Lại pha trộn xăng A92 với ethanol!

Nghĩa Nhân

Theo lộ trình của "chính phủ", trong năm 2015 tỉ lệ pha trộn ethanol-cồn vào trong xăng A92-nhiên liệu hoá thạch sẽ là 5%, thành xăng E5. Tới năm 2020 thì tỉ lệ này sẽ tăng lên 10%. Để chuẩn bị cho lộ trình đó, đầu tháng 12/2014 các thành phố lớn trong cả nước sẽ triển khai đồng loạt các điểm bán xăng "sinh học". Cụ thể là thành phố HCM sẽ triển khai đồng loạt tại 58 điểm bán xăng E5 trong khắp 24 quận huyện "để tạo thuận lợi cho người tiêu thụ" mua được xăng giá rẻ (?). Theo dự kiến thì xăng này sẽ rẻ hơn xăng A92 500đ/lít.

Trên thế giới, nhiên liệu sinh học (Biofuel) được làm từ bắp, khoai mì (sắn), mùn cưa, đậu tương, rơm rạ, dầu dừa, mỡ động vật như mỡ cá, mỡ heo, bò,... Việt Nam hiện có năm nhà máy sản xuất cồn ethanol, phần lớn do tập đoàn Dầu Khí quốc gia đầu tư. Công suất khoảng 500 triệu lít ethanol/ năm.

Nguyên liệu để các nhà máy này tạo ra cồn ethanol đều từ khoai mì.

Các nhà máy bao gồm Nhà máy ethanol Bình Phước sử dụng công nghệ Ấn Độ, Nhà máy ethanol Dung Quất công nghệ Mỹ. Nhà máy ethanol Phú Thọ công nghệ Mỹ. Cả ba nhà máy trên đều do Tổng công ty Dầu khí làm chủ đầu tư (PVoil), đều có công suất là 100 ngàn m3 ethanol, tương đương 125 triệu lít/năm. Ngoài ra còn nhà máy ethanol Đại Tân, Tùng Lâm, có công suất lần lượt là 100 ngàn m3 và 60 ngàn m3/năm, sử dụng công nghệ Trung Quốc.

Đối với một nhà máy có công suất 100 ngàn m3 ethanol/năm, hàng năm sẽ tiêu thụ 1 triệu tấn khoai mì khô. Để có được 1 tấn khoai mì khô thì phải có 3 tấn khoai mì tươi. Năng suất bình quân đối với khoai mì tại việt nam khoảng 25-30 tấn củ tươi/ ha. Để có 1 triệu tấn khoai mì khô thì phải có diện tích đất trồng khoai mì là 100 ngàn ha. Như vậy để đảm bảo nguyên liệu cho cả 5 nhà máy hoạt động hết công suất, diện tích đất dành cho trồng khoai mì sẽ là 500 ngàn ha?

Việc sử dụng khoai mì để làm xăng sinh học sẽ cạnh tranh đất trồng cây lương thực. Điều cũng cần lưu ý là đất trồng khoai mì sẽ rất nhanh bạc màu và nghèo dinh dưỡng. Hiện nay trên thế giới, các nước có nền nông nghiệp phát triển hầu như không khuyến khích trồng sắn, thậm chí bị hạn chế và cấm trồng vì làm nghèo đất, hệ số lợi nhuận so với trồng các nông sản khác rất thấp.

Trung Quốc và Thailand trước đây là hai quốc gia có sản lượng sắn lớn nhất thế giới. Nay chính phủ các nước này đã hạn chế nông dân nước họ trồng sắn vì dễ làm đất bạc màu. Có nhiều nghiên cứu chỉ ra việc trồng sắn sẽ dẫn đến làm thay đổi tính chất lý hoá của đất trồng trọt. Về vật lý (cơ học đất) người ta nhận thấy việc trồng sắn sau bốn năm sẽ dẫn đến đất dễ bị xói mòn hơn do cấu trúc liên kết đất bị phá vỡ, khả năng giữ nước kém hơn. Có mối liên hệ sa mạc hoá đất do canh tác sắn? Thổ nhưỡng đất bị suy kiệt vì phần lớn sắn sau thu hoạch hầu như chẳng để lại gì cho đất ngoài mớ lá ít ỏi của nó.

Một điều không thể không nói đến là trồng sắn một thời gian dài có nguy cơ tiêu diệt các vi sinh vật, các loài giun đất có ích cho đất. Nguyên nhân có thể là hàm lượng đáng kể HCN trong thân lá và củ, rễ,... tồn dư trong đất sau canh tác sản sinh ra hydro cyanic acid? Đây là một dạng acid cực độc. Lá sắn có hàm lương HCN khá cao, tuỳ theo loài. Dao động từ 80-110mg/kg lá tươi ở sắn ngọt. Sắn đắng hàm lượng HCN từ 160-240 mg/kg lá khoai mì tươi. Củ tươi từ 60-160mg/kg. Liều gây chết ở người là 50mg/50 kg thể trọng. Tuy nhiên yếu tố acid tồn dư trong đất chưa được điều tra và nghiên cứu thấu đáo.

Người ta cũng ghi nhận, sau bốn năm canh tác sắn liên tục thì năng suất sẽ giảm hơn 50%, từ 19 tấn/ha còn 7 tấn/ha. Một thực tế cũng ghi nhận được là trong ruộng sắn hầu như ít thấy các loài thực vật khác cùng sinh trưởng cạnh tranh dinh dưỡng và nước!? Ngoài ra cũng có ghi nhận đất trồng sắn rất có ít nấm dại phát triển dù đã bỏ hoang vài năm.

Theo một tài liệu của FAO-Tổ chức Lương Nông Thế giới cũng có đề cập về vấn đề trên. Tuy nhiên chỉ là các nghiên cứu sơ sài của một vài tác giả từ VN! Chưa đưa ra các ảnh hưởng tiêu cực của ngành trồng sắn trên đất trồng. Phần, có lẽ các nghiên cứu này được tài trợ của chính phủ, phục vụ cho mục đích phát triển ngành trồng sắn ở VN để làm nguyên liệu cho xuất khẩu sang TQ, và nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất Ethanol của các nhóm lợi ích ở VN !? TQ hiện là nhà tiêu thụ sắn lát chính yếu của VN, chiếm khoảng 90% lượng sắn khô xuất khẩu!

Từ những phân tích trên, cho thấy việc VN lựa chọn công nghệ sản xuất nhiên liệu sinh học từ sắn trồng là một lựa chọ thiếu thông minh và về lâu về dài còn để lại nhiều di hại cho đất trồng trọt. Điều đó có nghĩa là chỉ với năm nhà máy hiện tại cần khoảng 500 ngàn ha để trồng sắn. Nhưng về lâu dài khi chất lượng đất trồng suy thoái, năng suất sinh học sẽ giảm đáng kể. Do đó để đảm bảo sản lượng cung cấp hằng năm cho các nhà máy này sẽ đòi hỏi gia tăng diện tích canh tác.

Mở rộng diện tích trồng sắn sẽ kéo theo phá rừng, tài nguyên nước ngầm bị ảnh hưởng nghiêm trọng, phá huỷ đa dạng sinh học,...

Việc sản xuất xăng sinh học sử dụng nông sản chính, cạnh tranh đất trồng cây lương thực là một lựa chọn tồi. Với một nền khoa học ngày càng tiến bộ thì xăng sinh học đi bằng con đường sử dụng nông sản sẽ để lại nhiều hệ lụỵ rất lớn, thậm chí về tương lai sẽ phá sản. Trước đây nhân loại chỉ quan tâm khai thác dầu để phục vụ nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của thế giới. Nay Mỹ đã bắt đầu làm chủ công nghệ khai thác dầu từ đá phiến (Oil shale). Theo đánh giá năm 2005, tài nguyên đá phiến dầu trên toàn thế giới đạt khoảng 411 tỷ tấn - đủ để sản xuất 2,8 đến 3,3 ngàn tỷ thùng (520 km³) dầu. Trữ lượng này hơn hẳn trữ lượng dầu truyền thống trên toàn thế giới, ước tính khoảng 1,317 ngàn tỷ thùng dầu (209,4 km³) theo số liệu ngày 1 tháng 1 năm 2007. Các mỏ dầu đá phiến lớn nhất thế giới tập trung ở Hoa Kỳ trong hệ trầm tích sông Green, khoảng 70% các mỏ này nằm dưới đất được quản lý bởi chính phủ liên bang Hoa Kỳ. Hoa kỳ chiếm khoảng 62% sản lượng toàn thế giới oil shale (Wikipedia).

Rõ ràng đây sẽ là tín hiệu không vui cho các nhà sản xuất dầu mỏ truyền thống của OPEC. Việc Hoa Kỳ làm chủ cônng nghệ oil shale sẽ đẩy giá dầu ngày càng đi xuống. Một phần Mỹ là quốc gia nhập dầu mỏ chính của OPEC. Hiện giá dầu trên thế giới có khuynh hướng ngày càng giảm sâu. Có khả năng chỉ vào khoảng 30-40 usd/ thùng thì việc sản xuất ethanol từ nông sản chính sẽ là con đường ngõ cụt tất yếu về tương lai.

Chỉ ở một số nước giàu như Mỹ là dùng bắp để sản xuất ethanol. Hoặc các quốc gia tận dụng phế phải trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp để sản xuất ethanol, cụ thể như Brazil, Thái Lan,... tận dụng mật rỉ đường để sản xuất ethanol.

Phần lớn các nước nghèo, thu nhập thấp đến trung bình hầu như ít hay không đầu tư sản xuất nhiên liệu sinh học (NLSH) trực tiếp từ sản phẩm trồng trọt. Bởi vì sản phẩm làm ra sẽ có giá thành rất cao, ảnh hưởng đến an ninh lương thực, chăn nuôi,... Đó là chưa nói đến các nhà máy xăng sinh học sử dụng sắn để sản xuất ethanol sẽ phải sử dụng một lượng nước ngọt khổng lồ. Quá trình sản xuất làm ô nhiễm môi trường khá nặng nề. Do đó xử lý ô nhiễm môi trường rất tốn kém. Hiện tại các nhà máy sản xuất ethanol đang bị dân kêu rất nhiều vì vấn đề ô nhiễm.

Như đã nói ở trên, việc sản xuất cồn ethanol có thể từ nguồn nguyên liệu phế thải trong nông nghiệp, chế biến gỗ,... Cụ thể như từ rơm rạ, mùn cưa, vỏ trấu,... đã được ứng dụng thành công nhiều nơi trên thế giới. VN là quốc gia trồng lúa nước đứng hàng thứ hai trên thế giới. Hằng năm tạo ra một lượng rơm rạ khổng lồ. Như vậy với diện tích lúa nước khoảng 4 triệu ha, VN có khoảng 80-100 triệu tấn rơm rạ. Toàn bộ số lượng rơm này đa phần được nông dân đốt bỏ sau khi thu hoạch. Một phần ít ỏi sử dụng trồng nấm, thực phẩm dự trữ cho đại gia súc. Và một phần đáng kể được cày lấp vào trong đất dẫn đến hiện tượng ô nhiễm hữu cơ!

Việc đốt rơm rạ có ảnh hưởng tiêu cực với đất trồng lúa. Đó là chưa nói đến việc đốt rơm cũng sẽ gây hiệu ứng nhà kính, thải các chất độc hại, tro bụi, tiêu diệt các vi sinh vật có lợi cho đất sau khi đốt,...

Hiện nay công nghệ sinh học enzim hoá biến cellulose và hermicellulose từ rơm rạ thành các phân tử đường đơn, sau đó lên men chuyển thành cồn ethanol - giống kiểu nấu rượu trong dân gian đã được nghiên cứu và sản xuất thành công tại Đức. VN cũng đã có nghiên cứu sản xuất thử thành công. Tiếc là chưa được sự đầu tư hỗ trợ của nhà nước để triển khai ra sản xuất đại trà!

Theo một báo cáo nghiên cứu, lợi ích của xăng E5 hiện đang được bán trên thị trường hoàn toàn vượt so với sử dụng xăng A 92 truyền thống. Đối với xăng A 92, để chống kích nổ sẽ pha chì vào. Thay vì đưa chì, người ta đưa ethanol để chống kích nổ tương tự. Tuy nhiên có nhiều ưu điểm hơn như động cơ tăng tiêu thụ nhiên liệu triệt để hơn 20% so với xăng A 92. Lượng khí CO thải ra giảm, không bị ô nhiễm chì…

Trong nghiên cứu cũng chỉ ra nếu cồn ethanol lẫn nhiều nước thì tuổi thọ động cơ giảm. Các chi tiết máy móc bằng cao su nhựa,... sẽ bị ăn mòn nhanh hơn?

Một điều cũng cần lưu ý thêm là phần lớn các quốc gia đưa xăng E 5, E 10, hay E 20 (các số phía trước là tỉ lệ % pha trộn vào xăng A 92) vào sử dụng thì động cơ cần phải được cải tạo cho phù hợp với nhiên liệu pha trộn này. Những chiếc xe này được gọi là xe lai. Như vậy để đưa ra thị trường các dòng xăng E trên đòi hỏi có các bước chuẩn bị rất kỹ lưỡng.

Cách đây một năm hay hơn gì đó hàng loạt các vụ xe hai bánh, bốn bánh đang chạy tự nhiên bốc cháy. Các nguyên nhân và sự kiện này chưa được nghiên cứu và trả lời thấu đáo. Hiện các nghi vấn vẫn con đang tập trung vào việc ngay thời điểm đó xăng đang rất đắt. Có hay không sự pha trộn ethanol là nguyên nhân chính? Tỉ lệ pha trộn càng lớn thì lợi nhuận càng khổng lồ? Giúp giải toả bài toán tồn kho hàng triệu lít ethanol? Đó là chưa nói đến các công nghệ mà VN du nhập về có tạo ra cồn ethanol tinh khiết và không lẫn nước hay không?

Một vấn đề cũng nên đề cập là động cơ lai ở VN đã có chưa? Một thực tế không thể phủ nhận là các xe đang lưu thông hiện nay chỉ là xe chạy động cơ thuần cho nhiên liệu hoá thạch hay đã là xe lai được nhà sản xuất chuyển đổi, đi tắt đón đầu?

Một thời gian dài các vụ xe bốc cháy khi đang lưu thông trên đường giảm và dừng hẳn vì ngưng sử dụng xăng E5. Nay với việc sử dụng xăng E5 theo "lộ trình của chính phủ", có làm các xe bốc cháy trở lại sưởi ấm mùa đông trên phố đã vào mùa? "Lộ trình" giải cứu các ông lớn thiệt là một bài toán tuyệt vời. Đẩy các khó khăn này ra xã hội và người dân cùng chia sẻ rủi ro, mới thú vị làm sao!

Gánh nặng nợ nần do đầu tư công của chính phủ, lẫn các nhóm lợi ích mang danh nghĩa quốc gia được chia đều cho dân chúng, kiểu hoa thơm mỗi thằng hít một ít, ấy mới thật là dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Kiểm tra đây, là đo đếm số nợ mà mình phải gánh thay cho chủ trương nhân văn "do dân và vì dân"!

N.N.

Tác giả gởi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn