Ngân hàng đầu tư hạ tầng Á châu của Trung Quốc (AIIB) liệu sẽ hữu hiệu.

Phạm Gia Minh dịch

Kenneth RogoffGiáo sư kinh tế và Chính sách công cộng tại Đại học Harvard, người đoạt giải của Ngân hàng Đức ( Deutsche Bank ) năm 2011 về Kinh tế Tài chính. Ông cũng là kinh tế trưởng của tổ chức Tiền tệ Quốc tế IMF từ 2001 tới 2003.

(Bài báo này được đăng trên tờ Project Syndicate ngày 6 tháng 4, 2015).

Cambridge – Cùng với việc TQ quyết tâm dẫn dắt định chế tài chính Quốc tế mới thành lập có số vốn ban đầu là 50 tỷ USD có cái tên gọi là Ngân hàng Đầu tư hạ tầng cơ sở Á Châu (AIIB) thì hầu hết các cuộc tranh luận hiện nay đều tập trung vào những nỗ lực kém hiệu quả của Hoa Kỳ nhằm ngăn cản các nền kinh tế phát triển khác ra nhập tổ chức này. Thế nhưng hầu như lại có quá ít sự quan tâm dành cho việc tìm hiểu nguyên nhân vì sao mà việc cho vay đa phương phục vụ cho phát triển lại thường xuyên thất bại và cần phải làm gì để chúng hoạt động tốt hơn.

Các định chế phát triển đa phương đã từng có thành quả vững chắc khi chúng đóng vai trò như các “ngân hàng tri thức” nhằm giúp chia sẻ kinh nghiệm, các bài học thành công cũng như kiến thức mang tính kỹ thuật trên nhiều vùng lãnh thổ. Trái lại, những thất bại lớn nhất của chúng lại bắt nguồn từ việc cấp vốn cho các dự án đại quy mô mang lại lợi ích cho tầng lớp cầm quyền đương nhiệm chứ không cân đối hài hòa các ưu tiên mang tính môi trường, xã hội và phát triển.

Xây đập là một ví dụ lịch sử điển hình. Nhìn chung luôn tồn tại xu hướng đánh giá quá cao những lợi ích kinh tế của các dự án hạ tầng cơ sở hoành tráng ở những quốc gia có nền quản trị yếu kém cùng nạn tham nhũng, trong khi đó lại đánh giá thấp các chi phí xã hội lâu dài do phải trả nợ cho dù khoản thu đã hứa hẹn có khả thi hay không. Rõ ràng AIIB có xu hướng đối mặt với điều rủi ro này.

Được biết nhu cầu xây dựng hạ tầng cơ sở tại Châu Á đang trên đà phát triển là rất lớn và lúc này chính là thời điểm phù hợp nhất để TQ đóng một vai trò lớn hơn trong các định chế tín dụng quốc tế. Hơn thế nữa, lập luận chính thức của Hoa Kỳ cho rằng TQ nên đầu tư tiền của mình vào các định chế vốn đang tồn tại chẳng hạn như Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Á Châu bởi lẽ ngân hàng do TQ điều hành sẽ dễ gặp các vấn đề về quản trị lại tỏ ra có vẻ đạo đức giả. Quản trị tốt ư? Liệu Hoa Kỳ có sẵn sàng từ bỏ đặc quyền mang tính lịch sử đó là được chọn và chỉ định Chủ tịch Ngân hàng Thế giới?

Cũng vậy, Hoa Kỳ lo ngại rằng TQ có thể sử dụng AIIB để tăng cường các lợi ích kinh tế và chính trị của mình. Tuy nhiên bất kỳ ai, kể cả những người còn lơ mơ về cách tiếp cận của Hoa Kỳ đối với tín dụng đa phương đều biết rằng không có quốc gia nào ngoài Mỹ lại lão luyện, tinh thông đến như vậy trong việc khai thác quyền lực của mình, tạo nên cái thế đòn bẩy nhằm đạt lợi ích chiến lược.

Cùng với sự gia tăng tầm mức quan trọng của TQ trong trật tự thế giới, quốc gia này cần đến một không gian để tôi luyện cách tiếp cận riêng của mình đối với vai trò lãnh đạo nền kinh tế toàn cầu. Thành thực mà nói thì một ngân hàng phục vụ hạ tầng cơ sở tương đối nhỏ có vẻ như là điểm khởi đầu phù hợp.

Ngoài ra, TQ đã và đang đổ tiền vào các nước đang phát triển, thường là thông qua các kênh rất mờ ảo. Trong phạm vi mà AIIB tiêu chuẩn hóa phần tham gia của TQ trong việc hỗ trợ phát triển, đồng thời đưa hoạt động này ra trước sự soi xét kỹ càng của các thành viên từ những quốc gia phát triển khác tham gia vào ngân hàng mới lập ra này thì rõ ràng sự tồn tại của nó xét trên mọi khía cạnh là điều tốt hơn xưa.

Với thiên hướng vốn có của mình là thường xuyên thử nghiệm và cải thiện (theo lối “qua sông ném đá, dò đường” – ND ) thì có thể hy vọng rằng TQ sẽ rút ra những bài học và áp dụng chúng vào lĩnh vực tín dụng đối với các nước đang phát triển. Ai mà biết được, các ngân hàng phát triển này có khi sẽ học hỏi được điều gì đó.

Trong khi mà thế giới nói chung cần hoan nghênh sáng kiến của TQ thì một câu hỏi mang tính thực chất được đặt ra đó là Châu Á đang cần loại hình trợ giúp nào. Bất kỳ ai đã từng làm việc tại các quốc gia đang phát triển đều hiểu rằng thể chế yếu kém và quản trị tồi mới thường là những trở ngại lớn hơn so với thiếu vốn đối với tăng trưởng. Và, tuy một dự án có vẻ rất hoành tráng trên giấy nhưng khi thực hiện lại cho một kết cục khiêm tốn hơn nhiều. Các khoản chi phí lúc nào cũng vượt xa dự tính ban đầu và những người lập kế hoạch thường không đánh giá hết một cách nghiêm trọng các vấn đề như kỹ năng và các khoản vốn cần thiết để bảo trì và sửa chữa.

Theo cách diễn giải của tôi về thành tựu của Ngân hàng Thế giới thì tổ chức này đóng một vai trò tích cực và phù hợp hơn cả khi nó trợ giúp các quốc gia qua việc phát triển hạ tầng cơ sở “mềm” – đó là hỗ trợ kỹ thuật và phục vụ như một ngân hàng tri thức toàn cầu. Những khi mà vai trò chủ yếu của Ngân hàng Thế giới chỉ là cung cấp nguồn lực tài chính thì kết quả cho thấy kém ấn tượng hơn nhiều. Ví dụ như ngay tại TQ,tiền của Ngân hàng Thế giới không quan trọng về định lượng mà điều ý nghĩa hơn đó là TQ vay ngân hàng này để có những bản hoạch định, thiết kế và thông tin hữu dụng.

Thật ra thì trường hợp điển hình mà sự trợ giúp phát triển có thể được coi là thực sự hơn nếu như nó được thực hiện dưới hình thức trợ cấp toàn bộ, chứ không phải là các khoản vay mà rốt cục vẫn phải trả. Các con số về trợ giúp trên những tiêu đề của bản tin có thể ít gây ấn tượng hơn là kết quả dài hạn - điều được đánh giá cao hơn. Hơn nữa, thế giới ngày nay đang chìm ngập trong khả năng thanh toán và ngay cả khi tiền của chính phủ không đủ thì vẫn có thể thiết lập quan hệ đối tác công – tư nhằm tiến hành các dự án có khả năng sinh lời cao. Chính phủ có năng lực quản trị mới là thứ hàng hóa khan hiếm hơn tiền mặt.

Điều không may mắn là hoàn toàn chưa rõ liệu mô hình phát triển hạ tầng của TQ có thể xuất khẩu ra toàn thế giới không. Chính quyền trung ương TQ luôn chiếm vị thế áp đảo trước những người dân bị di dời để làm đường, xây cầu và đê, kè, và đã nhiều năm chà đạp không đoái hoài tới các quan ngại về môi trường và quyền của người lao động. Sự tương đồng với Liên Xô trước kia là điều rất đáng chú ý.

Một số quốc gia đang phát triển Á Châu lại hành động theo cách khác. Tại Ấn độ dân chủ chẳng hạn, phải mất 8 năm để xây sân bay Mumbai bởi lẽ tòa án đã buộc chính phủ phải tôn trọng quyền của những cư dân “xóm liều” (nguyên văn squatters – người chiếm đất trống và không có giấy tờ sở hữu hoặc sử dụng – ND) vùng ngoại ô.

Đối với di sản của những khoản vay và dự án do các ngân hàng phát triển hạ tầng do Phương Tây điều hành còn gây nhiều tranh cãi thì rất có lý để đặt ra câu hỏi về việc có cần bổ sung thêm một ngân hàng nữa với tư cách là lực lượng đối trọng với những định chế đang tồn tại. Hơn thế nữa, nếu AIIB tự nhìn nhận mình như một ngân hàng tri thức hơn là một cỗ máy cấp vốn thì nó có thể cung cấp những giá trị gia tăng thực sự. Chúng ta cần phải đánh giá AIIB qua cái cách mà nó lựa chọn và tạo điều kiện cho các dự án chứ không nên chỉ xem bao nhiêu tiền được ngân hàng này cung cấp.

Thăng long – Hà nội 10/04/2015

Dịch giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn