Đình chỉ phát hành Đại gia: Nhóm lợi ích can thiệp vào công tác xuất bản?

Phạm Chí Dũng

clip_image001

Bìa bộ tiểu thuyết gồm hai cuốn của nhà văn Thiên Sơn (ảnh: Bauxite Vietnam)

Dối trá

Cục Xuất bản thuộc Bộ Thông tin - Truyền thông Việt Nam vừa nhấn thêm một lát cắt lợi ích vào thân thể tàn tạ của nền văn học đương thời quốc nội: đình chỉ cuốn tiểu thuyết Đại gia của nhà văn Thiên Sơn, người cùng quê hương với cuộc cách mạng Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Trí óc ông cứ trở đi trở lại với những nghịch lý trớ trêu ấy. Thực ra nó là cả một mâu thuẫn lớn trong tâm hồn. Nó là những mặt đối lập trong suốt cuộc đời ông, nó biến ông thành một kẻ dối trá. Nó khiến ông trở thành một con người hành động không nhất quán. Tóm lại, ông là một cõi chiến trường, là nơi giằng xé của những điều không thể dung hoà được…” – như một trích đoạn thấm đẫm uẩn ức trong Đại gia.

Nhân vật dối trá được gọi bằng “ông” như thế đã mòn rệu dối lừa từ gần hai chục năm qua, nếu lấy mốc thời điểm của cuốn tiểu thuyết tiền đề Cõi người rung chuông tận thế của Hồ Anh Thái vào 1996. Vào những năm sau thời kỳ Mở cửa, giới quan chức nhà nước đã được cây bút sắc sảo như Hồ Anh Thái đặc tả bằng bút pháp trào lộng, châm biếm và sâu cay của một văn sĩ Bắc Hà, tạo nên một ấn tượng không thể phai tàn trong đầu óc phản tỉnh của người dân Hà thành.

Nội dung bộ tiểu thuyết miêu tả những mối ‘quan hệ’ làm ăn kiểu xã hội đen của một số tập đoàn kinh tế với các quan chức cấp cao của nhà nước và những thủ đoạn, mánh khóe trong công tác tổ chức cán bộ. Cùng với đó là sự tha hóa, biến chất, tham ô, tham nhũng của bộ máy quan chức các cấp từ Trung ương đến địa phương. Qua tác phẩm, người đọc thấy một “tam giác ngầm” mà ở đó, quyền lực, tiền bạc và gái gú câu kết với nhau để bòn rút của cải xã hội, làm mục rỗng đạo đức xã hội” – như văn phong chỉ đạo của một quan chức có tên là Chu Văn Hòa, Cục Xuất bản trong công văn vào tháng “cô hồn” năm 2013 gửi đến nhà xuất bản Lao Động và Alpha Books, đề nghị hai đơn vị này “đình chỉ phát hành để tổ chức thẩm định nội dung bộ tiểu thuyết Đại gia”.

Vậy nội dung của Đại gia có gì đáng bàn?

Theo lược tả của trang mạng Bauxite Vietnam, Quỳnh là một cô gái có sắc đẹp tuyệt trần, nhưng sau những biến cố đau đớn của cuộc đời, cô trở thành một gái gọi cao cấp chuyên phục vụ giới đại gia. Cô được Tấn Đạt, Tổng giám đốc của tập đoàn Đại Á, giới thiệu cho Lê Đức, một "con voi" của nền chính trị Việt Nam. Đó là chiêu của Tấn Đạt nhằm lấy lòng Lê Đức để được phép triển khai dự án Hà Vọng và toàn quyền chiếm Đại Á, đánh bật Lê Vượng vốn là Chủ tịch Hội đồng quản trị của tập đoàn này. Từ đó, hàng loạt những kịch tính nổ ra: Lê Đức đắm chìm trong tình yêu với Quỳnh, cuộc đối đầu giữa Lê Vượng và Tấn Đạt, những phe phái đối lập tìm cách hạ bệ và tiêu diệt nhau…

Cuốn tiểu thuyết khép lại trong nỗi nhức nhối về sự thống trị đen tối của quyền lực và tiền bạc, sự băng hoại đạo đức xã hội, sự chết dần của những giá trị tốt đẹp vốn cứu rỗi cho đời sống con người.

Trước sự kiện cấm đoán Đại gia chỉ một tháng, giới tuyên giáo Việt Nam đã tìm cách ngăn chặn sự phá cách chính trị của “những kẻ muốn nổi loạn” như nhóm Mở miệng.

Mở miệng

Cuối cùng, sau nhiều năm khép miệng u uất, đã có một ít người trong giới nhà văn Việt Nam như Thiên Sơn dám bộc lộ tấm chân tình mà bị Bộ Thông tin – Truyền thông xem là hư cấu: “Tôi đã viết cuốn sách này bằng tất cả khao khát chỉ ra cái hiện thực hiểm nghèo, vạch trần nguồn gốc sâu xa luôn bị che đậy và cảnh báo những điều nguy hiểm đang đến với xã hội và số phận mỗi con người. Để rồi cuối cùng, chúng ta hiểu ra những vận động sai lạc, lệch hướng đã đưa con người đến đau khổ như thế nào. Mong muốn lớn nhất của tôi là cuốn sách sẽ được bạn đọc thấu hiểu, sẻ chia và chúng ta sẽ cùng nhau đi đến nhận thức cũng như hành động chung nhằm mang lại những gì tươi sáng hơn cho tương lai.

Nhưng não trạng không thay đổi suốt gần bốn chục năm qua của Cục Xuất bản vẫn là “Việc phản ánh hiện thực xã hội và đề cập đến một số vấn đề ‘nhạy cảm’ hiện nay với tính chất cường điệu quá mức, cùng với những nhận định, đánh giả chủ quan, một chiều của tác giả sẽ ảnh hưởng không tốt cho bạn đọc và gây bất lợi cho xã hội”.

Song ở một chiều kích gần như đối lập về thế giới quan và khi viết lời giới thiệu cho cuốn tiểu thuyết Đại gia, nhà văn Võ Thị Hảo lại bày tỏ chính kiến: “Tác giả đã đau đớn để nhận biết, để đồng hành, để cập nhật với nỗi đau của những phận người đông đảo mà bé nhỏ, bị bóp nghẹt trong thế giới của quyền lực đen. Một khát vọng cháy bỏng muốn hành động để sự  méo mó, ung hoại này được cắt bỏ và những vết thương lành lại”.

Nhà văn Võ Thị Hảo cũng đau đớn không kém nỗi lòng tác giả của Đại gia mà đã trở thành cơn ung thư ác tính và gây hoại tử một phần lớn cơ thể văn hóa của dân tộc. Quả vậy, so với thời Cõi người rung chuông tận thế của nhà văn Hồ Anh Thái, khi hố phân hóa giàu nghèo trong xã hội đã được thống kê độc lập dày hơn ba chục lần giữa 5% số người có thu nhập cao nhất với 5% những người có thu nhập thấp nhất, tình cảnh bất bình đẳng xã hội Việt Nam hiện thời có lẽ không kém thua tỷ số 67 lần mà nhà phản biện độc lập Vuơng Tiểu Lỗ đã chỉ ra về một xã hội Trung Hoa quay quắt vì nạn hối lộ và đàng điếm.

Điều được nhà cách mạng lão thành Lê Hiền Đức ở Hà Nội đặc tả là “sự phản bội toàn diện” cũng là những ung hoại chí tử của chế độ: chưa bao giờ từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay, xã hội Việt Nam lại rơi vào thảm cảnh băng hoại toàn phần như ngày nay, từ kinh tế đến giáo dục và văn hóa, từ sự thống trị tàn bạo của các nhóm lợi ích, nhóm thân hữu đến nạn tham nhũng và cơ chế tài phiệt hiện thân cho một thứ “chủ nghĩa tư bản dã man” lần đầu tiên tồn tại trong lịch sử Đảng Cộng sản ở Việt Nam, báo trước sự cáo chung trong một tương lai không  xa.

Bằng chứng

Đứng bên lề một xã hội Việt Nam ngồn ngộn bất công cùng điều mà dân gian gọi là “không gian chật hẹp cho loài cừu”, vài ba sáng tác mà các nhà văn như Hồ Anh Thái, Võ Thị Hảo, Thiên Sơn… cố gắng để lột tả bộ mặt thật của chính giới thật ra chỉ là vài bước chân chập chững của văn học Việt trong cơn động kinh chưa có lối hồi của cơn lốc hoại tử. Từ nhiều năm qua, một ít tác phẩm hiện thực phê phán đã không làm nổi một nét chấm phá đủ ấn tượng trên bức tranh xã hội nhung nhúc quan tham.

Điều đau đớn tối thiểu phải thừa nhận là văn học đã bị hiện thực cuộc sống bỏ lại quá xa, còn Hội nhà văn Việt Nam và những cơ quan định hướng cùng quản lý xuất bản vẫn còn lâu mới chạm vào được gót chân của nền văn học nước nhà.

Hư cấu là công việc của nhà văn và đối với văn chương, việc hư cấu là không giới hạn. Tác phẩm của tôi có đề cập những đề tài nóng của xã hội: vấn đề tham nhũng, quyền lực ngầm... nhưng trong công cuộc chống tham nhũng của cả xã hội hiện tại thì đó là vấn đề thức thời, hợp lý và không có gì sai trái” – nhà văn Thiên Sơn trần thuật sau vụ việc cuốn tiểu thuyết Đại gia bị đình chỉ phát hành.

Thủ pháp của văn học là hư cấu, nhưng trong một nền chính trị độc trị và đặc lợi thì thủ đoạn mới là sự biểu trưng cho hình ảnh hư cấu nổi trội nhất. Rõ như đêm giữa ban ngày, quyền lực cùng tiền bạc và gái gú đang làm nên công trạng hư cấu toàn bộ gương mặt xã hội thời nay.

Sứ mệnh của văn học là cải tạo hiện thực, nhưng hiện thực do các nhóm lợi ích kinh tế và chính trị gây ra lại quá đủ để làm nên một thể chế máng xối cho “đàn cừu văn chương”.

Không những không giao cảm với hơi thở văn học thời đại, việc cấm đoán những tác phẩm đầy chất hiện thực như Đại gia phải chăng một lần nữa, sau quá nhiều “định hướng” của Ban tuyên giáo trung ương đối với tiếng nói phản biện của báo chí về hiện tồn đầy khắc khoải của đất nước, đã trưng thêm một bằng chứng về sự can thiệp bất chấp nghệ thuật và bỏ mặc dân sinh của nhóm lợi ích “còn đảng còn mình”?

P.C.D.

Nguồn: voatiengviet.com

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn