Hải lộ giao thương huyết mạch

Marcel Grzanna

Trần Huê lược dịch

Thượng Hải - Nguyên liệu, các hải lộ giao thương, căn cứ quân sự - Biển Ðông đang chất chứa nhiều mối tranh chấp ngấm ngầm hơn bất cứ một vùng nào khác trên thế giới. Từ nhiều thập niên vừa qua đã trỗi lên tranh giành lãnh thổ bao gồm một số quần đảo chỉ gồm các đá ngầm và không có người ở. Tuy nhiên, mãi đến khi Trung quốc vươn lên và trở thành cường quốc về kinh tế thì vấn đề tranh chấp mới thật sự leo thang. Vào tháng 9 này 10 nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Ðông Nam Á (ASEAN) muốn đi đến đồng thuận với Trung quốc về cách thức ứng xử chung liên quan vấn đề chủ quyền của các quần đảo ở Biển Ðông.

Theo sự tính toán, nếu tất cả các nước liên hệ chấp nhận và tôn trọng một số luật chơi trong vấn đề tranh chấp này thì nguy cơ bùng nổ chiến tranh sẽ giảm đi. Không ít người nghi ngờ sẽ có được một sự đồng thuận. Nhà nghiên cứu chính trị Terence Lee thuộc viện Đại học Quốc gia Tân Gia Ba nói rằng, „ông không tin là sẽ lập được một y ước về một bảng ứng xử trong vấn đề này trong năm nay.“ Có rất nhiều lý do cho sự nghi ngờ. Chính các nước trong Hiệp hội ASEAN cũng chưa rõ ràng với nhau về một phương thức đối phó với Trung quốc, một cường quốc đang khoe bắp thịt và không ngừng bành trướng lực lượng quân sự ở trong vùng.

Tại hội nghị thượng đỉnh vào năm trước, các quốc gia Hiệp hội Ðông Nam Á đã không đưa ra được một thông cáo chung

Bằng chứng hiển nhiên nhất là tại hội nghị thượng đỉnh của ASEAN vào tháng 8 năm vừa qua, lần đầu tiên trong lịch sử 46 năm của tổ chức này, các quốc gia ASEAN đã không ra được một bản Thông cáo chung. Trở ngại chính: Trung quốc và vai trò quan trọng của nước này. Về một phía, Tân Gia Ba, Mã Lai Á và Thái lan đã gia tăng khối lượng thương mại với cường quốc kinh tế phía Bắc. Chưa nói đến các nước có nền kinh tế yếu kém như Lào, Cam bốt, và Miến điện, tại đây đầu tư Trung quốc đang đẩy mạnh kinh tế và tạo công ăn việc làm. Mặc khác, sự lớn mạnh của Trung quốc đang gây lo âu các nhà xuất khẩu ở Việt Nam, Phi Luật Tân và Nam ương, cũng như kìm hãm tăng trưởng kinh tế tại các nước này.

Vì các quốc gia ASEAN đánh giá khác nhau về cơ hội và nguy cơ trong mối bang giao với Trung quốc. Nên Trung Quốc khai thác sự không nhất trí của các nước này. Bắc Kinh

muốn tiến tới một giải pháp song phương với từng nước trong vấn đề tranh chấp các quần đảo, vì như thế Trung quốc có thể hành động mạnh bạo với từng quốc gia riêng rẽ hơn là phải đối đầu với cả một khối 10 nước. Thậm chí Bắc Kinh có thể làm cho các quốc gia nầy đối chọi lẫn nhau. Tại Hội nghị thượng đỉnh năm 2012 Cam bốt, Lào và Miến điện đã ngăn cản ASEAN có cùng một lập trường chung. 3 trong số 4 nước chưa có chân trong Thỏa ước Tự do thương mại giữa Trung Quốc và các nước còn lại của Hiệp hội các quốc gia Ðông Nam Á. Thỏa ước này có hiệu lực từ năm 2010. Còn một năm rưỡi nữa bộ ba này mới theo chân VN gia nhập vào Thoả ước trên. Nói rõ ra, chính các nước muốn hội nhập vào tự do thương mại (với Trung Quốc) đã không chọn theo lập trường chung của ASEAN mà phải theo điều kiện của Trung Quốc.

Thái độ không tương nhượng của Bắc Kinh đối với từng quốc gia này như thế nào thì Phi Luật Tân đã có dịp nếm mùi. Vấn đề tranh chấp quần đảo Scarborough thuộc hải phận 200 hải lý của Phi đã leo thang, mặc dù theo luật hàng hải quốc tế thi Phi Luật Tân có ưu quyền về kinh tế ở vùng biển nói trên. Trong cuộc tranh chấp giữa đôi bên vào mùa hè 2012 Trung Quốc đã cho ngưng nhập cảng chuối từ Phi Luật Tân. Hải quan Trung Quốc từ chối du nhập hàng của Phi Luật Tân trong nhiều tuần lễ. Theo các nguồn tin, có ít nhất 200.000 dân Phi Luật Tân sống nhờ vào mức tiêu thụ chuối của dân Trung Quốc và vì vậy cuộc sống của họ trở nên bấp bênh. Sự kiện này gây một áp lực mạnh mẽ lên chính quyền Manila. Các nhà xuất cảng chuối muốn xuất khẩu sang Trung Quốc. Chỉ khi Bắc Kinh nới lỏng cấm vận mấy tuần sau đó tình hình mới tạm lắng xuống, nhưng cú đánh dằn mặt của Bắc Kinh đã có tác dụng.

Một trong các lý do tranh chấp là số lượng dầu khí khổng lồ nằm trong vùng biển này. Vì vậy các nước mới tranh giành với nhau quyết liệt về các đảo có diện tích chỉ vài cây số vuông. Công ty quốc doanh khai thác dầu khí thềm lục đia Trung Quốc (CNOOC) dự đoán là trong vùng này có tiềm ẩn một khối lượng lớn bằng 5 lần con số dầu khí mà Trung Quốc hiện có. Vì các thành phố Trung Quốc đang lớn rộng lên không ngừng. Do đó nhu cầu tiêu dùng năng lực trong 10 năm tới tất nhiên sẽ gia tăng nhảy vọt. Tuy nhiên, tìm kiếm dầu khí và dẫn truyền từ ngoài biển khơi cũng cần có thời gian. Vì vậy Bắc Kinh phải dự phòng một nguồn cung cấp năng lượng chắc chắn và an toàn dù là phải nhập cảng.

Ðường hàng hải qua eo biển Malakka cũng đóng vai trò chủ yếu. Từ Trung Ðông hằng tháng các tầu dầu chở hàng triệu tấn dầu hoả thông qua eo biển giữa Mã Lai Á và Sumatra của Nam Dương đến các hải cảng Trung Quốc. Nền kinh tế Trung Quốc lệ thuộc vào hải lộ nầy. Tờ „ Trung quốc Thanh niên nhật báo“ mới đây đã khẳng định: „Ai kiểm soát đường biển Malakka đồng thời cũng sẽ chặn cổ con đường tiếp tế năng lượng cho Trung Quốc“.

Mỹ đang là mối lo âu hàng đầu cho Trung Quốc. Ðối thủ lớn của Trung Quốc trong tham vọng tranh giành vị thế địa lý chiến lươc cũng chen chân vào các cuộc tranh chấp trong vùng nầy. Từ nhiều năm qua Hoa Thịnh Ðốn đã nỗ lực giữ vững và còn mở rộng ảnh hưởng tại các nưóc trong khu vực có đường biển xuyên qua. Chính sách tham dự của Hoa Kỳ nói là nhằm để bảo vệ sự lưu thông tự do trên hải lộ này ở Nam Hải (biển Đông), nhưng thực sự mũi dùi chính là nhắm vào Trung Quốc, như giảng sư kinh tế Ðức-Mỹ William Engdahl nhận xét trong một bài viết vào năm trước có tựa đề „Trục chiến lược Trung Quốc của Obama“. Theo đó, một cục diện đang diễn ra trong vùng Ðông Nam Á mà cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ đều lo ngại một tình trạng nghiêm trọng có thể xẩy ra. Thực tế cò thể đưa đến một hòan cảnh đụng độ ngoài phạm vi của bàn hội nghị. Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden nhân chuyến thăm Á châu trong tháng qua đã đòi Bắc Kinh nên thỏa thuận với các nước ASEAN về một mô thức ứng xử chung cho vùng Biển Ðông.

Do sự lớn mạnh của Á châu nên sự quan trọng của vùng kinh tế Thái Bình ương trong nền kinh toàn cầu cũng theo đó ngày càng gia tăng. Ðến năm 2015 khi Hiệp ước Tự do Thương mại giữa Trung Quốc và toàn khối Hiệp hội các nước Ðông Nam Á đươc hoàn chỉnh thì vùng kinh tế này sẽ tập họp ¼ dân số thế giới. Tổng sản lượng chung sẽ lên chừng 7 ngàn tỉ Mỹ kim – tương đương gần phân nửa tổng sản lượng quốc gia của Hoa Kỳ. Các nước thuộc Hiệp hội Ðông Nam Á đang giữ vai trò quan trọng về mặt sản xuất hàng tiêu dùng đại chúng cho cả thế giới. Ông Biden đã nhấn mạnh, vùng Ðông Nam Á là một „hải lộ giao thương vô cùng, vô cùng quan trọng.

2/3 tổng số hàng hóa chuyên chở theo đường biển trên thế giới đều phải đi qua vùng này

Vào tháng 10 sắp đến, Tổng thống Mỹ Obama sẽ sang tham dự Hội nghi thượng đỉnh ở Mã Lai Á. Vấn đề an ninh và ổn định trong vùng Biển Ðông chắc chắn lại được đưa ra thảo luận.

Bất kể điều trên Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục bành truớng quyền lực của họ ở Ðông Nam Á. Nhất là Trung Quốc vẫn tự cho mình là một cường quốc trên thế giới và có nền văn hoá cao. Tuy vậy, theo con đường này Trung Quốc như người đang đi dây. Bởi vì Trung Quốc cần đến các nước ASEAN là thị trường tiêu thụ hàngTrung Quốc và đồng thời cũng là các quốc gia bạn hàng để Trung Quốc đầu tư, giúp cho sự tăng trưởng bền vững của chính nền kinh tế Trung Quốc. Nhất là trong tình hình hiện nay, Liên hiệp Âu châu và Hoa Kỳ đang gặp khủng hoảng kinh tế liên tục và không còn là bạn hàng đáng tin cậy như xưa.

Tình trạng nói trên đang tạo ra một mâu thuẫn lớn: Các nước trong vùng đều mong muốn có ổn định và làm sao để có sự hội nhập chung bằng cách mở rông hợp tác kinh tế với nhau. Chỉ có sự tăng trưởng kinh tế mới giúp cho cả Trung Quốc lẫn các nước ASEAN thực hiện giấc mơ lên thang và được xếp hàng vào các quốc gia kỹ nghệ. Ðằng khác, tình hình trong vùng đang giống như một lò thuốc nổ mà nhiều người có thể châm ngòi cùng một lúc.

Nguồn nguyên bản tiếng Đức: „ Brisante Handelsroute“ trong nhật báo Süddeutsche Zeitung số 208, ngày 09.09.13. (Süddeutsche Zeitung là một nhật báo lớn có uy tín hàng đầu ở Đức)

Nguồn: Mục Thời sự Tạp chí Dân chủ & Phát triển điện tử: www.dcvapt.net

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn