Suy nghĩ nhân đọc bài “Lịch sử và lãnh tụ” của ông Nguyễn Minh Nhị

Lê Phú Khải

Thiết tha với “việc Đảng và vận nước” lắm, ông Nguyễn Minh Nhị mới thổ lộ những suy nghĩ gan ruột của mình: “Con đường cách mạng Việt Nam chạy qua cung đường thời gian 30 năm qua xem ra nguyên liệu “đổi mới” đã cạn. Nó đang chạy với quán tính của giai đoạn cuối của đà “đổi mới” và năng lượng của FDI từ chính sách thu hút đầu tư nước ngoài”.

Tôi nghĩ, ông Chủ tịch tỉnh đã về hưu này phải cân nhắc lắm mới công bố suy nghĩ của mình trước thềm Đại hội 12 quan trọng của Đảng cầm quyền. Và, đó là một suy nghĩ sâu và đúng.

Xét về bản chất của khái niệm “Đổi mới” từ Đại hội 6 của Đảng Cộng sản Việt Nam, thì phải gọi đúng tên của nó là “Đại hội Sửa sai”. Kinh tế thị trường là qui luật mà cả loài người đã đi theo, như một dòng sông luôn chảy không ngừng nghỉ. Xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa theo kế hoạch tập trung của các đảng cộng sản khác nào xây một cái đập giữa dòng sông đó. Nó tạo nên mực nước chênh lệch giữa hai bên. Khi mực nước phía thượng nguồn dâng cao, có khả năng vỡ đê thì Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu xoá bỏ chế độ độc đảng, làm lại từ đầu với không ít gian nan. Việt Nam thì sửa sai chỉ bằng cách phá cái đập ở giữa sông đi. Thế là… nước chảy ào ào. “Cái cung đường thời gian 30 năm qua” phát triển như lời ông Nhị nói, đã qua. Bây giờ nước chảy lừ đừ vì không còn thế năng, không còn động lực. Chẳng lẽ lại xây một cái đập giữa sông để tạo nên động lực, rồi lại phá cái đập đi để tạo năng lượng cho dòng chảy mới?!!!

Vậy thì cần có một “đầu kéo” mới như lời ông Nhị, con tàu mới chạy được, dòng sông mới lại chảy đều… Cái đầu kéo ấy chính là cải cách chính trị, cải cách thể chế. Khi Đại hội 6 vừa kết thúc, nhà trí thức Nguyễn Khắc Viện bảo tôi: “Đổi mới kinh tế mới là năm mươi phần trăm, nửa còn lại phải là đổi mới chính trị thì đất nước mới tiến lên được, mới là sự thay đổi thực sự về chất”. Cái thời khắc đổi mới chính trị ấy đã đến: Đại hội 12.

Đổi mới, cải cách chính trị là gì? Điều này ai cũng biết – là tam quyền phân lập, là tự do ngôn luận, là quốc hội tự do ứng cử, tự do bầu cử, là xã hội dân sự… Tất nhiên những việc lớn lao này phải làm dần dần từng bước trong ôn hoà, nhưng không làm những điều đó thì không có con đường nào khác để đưa dân tộc Việt, đất nước Việt đi lên.

Việt Nam hiện nay là nước đang tụt hậu xa về cả chính trị lẫn kinh tế so với các nước Đông Nam Á ở quanh ta. Đó là điều không một người Việt Nam nào ở trong nước và hải ngoại có tự trọng có thể ngủ ngon giấc mỗi đêm.

Tham nhũng hiện nay là một quốc nạn không thể chống được. Nếu ai tố cáo tham nhũng thì như ông Nhị nói, các cơ quan thanh tra, kiểm tra… đều kết luận “chưa có cơ sở kết luận”! Thế là người đi tố cáo bị khoác lên cổ cái tội “vu cáo cán bộ”! Và thế là… tù mọt gông! Pháp luật như vậy thì trên thực tế đi bảo vệ kẻ tham nhũng, chứ không khuyến khích chống tham nhũng. Không có dân chủ thì mọi việc chống tham nhũng đều là trò hề, vô nghĩa!

Cải cách chính trị là không có con đường nào khác. Để người Việt Nam không phải “ngước nhìn lên” (Hạ Đình Nguyên) dẫu chỉ là những quốc gia như Campuchia, Myanmar, Thái Lan!!!

Sài Gòn, tháng 4/2015

L.P.K.
Tác giả gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn