SỰ VIỆC ĐỐN CÂY TẠI THỦ ĐÔ CHỈ LÀ CHUYỆN NHỎ

Trần Quí Cao

Sự Việc Đã Xảy Ra

Những ngày giữa tháng 3/2015, người dân Hà Nội bỗng thấy cây xanh các tuyến phố bị đốn hạ tràn lan và không thương tiếc. Tìm hiểu người ta mới biết:

Sở Xây dựng Thành phố Hà Nội đề xuất thành phố cho thay thế 6.700 cây, thời gian thực hiện trong 3 năm (2015 - 2017), dự tính kinh phí khoảng 60 tỷ đồng. Chấp nhận đề xuất, sau đó chính quyền Hà Nội tiến hành đốn cây, bất chấp những lời kêu gọi dừng lại của nhiều thành phần dân chúng thủ đô. Trong vòng 3 ngày, theo báo PetroTimes, có khoảng 2.000 cây bị đốn. Dọc con phố Nguyễn Chí Thanh, hơn 400 gốc cây, xác cây nằm la liệt. Trong số các cây bị đốn hạ, có rất nhiều cây đang mạnh khỏe, to đẹp.

Do sự phản đối dữ dội của dư luận, Hà Nội phải dừng việc đốn cây.

Thái Độ Không Thèm Nghe Ý Dân của Chính Quyền Hà Nội

Trước khi có lệnh tạm dừng việc đốn cây và điều tra, giới cầm quyền Hà Nội tỏ thái độ không bận tâm với những ý kiến phản đối. Đáp lại phản ứng của các tầng lới dân chúng thủ đô, ông Phó trưởng ban tuyên giáo Hà Nội Phan Đăng Long tuyên bố việc chặt cây không cần phải hỏi dân. Thái độ nhà cầm quyền rõ ràng là không nghe ý dân. Không thèm nghe.

Thực ra việc không thèm nghe ý kiến của đám dân đen đã là thói quen của nhà cầm quyền độc tài độc đảng. Khi ý đảng và lòng dân khác nhau, nhà cầm quyền bất chấp lòng dân. Do đó, chính quyền đã tiến hành biết bao nhiêu việc gây tổn thất về tiền của, tính mạng và đau thương cho dân chúng!

Một Số Chính Sách Tàn Hại Vì Không Nghe Theo Ý Dân

Từ sau 1975, từ khi đảng Cộng Sản cai trị toàn thể đất nước theo chế độ độc đảng và toàn trị, nhà cầm quyền đã thi hành bao nhiêu chính sách tàn hại ghê gớm cho đất nước, bất chấp lòng dân? Hãy cùng xem lại:

1) Chính sách bắt “Ngụy Quân Ngụy Quyền” vào trại Học Tập Cải Tạo. Thực chất của chính sách này là bỏ tù không xét xử các viên chức chính quyền và quân đội chế độ Sài Gòn. Sau khi Việt Nam thống nhất, lẽ ra chính quyền cần thi hành chính sách thu phục lòng dân, kéo hai miền tổ quốc xích lại gần nhau, thì chính sách này lại đẩy hận thù của hai miền lên cao ngất. Hậu quả tai hại của hận thù và chia cắt lòng người vẫn còn tồn tại rất lớn sau 40 năm!

2) Chính sách Cải Tạo Tư Sản Mại Bản, Tư Sản Công Thương Nghiệp. Thực chất của chính sách này là tịch thu tài sản do người dân miền Nam gầy dựng để ban phát cho viên chức của đội quân chiến thắng. Chính sách này tiêu diệt nền tảng sản xuất, kinh doanh của miền Nam, cả cơ sở vật chất lẫn tầng lớp con người có khả năng, kéo theo cả nước đói nghèo 15 năm sau đó.

3) Chính sách Xóa Bỏ Văn Hóa Phẩm Phản Động Đồi Trụy. Thực chất của chính sách này là xóa bỏ tất cả kiến thức, tư tưởng, triết thuyết chính trị không thuộc hệ thống tri thức ủng hộ chủ nghĩa Cộng Sản; các thông tin về thế giới các nước Tự Do, về chính quyền miền Nam trước ngày thua trận. Thậm chí nó còn xóa bỏ cả các kiến thức thuộc lãnh vực kỹ thuật không do hệ thống các nước chủ nghĩa cộng sản sản xuất ra!

Sự nghèo nàn tri thức và suy thoái về đạo đức, văn hóa, giáo dục, học thuật… hiện nay có phần đóng góp nào của chính sách này?

4) Chính sách “Ngăn Sông Cấm Chợ”. Thực chất của chính sách này là ngăn cấm người dân mang từng lạng (1 lạng = 100 gam) gạo hay thịt từ tỉnh này sang tỉnh khác. Các bạn trẻ hiện nay khó có thể tưởng tượng một việc vô lí tới như vậy có thể xảy ra trên toàn quốc. Chính sách này đã biến vùng đất trù phú của tổ quốc – đồng bằng sông Cửu Long, từ vựa lúa gạo của thế giới thành nơi đói kém, thiếu gạo, dân chúng phải ăn độn khoai, bo bo… trong nhiều năm.

5) Chính sách phân biệt các thành phần thí sinh trong tuyển sinh đại học. Thực chất của chính sách này là tận diệt nhân tài của chế độ miền Nam thua trận.

6) Và bao nhiêu chính sách khác nữa…

Mỗi chính sách ban ra, đất nước bị kéo ngược chiều tiến văn minh của nhân loại, và tiếng oán than của dân chúng cao ngất trời. Nhưng các chính sách ấy vẫn được thi hành và kéo dài rất nhiều năm mặc cho lòng dân uất ức và căm phẫn.

Nếu ý kiến của dân chúng được lắng nghe, bao thảm họa do chính sách đã được ngăn chận.

Làm sao nhà cầm quyền lắng nghe ý dân? Và hơn nữa, làm theo ý dân?

Không thể trông chờ vào một nhà lãnh đạo cao cấp riêng lẻ nào đó. Chú ý rằng vấn đề không nằm ở cá thể, mà ở quần thể, xã hội. Kinh nghiệm nhân loại về chính trị xã hội dạy rằng: cần phải tổ chức xã hội sao cho nhà cầm quyền phải nghe và làm theo ý dân. Nếu nhà cầm quyền không nghe và không làm theo ý dân, dân chúng sẽ có quyền phế truất họ, đưa nhà cầm quyền khác thay thế.

Muốn vậy đất nước phải được tổ chức sao cho:

1) Có nhiều hơn một đảng. Các đảng thay nhau trong vai trò cầm quyền và đối lập để kiểm soát và hợp tác lẫn nhau, và dân kiểm soát chính quyền

2) Người dân thực sự kiểm soát việc trao quyền cho đảng biết làm theo, và làm một cách hữu hiệu, ý dân, lòng dân.

Muốn vậy, dân chúng nhất thiết phải có các quyền tự do căn bản dưới đây:

1) Quyền Tự Do ứng cử và bầu cử

2) Quyền Tự Do lập hội, lập đảng

3) Quyền Tự Do ngôn luận, Tự Do báo chí

Khi người dân giành được các quyền Tự Do đó, hệ quả tất yếu sẽ là:

1) Không còn độc đảng.

2) Tam quyền phân lập.

3) Xã hội được quản lí trong tinh thần pháp trị.

3) Lực lượng vũ trang không còn trung thành, bảo vệ bất kì một đảng nào mà chỉ trung thành, bảo vệ tổ quốc.

Nếu người dân không có các quyền Tự Do kể trên thì các lời nói như “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” hay “quyền lực thuộc về nhân dân”, chính quyền “của dân, do dân, vì dân”… chỉ là những lời trống rỗng và/hay dối trá.

Nếu người dân không có các quyền Tự Do kể trên thì sự việc chặt cây tại Hà Nội chỉ là chuyện nhỏ, thậm chí rất nhỏ.

Các dự án hàng chục tỉ đô la đã, đang và sẽ được vẽ ra, thông qua một cách khuất tất để lấy tiền dân chia nhau.

Những món nợ hàng chục tỉ đô la đã, đang và sẽ được vay để lại núi nợ cho con cháu, ngăn cản đường tiến lên của chúng.

Phong hóa dân tộc suy đồi, đạo đức dân tộc xuống cấp, truyền thống tốt đẹp của dân tộc mất đi.

Việt Nam ngày càng lạc hậu so với lân bang như Thái Lan, Mã Lai…

Từng phần lãnh thổ đất liền và biển đảo dần dần rơi vào tay Trung Cộng. Đất nước ngày càng lệ thuộc toàn diện vào nước Trung Quốc bạo ngược…

So với viễn cảnh khủng khiếp trên, việc “đốn cây giữa lòng thủ đô” chẳng là chuyện hết sức nhỏ hay sao?

T.Q.C.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn