Thương lượng sự Thay đổi Cơ bản: Hiểu và Mở rộng các Bài học của các cuộc Đàm phán Bàn Tròn Ba Lan (Kỳ 2)

(Negotiating Radical Change: Understanding and Extending the Lessons of the Polish Round Table Talks)

Dịch giả: Nguyễn Quang A

LỜI TRI ÂN

Việc chuẩn bị học liệu hướng dẫn này được tài trợ một phần bởi một khoản tài trợ từ Viện Hòa Bình Hoa Kỳ (the United States Institute of Peace). Chúng tôi muốn cảm ơn Janine Holc và Myron Levine vì các bình luận của họ về một bản thảo sớm hơn. Chúng tôi cũng biết ơn các nhân viên sau đây của Trung tâm Nghiên cứu Nga và Đông Âu của Đại học Michigan vì sự giúp đỡ của họ trong các pha khác nhau của dự án này: Kasia Kietlinska, Libby Larsen, Chandra Luczak, Sylvia Meloche, Roberta Nerison-Low, và Marysia Ostafin. Không ai trong các tổ chức hoặc các cá nhân này phải chịu trách nhiệm về các ý kiến được bày tỏ ở đây.

LỜI NÓI ĐẦU

Khó để biết câu chuyện về Bàn Tròn Ba Lan năm 1989 bắt đầu khi nào. Một số người khiến chúng ta bắt đầu quay lại sớm đến 1795, khi Ba Lan bị các láng giềng hùng mạnh hơn của nó, Nga, Phổ, và Áo, chia ra. Trong 123 năm tiếp theo đã không có Ba Lan độc lập nào trên bản đồ, và cuộc nổi dậy của nước này trong năm 1918 đã tỏ ra là một việc ngắn ngủi đau đớn. Nước Đức Nazi và Liên Xô đã lại chiếm đóng nước này trong năm 1939, và sau Chiến tranh Thế giới II Ba Lan, cùng phần còn lại của Đông Âu, đã tham gia vào khối Soviet, tự trị trên danh nghĩa nhưng lệ thuộc vào Moscow một cách không thể chối cãi được. Trong nhiều năm đen tối này, ý thức dân tộc Ba Lan đã vẫn mạnh, chủ yếu (nghe nói) nhờ vào sự lãnh đạo không nao núng của Giáo hội Công giáo. Việc bầu Karol Wojtyła trong năm 1978 làm Giáo hoàng John Paul II đã bắt đầu một quá trình mà cuối cùng đã dẫn đến sự lật đổ chế độ cộng sản vào năm 1989, và khôi phục lại nền độc lập của Ba Lan.

Đó là một cách – cách được ưa chuộng giữa những người bảo thủ và dân tộc chủ nghĩa – để kể câu chuyện, nhưng có nhiều chuyện kể thay thế khác. Một câu chuyện khác bắt đầu trong năm 1945, với sự giải phóng Ba Lan khỏi sự cai trị Nazi và sự khởi đầu của một chế độ mới. Hệ thống xã hội cũ, bất công, mà đã được đặc trưng bởi khoảng cách khổng lồ giữa một elite hẹp, sở hữu đất và một giai cấp nông dân bị bần cùng hóa đến tuyệt vọng, cuối cùng đã bị lật đổ. Tương lai mới, táo bạo, được cách mạng xã hội chủ nghĩa hứa hẹn, tuy vậy, đã nhanh chóng trở nên chua lòm, vì chủ nghĩa độc đoán áp bức của chủ nghĩa cộng sản kiểu Soviet đã làm hư hỏng mọi khát vọng của các năm đầu sau chiến tranh. Cái chết của Stalin trong năm 1953 và sự xuống thế của những kẻ tôi tớ Ba Lan của ông ta trong năm 1956 đã dẫn đến những hy vọng mới, nhưng cả những hy vọng này cũng nhanh chóng bị tan vỡ. Vào đầu các năm 1970, những hành động bạo lực, lặp đi lặp lại, do nhà nước bảo trợ và sự không hiệu quả kinh tế ngày càng trầm trọng của chế độ đã giúp làm tăng cả một cộng đồng bất đồng chính kiến lớn tiếng lẫn một phong trào lao động mới sinh. Mặt trận thống nhất đối lập này đã bùng nổ trong năm 1980 với sự ra đời của Đoàn kết, một nghiệp đoàn lao động độc lập với số thành viên lên đến mười triệu người. Thiết quân luật được ban bố vào năm 1981 trong một nỗ lực để dập tắt sự biểu lộ phản kháng này, nhưng Đoàn kết đã vừa kịp rút vào bí mật. Cuối cùng, trong năm 1989, chế độ đã buộc phải tham gia các cuộc thương thuyết với phe đối lập, và vết nứt đáng kể đầu tiên trong bức màn sắt đã xuất hiện.

Và còn có cách thứ ba để kể câu chuyện của chúng ta. Cách này nêu ra một tiến độ sít sao hơn, bắt đầu lúc nào đó trong cuối các năm 1960 hay đầu các năm 1970. Lúc đó đã hiển nhiên rằng hệ thống cộng sản đã không thể duy trì sự tăng trưởng năng động của các thập niên đầu của nó, và rằng những sự phi hiệu quả và vô lý của nền kinh tế kế hoạch hóa đã khiến Ba Lan (và phần còn lại của khối) tụt hậu xa sau Phương Tây. Trong con mắt của các nhà kinh tế học, cả ở bên trong bộ máy cộng sản lẫn tại các Đại học Mỹ, hai vấn đề cơ bản đã gây tai họa cho đất nước: 1) khoảng cách ngày càng gia tăng giữa giá cả và chi phí sản xuất, dẫn đến sự tiêu dùng quá mức và cán cân thương mại tai hại; và 2) những sự phi hiệu quả hiển nhiên trong sản xuất đã dẫn đến lãng phí các nguồn lực khan hiếm. Các nhà kinh tế học và các nhà lãnh đạo chính trị đã thử giải quyết các mối lo này, nhưng bất cứ một nỗ lực nào để đóng cửa một nhà máy không hiệu quả đều đã bị cản bởi nhóm lợi ích đã cắm rễ sâu nào đó, và mọi nỗ lực để tăng giá nội địa đã đều vấp phải tình trạng náo động xã hội. Sự bế tắc đã trở nên hiển nhiên trong năm 1987, khi một cuộc trưng cầu dân ý về cải cách kinh tế đã thất bại hoàn toàn. Lựa chọn duy nhất sau việc này đã là chuyển quyền ban hành các luật về cải cách cần thiết cho một chính phủ mà có được tính chính đáng hợp lòng dân – cái gì đó mà những người cộng sản đã không có trong các năm 1980. Việc này đã được thực hiện trong năm 1989, khi các cuộc đàm phán Bàn Tròn đã tạo thuận lợi cho sự lên nắm quyền của một ban lãnh đạo mới có gốc rễ trong phong trào Đoàn kết. Chế độ mới này đã ban hành ngay cái được gọi là gói “liệu pháp sốc,” một bước nhảy phi thường hướng tới nền kinh tế thị trường tự do, phóng khoáng (liberal).

Ba câu chuyện này không vét cạn các câu chuyện khả dĩ của lịch sử hiện đại của Ba Lan, chúng cũng không chứa đựng nhiều sắc thái (nuance) mà đã có thể được trau chuốt bên trong mỗi câu chuyện. Tuy vậy, hầu hết những người Ba Lan sẽ tìm thấy các nét phác họa chung của phiên bản ưa chuộng của họ về lịch sử theo một trong ba cách được nêu ở đoạn trên. Một trong những yếu tố nổi bật nhất của các câu chuyện này là, chúng đều lên đỉnh điểm với các sự kiện của năm 1989: các cuộc Đàm phán Bàn Tròn, các cuộc bầu cử một phần tự do tiếp sau đó, và sự lựa chọn vị thủ tướng không cộng sản đầu tiên của Ba Lan từ Chiến tranh Thế giới II. Có nhiều cách để đánh giá năm 1989, nhưng không thể phủ nhận rằng nó đã là một trong những thời kỳ quan trọng nhất trong lịch sử Ba Lan hiện đại. Không quan trọng bạn sắp xếp quá khứ gần đây của Ba Lan thế nào, tất cả các con đường đều phải qua Bàn Tròn.

Vào giữa các năm 1980, đã là rõ đối với hầu như mọi người ở Ba Lan rằng không thể giữ nguyên hiện trạng. Đoàn kết đã chết – hoặc đã có vẻ thế – nhưng tính chính đáng của chế độ đã chết theo nó. Quay lại các năm 1980 và 1981 đất nước đã bị lung lay đến tận nền móng bởi sự nổi lên của phong trào quần chúng lớn nhất mà khối cộng sản đã từng thấy. Đoàn kết đã có nhiều gốc rễ: trong sự bất đồng chính kiến trí thức của các năm 1960 và 1970, trong một phong trào lao động chống cộng sản mà đã đang sôi bên dưới bề mặt của Cộng hòa Nhân dân Ba Lan, và trong Giáo hội Công giáo. Hiện tượng mà chúng ta gọi là Đoàn kết không thể được xác định hay thậm chí mô tả một cách dễ dàng, bởi vì nó đã bao gồm tất cả các tiếng nói phản đối chống lại chế độ cộng sản – và vào năm 1980 những tiếng nói đó đã bốc lên thành một tiếng gầm chối tai. Tiếng gầm đó đã bị làm cho câm lặng bởi sự đàn áp quân sự không thương xót trong năm 1981, nhưng bạo lực đã không thể giải quyết các vấn đề mà đã gây ra nhiều rối loạn đến vậy trước hết. Tướng Wojciech Jaruzelski, nhà lãnh đạo của Ba Lan trong các năm 1980 và người chỉ huy đằng sau vụ đàn áp Đoàn kết, đã muốn tìm ra con đường để thuần hóa sự giận dữ phổ biến đó chống lại chế độ cộng sản và hướng nó theo loại cải cách khiêm tốn nào đấy, trong khi trấn an Moscow rằng đã chẳng có gì sai cả. Nhiệm vụ sau đã trở nên dễ hơn với sự nổi lên của Mikhail Gorbachev như lãnh đạo của Liên Xô, nhưng nhiệm vụ trước vẫn còn hắc búa – và vào giữa các năm 1980 Jaruzelski đã biết điều đó. Sau việc áp đặt sự cai trị quân sự, không ai còn tin vào khẩu hiệu “nhà nước của những người lao động” nữa, và đã chẳng có ai mó tay vào để giúp xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn dưới sự lãnh đạo của Jaruzelski. Nền kinh tế đã chìm vào bãi lầy của các hàng dài xếp hàng mua bánh mỳ, của sự phân phối theo khẩu phần, các cửa hàng nửa trống không, và dân cư đã trở nên tuyệt vọng và thờ ơ hơn bao giờ hết. “Di tản” đã trở thành khẩu hiệu của thập kỷ, hoặc theo nghĩa đen (khi các hàng ngày càng dài hơn ở bên ngoài đại sứ quán Mỹ), hoặc theo nghĩa bóng (dưới dạng “di tản nội bộ,” khi người dân đã rút lui vào cuộc sống riêng tư của họ và đã cố để bòn rút bất cứ thứ gì họ đã có thể bòn rút từ chế độ kinh tế-xã hội đang suy tàn).

Trong môi trường này, phe đối lập đã đối mặt với nhiều rào cản. Sự giận dữ của năm 1980 đã biến thành nỗi tuyệt vọng vô liêm sỷ của năm 1985. Các nhà lãnh đạo ngầm của Đoàn kết đã thấy ngày càng khó đối với bất kể loại phản đối có tổ chức nào chống lại bất cứ thứ gì. Điều này một phần đã là sản phẩm của sự sợ hãi, nhưng có lẽ thậm chí còn quan trọng hơn đã là cảm nhận rằng Đoàn kết đã có thời khắc cơ hội của nó, và đã thất bại để tận dụng. Lech Wałęsa, nhà lãnh đạo được biết đến rộng rãi của phe đối lập, đã còn giữ được mức độ nào đó của sự tôn trọng, nhưng điều này hiếm khi đã được chuyển thành một sự sốt sắng để bày tỏ hoặc tấn công chống lại chế độ. Hàng triệu người đã tụ tập đón Giáo hoàng trong năm 1983 và 1987, nhưng nội dung chính trị của các sự kiện này nhiều nhất đã là mơ hồ. Trong mọi trường hợp, Wałęsa và các lãnh đạo khác của phong trào đã không chắc chắn về họ đã có thể làm gì khi đối mặt với lực lượng vũ trang. Mặc dù các nhóm sinh viên và các cụm nhỏ của các nhà hoạt động chính trị đã tiếp tục chơi trò mèo-và-chuột với cảnh sát an ninh, vào năm 1986 hay 1987 đã là rõ đối với hầu hết các nhà quan sát rằng đã đạt đến một sự bế tắc.

Như thế đã xuất hiện sự thôi thúc cho việc thương lượng. Những người thăm dò sớm từ cả chế độ Jaruzelski lẫn ban lãnh đạo Đoàn kết đã được cử đi một cách thầm lặng vào cuối 1987 và đầu 1988, nhưng một nhận thức mới về sự khẩn cấp đã đến, khi các cuộc đình công liều lĩnh đã nổ ra trong tháng Năm, 1988. Những cuộc đình công này đã không được nhóm cố vấn của Wałęsa lên kế hoạch, những người đã xem các cuộc đình công như những tiếng gào ngẫu nhiên của sự thất vọng hơn là những sự biểu lộ hữu ích của sự phản kháng. Các nhà tổ chức địa phương của các cuộc đình công, đến lượt, đã coi ban lãnh đạo Đoàn kết như quá thận trọng, và có lẽ không có năng lực để giải quyết cuộc khủng hoảng đang khoét sâu mà Ba Lan đối mặt. Những người đình công đã có xu hướng là những người trẻ, và nhiều nhà quan sát đã lưu ý rằng một thế hệ mới đang xuất hiện – thế hệ từ chối đi theo các anh hùng của năm 1980 một cách mù quáng. Những vết nứt ở bên trong phe đối lập đã đang trở nên rõ ràng rồi, mặc dù các vấn đề trọng yếu đằng sau những sự rạn nứt này đã vẫn khó hiểu.

Chế độ đã đè bẹp các cuộc đình công tháng Năm 1988, nhưng tình tiết chỉ đã làm nổi bật sự thực rằng Ba Lan đang trở thành một mồi dễ bắt lửa. Một làn sóng đình công khác trong tháng Tám đã tạo ra cú đẩy đuối cùng, dẫn đến một loạt các cuộc gặp giữa Lech Wałęsa và Tướng Czesław Kiszczak, Bộ trưởng Bộ Nội Vụ và một phụ tá thân cận của Jaruzelski. Các cuộc đàm phán trù bị này, đến lượt, đã dẫn đến việc chính thức triệu tập các cuộc Đàm phán Bàn Tròn vào tháng Hai năm 1989. Đoàn kết đã tham gia các cuộc đàm phán này với một đòi hỏi không thể lay chuyển được: tái hợp pháp hóa. Trước sự ngạc nhiên của họ, chính phủ đã công nhận điều này hầu như ngay lập tức, và các cuộc đàm phán đã mau chóng lấy được đà của chính chúng. Các nhà đàm phán của Jaruzelski đã thăm dò cách để đưa Đoàn kết vào trong hệ thống, với hy vọng rằng làm như vậy sẽ mang lại cho hệ thống tính chính đáng nào đó và chấm dứt sự bế tắc xã hội và chính trị. Nhóm Đoàn kết đã ý thức kỹ về mối nguy hiểm của việc thâu nạp, và đã cố gắng bảo đảm rằng các cuộc đàm phán sẽ dẫn đến những thay đổi thực, trọng yếu trong chế độ chính trị. Sau phiên khai mạc theo nghi thức mà tại đó tất cả các đại biểu hàng đầu đã ngồi quanh chiếc bàn tròn, các cuộc đàm phán đã được phân ra thành một loạt các “bàn nhỏ” tập trung vào các nghiệp đoàn, báo chí, các định chế chính trị, thanh niên, các khu vực khác nhau của nền kinh tế, và hơn nữa. Trong lúc đó, những tiếng nói phản đối các cuộc đàm phán đã bắt đầu được cất lên. Những biểu ngữ tuyên bố, “Đàm phán Với bọn Cộng là sự Phản bội,” đã được căng lên ở bên ngoài tòa nhà nơi các cuộc đàm phán được tiến hành. Âm thầm hơn, Jaruzelski và những người ủng hộ ông đã cảm thấy áp lực từ các đảng viên đảng cộng sản những người đã sợ rằng sự nắm giữ quyền lực của họ sắp bị tổn hại.

Bất chấp những tiếng nói bất đồng này, các Thỏa thuận Bàn Tròn đã được ký vào tháng Tư 1989. Đoàn kết đã được hợp pháp hóa lại; các cuộc bầu cử tự do một phần đã được hứa tổ chức vào tháng Sáu; quyền tự do ngôn luận và hội họp được tuyên bố. Công thức cho các cuộc bầu cử sắp tới đã phức tạp: hai phần ba số ghế trong quốc hội được dành cho những người cộng sản và các đồng minh của họ (đã luôn tồn tại một nhúm đảng bù nhìn dễ bảo, được thiết kế để tạo ra một bề ngoài của chủ nghĩa đa nguyên), nhưng để bù lại, thượng viện được lập mới, thượng nghị viện, đã được mở hoàn toàn cho bầu cử tự do. Ít người đã kỳ vọng Đoàn kết đạt kết quả tốt trong các cuộc bầu cử này. Vừa mới được tái hợp pháp hóa và vẫn thiếu bất cứ loại bộ máy chính trị nào, phong trào đã phải tổ chức một chiến dịch toàn quốc hầu như trong chốc lát. Nhưng khi bỏ phiếu được tiến hành trong tháng Sáu, điều không thể đã diễn ra: Đoàn kết đã thắng tất cả trừ một ghế thượng nghị sỹ, và tất cả các ghế hạ viện mà đã để ngỏ cho việc tranh đua. Nhiều người Ba Lan ngày nay chỉ ra các cuộc bầu cử – chứ không phải các cuộc đàm phán Bàn Tròn – như thời điểm thực khi chế độ cộng sản sụp đổ ở Ba Lan. Tuy vậy, vở kịch đã có một hồi khác. Sự thất bại của những người cộng sản đã không thể phủ nhận, nhưng về mặt kỹ thuật họ vẫn đã có đủ ghế để cai trị (nhờ các điều khoản của các Thỏa thuận Bàn Tròn). Chỉ sau một quá trình tìm kiếm người dài dòng bởi cả các đại biểu Đoàn kết và những người ủng hộ Jaruzelski thì một thỏa hiệp cuối cùng mới đã nổi lên: vị Tướng trở thành Tổng thống Ba Lan (một chức mới mà Bàn Tròn đã tạo ra chỉ cho ông ta), và Tadeusz Mazowiecki, một trí thức Công giáo xuất sắc, trở thành Thủ tướng.

Đây là một câu chuyện kịch tính với kết thúc có hậu. Nhưng ngay lập tức, các sự kiện thế giới đã làm lu mờ các thành tựu của Ba Lan. Trước khi hết năm 1989, những người cộng sản đã xuống thế (với ít sự mập mờ hơn nhiều) ở mọi nước Đông Âu khác, và việc mở bức Tường Berlin vào ngày 9 tháng Mười Một đã hằn sâu trong ký ức của tất cả mọi người, những người đã sống qua các tháng không thể tin được đó. Ba Lan đã bị bỏ lại với một thỏa hiệp mà đã có vẻ hoàn toàn không cần thiết, và nhiều người Ba Lan đã cảm thấy rằng cuộc cách mạng của họ đã chưa xong, chưa hoàn thành. Có lẽ tồi tệ nhất, họ đã không có bất cứ thời khắc gợi nhớ nào để kỷ niệm. Những người Czech đã có các cuộc biểu tình tại Quảng trường Wenceslas ở Prague, những người Đức đã có bức Tường, và thậm chí những người Rumani đã có việc hành quyết Ceauşescu. Tất cả cái mà những người Ba Lan đã có được là một cái bàn lớn, với những người ngồi quanh hóa ra là elite mới của đất nước. Mặt khác, toàn bộ quá trình đã hoàn toàn yên bình – và điều đó đã chẳng đáng giá gì sao? Chẳng phải đã quan trọng rằng những người Ba Lan đã đi tiên phong thoát khỏi thời đại cộng sản? “Cuộc cách mạng được thương lượng” đã có là một bước cần thiết trên con đường đến sự giải phóng, hay là một thỏa hiệp tai hại mà đã cho phép những người cộng sản vẫn giữ một vai trò nổi bật trong đời sống chính trị Ba Lan? Có lẽ cơ bản nhất, toàn bộ quá trình thay đổi hòa bình đã có dẫn đến một Ba Lan tốt đẹp hơn? Đây là những câu hỏi giữa nhiều câu hỏi về Bàn Tròn mà vẫn được tranh luận ngày nay.

Dịch giả Nguyễn Quang A gửi trực tiếp cho BVN

Bàn Tròn Ba Lan (Kỳ 2)

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn