Thư ủng hộ của nhóm yêu quý bảo vệ Cát Tiên (SCT)

(V/v: Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản số 142/BC-BTNMT ngày 30/8/2013 báo cáo Thủ tướng về hai thủy điện Đồng Nai 6 và 6A.)

Đồng Nai, ngày 12 tháng 9 năm 2013

SỰ LỰA CHỌN MINH BẠCH VÀ ĐÚNG ĐẮN: Di tích quốc gia đặc biệt: Danh lam thắng cảnh VQG Cát Tiên HAY THỦY ĐIỆN ĐN 6&6A

(CHÍNH QUYỀN, CÁC TỔ CHỨC VÀ NHÂN DÂN CÁC TỈNH VÙNG ĐÔNG NAM BỘ HAY TẬP ĐOÀN KINH TẾ TƯ NHÂN Đức Long Gia Lai)

Khu vực Đông Nam Bộ có năm tỉnh và một thành phố, đó là: tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương, tỉnh Bình Phước, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Tây Ninh và thành phố Hồ Chí Minh. Đây là khu vực kinh tế phát triển nhất Việt Nam, đóng góp hơn 2/3 thu ngân sách hàng năm, có tỷ lệ đô thị hóa trên 50%. Khu vực này được nuôi dưỡng bởi sông Đồng Nai - hệ thống sông lớn duy nhất ở Việt Nam có lưu vực nằm trọn trong lãnh thổ nước ta. Nó là nguồn nước ngọt cho gần 20 triệu dân và nhu cầu cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp cũng như nguồn sốc các loài động thực vật. Thế nhưng các cánh rừng trong lưu vực sông ĐồngNai đã và đang bị tàn phá nghiêm trọng, dòng sông bị băm nát bởi hàng loạt các thủy điện trên dòng chính nên không thể cam tâm nhìn dòng sông bị bức tử thêm nữa.

Hơn một năm qua, nhóm Yêu quý Bảo vệ Cát Tiên (SCT) đã cùng các chuyên gia đa ngành trong nước và Quốc tế; mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN); Chính quyền, Đoàn đại biểu Quốc hội và cư dân vùng hạ lưu sông Đồng Nai; các bài báo, phóng sự truyền hình, đã liên tục phản đối việc triển khai hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A vì sự cố tình gian dối lách luật và lo ngại nguy cơ rất lớn tác động xấu tới môi trường không thể kiểm soát, nhất là xâm hại trực tiếp đến VQG Cát Tiên. Thế nhưng, cho đến nay, hai báo cáo (BC) ĐTM sửa chữa lần thứ 3 (in vào tháng 6.2013) sắp đến ngày Bộ TN&MT thẩm định vẫn được chủ đầu tư rút về để chỉnh sửa, bổ sung một cách khó hiểu. Như vậy, nếu Đức Long Gia Lai có nộp lại ĐTM thì Bộ cũng không thể xem xét, thẩm định kịp báo cáo xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp cuối tháng 10/2013. Khi đó, vụ việc tiếp tục dây dưa, kéo dài chưa biết hồi kết, sẽ gây những hệ lụy tồi tệ về nhiều mặt, nhất là Hồ sơ Di sản Thế Giới do tỉnh Đồng Nai đang hoàn thiện tiếp tục bị loại bỏ.

Công văn BC 142/BC-BTNMT ngày 30/8/2013 đã rất dũng cảm, minh bạch chỉ rõ hai vấn đề nổi cộm của hai Dự án thủy điện Đồng Nai 6và 6A:

1. Về pháp lý: vi phạm pháp luật.

2. Về tác động môi trường: hàng loạt tác động xấu đến: rừng; đa dạng sinh học; dòng chảy; di tích; di sản và tiểm ẩn nhiều tác động bất lợi khác.

Qua công văn này, SCT hoan nghênh Bộ TNMT vì đã thẳng thắn chỉ ra những yếu kém của chủ đầu tư trong vấn đề đưa ra những giải pháp khả thi giảm thiểu thiệt hại về môi trường, đa dạng sinh học, đa dạng văn hóa, cân bằng sinh thái, và kinh tế xã hội. Như vậy Bộ TNMT đã gửi một thông điệp mạnh mẽ rằng việc dừng hai dự án này là cần thiết vì hai dự án này sẽ ảnh hưởng lớn đền môi trường sinh thái, vi phạm luật, và năng lục yếu kém của chủ đâu tư.

SCT hoàn toàn nhất trí và ủng hộ nội dung và tinh thần trong báo cáo nói trên của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Các vấn đề trên cũng đã được các chuyên gia ủng hộ nhóm SCT phân tích, nêu ra và kiến nghị suốt hơn một năm qua, được sự ủng hộ tán thành của gần 5000 người trong và ngoài nước.

Đối với 2 Báo cáo ĐTM xuất bản tháng 6/2013 mà ĐLGL vừa rút về, SCT cũng đã chỉ rõ nhiều lỗi cắt dán, sai căn bản và gian dối. Các tác giả lập BC ĐTM đã loại bỏ các hạng mục chính của dự án do các hạng mục này chiếm nhiều diện tích đất, rừng; nguy cơ tác động xấu tới môi trường rất lớn: tuyến đường dây tải điện 220kV; các mỏ đất, mỏ đá; bãi thải, khai thác rừng tận thu… Điều này hoàn toàn trái với Nghị định 29/2011/NĐ-CP ngày 18/04/2011 của Chính phủ quy định đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường; Thông tư 26/2011/TT-BTNMT ngày 18/7/2011 quy định chi tiết một số điều của Nghị định 29/2011/NĐ-CP và một số văn bản khác. Hàng loạt các kiến thức khoa học, kỹ thuật cơ bản như: đa dạng sinh học; tính toán dòng chảy; văn hóa bản địa; đơn vị và thứ nguyên; trắc địa phổ thông; âm học; thuốc nổ công nghiệp; khoan-nổ mìn; khai thác mỏ…đều rất ấu trĩ, cắt dán từ nhiểu nguồn tài liệu không chuẩn và bản thân các tác giả chắc cũng không thể hiểu thay số tính toán kiểu nào để cho ra kết quả cuối.

Điều đó thể hiện sự gian dối, coi thường pháp luật, không tôn trọng trình độ chuyên môn của các thành viên Hội đồng thẩm định cấp Quốc gia; các tổ chức và các nhà khoa học; bất chấp các quy định luật pháp, dư luận xã hội và rõ ràng các cộng tác viên của Viện MT&TN thuộc Đại học Quốc gia T.P Hồ Chí Minh không có kiến thức một số chuyên môn cần thiết.

Nhóm SCT tiếp tục giữ quan điểm của mình tại kiến nghị đã gửi vào ngày ngày 30 tháng 10 năm 2012 và bổ sung thêm:

1. Loại bỏ hai dự án khỏi Quy hoạch điện VII vì nếu triển khai sẽ vi phạm pháp luật.

2. Không chấp nhận việc sửa chữa ĐTM thêm nữa vì chắc chắn không thể sửa được. Không thể bỏ qua hoặc phủ nhận tác động xấu tới môi trường nếu triển khai dự án.

3. Bộ Công thương nên nhìn thẳng vào sự thật, xem xét lại tính pháp lý và sự tham mưu thiếu chuẩn xác của Quyết định Phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch bậc thang thủy điện sông Đồng Nai. (số 5117/QĐ-BCT ngày 14/10/2009, do thứ trưởng Đỗ Hữu Hào ký). Quyết định này là Văn bản trái luật vì nó không căn cứ vào Luật điện lực và trái với chỉ đạo tại văn bản số 4621/VPCP-KTN ngày 14/7/2008 của VP Chính phủ: "Bộ Công Thương hướng dẫn Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai lập hồ sơ dự án thủy điện Đồng Nai 6 theo quy định hiện hành, trình Bộ Công Thương thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét"

Hãy công khai và minh bạch Kiến nghị Thủ tướng loại bỏ 2 DA Thủy điện ĐN 6&6A ra khỏi Quy hoạch điện VII như nó đã được loại bỏ ngay từ Quy hoạch điện VI do phá rừng khu bảo tồn quá nhiều và tác động nghiêm trọng tới môi trường.

4. Xem xét trách nhiệm và xử lý cá nhân, tập thể cố ý làm trái giúp doanh nghiệp lách luật, trốn tránh Quốc hội tiến hành chạy dự án khi chưa có chủ trương gây bao rắc rối không đáng có.

5. Chính phủ và các Bộ, Ban, ngành, địa phương… hỗ trợ/ưu tiên cho ĐLGL tập trung làm thủy điện Mỹ Lý; Bản Sen… hoặc các dự án khác nếu doanh nghiệp vẫn đam mê và đủ khả năng tài chính, nhân lực.

Liên hệ:

E-mail: nationalpark.savingcattien@gmail.com

Tham khảo:

http://savingcattiennationalpark.blogspot.com/2012/10/anh-huynh-thuat-vua-uoc-ban-thuc-hien-y.html

http://savingcattiennationalpark.blogspot.com/2012/10/kien-nghi-dung-trien-khai-va-rut-khoi.html

http://www.change.org/petitions/vietnam-government-and-congress-saving-cat-tien-national-park-by-stopping-2-hydropowers-dong-nai-6-6a

SCT trực tiếp gửi cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn