Bộ trưởng ngụy biện, né lách Nghị định 115

GSTS Nguyễn Ngọc Kính

Liên tiếp từ năm 2005 cho đến nay, ông Cao Đức Phát Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT đã thành lập các Viện Khoa học Nông nghiệp VN, Viện Khoa học Thủy lợi VN, Viện Khoa học Lâm nghệp VN và hiện nay đang chỉ đạo hai Viện Chăn nuôi và Thú y viết đề án thành lập một Viện Khoa học chuyên ngành về Chăn nuôi- Thú y. Việc thành lập các Viện khoa học chuyên ngành này là trái với Nghị định 115 của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học công nghệ công lập gây nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam ( Viện KHNNVN) được hình thành trên cơ sở sắp xếp/ gộp 12 Viện chuyên đề thuộc ngành Trồng trọt của cả nước lại dưới sự quản lý của một bộ máy được gọi là Viện KHNNVN (Viện mẹ). 12 Viện chuyên đề thuộc ngành Trồng trọt (12 viện con) trước đây là các đơn vị nghiên cứu khoa học độc lập, cấp 2, có lịch sử thành lập ít nhất là 15 năm và nhiều nhất là trên 50 năm.

1. Sai lầm cơ bản của việc thành lập Viện KHNNVN:

Lấy tư duy cải cách hành chính (thu gọn đầu mối) áp dụng vào việc cải cách hệ thống nghiên cứu khoa học là trái với Nghị định 115 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KHCN công lập.

Có sự nhầm lẫn giữa tổ chức bộ máy và tổ chức nghiên cứu: Viện mẹ thực chất là một tổ chức bộ máy quản lý cấp trên - một tổ chức hành chính sự nghiệp với các phòng, ban để quản lý các Viện con, chứ không phải là một tổ chức nghiên cứu khoa học. Bộ máy quản lý này có chức năng như một Vụ quản lý khoa học của ngành trồng trọt.

2. Hai điều không minh bạch kèm theo:

Tên gọi là Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam nhưng thực chất Viện này chỉ bao gồm các viện nghiên cứu khoa học chuyên đề thuộc ngành trồng trọt; không có các Viện chuyên ngành Chăn nuôi, Thú y, Cơ điện & Công nghệ sau thu hoạch v.v…thì sao lại gọi là Viện khoa học Nông nghiệp Việt Nam?

Tên tiếng Việt là “Viện Khoa học Nông nghiệp VN”, nhưng tên giao dịch quốc tế là “Viện Hàn lâm khoa học Nông nghiệp VN”(Vietnamese Academy of Agricultural Sciences, viết tắt là VAAS). Bộ NN&PTNT dựa trên tiêu chí nào để đặt tên là Viện Hàn lâm?

3. Những hậu quả tiêu cực của việc thành lập các Viện Hàn lâm khoa học: Nông nghiệp VN, Thủy lợi VN, Lâm nghiệp VN.

Sau khi thành lập Viện Hàn lâm KHNNVN năm 2005, mặc dầu hầu hết cán bộ khoa học trong ngành không đồng tình, Bộ KHCN không nhất trí song đứng ngoài cuộc không can thiệp, Bộ trưởng Cao đức Phát tiếp tục cho thành lập Viện Hàn lâm khoa học Thủy lợi và Viện Hàn lâm khoa học Lâm nghiệp VN vào các năm 2008 và 2011.

3.1.Về quản lý:

Quản lý chồng chéo, những cán bộ nghiên cứu khoa học ở cơ sở (Viện con) chịu sự quản lý “một cổ, hai tròng”.

Trước đây, mọi hoạt động khoa học của các Viện đều do Vụ KHCN của Bộ trực tiếp quản lý, nay lại phải qua một cấp trung gian là các phòng, ban của Viện mẹ xử lý, trình Ban giám đốc ký duyệt rồi mới nộp lên Vụ KHCN.

Về tài chính: trước đây kinh phí cho nghiên cứu khoa học được Vụ Tài chính của bộ chuyển thẳng về Phòng Tài vụ của các viện – là cơ quan chủ trì đề tài rồi chuyển đến các chủ nhiệm đề tài. Nay kinh phí cho nghiên cứu khoa học của các viện con từ Vụ Tài chính của Bộ phải chuyển về Ban Tài vụ của Viện mẹ, để từ đó chuyển tiếp xuống Phòng Tài vụ của các viện con rồi mới đến chủ nhiệm đề tài. (Sự rơi rớt kinh phí qua các cấp quản lý do các quy định bất thành văn là không thể tránh khỏi).

3.2 Về sự tăng lên của các Viện vùng và các Viện con ( viện chuyên đề)

Trước khi thành lập Viện KHNNVN, Bộ NN&PTNT chỉ có một Viện vùng - Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây nguyên, Viện này được hình thành trên cơ sở của Viện nghiên cứu cà phê Tây nguyên.

Sau khi thành lập Viện KHNNVN thì Bộ đã thành lập thêm 3 viện vùng: Viện KHKT nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc - Viện này được hình thành trên cơ sở của Viện nghiên cứu chè VN, Viện KHKT nông nghiệp Bắc Trung bộ và Viện KHKT nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ, 2 viện này được nâng cấp từ 2 Trung tâm nghiên cứu cùng tên.

Điều đáng nói là: cà phê và chè là hai cây công nghiệp lâu năm,có giá trị kinh tế cao, sản phẩm chủ yếu để xuất khẩu. Hai viện nghiên cứu cà phê và chè là các đơn vị cấp 2 thuộc Bộ NN&PTNT, đã có bề dày hoạt động, có thương hiệu và có quan hệ với các tổ chức quốc tế tương ứng, nay được sắp xếp vào Viện vùng với cơ cấu là một Trung tâm cấp 4, tức là xóa sổ hai viện này trong các tổ chức nghiên cứu cấp Viện tương ứng trong quan hệ quốc tế: mặt khác, vì là một Trung tâm cấp 4 nên việc đầu tư nguồn lực và kinh phí nghiên cứu không tương xứng như một Viện nghiên cứu là một điều bất hợp lý.

Sau khi thành lập Viện KHNNVN và các Viện KH Thuỷ lợi, Viện KH Lâm nghiệp thì số Viện chuyên đề ( viện con) tăng lên đáng kể. Viện KHNNVN từ 12 viện chuyên đề nay tăng lên 18 viện + cơ quan Viện ( Ban Giám đốc và các phòng, ban chức năng), Viện KH Thủy lợi từ 2 viện nay tăng lên 9 viện chuyên đề + lãnh đạo và các phòng, ban chức năng; Viện KHLN từ một viện tăng lên 6 viện chuyên đề + lãnh đạo Viện và các phòng, ban chức năng. Về thực chất các viện chuyên đề này phần lớn chỉ là sự đổi tên nhưng lại được gọi là nâng cấp từ các Trung tâm nghiên cứu của các viện cũ mà thôi. (trong đó có viện khi mới được thành lập, đội ngũ cán bộ khoa học chỉ có một Tiến sĩ).

Sự phình lên về tổ chức nêu trên dẫn đến các hậu quả không tốt như sau:

Một số đông cán bộ khoa học có trình độ chuyên môn cao chuyển sang làm công tác quản lý tại ban lãnh đạo và các phòng, ban chức năng của Viện mẹ và của các viện con gây nên sự hẫng hụt về nguồn lực nghiên cứu khoa học.

Kinh phí cấp cho nghiên cứu khoa học bao gồm 2 phần: Chi cho quản lý và bộ máy và chi cho đề tài nghiên cứu. Trước năm 2005, kinh phí chi cho quản lý và bộ máy chỉ chiếm khoảng trên dưới 30%, hiện nay theo số liệu năm 2013, phần chi này chiếm tới 53-54%, thực chi cho các đề tài nghiên cứu chỉ còn trên 47%.

Một khía cạnh khác cần được làm rõ là: ban lãnh đạo và các ban chức năng của Viện KHNNVN về thực chất là một bộ máy quản lý, gồm trên 60 người không làm công tác nghiên cứu khoa học, lẽ ra phải xếp vào khối sự nghiệp hành chính, nhưng lại xếp vào khối sự nghiệp khoa học nên đã góp phần vào việc chi ngân sách khoa học cho quản lý và bộ máy tăng lên, giảm phần thực chi cho nghiên cứu khoa học như đã trình bày ở trên.

Cùng với sự tăng lên của số đầu viện chuyên đề là việc tăng số lượng đề tài nghiên cứu, viện nào cũng cần có một số đề tài khoa học để lấy kinh phí nuôi nhau, dẫn đến hiện tượng đề tài nghiên cứu tản mạn, thiếu tập trung, ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả đầu tư cho nghiên cứu khoa học.

3.3 Về chính sách và chế độ đối với cán bộ:

Về chế độ đãi ngộ: Viện KHNNVN và các Viện KHTL, KHLN là các viện chuyên ngành Trồng trọt, Thủy lợi, Lâm nghiệp tương đương các viện chuyên ngành Chăn nuôi, Thú y, Cơ điện & Công nghệ sau thu hoạch…thuộc Bộ. Các viện chuyên ngành này đều chịu sự quản lý của Vụ KHCN của Bộ, song hệ số phụ cấp lương lãnh đạo của các viện KHNNVN, KHTL, KHLN được xếp ngang cấp Thứ trưởng, cao hơn Vụ trưởng Vụ KHCN và Viện trưởng các viện chuyên ngành khác là một sự bất công và bất hợp lý.

Về chế độ nghỉ hưu: Ban giám đốc Viện KHNNVN và một số trưởng ban là các cán bộ khoa học nhưng thực chất là làm công tác quản lý, đến tuổi nghỉ hưu cần được giải quyết theo đúng luật lao động như các GSTS là Vụ trưởng, Cục trưởng khác trong Bộ; chỉ giữ lại làm công tác nghiên cứu khoa học theo đúng chuyên môn nếu đơn vị chủ quản cũ (viện con) của đương sự có yêu cầu. Song hiện nay, quy chế này không được thực hiện, gây nên sự bất công về chế độ sử dụng, đãi ngộ với các nhà khoa học.

Trong qúa trình lấy ý kiến thành lập các Viện mẹ, không minh bạch, mang tính áp đặt, cửa quyền. Những cán bộ khoa học đầu ngành (kể cả có tên tuổi và kinh nghiệm, đã nghỉ hưu) nếu có ý kiến trái chiều, không được mời tham dự. Không lấy ý kiến thăm dò đối với đối tượng đông đảo là đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác nghiên cứu khoa học của các Viện. Cán bộ khoa học không được bày tỏ quan điểm trái chiều vì được giải thích là: việc thành lập Viện là Quyết nghị của Ban cán sự Đảng, đảng viên và quần chúng phải thi hành. Viện trưởng Viện Thổ nhưỡng nông hóa bị điều chuyển công tác khác (thực chất là bị vô hiệu hóa) do đã công khai phát biểu phản đối việc thành lâp Viện KHNNVN.

Việc thành lập các Viện KHTL và KHLN cũng xuất phát từ Quyết nghị của Ban cán sự Đảng bộ. Hiện nay, Nghị quyết của Ban cán sự Đảng bộ giao cho hai Viện chăn nuôi, Thú y xây dựng đề án thành lập một Viện Khoa học chuyên ngành về Chăn nuôi , thú y thực chất là theo mệnh lệnh của Bộ trưởng Cao Đức Phát. Tôi tiếp xúc với nhiều vị lãnh đạo các viện thì được biết anh em không muốn nhưng phải thi hành nghị quyết của Ban cán sự Đảng. Đừng lặp lại các “vết xe đổ” trước đây. Lâu nay, việc thăng hàm hàng loạt “quan chức” từ trung tâm lên viện đẻ ra nhiều hậu quả kèm theo đã nhãn tiền.

Bộ trưởng là tư lệnh ngành, để cho ngành nông nghiệp cả nước lâu nay lẹt đẹt, không tương xứng với tiềm năng, đời sống của nông dân vẫn nghèo khổ; khoa học nông nghiệp không tạo ra những bước đột phá, tạo điều kiện cho sản xuất nông nghiệp phát triển và bản thân các nhà khoa học cũng bất an là trách nhiệm không thể thoái thác của Bộ trưởng Cao Đức Phát.

N.N.K.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn