CÁCH MẠNG 1989 (Kỳ 11)

Victor Sebestyen

 Dch gi:  Phan Trinh
CHƯƠNG 9
BỒ CÂU MỸ ĐẦU ĐÀN – RONALD REAGAN
BỒ CÂU DIỀU HÂU – CỨNG RẮN KHÔNG HIỆU QUẢ – CHERNENKO: XÁC ƯỚP BIẾT ĐI – REAGAN TRẤN AN – HÒA BÌNH VÀ “CHIẾN TRANH GIỮA CÁC VÌ SAO”
***
BỒ CÂU DIỀU HÂU
Washington DC. Tháng 11, năm 1983

1.
NGƯỜI MỸ ĐÃ HIỂU LẦM Ronald Reagan, người mà họ bầu làm tổng thống hai lần trong thập niên 1980. Không chỉ đại chúng, ngay một số cố vấn thân cận của ông, đến tận cuối nhiệm kỳ, vẫn không nhận ra rằng Reagan là một nhà giải giới vũ khí hạt nhân ngầm, và là một người phi giáo điều đến mức cực đoan.
Ông không còn tin vào các lý thuyết ngăn ngừa hạt nhân mà thành phần diều hâu nhất quanh ông tích cực rao truyền. Reagan lạc quan và hay mơ. Một cách kín đáo, ông gọi ý tưởng “M.A.D”. (Mutally Assured Destruction – bảo đảm hủy diệt cả hai), mà hai siêu cường dùng như chiến lược quốc phòng khôn ngoan, là “vô trách nhiệm, rất đáng sợ … là một hợp đồng tự sát Ông tin mình có thể loại bỏ vũ khí hủy diệt hàng loạt trên thế giới. Nhưng trước dư luận, ngay cả trước một số người thân cận, ông không dám nói điều này. Ông là con cưng của cánh hữu, nhưng người ủng hộ vẫn không hiểu ông.
Về đối nội, ông hành động như người bảo thủ. Còn trên trường quốc tế, dù nói năng như diều hâu hiếu chiến, ông lại trở thành chú bồ câu Mỹ đầu đàn. Ông đóng góp lớn cho thế giới nhưng không phải trong vai một Chiến binh Chiến tranh Lạnh hừng hực phun lửa nóng chống cộng, như rất nhiều người hâm mộ ông quá khích đã tô vẽ. Chính Reagan trong vai nhà thương thuyết, kẻ thương lượng, người có tầm nhìn xa về hòa bình thế giới, mới là Reagan thành công.
2.
Ở tuổi 68, Reagan là một trong những người lớn tuổi nhất nắm quyền tối cao tại Mỹ. Ông nổi tiếng là không đọc nhiều hay đọc sâu. Nhưng điều nổi tiếng không kém là ông dễ bị đánh giá sai.
Ông học được rất nhiều về Liên Xô vào cuối nhiệm kỳ thứ nhất, mặc dù ông không ham học. Ông vẫn dùng những khái niệm giản dị khi nói, và thường dùng các câu chuyện ví von, các câu đùa quen thuộc. Nhưng, như các thư từ riêng và tài liệu công bố sau này cho thấy, vẻ ngoài dân dã đáng yêu, khiếu hài hước, nét rạng rỡ và sự bình thản tuyệt vời của ông là rất thật, trong khi phong cách giản dị, thẳng thừng của ông thì nhìn vậy mà không phải vậy. Ông phức tạp hơn nhiều, khôn ngoan hơn và tính toán hơn những gì bộc lộ bên ngoài.
Trong nhiệm kỳ đầu, Reagan đã tăng cường rất lớn lực lượng vũ trang của Mỹ, phù hợp với lời ông nói về “hòa bình bằng sức mạnh” khi vận động tranh cử năm 1980. Nhưng gia tăng chi phí quốc phòng không phải là việc của riêng ông, vị Tổng thống tiền nhiệm, Jimmy Carter, đã yêu cầu phần lớn số gia tăng để đáp trả việc Liên Xô xâm lăng Afghanistan. Loại hỏa tiễn Cruise và Pershing mới ở Châu Âu cũng được chính quyền Carter phê duyệt. Tuy nhiên, trong bốn năm đầu nhiệm kỳ Reagan, Mỹ đã sản xuất và lắp đặt ít nhất 700 hỏa tiễn hạt nhân mới và đưa thêm hàng ngàn binh sĩ nam nữ vào lực lượng vũ trang.
Giám đốc phụ trách ngân sách của Reagan, David Stockman, nói chi tiêu quốc phòng lên đến 1,46 ngàn tỉ [trillion] đô-la Mỹ và “giới làm ăn trong bộ đôi quân sự và công nghiệp đã phải thét lên sung sướng Reagan không là người quan tâm đến chi tiết, nên đã không tra hỏi đúng lúc từng đô-la phát sinh. Trong nhiệm kỳ đầu, Reagan chi cho quốc phòng số tiền gần bằng tổng chi quốc phòng các đời Tổng thống Nixon, Ford và Carter gộp lại, và nhiều hơn chi phí cho hai cuộc chiến tranh tại Triều Tiên và Việt Nam.[i]
*
CỨNG RẮN KHÔNG HIỆU QUẢ
3.
Sau cuộc tập trận Cung thủ Tài ba 1983, Reagan đã rà soát lại toàn bộ chiến lược đối với Liên Xô. Một thời điểm then chốt là một tuần sau cuộc tập trận, khi Reagan gặp Bộ trưởng Quốc phòng “siêu diều hâu” Weinberger và Tổng Tham mưu Trưởng, tướng John Vessey, trong “Phòng Tình huống” ở Nhà Trắng để đánh giá kết quả tập trận.
Khác với bình thường, Reagan có vẻ buồn rầu. Sau này ông kể, ông nhận thấy “có một số quan chức tại Bộ Quốc phòng thực tâm tin họ có thể thắng trong chiến tranh hạt nhân. Tôi nghĩ họ điên!”.
Reagan biết ông sẽ ra tranh cử nhiệm kỳ hai vào năm sau, và chắc chắn sẽ vượt qua bất cứ đối thủ nào Đảng Dân chủ sẽ chọn để tranh cử với ông. Reagan nhận ra rằng ngôn ngữ mạnh bạo và đường lối cứng rắn chống Liên Xô không mang lại kết quả bao nhiêu, cũng không làm cho Liên Xô trở nên có trách nhiệm và hành xử hợp lý hơn, ngược lại chỉ làm họ thêm sợ hãi, hoang tưởng và phản ứng gây hấn.
Đại sứ Liên Xô tại Mỹ Anatoli Dobrynin nhận định: “Chính sách cứng rắn của Reagan đã tác động đến các cuộc tranh cãi nội bộ tại Kremlin … theo hướng hoàn toàn ngược lại điều Washington mong muốn. Nó củng cố thế lực của những người trong giới lãnh đạo và an ninh Liên Xô vốn chủ trương ‘phản chiếu’ Reagan, tức Reagan làm gì là phải làm lại y như thế”.[ii]
4.
Reagan muốn nói chuyện với lãnh đạo Liên Xô, nhưng có hai trở ngại. Một, như Reagan từng nói vui: “Các lãnh tụ Liên Xô cứ nhè nhiệm kỳ tôi mà chết Và hai, những thành viên có ảnh hưởng lớn trong chính quyền của ông cương quyết chống thương lượng.
Reagan phải đương đầu với một cuộc chiến nội bộ, cũng cay nghiệt không kém Chiến tranh Lạnh đang diễn ra ngoài Nhà Trắng. Caspar Weinberger cùng nhóm viên chức sắc sảo nhất tại Bộ Quốc phòng – họ khá xem trọng đấu tranh ý thức hệ – như Richard Perle, Paul Wolfowitz và Donald Rumsfeld, liên tục thuyết phục Tổng thống rằng Liên Xô không xem đàm phán ra gì. Reagan phải cân bằng lực lượng bằng cách dùng nhóm này đối trọng nhóm kia. Nhóm thứ hai, do Bộ trưởng Ngoại giao George Shultz cầm đầu, chủ trương nối lại quan hệ với Moscow.
5.
Reagan gần gũi nhóm thứ hai hơn. Ông công nhận: “Một số cố vấn tại Bộ Quốc phòng chống đối gay gắt ý tưởng của tôi về kiểm soát vũ khí … chống đối luôn mong muốn của tôi là ngày nào đó sẽ triệt tiêu toàn bộ vũ khí hạt nhân”. Nhưng Reagan không muốn làm mất lòng những người ủng hộ “nòng cốt” của mình.[iii] Ông bổ nhiệm một nhà ngoại giao khá hãnh tiến, Jack Matlock, làm cố vấn chính về các vấn đề Liên Xô.
Việc đầu tiên Jack làm là viết một báo cáo dài 25 trang mô tả khá chi tiết và kỹ lưỡng về lịch sử Nga, về quan hệ Mỹ và Liên Xô từ Thế chiến II, về lối sống và văn hóa Liên Xô hiện tại. Reagan đọc kỹ báo cáo và kết luận rằng chắc chắc đã đến lúc cần có những động thái mới đánh tiếng với Liên Xô.
Matlock cho biết: “Nhiều người trong chính quyền Reagan nghi ngờ việc Liên Xô sẽ ngồi xuống đàm phán với thành tâm thiện chí, nhưng Reagan lại lạc quan. Dù không ưa Liên Xô đến đâu chăng nữa, Reagan tin Liên Xô có thể thay đổi một phần … nhờ kỹ năng thương lượng của cá nhân ông”.[iv]
*
CHERNENKO: XÁC ƯỚP BIẾT ĐI
6.
Andropov qua đời ngày 9/2/1984. Không ai ngạc nhiên về người sẽ lên thay. Các lão ông ở Điện Kremlin chưa sẵn lòng vượt qua khoảng cách thế hệ để chọn một người trẻ trung năng động hơn. Họ chọn một người đồng niên, một người sẽ không đe dọa đến bổng lộc, sổ hưu và đặc quyền của họ. Họ chọn Konstantin Chernenko, 73 tuổi, một “xác ướp biết đi”, như nhận xét của một trợ lý đối ngoại thân cận ông.
Chernenko bị suyễn nặng và sống nhờ thuốc an thần. Ông là bạn nối khố của Brezhnev, và ai cũng biết ông chỉ ngồi đó làm vì, lấp tạm chỗ trống lãnh tụ. Nhưng Chernenko lại trở thành một trò cười, biểu tượng cho sự suy đồi của Liên Xô và khối Cộng sản. Andropov, dù nhiều khuyết điểm, rõ ràng vẫn là người có đầu óc, còn Chernenko lại rõ là không hề. Một tài liệu của CIA mô tả ông với cụm từ “bà chị yếu ớt”, nhưng đó vẫn là một nhận xét tử tế, nhiều người làm việc cho ông còn chê ông tệ hơn nhiều. Khi nói chuyện riêng, các cán bộ trẻ và hiểu biết cũng khó che đậy việc họ xem thường sếp lớn của mình ra mặt.[v]
*
REAGAN TRẤN AN
7.
Reagan biết những gì đang diễn ra không báo trước điềm lành. Một trong những việc Chernenko làm là tái bổ nhiệm Vyacheslav Molotov, phụ tá lâu năm của Stalin, vào Đảng Cộng sản. Molotov lúc này đã 93 tuổi, từng bị “thanh trừng” một thời gian ngắn trong chiến dịch chống Stalin của Khrushchev sau năm 1956. Không khí hoài niệm gần như bao trùm một số đầu lĩnh già nua ở Kremlin. Họ mơ về thập niên 1940 và 1950, lúc Liên Xô là một quốc gia pháo đài, bị cô lập với thế giới bên ngoài. Chernenko định đổi tên thành phố Volgograd thành Stalingrad lần nữa, nhưng sau được tư vấn nên bỏ ý định.
Bất chấp những điều này, Reagan cố nối lại đàm phán với lãnh tụ mới của Kremlin. Hai ngày sau khi Chernenko được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, Reagan viết thư cho ông, nói rằng: “Hoa Kỳ chắc chắn phải bảo vệ quyền lợi của mình và các nước đồng minh, nhưng chúng tôi không tìm cách thách thức an ninh Liên Xô và nhân dân họ”.
Reagan nhận được thư trả lời cộc lốc, chỉ cám ơn vì đã gửi thư. Nhưng ông vẫn tiếp tục và giữ liên hệ gần gũi với Chernenko, nhiều hơn những gì các cố vấn của ông biết được. Đáp lại thư cám ơn nhận vào tháng 3/1984 vừa kể, Reagan viết cho Chernenko rằng: “Ngài từng hy vọng lịch sử sẽ đánh giá chúng ta như những lãnh tụ tốt, tử tế, khôn ngoan. Với tôi, không gì quan trọng hơn thế, và chúng ta nên đi những bước cụ thể để biến điều này thành hiện thực”.
Ngày 16/4/1984, ông viết thư tay cho Chernenko: “Tôi đã suy nghĩ nhiều về thảm kịch và quy mô những mất mát Liên Xô phải chịu trong chiến tranh … Chắc chắn những mất mát này, vốn không thể diễn tả bằng lời, đã ảnh hưởng đến suy nghĩ của ông ngày hôm nay. Tôi muốn ông biết rằng cả tôi lẫn người dân Hoa Kỳ đều không hề có ý định tấn công hay gây hấn với ông hay nhân dân Liên Xô. Mục tiêu thường trực và bức thiết của chúng ta phải là … giảm thiểu lâu dài những căng thẳng chúng ta đang có. Tôi cam kết quyết tâm thực hiện mục tiêu này”.[vi]
8.
Tuy nhiên, những cố gắng đánh tiếng với Liên Xô của Reagan đã không đi đến đâu. Vào thời điểm đó ông cũng bị chi phối bởi chiến dịch tranh cử nhiệm kỳ hai. Nhưng ông đã suy nghĩ sâu xa về cuộc đua vũ trang, và quyết tâm giải trừ vũ khí hạt nhân của ông ngày càng mạnh, mạnh đến mức có thể gọi là “nguy hiểm” nếu so với mức chấp nhận được của phe cứng rắn trong chính quyền Reagan.
Trong năm bầu cử 1980, Reagan và người điều hành chiến dịch tranh cử Stuart Spencer đã có một cuộc trò chuyện thú vị, khi đang bay từ Los Angeles đến Detroit, nơi ông đến dự Đại hội Toàn quốc của Đảng Cộng hòa và sẽ được đề cử trở thành ứng viên tổng thống. Cuộc trò chuyện như sau:
“Spenser hỏi: Tại sao ông làm việc này, Ron? Tại sao ông muốn làm tổng thống?
“Reagan đáp, không chút đắn đo: Để chấm dứt Chiến tranh Lạnh.
“Spencer hỏi: Ông làm bằng cách nào?
“Reagan đáp: Tôi không chắc, nhưng phải có cách nào đó. Và cũng đến lúc rồi”.
***
HÒA BÌNH VÀ “CHIẾN TRANH GIỮA CÁC VÌ SAO”
9.
Phụ tá Tham mưu Trưởng Nhà trắng, Michael Deaver, cũng là bạn tâm giao của Reagan, biết từ sớm quan điểm chống vũ khí hạt nhân của Reagan. Deaver kể rằng Reagan “tin mình sẽ là người có thể đưa các lãnh đạo Liên Xô ngồi vào bàn hội đàm và chấm dứt cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân. Ông ra tranh cử tổng thống vì tin rằng sứ mệnh của ông là loại trừ vũ khí hạt nhân”.[vii]
Jack Matlock, cố vấn chính của Reagan về Liên Xô, còn đi xa hơn khi hoài nghi rằng Reagan có thể sẽ không nhấn nút phóng vũ khí hạt nhân trả đũa nếu có chiến tranh. Matlock nói: “Tôi nghĩ ông thực lòng rất do dự, không biết liệu khi nước Mỹ bị xâm phạm, ông có đủ can đảm đế tấn công một nước khác bằng vũ khí hạt nhân hay không. Ông chưa hề nhắc đến điều này, nhưng tôi cảm thấy thế … Ông từng nói: “sao anh có thể bảo tôi, một Tổng thống Mỹ, rằng cách duy nhất để bảo vệ dân nước mình là tôi phải đe dọa hủy diệt dân nước khác và có thể cả văn minh loài người. Điều đó không chấp nhận được”.[viii]
10.
Reagan đã rất phấn khích khi các nhà khoa học California, tiểu bang của Reagan, mơ ước đặt trong không gian một hệ thống tia la-de và các thiết bị phát hiện sớm, tạo thành lá chắn chống hỏa tiễn đạn đạo. Về lý thuyết, các hỏa tiễn sẽ bị phát hiện và tiêu diệt bằng tia la-de ngay lúc chúng bay ra khỏi hạ tầng khí quyền trái đất. Reagan muốn đưa lý thuyết vào thực hành và phê duyệt chi phí khổng lồ để nghiên cứu thực hiện dự án trong mơ này, có tên là Sáng kiến Phòng thủ Chiến lược (Strategic Defence Initialtive – SDI), còn được gọi là dự án “Chiến tranh giữa các vì sao” (Star Wars).
Ông hoàn toàn tin rằng nếu thành công – và ông tin khoa học kỹ thuật Mỹ làm được – dự án này sẽ khiến vũ khí hạt nhân trở nên thừa thãi, sẽ đặt dấu chấm hết cho mọi kho vũ khí hạt nhân khắp nơi, và sẽ là hệ thống phòng thủ tối hậu giúp loài người thoát nạn diệt vong. Thực lòng, ông không hiểu Liên Xô sẽ còn cách phản ứng nào khác không, khi có một hệ thống phòng thủ đáng gờm và đầy đe dọa như thế đặt trong không gian. Ông nghĩ mình có thể nói chuyện với lãnh đạo Liên Xô, sẽ chia sẻ công nghệ Star Wars với họ, sẽ thuyết phục được họ thay đổi suy nghĩ.
Nhưng trước hết, ông cần một người tại Điện Kremlin sẵn sàng ngồi xuống cùng ông thương lượng. Để có nhân vật này, ông phải chờ ít lâu nữa.
———–
Dịch theo bản gốc tiếng Anh cuốn Revolution 1989 – The Fall of the Soviet Empire (Cách mạng 1989 – Đế quốc Xô-viết sụp đổ) của Victor Sebestyen, Pantheon Books, New York, 2009. Bản tiếng Việt này không phục vụ mục đích thương mại.
P.T.
[i] Richard Rhodes, Arsenals of Folly (Knopf, New York, 2007), tr. 178
[ii] Anatoly Dobrynin, In Confidence (Lidove Noviny, Prague, 1999), tr. 368
[iii] Ronald Reagan, An American Life (Siman & Schuster, New York, 1990), tr. 417
[iv] Jack Matlock, Reagan and Gorbachev: How the Cold War Ended (Random House, New York, 2005), tr. 177-80
[v] Tim Weiner, Legacy of Ashes: The History of the CIA (Allen Lane, London, 2007), tr. 326
[vi] Thư viện Ronald Reagan, Simi Valley, California, hồ sơ thư từ trao đổi với các lãnh tụ Xô-viết
[vii] Như trích trong Richard Rhodes, sđd, tr. 180-83
[viii] Jack Matlock, sđd, tr. 186
Dịch giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn