền văn hóa vô cùng sống động, vô giá, đang ẩn giấu trong miền đất này. Trong cuốn phim về Cát Tiên của bộ phim tài liệu “Tây Nguyên , miền mơ tưởng” của đạo diễn Đoàn Huy Giao, chỉ vài trường đoạn về thiên nhiên, con người, văn hóa nơi đây đã quyến rũ khiến ai đã xem, cũng nghĩ rằng, không thể không đến nơi này một lần trong đời. Chính vì vậy, càng hiểu vì sao những con người sống và gắn bó với vùng đất như ông Y Nhung, như bà con dân làng, các thế hệ, và giờ là những em học sinh, chính họ đã và đang lên tiếng đòi Cát Tiên được sống và được biết đến đúng tầm vóc của di sản này.

Không cần có công trình thủy điện ở Cát Tiên để đất nước có một vùng đất phát triển văn hóa, kinh tế, du lịch… và quan trọng hơn, để mai sau con cháu chúng ta còn có gì đó để tự hào; vả lại, chúng ta đã có quá nhiều công trình thủy điện và những bài học xung quanh thủy điện!

Tôi đồng ý với ông Nguyễn Minh Thuyết rằng, các nhà lãnh đạo cần có một tầm nhìn. Nếu chỉ có lòng tham và sự ngu dốt thì đất nước sẽ rơi vào mọi thảm họa.

Phải khẩn thiết lên tiếng để bảo vệ di tích Cát Tiên!

G.V.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn