Làm sao cho mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc tránh bùng nổ

James B. Steinberg & Michael O'Hanlon, foreignaffairs.com

Đỗ Kim Thêm dịch

Trong phiên họp thượng đỉnh tại California vào tháng sáu vừa qua, Tổng thống Hoa Kỳ Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cùng tự kết ước sẽ tạo niềm tin giữa hai nuớc. Từ đó, những diễn đàn thông tin chính thức được mở ra (thí dụ như gần đây hai vị Bộ trưởng Quốc phòng của hai nước thông báo hoạt động của diễn đàn đối thoại về các vấn đề quân sự) nhằm bổ sung cho các diễn đàn đang có như Diễn Đàn Đối Thoại Chiến Lược và Kinh Tế (gồm có các nhà ngoại giao cao cấp và giới chức kinh tế). Nhưng dù với những nỗ lực này, sự tín nhiệm giữa hai thủ đô – và giữa hai quốc gia nói chung – vẫn còn quá ít, và khả năng xung đột giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc do tình cờ hay ngay cả do chủ tâm dường như đang gia tăng. Trước những phí tổn tiềm tàng lớn lao của tranh chấp mà cả hai phiá sẽ phải gánh chịu, cả hai đang hình dung làm sao tránh được vấn đề, đây là một trong những thách thức quan trọng nhất cho thời gian sắp đến.

Những yếu tố đang làm suy giảm niềm tin là chuyện dễ xác định. Bối cảnh an ninh và kinh tế của Đông Á đang thay đổi toàn diện, mà chủ yếu là bắt nguồn từ sự trỗi dậy đáng kể về kinh tế của Trung Quốc trong những thập niên vừa qua. Bù lại, phép lạ kinh tế cho phép Trung Quốc tăng khả năng quân sự và thăng tiến trong vai trò chính trị trong và ngoài khu vực. Giới lãnh đạo và những nhà chiến lược lừng danh của Trung Quốc cố nỗ lực để xác quyết rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ là an hoà và không tạo đe doạ cho các lân quốc hay trật tự kinh tế và chinh trị thế giới đang hiện hữu. Nhưng một vài thành viên của cộng đồng thế giới vẫn còn quan ngại và ngay cả nghi ngờ khi họ ghi nhận rằng lịch sử và lý thuyết trong quan hệ quốc tế đã có nhiều thí dụ dẫn chứng về tranh chấp bất nguồn từ xung đột giữa các nước đang trỗi dậy và đang chiếm ưu thế.

Hơn thế, những hành động gần đây của Trung Quốc gây nhiều nghi ngờ hơn, khi Trung Quốc có những cuộc hải tập đầy kiên quyết trên biển Hoa Đông và Biển Đông và những hành vi tuyên bố đơn phương “xác định bảo vệ vùng không phận” chung quanh Đảo Điếu Ngư (mà người Nhật gọi là Đảo Senkaku) trong vùng Hoa Đông. Những nhà hoạch định quân sự của Hoa Kỳ lo âu hơn về lộ trình hiện đại hoá quân sự của Trung Quốc và về sách lược chống thâm nhập và loại trừ khu vực (anti-access/area-denial, A2/AD), mà họ xem nỗ lực của Trung Quốc là che đậy quá vụng về vì cốt làm suy yếu khả năng của Hoa Kỳ trong việc bảo vệ quyền lợi và hỗ trợ các kết ước với đồng minh trong vùng Tây Thái Bình Dương.

Cùng thời điểm này, các cộng sự viên của Obama đang tận lực cổ vũ cho sự chuyển hướng chiến lược, “chuyển trục” hay “tái quân bình” hướng về châu Á. Chính quyền Hoa Kỳ xác quyết là động lực này nhằm gia tăng ổn định khu vực, đem lợi ích cho tất cả, hơn là ngăn chận hay đe doạ Trung Quốc. Nhưng chỉ có một thiểu số người Trung Quốc, đặc biệt là các giới chức thuộc lĩnh vực quân sự và an ninh quốc gia, tin như vậy. Họ cũng đọc lịch sử và lý thuyết về quan hệ quốc tế và kết luận rằng Hoa Kỳ cũng giống như những cường quốc khác trước đó, nhất quyết duy trì bá quyền, loại bỏ sự trỗi dậy và làm cho Trung Quốc có thể bị tổn thương. Để minh chứng hung đồ của Hoa Kỳ, họ chỉ ra rằng những khả năng của Hoa Kỳ tăng lên, thí dụ như mở rộng phòng vệ nguyên tử trong khu vực, những thoả ước mới hay bổ sung việc thiết lập căn cứ tại Úc, Guam hay Singapore, những thao diễn quân sự gần đây và chuyến bay thám thính kề cận lãnh thổ Trung Quốc, cũng như lập trường kiên quyết của những liên minh an ninh trong thời Chiến Tranh Lạnh. Họ quả quyết khái niệm quân sự của Hoa Kỳ về trận tuyến phối hợp không và hải quân đang hình thành có một biện minh khả chấp, đó là muốn cưỡng chế Trung Quốc với đe doạ sẽ ngăn chận trận tấn công phủ đầu.

Trước cảnh bất trắc xoay quanh tương lai của nền an ninh châu Á, những hành động của mỗi phe có thể được hiểu và xem như hợp pháp khi có những biện pháp ngăn chận khả năng thù nghịch hay xâm lăng trong tương lai của đối phương. Nhưng điều này chỉ đúng trong một lối suy nghĩ thuần lý ngắn hạn, có thể làm phát sinh vòng lẩn quẩn trong trường kỳ, gây sự bất tín trầm trọng và dẫn đến xung đột trong tương lai do cách tiên tri của mình. Đó chính là lý do tại sao cần phải chủ yếu tìm cách để vượt qua hay giảm thiểu tình huống khó xử về mặt an ninh.

Một cách ngăn chận những xung đột không cần thiết là giảm bớt vai trò hung hãn do những nhận thức sai lạc gây ra. Việc này có thể biểu hiện từ hai chiều hướng hoàn toàn đối nghịch: một là khi cảm nhận bị đe doạ mà không ai có chủ định gây ra và hai là khi không tin ý định của đối phương chỉ lo bảo vệ quyền lợi. Điều này có nghiã là thách thức thực tế cho Washington và Bắc Kinh là xua tan những lo sợ sai lầm, trong khi duy trì ngăn chận bằng cách tạo ra những đe doạ khả tín mà họ nghiêm túc chủ mưu. Điều quý là lịch sử và lý thuyết có đề ra bốn phương tiện hữu dụng trong chiều hướng này: nguyên tắc kiềm chế, hỗ tương, minh bạch và lòng kiên quyết.

Kiềm chế là ý muốn từ bỏ mọi hành vi có thể làm tăng cường an ninh của phe mình nhưng sẽ thể hiện đe doạ cho phe khác. Hỗ tương là cách đáp ứng đúng theo cách hành động của đối phương – trong trường hợp này, kiềm chế được hiểu như là dấu hiệu của lòng tự chủ kiên trì (đúng hơn là yếu kém) và bị vấp phải một sự cạnh tranh hơn là tận dụng. Tính minh bạch giúp xoa dịu những lo sợ do những động thái tích cực có thể nhận ra được của đối phương mà ý định thù nghịch còn dấu kín. Và sự kiên quyết đem lại một khoảng cách an toàn làm khủng hoảng không leo thang và tạo dễ dàng cho từng phe khởi động việc kiềm chế, hỗ tương và minh bạch. Điều may mắn cho toàn thể chúng ta là hiện có đủ các loại biện pháp thực tiễn để Washington và Bắc Kinh có thể đảm nhận trong chính sách an ninh quốc gia hầu có thể đem những phương tiện làm tăng thêm tín nhiệm và giảm nguy cơ xung đột.

Tư duy theo truyền thống

Theo quan điểm của Washington, những ý định tương lai cuả Trung Quốc có nhiều bất trắc trầm trọng, nó bắt nguồn từ việc kinh phí quốc phòng gia tăng nhanh chóng và tiếp tục duy trì, cùng song hành với mức đầu tư quy mô cho vũ trang quy ước nhằm thách thức khả năng Hoa Kỳ. Theo những ước lượng phóng khoáng nhất về kinh phí quốc phòng hiện nay của Trung Quốc là gần khoảng 200 nghìn tỷ hàng năm hay 2% tổng thu nhập quốc gia, nhưng vẫn còn ít hơn so với 1/3 kinh phí của Hoa Kỳ (hiện nay chiếm khoảng 600 nghìn tỷ cho một năm, nghiã là vào khoảng 3,5% tổng thu nhập quốc gia), đây là một cách so sánh chính xác. Theo mức tăng trưởng hiện nay, ngân sách quốc phòng hằng năm của Bắc Kinh sẽ không bằng ngân sách quốc phòng của Washington cho đến khoảng năm 2030. Chính vì thế, Hoa Kỳ có thể dựa vào số lượng vũ khí hiện đại, phần lớn còn tồn kho, kinh nghiệm chiến đấu trong thời gian qua, kinh phí của các đồng minh và đối tác (hiện nay vào khoảng 400 nghìn tỷ một năm).

Nhưng nếu Trung Quốc muốn xoa dịu mối lo âu của quốc tế và chứng tỏ mục tiêu tự phòng vệ hợp pháp hơn là khả năng dự phóng quyền lợi ra hải ngoại và đe doạ kẻ khác, thì Trung Quốc cũng còn có nhiều biện pháp tích cực có thể thực hiện được. Đứng trước việc kinh phí Hoa Kỳ không phải chỉ dành cho châu Á mà toàn thế giới, một trường hợp có thể thuyết phục được là nếu Trung Quốc đảm nhiệm vai trò quốc phòng phù hợp khi chi xuất kinh phí khoảng phân nửa kinh phí của Hoa kỳ. Vì thế, bằng cách giảm mức tăng kinh phí quốc phòng trong những năm sắp đến, Trung Quốc có thể minh chứng ngắn gọn về mục tiêu tự phòng thủ hơn là cạnh tranh toàn diện. Trung Quốc có thể biểu hiện kiềm chế trong lúc tiếp thu những hệ thống vũ khí (thí dụ như đầu đạn nguyên tử viễn liên chống chiến hạm). Mục tiêu của loại vũ khí này, nếu trang bị với một số lượng lớn, dường như mâu thuẫn với kiên quyết hoan nghênh sự hiện diện quân đội của Hoa Kỳ tại vùng Tây Thái Bình Dương. Nói chung, Trung Quốc có thể làm minh bạch hơn về kinh phí quốc phòng và công chi và soi sáng hơn mục tiêu về sách lược A2/AD.

Bù lại, Hoa Kỳ có thể đề ra những biện pháp làm sáng tỏ là chương trình hiện đại hoá quân đội theo quy ước không nhằm mục tiêu đe doạ quyền lợi hợp pháp về an ninh của Trung Quốc. Ngân sách quốc phòng của Hoa Kỳ đang giảm sút là một biểu hiện kiềm chế như thế. Nhưng Washington cũng có thể làm nhiều việc hơn trong chiều hướng này, thí dụ như giải thích mục tiêu của khái niệm một loại trận chiến vừa không và hải quân, đổi tên khái niệm hành quân hỗn hợp không và hải quân, gồm cả những dịch vụ quân sự bên cạnh hải lực và không lực để chuyển hướng theo chính sách châu Á của Hoa Kỳ, và bổ sung một vài đặc điểm thiên về tấn công của sách lược phối hợp không và hải quân. Chiến lược này có vẻ đe doạ trực tiếp đến khả năng về chiến lược, kiểm soát và chỉ huy của Trung Quốc với những trận tấn công phủ đầu có thể xảy ra khi có xung đột. Để gây tín nhiệm trong việc bổ sung sách lược này, Hoa Kỳ có thể giới hạn việc trang bị thêm các nguyên tử có đầu đạn điều khiển chính xác từ xa và những loại bom chiến lược, vì nếu chỉ cần tiếp nhận một số lựợng vừa đủ, có thể xem như đe doạ sinh tử cho Trung Quốc. Khi huy động kết hợp các khả năng quy ước mà không đòi hỏi phải lệ thuộc nặng nề vào việc phải leo thang (bao gồm những căn cứ phòng chống hữu hiệu và có khả năng sinh tồn cao hơn khi gặp phải tấn công), Washington có thể xoa dịu cuộc chạy đua vũ trang giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ và làm giảm nguy cơ bộc phát tranh chấp ngay từ khởi thủy của cuộc khủng hoảng.

Từ chiến tranh trong không gian đến trên mạng

Những biện pháp xây dựng niềm tin biểu tượng nhất trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh là những thoả ước về kiểm soát vũ khí chiến lược, dù có nhiều vấn đề, nhưng cuối cùng cũng đã giúp cho Washington và Mạc Tư Khoa gia tăng ổn định trong thời khủng hoảng và giới hạn chạy đua vũ trang về vũ khí hạt nhân về tấn công hay tự vệ. Với nhiều lý do khác nhau, những hình thức thoả ước về kiểm soát vũ khí trong mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Liên Xô ít phù hợp cho mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ hiện nay, và trong một vài trường hợp, có thể chứng tỏ là phản tác dụng. Nói như thế có nghĩa là có những biện pháp trong vũ đài của các loại vũ khí không quy uớc có thể làm giảm nghi ngờ nhau và khả năng leo thang xung đột, hoặc do tình cờ hay quá sớm.

Một thí dụ là về chiến tranh không gian. Trước việc Hoa Kỳ lệ thuộc nặng nề về vệ tinh cho cả hai mục tiêu quốc phòng và dân dụng, những nhà hoạch định Trung Quốc đang công khai nghiên cứu cách làm dung hoà những ưu thế trong lĩnh vực không gian dành riêng cho những cuộc hành quân của Hoa Kỳ. Điều hiển nhiên là vì sự lệ thuộc này mà Hoa Kỳ bị áp lực buộc phải chống trả nhanh chóng, nếu như Hoa Kỳ tin là khả năng phòng thủ đang nguy cơ, bỏ ít thì giờ hơn dành cho việc điều tra hay ngoại vận hầu làm giảm khủng hoảng. Chính vì lý do này mà những biện pháp có thể làm gia tăng an ninh bảo vệ không gian của Washington là chuyện bắt buộc, và những biện pháp này cũng sẽ trở nên thu hút hơn đối với Bắc Kinh, khi làm gia tăng khả năng Bắc Kinh bảo vệ không gian qua thời gian. Giữ an ninh tuyệt đối cho không gian là chuyện không thể đảm bảo, vì mỗi vệ tinh dân dụng, khi có thể được điều động dễ dàng, có khả năng để phá hủy các vệ tinh khác. Khi chấp nhận những biện pháp như thoả thuận về những “khu vực không bị ảnh hưởng” quanh vệ tinh, việc đề ra những quy cách ứng xử có thể làm hợp pháp hoá việc sử dụng quân lực khi phải tự phòng vệ, không coi việc sử dụng này như khiêu khích. Trong hoàn cảnh này, kiên quyết cũng là quan trọng, khi Hoa Kỳ cũng cần dùng phần thặng dư trong hệ thống không gian và hàng không để bù đắp cho mức độ tổn thương nào đó mà họ không thể tránh được.

Một cách tương tự, Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể tương thuận theo một thoả ước, mà lý tưởng nhất là có quan hệ đến các quốc gia khác, cấm các vệ tinh đụng nhau hay bùng nổ có thể gây ra mảnh vụn trên một cao độ khoảng 1000 dặm trong không gian, khu vực mà các vệ tinh thường hoạt động thấp trong quỹ đạo của trái đất. Khi khu vực phủ đầy các mảnh vụn, nó sẽ làm cho các hoạt đông không gian trong tương lai nguy hiểm. Vì thế, các trắc nghiệm về các hệ thống phòng thủ nguyên tử xảy ra ở một cao độ sẽ thấp hơn. Một thoả ước như thế sẽ đem lợi cho các phe và ít gây thiệt hai. Cả hai phe cũng có thể thoả thuận không triển khai hay trắc nghiệm các loại vũ khí chống vệ tinh hoặc không điạ. Việc thử thách các ràng buộc tự nó không loại trừ tiềm năng cho các phòng chống, dĩ nhiên, nhưng biện pháp này có thể làm giảm tín nhiệm của từng phe đã có trong vấn đề này, cùng lúc khi cả hai có ý muốn đầu tư và dựa vào những hệ thống của hiệu năng mà nó có thể trở nên bất ổn.

Kiềm chế có thể giữ một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc gia tăng niềm tin thuộc lĩnh vực hạt nhân. Thí dụ như kiềm chế của Trung Quốc trong chừng mực thuộc phạm vi điều động hạt nhân gây được niềm tin là làm đúng theo đặc tính phòng vệ của sách lược hạt nhân. Cũng tương tự như vậy, kiềm chế của Hoa Kỳ trong việc điều động một số lớn vũ khí tên lửa ngăn chận có thể hoá giải khả năng báo thù của Trung Quốc, đem lại cho Hoa Kỳ một cảm tưởng yên tâm hơn về ý định phòng thủ. Ngay khi không có quy định thành văn bản, kiềm chế khi được tôn trọng liên tục sẽ tạo tín nhiệm. Biện pháp này có thể thúc đẩy hai phiá phê chuẩn Thoả Ước Toàn Diện về cấm thử vũ khí nguyên tử và thực thi các thể thức kiểm tra song hành.

Do những thoả ước minh bạch mà những biện pháp như thế có thể gia tăng, thí dụ như quy chế “không gian tự do” nhằm tạo thêm tín nhiệm trong việc kiềm chế cho từng phía. Quy chế này có thể đề ra do những thoả thuận mà Hoa Kỳ, Liên Xô, các quốc gia khác thuộc Khối Minh Ước Phòng Thủ Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Khối Minh Ước Phòng Thủ Warsaw củ, quy định việc bay qua lãnh thổ của từng nước khác (vào mức độ khoảng 100 chuyến bay một năm) theo một thoả ước ký kết từ đầu thập niên 1990. Khi các quốc gia biết cách bảo vệ các tin bí mật cực kỳ quý giá từ các chuyến bay qua không phận như vậy, thì thoả ước không tạo quan ngại thực sự nào về an ninh quốc gia. Những thỏa ước như thế có thể làm giảm đi sự bối rối của Bắc Kinh về những chuyến bay thám thính thường xuyên của Hoa Kỳ gần vùng cận duyên của Trung Quốc. Như Cựu Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Zbigniew Brenzinski đề nghị, những chuyến bay này có thể tiết giảm một cách chừng mực, đây là một bước tiến cần được nghiên cứu cẩn trọng, nếu Trung Quốc muốn chứng tỏ thiện chí đáp ứng hỗ tương với mức độ minh bạch hơn.

Không gian mạng đang bị thách thức nghiêm trọng. Cũng giống như trong không gian, mức độ tùy thuộc nặng nề của Hoa Kỳ về cơ sở hạ tầng trong không gian mạng gây ra những tổn thương, nên tạo áp lực Hoa Kỳ phải chống trả thật nhanh chóng trước bất kỳ một cuộc tấn công nào, kể cả trong trường hợp trước khi xác minh nguồn gốc tấn công. Gần đây Hoa Kỳ quan tâm nhiều hơn về sự tích cực phòng thủ cho các cơ sở hạ tầng, biện pháp này dường như hàm ý là Washington muốn chống trả nhằm hoá giải những đe doạ đang phát sinh, cùng với tất cả mọi nguy hiểm cuả các biện pháp trả đũa đang leo thang.

Có nhiều lý do để tin rằng cả Washington và Bắc Kinh dường như không nhắm mục tiêu vào cơ cấu hạ tầng của không gian mạng cho đến khi nào hoặc trừ phi cả hai tự nhận ra rằng đang cận kề với xung đột trầm trọng. Nếu không có gì khác thì lệ thuộc hỗ tương về kinh tế của các quốc gia đem lại sự đảm bảo chốngi các đột kich. Nhưng các thành phần khác, kể cả các tác nhân không phải nhà nước, như nhóm khủng bố hay các tin tặc, có thể quan tâm đến việc tạo tấn công ngụy tạo để gây khủng hoảng hoặc ngay cả chiến tranh. Chính vì lý do này, Hoa Kỳ và Trung Quốc nên đồng thuận phối hợp điều tra những kẻ tấn công nặc danh trên mạng, nhằm tạo minh bạch và kết ước khả tín để tránh nhắm mục tiêu vào hạ tầng cơ sở dân sự cuả đối phương. Và chính sự kiên cường là quan trọng đặt biệt trong chiến tranh trên mạng, vì khi mỗi phe càng giảm bớt khả năng bị tổn thương do đột kích, thì họ càng có nhiều thì giờ nghiên cứu những gì thực sự diễn ra và giảm đi nguy hiểm của vòng quay leo thang bất định.

Cảnh giác láng giềng

Bắt nguồn từ tình hình căng thẳng đang gia tăng tại vùng biển Đông và Nam Trung Quốc mà đối đầu trực tiếp quân sự giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong tương lai gần là triển vọng khả dĩ nhất. Những kết ước về an ninh của Hoa Kỳ với Nhật Bản và Phi Luật Tân, mà cả hai đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, và ý muốn của Hoa Kỳ trong xác lập quyền giao thông hàng hải trong khu vực (đã khởi đầu cho cuộc đụng độ giữa chiến hạm USS Cowpens với chiến hạm Trung Quốc trong tháng chạp vừa qua) có thể buộc Washington vướng vào trong tranh chấp, cho dù Hoa Kỳ không hề có yêu sách về lãnh thổ trong khu vực. Những xung đột này dường như không thể nào giải quyết được trong thời gian sớm nhất. Các quan tâm thực tế của các phe hữu quan còn quá ít, một vài trong số những xung đột này có thể được xử lý, khi có những ý muốn hỗ tương đủ mạnh để tiến hành. Nhưng các phe phái dính liú dường như e sợ là bất cứ biểu hiện kiềm chế hay thích nghi là dấu hiệu yếu đuối, đưa tới thái độ nhiều kiên quyết hơn trong tương lai. Hành vi này làm cho tất cả thấy việc tìm cách ngăn ngừa khủng hoảng ngay lúc đang phát sinh hay giữ thái độ kiềm chế là có tầm quan trọng hơn.

Trung Quốc có thể tái tục bảo đảm về những ý định của mình khi thoả thuận và áp dụng quy cách ứng xử đối với biển Nam Trung Quốc do Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN) đề nghị. Kiềm chế việc điều quân và thoả thuận về các thủ tục hành quân sẽ làm giảm đi các nguy cơ biến động hay tính toán sai lầm, tất cả làm cho những kiên quyết trong thiện ý hiếu hoà của Bắc Kinh được khả tín hơn, những thủ tục tương tự như vậy cũng có thể thoả thuận liên quan đến vụ tranh chấp của các đảo Điếu Ngư/Senkaku. (Đây là một lĩnh vực mà Bắc Kinh cần thay đối chính sách rộng lớn hơn, cũng có những lĩnh vực khác mà gánh nặng về trách nhiệm bất tương xứng tạo cho Washington, thí dụ như trong việc giảm bớt khuôn khổ lực lượng tấn công nguyên tử trong việc phối hợp với Nga).

Ngoài ra, các giới chức Hoa Kỳ và Trung Quốc cần thiết lập một cơ chế thông tin rõ ràng và trực tiếp hơn trong khi có khủng hoảng. Từ năm 1998, cả hai nước thiết lập đường dây nóng cho hai giới lãnh đạo liên lạc, nhưng họ ít có cuộc trao đổi về lĩnh vực quân sự, mà phần lớn vì cảnh giác của Bắc Kinh trước những kết ước này. Kể từ năm 1998, thoả ước quân sự khuyến khích mọi hoạt động của mỗi quốc gia nên thông qua tham vấn với minh bạch, nhưng không đề ra quy cách hành quân của lộ trình hay các hoạt động chiến thuật đặc biệt. Thiết lập hình thức đường dây nóng để liên lạc về mặt quân sự rập theo khuôn mẫu của Hoa Kỳ và Liên Xô trước đây sẽ tạo ý nghiã hơn. Xét về mặt tối thiểu, cả hai nước sẽ có được một cơ chế tiếp xúc toàn diện hơn cho giới lãnh đạo cao cấp, tạo thuận lợi thông tin khẩn thiết trong những tình huống khủng hoảng.

Cả hai phiá, và cũng có thể các tác nhân thuộc khu vực khác, có thể thoả thuận về một hiệp ước quy định các đụng độ trên biển, tương tự như thỏa thuận giữa Washington và Moscow trong thời Chiến Tranh Lạnh, không phải chỉ dành cho hải quân mà còn cho các lực lượng tuần duyên và có thể cho các thương thuyền. Cả hai phiá sẽ tiếp tục giám sát, một biện pháp hợp pháp không thể né tránh và có thể tiến hành với mức độ nguy hiểm thấp hơn. Thoả ước quy định để đảm bảo là các chiến thuyền không thể tới quá gần các tàu thuyền khác và các phi vụ chuyển vận không được phép can dự, và các tàu ngầm không được phép nổi lên và có những thái độ gây hại.

Về các vấn đề khu vực, cho dù một cuộc chiến Triều Tiên khác có thể sẽ không xảy ra, những biến động trên bán đảo này trong những năm gần đây (thí dụ như chương trình của Bắc Hàn đang tiến hành về hạt nhân và nguyên tử, việc nhận chìm hộ tống hạm Cheonam của Nam Hàn và pháo kích vào đảo Yeonpyeong trong năm 2010) làm chúng ta nhớ là nguy cơ leo thang của một cuộc chiến lan rộng còn liên tục xảy ra. Nếu khủng hoảng bùng nổ như là hậu quả của những khiêu khích mới hay do Bắc Hàn sụp đổ, thì việc Hoa Kỳ hay Trung Quốc phải can dự với tất cả những hậu quả bi đát là chuyện dễ hình dung. Ngay từ bây giờ, nếu có những biện pháp thiết thực làm cơ sở cho việc đối ứng nhịp nhàng trước một cuộc khủng hoảng có thể xảy ra tương lai là một việc làm có ý nghiã.

Ít nhất, mỗi phiá có thể tái tục đảm bảo với đối phương là kế hoạch phòng chống khủng hoảng (kể cả bảo đảm an toàn cho các vật liệu hạt nhân của Bắc Hàn hay phục hồi trật tự chính trị) là đem lại ổn định hơn là gây đe doạ. Đối với Bắc Kinh, do dự đàm phán về những đề tài này vì sợ làm thương tổn Bình Nhưỡng có thể né tránh được bằng cách khởi đầu hội luận hai vòng, trước hết trong giới trí thức và giới chức nghĩ hưu. Bắc Kinh phải nhận ra rằng khi bán đảo thống nhất, Seoul sẽ quyết định việc lưu trú của quân lực Hoa Kỳ. Về phần mình, Washington phải đảm bảo với Bắc Kinh là bố trí quân sự cuả Hoa Kỳ trong tương lai trên bán đảo (giả đoán rằng Seoul vẫn còn muốn Hoa Kỳ hiện diện) phải ít hơn so với hiện tại và không đặt thêm căn cứ nào hướng về hướng bắc như hiện nay. Cả hai Seoul và Washington phải chuẩn bị mời Bắc Kinh giúp đỡ khi có những sự cố bất ngờ trong tương lai, ít nhất là trong khu vực phía Bắc của Bắc Hàn.

Dù các xung đột eo biển dịu đi trong những năm gần đây, Đài Loan vẫn còn là một đề tài tranh luận trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, một phần vì do Trung Quốc không từ bỏ sử dụng bạo lực để thống nhất Đài Loan với Lục Điạ, một phần khác vì Hoa Kỳ tiếp tục bán vũ khí cho Đài Bắc. Và căng thẳng dường như không thể tránh được trước những bất đồng cơ bản trong quyền lợi của hai phiá. Vấn đề là ở chỗ sự tái tục bảo đảm có thể giữ một vai trò. Đối với Bắc Kinh, điều này có nghiã là cần làm cho chủ tâm tìm kiếm đường lối thống nhất hiếu hoà thành khả tín, đặt giới hạn về việc hiện đại hóa quân sự và ngưng thao diễn nhằm đe doạ Đài Loan thông qua việc phong toả tên lửa. Đối với Washington, điều này có nghiã là đảm bảo việc bán vũ khí cho Đài Loan là để phòng vệ và chứng tỏ ý muốn giảm bớt số lượng vũ khí bán ra nhằm đáp ứng với giảm bớt tư thế hù dọa của Trung Quốc đối với Đài Loan. Biện pháp giảm bớt này phải có ý nghiã, có thể được kiểm tra và không thể đảo ngược.

Điều may mắn là cả hai phiá đã theo đuổi những điểm chính trong chương trình nghị sự này. Tuy nhiên, huy động tên lửa hiện nay của Bắc Kinh, và khả năng đáp ứng của Washington giúp Đài Loan cải thiện hệ thống phòng vệ tên lửa, tạo ra tiềm năng cho đợt leo thang mới – hoặc cũng có thể dẫn đến một vòng mới về tái tục bảo đảm. Trung Quốc có thể khởi động tiến trình tái tục bảo đảm một cách hữu ích khi giảm việc điều động các lực lượng tên lửa.

Nhiều tín hiệu nhưng ít ầm ĩ hơn

Điểm mấu chốt tạo ổn định cho mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong trường kỳ là mỗi phía phải giữ minh bạch về mức độ báo động thực sự và hậu quả, ít nhất là trong những điều kiện chung, đồng ý phải trả một cái giá cho sự bảo vệ. Còn về sự tái tục bảo đảm, quyết tâm mang lại thông tin chính xác đòi hỏi nhiều vấn đề hơn là chỉ thuần về ngôn từ, việc này liên hệ đến cả hai thể hiện ý muốn và khả năng cải thiện những đe doạ.

Điều này có nghiã là Washington cần làm cho Bắc Kinh hiểu rằng Hoa Kỳ không chỉ muốn bảo vệ lãnh thổ và dân chúng của mình mà còn cho những đồng minh chính thức và đôi khi còn cho cả những người bạn mà không phải là đồng minh. Những gì mà chính quyền Obama làm trong việc tái quân bình có thể được hiểu một phần là theo chiều hướng này, nhưng để đạt được hiệu quả, Hoa Kỳ cần tiếp tục theo đuổi và thực thi nghiêm chỉnh hơn là cho phép mình xao lãng. Dĩ nhiên, biểu hiện quyết tâm không phải chỉ có nghiã là giải quyết mỗi khiêu khích với cách đáp ứng bằng quân sự. Đôi khi, có những đáp ứng không bằng phương cách quân sự, thí dụ như biện pháp phong toả hay tạo cơ sở thoả thuận mới, có thể đem lại ý nghĩa nhất, khi dùng thương thuyết để tạo những cách thích hợp hoặc những lộ trình khác làm giảm khủng hoảng. Cách tốt nhất để thể hiện nghiêm túc lòng kiên quyết trong trường hợp cụ thể sẽ tùy thuộc vào các yếu tố dị biệt, kể cả mức độ phối hợp mà Washington có thể huy động với các đồng minh và đối tác để đạt mục tiêu. Nhưng chuyện quan trọng là phải gởi tín hiệu cho Bắc Kinh biết sớm hơn và rõ hơn là có những giới hạn không được phép vi phạm và không bị trừng phạt.

Mặt trái của biện pháp này là Hoa Kỳ cần hiểu và tôn trọng quyền tự quyết của Trung Quốc trong việc bảo vệ quyền lợi sinh tử quốc gia, kể cả phải sử dụng quân lực khi cần thiết. Khi định nghiã phù hợp việc bảo vệ quyền lợi, thì quyền tự vệ chính đáng của Trung Quốc là sự xác quyết khả chấp chiếu theo Điều 51 Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, việc này đã gây ra chuyện tổn thuơng trong quá khứ do tấn công và gây hấn; điều có thể hiểu được đối với Trung Quốc khi thực hiện những biện pháp khả tín để giải quyết. Khó khăn ở đây là trong những năm gần đây Bắc Kinh dường như khẳng định một danh sách càng nhiều hơn về những quyền lợi cốt lõi và thường có cách giải quyết gây hấn hơn, đưa các tranh chấp nhỏ và thông lệ trở thành những cuộc đối đầu nguy hiểm và tạo ra những thử thách không cần thiết về các giải quyết hỗ tương. Bắc Kinh cần công nhận rằng qua thời gian, thái độ như thế làm giảm đi tính chính thống và buộc phải tạo ra việc đòi những yêu sách quan trọng hơn, gởi những tín hiệu gây tranh chấp và làm suy yếu những quyền lợi trường kỳ.

Mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể đang tiến gần đến một chuyển điểm. Dưạ theo sinh hoạt lưỡng đảng lâu đời mà Hoa Kỳ đồng thuận để tìm kiếm quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc, hiện đã căng thẳng, và Trung Quốc ngày càng bi quan nhiều hơn về tương lai của việc thương thảo song phương. Sự trỗi dậy của Trung Quốc mà Hoa Kỳ xem như chuyện định mệnh đã an bài có thể dẫn tới một sự chấp nhận đầu hàng về một thực tế mới hoặc là đề kháng bằng sức lực chỉ nhằm bảo vệ đặc quyền xưa cũ – cả hai chiến lược vừa không hứa hẹn và cuối cùng là tự đánh bại mình. Xây dựng mối quan hệ dựa trên những nguyên tắc về tái tục bảo đảm chiến lược và kiên quyết sẽ mang tới triển vọng một tương lai hứa hẹn hơn mà không gây thiệt hại đến quyền lợi chính đáng của đối phương. Thực ra, thay vì đơn thuần hy vọng hay tạo kế hoạch về một niềm tin, cần phải có một phương cách thay thế là “dù có tin tưởng nhưng cần phải kiểm tra”. Biện pháp này vững chắc hơn, thay vì ngăn chận như xưa, bởi vì nó sẽ tìm cách giảm những khả năng gây khiêu khích hay leo thang không có chủ tâm. Nếu có may mắn, biện pháp này có thể giúp làm cách ly tranh chấp quy mô, sẽ đạt đến một kết quả mà cả hai dân tộc khôn ngoan đang tìm kiếm.

J. B. S. & M. O’H.

James B. Steinberg là Trưởng Khoa Maxwell School of Citizenship and Public Affairs và là Giáo sư Khoa học Xã Hội, Quan hệ Quốc Tế và Khoa Luật, Đại Học Syracuse. Michael O’Hanlon là chuyên gia cao cấp tại Center for 21st Century Security and Intelligence và Giám Đốc Nghiên Cứu v Foreign Policy Program tại Brookings Institution.

Nguyên tác: Keep Hope Alive - How to Prevent U.S.-Chinese Relations From Blowing Up, Foreign Affairs July/August 2014. Tiểu luận này là một trích lược từ quyển sách “Strategic Reassurance and Resolve: U.S.-China Relations in the Twenty-first Century” (Princeton University Press, 2014) mà hai ông là tác giả.

Dịch giả gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn