Hoa tươi hoa héo…

André Menras, Hồ Cương Quyết

Hai tháng tôi vừa sống ở Việt Nam sẽ là những tháng nở hoa trong tôi. Phần lớn bó hoa là đẹp và thơm: hoa của cuộc phân phát học bổng cho mấy em bé nghèo ở bảy tỉnh mà tôi đi qua; hoa của những nụ cười tìm được lại trên môi các bạn chài của tôi; hoa thắm thiết và tự hào với những chiếc gai cào vào sự bất công của những người bạn dân chủ, yêu nước và trí thức của tôi ở Hà Nội; hoa của thắng lợi mừng vui tưới rượu vang đỏ tống thằng HY 981 xâm nhập cút về phiá Hải Nam; hoa vừa phẫn nộ trước sự tàn bạo của mấy chú cảnh sát Đà Nẵng vừa kính mến nạn nhân của họ, bà Mẹ anh hùng Phạm Thị Lành, 97 tuổi bị đối xử tàn tệ; hoa của ký ức và mến thương dành cho những nốt đàn phong cầm của các chiến hữu cũ của tôi trong “Ban Trí Vận” Sài Gòn - Gia Định; hoa đặt trên mồ Quới ở nghiã trang liệt sĩ; hoa ôm siết chặt ở Văn Thánh với CLB Lê Hiếu Đằng; hoa tặng papa Khuê và maman Hải; hoa của cuộc chiến đấu của Trần Tố Nga cho các nạn nhân chất da cam; những bông hoa đỏ tươi đẹp của dân chủ và lòng tự hào ái quốc sẻ chia với công chúng tuyệt vời ở IDECAF Sài Gòn... Ngất ngây hoa thắm!

Chỉ có một bó hoa mà tôi đã sửa soạn là còn nằm lại trong tim tôi: bó hoa mà tôi muốn tặng Thành Đoàn, các thanh niên cộng sản Sài Gòn. Những bông hoa héo tàn trong đợi chờ vô vọng một cuộc gặp gỡ thân tình với một “thanh niên” cộng sản mà những người chỉ huy của anh kết vào tội già nua: tai điếc, mắt nhìn thiển cận, và sợ thay đổi…

Việc chiếu phimHoàng Sa Việt Nam; nỗi đau mất mát”: một chỉ báo

Việc chiếu phim “Hoàng Sa Việt Nam; nỗi đau mất mát” đối với tôi là một chỉ báo khiêm tốn nhưng cụ thể về sự kháng cự của các công dân và nhà cầm quyền trước chiến lược bành trướng và thôn tính của Bắc Kinh trên biển đảo cũng như trên đất liền của Việt Nam.

Ở khắp nơi công chúng trả lời: có mặt. Ở khắp nơi mà việc chiếu phim được cho phép. Những cuộc tranh luận và trao đổi ý kiến, dù quá ngắn ngủi đối với một chủ đề rộng lớn như thế và nóng bỏng đến thế, luôn luôn được ghi dấu bằng sự tôn trọng, tinh thần chừng mực thắng thế giữa những con người văn minh. Những việc ấy phản ánh nỗi khát khao sự thật, khát khao thông tin và một tinh thần trách nhiệm công dân sắc bén. Những việc ấy diễn ra mà không có sự ngăn trở của công an, chỉ có vài manh nha kiểm soát (nhanh chóng bị vượt qua) qua việc các câu hỏi mà công chúng đặt ra ở IDECAF phải được viết lên giấy, người ta không mong “mọi người nói nhiều quá về chính trị…”. Nhìn chung, mọi việc đã được nói lên và nói đúng về bi kịch của dân chài, về vấn đề những quyền Con Người của những người lao động biển bị China chà đạp một cách dễ dàng, về vấn đề then chốt là mối quan hệ bắt buộc giữa việc bảo vệ các quyền chủ quyền của Việt Nam đối với biển đảo và sự tôn trọng và phát triển nền dân chủ của đất nước... Tất cả những câu hỏi ấy, xưa nay luôn luôn là “nhạy cảm”, đã được đề cập không cần kiêng kỵ. Một cuộc mở màn lớn cho thấy tự do ngôn luận công khai không dẫn đến lộn xộn và bạo lực như nhiều năm nay đã được tuyên bố từ những người tăng gấp bội các nỗ lực công an và công nghệ để bịt miệng cái không thể bịt miệng.

Cảm ơn HY 981 và cảm ơn những người yêu nước chân chính.

Từ đó, trước tiên ta phải cảm ơn sự xâm nhập của cái giàn hoan lưu manh. Nó đã tạo nên những cú rung chuyển mới trong cái đảng “bốn tốt” đang chia rẽ, mất hướng, bị tước mất mọi ý thức hệ và cứ nhìn ngó mà bơi theo một cái tình bạn Đại Hán “viển vông” bị áp đặt từ quá lâu rồi.

Nếu tiếng nói của dân chài, cho đến nay vẫn bị bóp nghẹt, đã có thể được nghe thấy một phần hay toàn phần (VOV, VTV4, HTV, kênh truyền hình QPVN, kênh ANTV... báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ... ), thì ta phải cảm ơn nhiều nhất hoạt động không mệt mỏi của các công dân có trách nhiệm và dũng cảm và rất đông nhà báo, đã đấu tranh để sự thật cuối cùng được nói lên công khai trên toàn quốc… Nhà cầm quyền Đà Nẵng đã quyết định chiếu nhiều buổi phim nhân dịp hội nghị quốc tế về biển Đông Nam Á (“Hoàng Sa -Trường Sa: những sự thật lịch sử”); trong chừng mực nào đấy, nhà cầm quyền Hà Nội đã không gây khó khăn cho hai buổi chiếu phim ở thủ đô. Ta cũng phải cảm ơn bộ phận Việt Nam trong IDECAF TP HCM, và dĩ nhiên là được sự khuyến khích trực tiếp của Ông Tổng lãnh sự Pháp, về việc tổ chức buổi chiếu phim – tranh luận trong một không khí mà ta cảm thấy căng thẳng (sự có mặt đông đảo của công an trong và ngoài phòng chiếu và sự lo âu ra mặt của nhân sự người Việt chịu trách nhiệm tổ chức).

Tất cả những sự kiện ấy có thể làm thành những dấu hiệu tích cực của sự thay đổi cấu trúc vận động trong các mối quan hệ phụ thuộc và sợ hãi đối với Bắc Kinh. Chúng có thể cho ta nghĩ rằng đảng CSViệt Nam đã rút ra kinh nghiệm về một chính sách hữu nghị giả dối và điên rồ với các nhà lãnh đạo China bá quyền và lòng tham không đáy.

Sự im lặng mang tính chỉ báo của Thành đoàn Sài Gòn

Nhưng thái độ của các lãnh đạo ĐCS TPHCM không đưa đến niềm lạc quan ấy. Vào cuối kỳ lưu trú của tôi, khi bộ phim được Hà Nội cho phép chiếu ở IDECAF, khi hai buổi chiếu đã diễn ra không có chuyện gì ở thủ đô, thì một nhóm bạn, những cựu tù nhân chính trị của chế độ cũ, đã yêu cầu với đủ giấy tờ cần thiết, cho phép một buổi chiếu phim – tranh luận ở trụ sở Đoàn Thanh niên Cộng sản. Ông phụ trách tuyên huấn Thành ủy, cựu bí thư thành đoàn, cựu bí thư Quảng Ngãi là nơi các dân chài sinh sống, thoạt tiên đã hứa trả lời “trước cuối tuần”, tức là trước khi tôi lên đường đi Pháp. Tôi đã lạc quan vì tôi để mình nghe theo lời ai đó nói rằng ông ta đã xem phim và đã chân thành “cảm động đậy”. Tuy nhiên, câu trả lời hứa hẹn không bao giờ đến. Mỗi cú phôn gọi đến chỗ ông đều được đáp lại bằng sự im lặng. Sự im lặng tôi biết lắm mà, sự im lặng của các “anh hùng núp”, những cán bộ náu mình vì không có khả năng biện minh cho điều không thể biện minh. Như vậy, khi không thể cấm đoán như trong suốt 3 năm trước, thì người ta không cho phép. Thì “vũ như cẫn” mà thôi.

Sự im lặng của các nhà lãnh đạo đã chỉ cần một lời phát ra là huy động được trong ngày hôm sau hằng trăm thanh niên mà họ kiểm soát hoàn toàn và là những người chắc chắn tò mò được nghe tiếng nói của những đồng bào đánh cá của mình, sự im lặng ấy xác nhận rằng ở TPHCM bộ phim đã không bao giờ có “tính Đảng” theo như lời một người hữu trách tiền nhiệm. Việc này cũng xác nhận rằng quả đấm China vẫn luôn hiện diện một cách vững chắc và áp đảo trong cái thành phố “được giải phóng” từ 40 năm nay, chắc chắn là hơn hẳn ở những nơi khác trong cả nước. Và ở đó nó có những lực Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ.

Kịch bản của chủ nghĩa yêu nước dây thun

Sự im lặng của Thành Đoàn là chỉ báo của một mâu thuẫn cơ bản trong cặp đôi Đảng Cộng sản China - Đảng Cộng sản Việt Nam. Cơn rung chuyển do giàn khoan HY 981, có thể là cơn rung chuyển mạnh nhất sau cuộc xâm lăng 1979 ở biên giới phía Bắc, đưa ra ánh sáng mâu thuẫn ấy. Nó xác nhận rằng cặp đôi Đảng Cộng sản China - Đảng Cộng sản Việt Nam nằm dưới ách đô hộ “toàn diện” của China là một cặp đôi trái tự nhiên, có tính quái gở. Nó sẽ luôn luôn đối mặt với cái nghịch lý kết án nó: ở mỗi giai đoạn China bành trướng qua Việt Nam, ở mỗi cú công phá của nó, Bắc Kinh đặt các đồng minh Việt Nam của nó vào tình thế yếu trước công luận trong nước và dư luận quốc tế. Nó lật mặt họ ngày càng rõ bằng cách dồn họ vào sự lặng im nói lên một cách hùng hồn, trong khi nhân dân họ bị xâm lược, đất nước họ lâm nguy. Như thế nó chỉ mặt vạch tên những kẻ ủng hộ mà nó nhớm sẵn trong lòng Bộ Chính trị Việt Nam. Nó buộc họ diễn một trò xiếc bi thiết này càng nguy hiểm, trò này cứ phải lặp đi lặp lại, đã làm oải các diễn viên và chán chường các khán giả trong và ngoài nước. Đó là trò mà tôi sẽ đánh giá là trò “chủ nghĩa yêu nước dây thun” [“patriotisme élastique”]. Dây thun căng: đó là những tiếng kêu của phát ngôn nhân Việt Nam: “cực lực phản đối” và sự im lặng trong hậu trường của một số “anh hùng núp” bối rối của CLB “4 tốt”, trong khi những người khác lao vào những lời tuyên bố yêu nước. Rồi dây thun tạm thời trở lại êm ả như sau khi giàn khoan HY 981 rút ra. Những cuộc mặc cả trong bóng tối có thể được bắt đầu ở hậu trường, luôn luôn ở sau lưng và có hại cho nhân dân Việt Nam… Chính lúc đó là sự im lặng hoàn toàn được ấn định như một cú đũa chỉ huy của “Ban Tuyên giáo”, bậc thầy kiểm duyệt, sự biểu tỏ trực tiếp thái độ của CLB “4 tốt”. Trong lúc chờ đợi lần căng tiếp theo của dây thun.

Nhưng, đối với nhân dân Việt Nam, sự mị dân phường tuồng ấy không xoá được từng vết thương mới mà Bắc Kinh gây ra. Những vết sẹo vẫn có đó và chồng chất trong ký ức tập thể. Và mỗi lần xâm lăng mới, bàn tay Bắc Kinh lại bắn một phát đạn bổ sung vào lòng tin của cái “chân gỗ” Việt Nam của nó: tấn công Bình Minh 2 , Viking 2, xâm nhập vũ trang của giàn khoan HY 981, chưa nói đến mỗi cuộc tấn công quen thuộc vào dân chài… Vẫn cứ như thế, với độ căng ít hay nhiều hơn, cùng một kịch bản chủ nghĩa yêu nước dây thun được các nhà lãnh đạo cấp cao chơi hoài. Cái logic ấy càng lâu càng không thể giữ vững. Nó không lừa được ai nữa và những kẻ thực hành nó tự kết tội mình với nó. Nhưng có thể họ đã quá thoả hiệp, quá sâu và từ quá lâu, để dám “ Thoát-Trung”, thoát khỏi nanh vuốt China… Mà vấn đề là phải dũng cảm.

Vậy thì, trong bóng tối của những sự im lặng kém vinh quang của các vị, trong bóng tối của những sự cấm đoán thông tin, biểu tình, hội họp, trao đổi ý kiến, hãy đợi một giàn khoan China mới hay một cú đấm Đại Hán mới của China đế quốc đối với chủ quyền Việt Nam. Điều ấy sẽ xảy ra: chắc chắn là thế. Trong lúc chờ đợi, “người thanh niên” cộng sản sẽ già đi trong sự về hưu yêu nước và trong niềm tự hào nhàu nát, héo tàn như những bông hoa tôi đã tặng cho một buổi tranh luận mà tôi muốn là thân ái, cởi mở và đã bị “tịch thu” mất. Thực lòng thất vọng vì cuộc gặp gỡ hụt với thanh niên. Một lớp thanh niên thực ra rất già so với những bạn cùng thế hệ của tôi và những người trẻ chân chính, về phiá họ, ngẩng cao đầu kiêu hãnh vì một nước Việt Nam tự do và giải mặc cảm.

A. M. H. C. Q.

Tác giả gửi BVN.

Bản dịch của BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn