GÓP Ý VỀ VIỆC SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP

Hoàng Minh Phương

Nhân ngày kỷ niệm Cách mạng tháng Tám, ông Hoàng Minh Phương, cán bộ cao cấp trong quân đội đã nghỉ hưu, gửi đến Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp của Quốc hội bản góp ý dưới đây, kiên trì đề nghị hai điều quan trọng là khôi phục lại tên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa công nhận quyền sở hữu tư nhân về ruộng đất mà trong quá trình góp ý mấy tháng nay, ý kiến chính thống của nhiều vị quan chức ban ngành nhân danh tư vấn cho Quốc hội hầu như đã “thống nhất” lên tiếng bác bỏ.

clip_image002

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và ông Hoàng Minh Phương tại Hạ Long tháng 12-1961. Ảnh: HT cung cấp.

Bauxite Việt Nam

Kính gửi : Ủy ban soạn thảo Hiến pháp của Quốc hội,

Hưởng ứng chủ trương của Đảng và Nhà nước kêu gọi toàn dân đóng góp ý kiến vào bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, tôi xin góp ý vào 2 điểm quan trọng như sau:

- Một là: Cần lấy lại tên nước là VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA thay vì CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM như hiện nay.

- Hai là: Cần công nhận quyền sở hữu tư nhân về ruộng đất của nông dân.

Đây không phải là vấn đề chữ nghĩa mà là nội hàm của nó, liên quan đến nhận thức của toàn dân về chế độ xã hội của nước ta hiện nay, về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, về thời gian tồn tại của các hình thức sở hữu, các thành phần kinh tế và các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước.

1/. Phải lấy lại tên nước là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, vì chế độ xã hội của nước ta hiện nay và trong một thời gian lâu dài nữa là CHẾ ĐỘ DÂN CHỦ NHÂN DÂN chứ chưa phải là CHẾ ĐỘ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA!

Đối chiếu với nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin, coi chế độ xã hội chủ nghĩa là chế độ công hữu về tư liệu sản xuất, không có hiện tượng người bóc lột người, có nền kinh tế chỉ huy tập trung và một nền sản xuất phát triển cao, thỏa mãn được mọi nhu cầu về vật chất và tinh thần của toàn xã hội v.v… thì chế độ xã hội của nước ta hiện chưa phải vậy, và còn lâu mới đạt đến trình độ đó!

Theo Tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam thể hiện trong Chính cương của Đảng được Đại hội 2 năm 1951 thông qua cũng như trong tác phẩm của Người nhan đề “Dân chủ mới” đăng trên báo Cứu quốc năm 1953 nhằm giải thích Chính cương của Đảng thì:

“Cách mạng Việt Nam không thể đi theo con đường nào khác ngoài con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đó là một con đường đấu tranh lâu dài, đại để trải qua ba giai đoạn:

- Giai đoạn thứ nhất; nhiệm vụ chủ yếu là hoàn thành giải phóng dân tộc.

- Giai đoạn thứ hai; nhiệm vụ chủ yếu là xóa bỏ di tích phong kiến và nửa phong kiến, thực hiện người cày có ruộng, phát triển kỹ nghệ, hoàn chỉnh chế độ dân chủ nhân dân.

- Giai đoạn thứ ba; nhiệm vụ chủ yếu là xây dựng cơ sở cho chủ nghĩa xã hội, tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Ba giai đoạn không tách rời nhau mà mật thiết xen kẽ với nhau. Nhưng mỗi giai đoạn có một nhiệm vụ trung tâm, phải nắm vững nhiệm vụ đó để tập trung lực lượng vào đó mà thực hiện(1).

Theo trình tự đó, thì sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hoàn thành giải phóng dân tộc, cách mạng nước ta chuyển sang giai đoạn thứ hai là xây dựng và hoàn chỉnh chế độ dân chủ nhân dân. Tuy nhiên, do tư tưởng chủ quan nóng vội, ta đã chủ trương chuyển sang giai đoạn thứ ba, đẩy mạnh cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội, xóa bỏ giai cấp tư sản và hình thức sở hữu tư nhân, đưa nông dân đi ngay vào làm ăn tập thể khi điều kiện chưa chín muồi. Cũng theo tư tưởng đó, ta đã đổi tên nước từ Việt Nam dân chủ cộng hòa thành Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hậu quả của đường lối sai lầm đó là lực lượng sản xuất bị kìm hãm, đất nước lâm vào một cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội trầm trọng, kéo dài trên 10 năm.

Năm 1986, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đã khắc phục sai lầm đó, trở lại với Chính cương của Đảng, với Tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Từ đó đến nay, Đảng và Nhà nước ta chủ trương thực hiện nhất quán và lâu dài chính sách phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần với 3 hình thức sở hữu, vận động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Chúng ta đang ra sức “phát triển kỹ nghệ”, đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu “dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Sự phát triển của đất nước trong gần 3 thập kỷ qua đã chứng minh sự đúng đắn của đường lối đó.

Nói một cách khác, chúng ta đang xây dựng và hoàn chỉnh chế độ dân chủ nhân dân, chứ chưa phải đang xây dựng chủ nghĩa xã hội. “Từ nay đến chủ nghĩa xã hội, nước ta còn phải trải qua một thời gian dài. Muốn triệt để cải tạo xã hội, xóa bỏ chế độ người bóc lột người ngay một lúc là ảo tưởng”(2).

Trong một thời gian dài nữa, nước ta chưa phải là một nước xã hội chủ nghĩa mà là một nước dân chủ nhân dân; do vậy việc đặt tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nóng vội, không phù hợp với tình hình thực tế, với bản chất chế độ xã hội hiện nay của nước ta.

Trên thế giới hiện nay, trừ Việt Nam, không còn nước nào đặt tên là nước xã hội chủ nghĩa.Một số nước do đảng cộng sản cầm quyền lấy tên là Cộng hòa dân chủ nhân dân. Nhân dân Liên bang các nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết (Liên Xô) và nhiều nước ở Đông Âu trước đây từng chọn mô hình xã hội chủ nghĩa theo học thuyết Mác-Lênin để xây dựng đất nước của họ, nhưng không thành công; mô hình đó đã sụp đổ sau hơn 70 năm và hơn 40 năm tồn tại. Hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới đã tan rã. Vậy ta sẽ xây dựng chủ nghĩa xã hội theo mô hình nào? Câu hỏi này hiện chưa có lời giải đáp! “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” là một nguyện vọng, một xu thế mang tính quy luật của sự tiến bộ xã hội mà nhiều nước đang phấn đấu để đạt tới, chứ không phải là một mô hình xây dựng đất nước!

Đặt tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam dễ gây nên ngộ nhận rằng chúng ta đang xây dựng chủ nghĩa xã hội, có sự phân biệt đối xử với hình thức sở hữu và các thành phần kinh tế tư nhân (phi xã hội chủ nghĩa) khi các thành phần đó đang đóng vai trò hết sức quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế, xây dựng đất nước, cần tồn tại lâu dài. Trong khi đó thì không ít tập đoàn kinh tế nhà nước lại làm ăn thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng, mặc dầu họ được Nhà nước ưu đãi ưu tiên về nhiều mặt!

Cùng với việc lấy lại tên nước là VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA, cần thay đổi một số cụm từ ở Chương I như sau:

Thay : - “ Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” bằng “Nhà nước pháp quyền dân chủ nhân dân”.

- “ Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa” bằng “Nền dân chủ nhân dân”.

2/. Cũng chính vì sự ngộ nhận rằng Việt Nam đã là một nước xã hội chủ nghĩa nên chúng ta coi đất đai thuộc sở hữu toàn dân, không công nhận quyền sở hữu tư nhân về ruộng đất của nông dân, mặc dù họ là người có công khai phá! Khẩu hiệuĐộc lập cho dân tộc, ruộng đất cho dân cày, tiến lên chủ nghĩa xã hội” đã không được thực hiện sau khi Cách mạng thành công, hoặc chỉ thực hiện trong một thời gian ngắn đối với nông dân, một lực lượng quan trọng chiếm hơn 2 phần 3 số dân cả nước, và hiện nay Việt Nam cơ bản vẫn còn là một nước nông nghiệp!

Điều đó đã hạn chế tính tích cực của nông dân trong sản xuất và hoạt động khai hoang phục hóa để mở rộng diện tích canh tác nông nghiệp. Không ít chính quyền cơ sở đã cho nông dân thuê đất, rồi thu hồi sau khi ruộng đất đã sinh lợi mà không có sự đền bù thỏa đáng, gây nên tranh chấp và căng thẳng ở nông thôn, gây bất bình trong xã hội.

Có ý kiến cho rằng nếu lấy lại tên nước là Việt Nam dân chủ cộng hòa thì sẽ gây nên phiền toái và tốn kém lớn do phải sửa lại hàng loạt giấy tờ, in lại giấy bạc, v.v., nhưng theo tôi, đã sai thì phải sửa, không nên vì sợ tốn kém mà khư khư giữ lấy những điều không hợp lý.

Chính vì những lẽ nói trên, nhân dịp sửa đổi Hiến pháp lần này, chúng tôi đề nghị khôi phục lại tên nước là Việt Nam dân chủ cộng hòa như Chủ tịch Hồ Chí Minh và toàn dân ta đã chọn, và công nhận quyền tư hữu ruộng đất của nông dân. Có vậy mới triệt để khắc phục được các biểu hiện tả khuynh, nóng vội trong nhận thức và hành động, trong chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước ./.

T.P. Hồ Chí Minh ngày 19/8/2013,

Kính,

HOÀNG MINH PHƯƠNG

Nguyên Trưởng khoa Lý luận chung Viện Khoa học quân sự Bộ Quốc phòng,

Phó Tư lệnh – Tham mưu trưởng Quân đoàn 4

________________________________________________________

(1) Các cương lĩnh cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam. NXB Chính trị quốc gia – 1998. Tr.99-100.

(2) Văn kiện Đại hội II Đảng Lao động Việt Nam, Ban nghiên cứu lịch sử Đảng xuất bản, 1965. tr.111.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn