Chúng ta đang đua nhau xây tượng đài

clip_image001 Vũ Viết Tuân

TT - Việc nhiều địa phương lên kế hoạch xây tượng đài và quảng trường với kinh phí đến hàng ngàn tỉ đồng một lần nữa đặt ra câu hỏi: Vì sao phong trào xây tượng đài ở VN lại nở rộ như hiện nay?

clip_image003

Họa sĩ Lý Trực Dũng - Ảnh: V.V.TUÂN

Và nên tìm ra những giải pháp hữu hiệu nào cho thực trạng này? Trao đổi với Tuổi Trẻ, KTS, họa sĩ Lý Trực Dũng - giám đốc Công ty Buffalo Architects - cho rằng VN vốn không có truyền thống xây dựng tượng đài.

Ông Dũng phân tích:

- Khi nói về tượng đài, cần phải hiểu khái niệm tượng đài là gì? Trên thế giới thường dùng khái niệm thông dụng là monument (đài kỷ niệm). Nhưng các đài kỷ niệm trên thế giới rất khác với VN, bởi nó không cần phải có một cái tượng và một cái đài to như lâu nay người VN vẫn quan niệm.

Hơn nữa, đứng về mặt chuyên môn thì cần phải nói rõ VN không có lịch sử hay truyền thống xây dựng tượng đài. Nước ta không hề có các tượng lớn ngoài trời, kể cả tượng tôn giáo như ở Trung Quốc, Ấn Độ, Afghanistan...

Trước năm 1930, ở VN không ai nói đến tượng đài. Chỉ sau khi chiến thắng Điện Biên Phủ, nước ta mới bắt đầu học và bắt đầu xây tượng đài, theo cách của Liên Xô, Trung Quốc.

Cần biết hệ thống tượng đài ở Liên Xô, Trung Quốc vốn chủ yếu phục vụ mục đích tuyên truyền. Trong khi bản chất của tượng đài không phải là tuyên truyền, đây là một vấn đề học thuật phải được nghiên cứu, bàn luận nghiêm túc...

Monument đã có lịch sử cả hàng ngàn năm, nó không phải để tuyên truyền mà để tôn vinh một vẻ đẹp nào đó, một chiến thắng nào đó hoặc một cá nhân nào đó.

clip_image005

Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ phải sửa chữa lại vì bị hư hỏng nặng sau khi khánh thành một thời gian ngắn - Ảnh: LÊ KIÊN

* Vậy việc xây tượng đài nhiều ở VN bắt đầu từ khi nào, thưa ông?

- Chỉ hơn 10 năm trở lại đây, ở VN bắt đầu có phong trào ganh đua xây dựng tượng đài. Nhiều địa phương hiện nay đều đang rất cố để đua nhau xây tượng đài, càng hoành tráng, to nhất, oai nhất thì càng tốt.

Họ thắc mắc vì sao nơi khác xây được tượng to, hoành tráng thế? Vì sao địa phương mình lại không thể xây được cái tượng đài to hơn, hoành tráng hơn. Thậm chí không chỉ các tỉnh thành, mà cả các quận, huyện, xã... cũng đua nhau làm tượng chủ yếu bằng tiền ngân sách nhà nước.

Số tượng đài đó được xây dựng để làm gì? Tại sao cần phải xây dựng tượng đài nhiều như thế? Các địa phương và những người cổ vũ, ủng hộ xây dựng thật nhiều tượng đài đều cố bám vào các giá trị tưởng niệm đơn thuần về các nhân vật và sự kiện lịch sử...

Thực chất việc đua nhau xây tượng đài hiện nay là thể hiện tính sĩ diện của các quan chức địa phương.

* Trên thế giới, còn nước nào có “phong trào” xây tượng đài như VN hiện nay không?

- Phong trào xây tượng đài ở VN hiện nay như đang đi trên một con đường riêng biệt, không giống quốc gia nào trên thế giới. Hiện không có một quốc gia nào trên thế giới có một số lượng tượng đài nhiều được xây dựng bằng tiền ngân sách như VN.

Cũng có một số nhân vật đã được dựng tượng đài ở một số nước để tôn vinh công lao của họ đối với đất nước họ như tượng đài George Washington ở Mỹ được xây từ năm 1848 - 1884, tượng đài Bismarck đầu tiên ở Đức năm 1868.

Nhưng những tượng đài này không phải do chính phủ bỏ tiền ra xây, mà do những người yêu mến hai nhân vật này tự quyên góp tiền để xây.

Khi tôi trao đổi vấn đề xây dựng tượng đài bằng tiền ngân sách ở VN với các đồng nghiệp nước ngoài thì họ đều rất ngạc nhiên, không hiểu vì sao VN đang còn nhiều khó khăn như thế mà lại dùng tiền ngân sách xây tượng đài...

* Không ít người vẫn quan niệm xây dựng tượng đài to lớn, hoành tráng mới xứng với tầm vóc của các nhân vật, sự kiện lịch sử?

- Về giá trị lịch sử, giá trị văn hóa, mỹ thuật và cả tâm linh thì có những tượng rất nhỏ nhưng giá trị gấp nhiều lần những tượng hoành tráng, to lớn, vô hồn. Thật sai lầm khi cứ nghĩ làm tượng đài là phải to, phải hoành tráng...

Chúng ta đang sống ở thế kỷ 21 nhưng khi nhìn hệ thống tượng đài VN, tôi cứ ngỡ mình đang sống ở thế kỷ thứ 19 hay đầu thế kỷ 20.

Về hình thức, cả ngàn tượng đài đều na ná giống nhau: sáo mòn, rập khuôn, cũ rích, nhàm chán, đơn điệu...

Do yếu về chuyên môn nên có tượng đài càng to, càng cao càng lộ sự yếu kém, non nớt về tay nghề của tác giả tượng đài đó. Chất lượng xây dựng tượng đài hiện nay cũng là cả một vấn đề. Chúng ta đều biết vụ rút ruột khi xây tượng đài Điện Biên Phủ...

Còn mới đây, một tượng lớn ở Quảng Ninh bị sét đánh vỡ lộ ra chất lượng quá tồi. Nó thể hiện sự tùy tiện, yếu kém của cơ quan hữu quan: quy hoạch, thiết kế, xây dựng, giám sát, chủ đầu tư...

Nghịch lý hiện nay, theo tôi, là ở VN chỉ có khoảng chục nhà điêu khắc tượng đài có tay nghề vững, nghiêm túc, trong khi lại có cả nghìn tượng đài.

Có đúng “tượng đài sẽ là động lực để tạo nên sự phát triển” không? Thực tế nhiều tượng đài của chúng ta hiện không có tác động tích cực như mong muốn.

Nó không thu hút được sự quan tâm của người dân. Thậm chí gây tác động xấu về thẩm mỹ và chất lượng yếu kém...Tượng cũng có đời sống riêng của nó. Đáng lẽ tượng đài là điểm nhấn trong quy hoạch quảng trường, điểm công cộng... thì thực tế ở VN ta nhiều nơi lại làm ngược lại.

* Như vậy theo ông, cần có những cách thức hay giải pháp nào khắc phục tình trạng này?

- Việc quy hoạch tượng đài cần có sự tham gia của Hội Kiến trúc VN, Hội Mỹ thuật VN, Hội Sử học, Hội Quy hoạch VN và tổ chức xã hội khác...

Quốc hội cần phải có ý kiến về quy hoạch xây dựng tượng đài và yêu cầu Bộ VH-TT&DL phải thống kê xem hiện tại VN có tất cả bao nhiêu tượng đài và tổng số tiền đã đầu tư xây dựng nó.

Cần có cơ quan hữu quan khách quan kiểm tra đơn giá xây dựng tượng đài và giám sát thi công tượng đài. Cũng cần chấn chỉnh các hội đồng xét duyệt tượng đài quá yếu kém về năng lực chuyên môn...

clip_image007

Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân - Ảnh: HOÀI LINH

Nên tạm dừng xây tượng đài

Là người yêu nghệ thuật, tôi thấy trong số khoảng 400 tượng đài mà nước ta đã làm chỉ có vài cái tốt, vài cái tạm được, còn lại đều xấu. Có nhiều cách thức khác để tuyên truyền, tôn vinh tưởng niệm ghi công, tri ân hiệu quả hơn thứ ta đang làm.

Nếu là nhà kinh tế, tôi nói việc xây tượng đài to lớn và nhiều như thế là quá lãng phí, chi tiêu như thế là vô trách nhiệm. Người dân mỗi địa phương có tượng đài khó đồng tình khi chi tiêu như vậy và các sản phẩm này không làm đẹp đô thị, cảnh quan, môi trường sinh hoạt đô thị mà ngược lại.

Vào Internet hay đi du lịch các nước ta sẽ thấy hiếm nước nào có nhiều tượng đài hoành tráng và nhiều như ở ta.

Lịch sử nghệ thuật thế giới chỉ ghi nhận không nhiều các tượng đài ghi công tưởng niệm, ca ngợi và thường quy mô nhỏ hoặc trung bình nhưng rất tinh tế đặc sắc, mang đậm phong cách một trường phái hay cá nhân một thiên tài nghệ thuật nào đó.

Gần đây nhất, ta lại rập theo một cách vụng về “phong trào nghệ thuật hoành tráng” Xô viết nửa cuối thế kỷ 20. Phong trào này đã tắt, hiện nước Nga không còn chi ngân sách làm tượng đài nữa.

Song nghệ thuật tượng đài Xô viết có phong cách riêng, có các bậc thầy thực thụ và để lại nhiều tác phẩm đẹp, thí dụ tượng Công nông của Mukhina trở thành biểu tượng của Nhà nước Xô viết, hay nhóm tượng Mẹ Tổ quốc ở Volgagrad...

Hay ở nhiều nơi trên thế giới đều có tượng đẹp như ở Washington DC có mấy tượng các tổng thống khai quốc của Mỹ khá đẹp. Hai pho tượng công cộng nổi tiếng ở Rome là tượng hoàng đế Aurel và tượng David (biểu tượng toàn cầu về vẻ đẹp đàn ông).

Ở Paris tôi nhớ nhất tượng Balzac của Rodin, còn ở Đan Mạch là tượng “Nàng tiên cá”. Ở Brussels là tượng chú bé con đứng “tè” ngộ nghĩnh đã được phiên bản khắp toàn cầu...

Hơn 10 năm trước tại hội nghị khoa học về tượng ngoài trời do Viện Nghiên cứu mỹ thuật tổ chức, tôi đã đề nghị cần dừng việc làm tượng đài đến năm 2025 - 2030.

Cha ông ta xưa và chúng ta ngày nay có nhiều cách để ghi công, tôn vinh, tưởng niệm chứ không chỉ có mỗi cách là làm tượng hoành tráng tốn kém, xấu xí như hiện nay.

Nếu tìm ra các hình thức mỹ thuật khác để hoàn thành nhiệm vụ chính trị và văn hóa thì các nhà điêu khắc sẽ không mất hợp đồng, mà sẽ có nhiều việc làm hợp với tham vọng mong muốn nghệ thuật của mình hơn.

Trong lúc đó ta cần điều chỉnh các dự án đã khởi động theo hướng vừa và nhỏ, cận dân tình và cận nghệ thuật hết mức có thể.

Phải nâng hiểu biết và trách nhiệm văn hóa cho cán bộ cấp trung và thấp. Cần gửi nghệ sĩ đi học về mỹ thuật và công nghệ làm nghệ thuật công cộng. Phải có quy định về kinh tế tài chính đối với các công trình nghệ thuật công cộng... Tóm lại ta phải tìm ra các cách khác làm tuyên truyền bằng nghệ thuật

Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân

clip_image008

V.V.T.

Nguồn: http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20150810/chung-ta-dang-dua-nhau-xay-tuong-dai/822819.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn