Giá điện hiện nay là một đặc trưng của thể chế

Hà Huy Sơn

Nói đến giá điện là nói đến ngành sản xuất, phân phối điện. Sau 30 năm đổi mới cơ chế kinh tế từ tập trung bao cấp sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhiều ngành kinh tế do nhà nước độc quyền đã dần dần được thị trường hóa. Ví như ngành phân phối lương thực, thực phẩm nội địa, viễn thông, hàng không… tuy nhiên mức độ thị trường hóa còn hạn chế và nhà nước vẫn can thiệp ở mức độ khác nhau.

Còn một số lĩnh vực, trong đó có ngành điện thì hầu như không thay đổi. Tức là chưa được thị trường hóa, tính minh bạch không đáp ứng được yêu cầu của xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh không có cạnh tranh. Ngành điện vẫn do nhà nước nắm giữ “một mình một chợ”, độc quyền phân phối, độc quyền giá bán.

Thực tế, giá bán điện có lúc thấp hơn chí phí sản xuất, phân phối. Điều này có thể dễ thấy vì: các chi phí như thuế tài nguyên, thuế môi trường không được hạch toán đầy đủ, không tính đủ khấu hao đầu tư, và cả chủ trương hỗ trợ cho sản xuất, tiêu dùng thông qua giá điện… Tình trạng này là đi ngược với quy luật kinh tế thị trường nó đang phải chấm dứt; hơn nữa nhà nước không đủ sức để bao cấp giá điện. Thủy điện, nhiệt điện, điện hạt nhân cũng chính là những tác nhân gây ô nhiễm, hủy hoại môi trường và để lại hậu họa rất nghê gớm.

Đầu tư nước ngoài đối với những lĩnh vực chế biến nguyên liệu, khai khoáng, gia công, lắp ráp phải tiêu tốn nhiều điện năng. Những doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này đã trực tiếp, gián tiếp gây ra ô nhiễm, hủy hoại môi trường rất nghiêm trọng trong những năm qua. Các nhà đầu tư đã đổ dồn vào Việt Nam với rất nhiều dự án có quy mô lớn. Hậu quả là nó đã gây ra sức ép, gánh nặng rất lớn cho cơ sở hạ tầng… trong đó phải kể đến nguyên nhân là do giá điện chưa phản ánh đúng chi phí khách quan cần thiết.

Mặt khác, giá điện lại đang chứa đựng những chi phí lãng phí, tham nhũng rất lớn hạch toán vào giá thành. Đó là những lãng phí, tham nhũng trong chính sách đầu tư, sản xuất, phân phối điện. Ngành điện do nhà nước quản lý đã không đáp ứng được yêu cầu minh bạch hóa, kiểm toán độc lập, khách quan; không xử lý được những vi phạm và thu hồi các tài sản bị thất thoát. Hơn nữa, do không có một thị trường cho ngành điện nên không có thước đo nào để đánh giá giá điện hiện nay là cao hay thấp so với chi phí khách quan cần thiết như các hàng hóa khác. Giá điện không do thị trường xác lập thì nó vẫn là nơi chứa chấp, che giấu các chi phí lãng phí, tham nhũng.

Không có thị trường về ngành điện đang là một thực tế. Nhà nước đã từ lâu đề ra mục tiêu thị trường hóa ngành điện nhưng đến nay không làm được. Không thị trường hóa ngành điện thì mọi cố gắng phát triển nền kinh tế sẽ trở nên bất lực. Nền kinh tế đất nước không thể hội nhập với nền kinh tế khu vực và quốc tế.

Giá điện hiện nay đang là một đặc trưng của thể chế.

Hà Nội, ngày 08/03/2015

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn