'Việt Nam không nhất thiết phải học theo ai'

clip_image001"Việt Nam nói đến học kinh nghiệm ngoài, nhưng nếu đại học không được tự chủ và không có tinh thần tự do học thuật thì việc mô phỏng theo các mô hình đại học khác trên thế giới chẳng có ý nghĩa gì" – GS Nguyễn Văn Tuấn.

LTS:  Ngày 20/11 sắp đến gần cũng là lúc câu chuyện về giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục được nhiều diễn đàn mổ xẻ. Trong cuộc trò chuyện mới đây với Tuần Việt Nam, GS Nguyễn Văn Tuấn, ĐH New South Wales, Úc liên tục nhắc tới cụm từ "tự do học thuật" như một tiền đề quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt giáo dục Đại học.

Không có "tự do theo định hướng"

Dưới góc nhìn của mình, ông giải thích thế nào về việc chất lượng các trường Đại học của ta hiện nay chỉ "làng nhàng"?

Một môi trường cởi mở với những ý tưởng mới và năng động, có sự tương tác chính là một môi trường kích thích sáng tạo cao nhất. Trong đó, người làm nghiên cứu hay giảng dạy được đảm bảo quyền tự do chọn lựa và theo đuổi chủ đề của mình mà không bị can thiệp.

Đó là yếu tố mà giới khoa bảng quen gọi là tự do học thuật.

Ngày nay, dù đây đó vẫn còn tranh cãi về phạm vi, nhưng tự do học thuật được xem là giá trị cốt lõi của các trường Đại học tiên tiến, là một trong những thước đo về tiến bộ của một xã hội.

Với hệ quy chiếu nói trên, thì có thể phần nào hiểu được lý do vì sao chất lượng ở các trường ĐH ở ta nói chung vẫn còn thấp.

Chúng ta biết rằng hiện nay chỉ có khoảng 14% trong số 61.672 giảng viên đại học có bằng tiến sĩ, và con số giáo sư/phó giáo sư cũng chỉ chiếm khoảng 5%.

Dĩ nhiên, không phải cứ có nhiều giảng viên bằng tiến sĩ hay có nhiều giáo sư là nghiễm nhiên có "chất lượng" cao, nhưng xu hướng chung trên thế giới thì tỉ lệ giảng viên có học vị tiến sĩ được xem là một trong những chỉ tiêu quan trọng về chất lượng giáo dục.

Hệ thống hành chính ở phần lớn các trường đáng lẽ phục vụ cho giảng dạy và nghiên cứu, nhưng ở Việt Nam, nó vẫn nặng nề, bao cấp, máy móc nên không hỗ trợ được là bao.

Vì những rào cản nói trên, nên hệ thống các trường ĐH ở ta khó phát triển là vì các đại học vẫn chưa được tự chủ và chưa có tự do học thuật. Đó là một điều đáng buồn và đáng suy nghĩ. Trong khi các nước trong vùng như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, Singapore, v.v... đều có ít nhất một đại học trong danh sách đại học hàng đầu trong khu vực hay trên thế giới.

Việt Nam thì chưa có một trường đại học nào có thể "sánh vai" với các đại học hàng đầu trong vùng. Chúng ta có thể biện minh rằng là do chiến tranh và cô lập, và có ít thời gian để phát triển. Nhưng tôi e rằng những biện minh đó khó thuyết phục, bởi vì có nhiều đại học trong vùng chỉ cần 20 hay 30 năm là đã trở thành đẳng cấp quốc tế.

Nói theo văn hào Dostoievsky, tất cả tuỳ thuộc vào chính chúng ta. Chúng ta tự định đoạt số mệnh của mình chứ không nên đổ thừa cho ai.

clip_image002

GS Nguyễn Văn Tuấn

Trong Đề án đổi mới của Bộ GD&ĐT có đề cập đến chuyện: đảm bảo tự do học thuật nhưng phải theo đường lối XHCN. Ông suy nghĩ gì?

Tôi nghĩ có lẽ có sự hiểu lầm hay hiểu khác về tự do học thuật ở đây.

Theo tôi hiểu, khái niệm tự do học thuật (academic freedom) chẳng phải là mới, vì nó đã xuất hiện từ thập niên 1950 bên Mĩ. Thời đó, chủ nghĩa McCarthy và những người theo chủ nghĩa này gieo rắc và khủng bố các giáo sư đại học, những người đề cập đến chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Khái niệm tự do học thuật ra đời để bảo vệ các giáo sư có quyền suy nghĩ, lí giải, và phát biểu những vấn đề và ý tưởng mà không sợ bị trừng phạt bởi các thế lực chính trị và đại học.

Nói cụ thể hơn, tinh thần tự do học thuật áp dụng cho giảng viên và sinh viên. Đối với giảng viên, tự do học thuật có nghĩa là giảng viên có quyền nghiên cứu bất cứ chủ đề nào mà họ quan tâm, có quyền trình bày những kết quả đó cho sinh viên và đồng nghiệp mà không chịu sự đàn áp hay kiểm duyệt của bất kỳ thế lực nào.

Đối với sinh viên, tự do học thuật có nghĩa là tự do học các chủ đề mà họ quan tâm và có quyền đi đến kết luận, có quyền phát biểu ý kiến cá nhân của họ liên quan đến chủ đề học. Không có kiểu tự do "theo định hướng".

Việt Nam không nhất thiết phải học theo ai

Có ý kiến cho rằng, Singapore cũng có một thể chế độc đoán, nhưng họ đang thành công với mô hình đại học của mình. Và trong chuyện xây dựng tinh thần đại học, ta có thể học được cái hay từ cách làm của họ? Ông nghĩ sao về ý kiến này?

Tôi nghĩ không nhất thiết VN phải học Singapore hay mô hình đại học Singapore. Đứng về mặt tự do học thuật, các đại học Singapore chưa thể là một mô hình để chúng ta phải học theo. Mới đây, một giáo sư về báo chí của một đại học Singapore bị cắt hợp đồng chỉ vì bà chỉ trích tự do báo chí ở Singapore. Ở Trung Quốc, vì thiếu tinh thần tự do học thuật, nên các đại học danh tiếng như Stanford và Columbia không thiết lập chi nhánh ở quốc gia này.

Theo tôi thấy, Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm thành công của những trường đại học mới thành lập và đã nhanh chóng trở thành những đại học hàng đầu thế giới như Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông (HKUST), Đại học Khoa học và Công nghệ Pohang (Pohang University of Science and Technology) của Hàn Quốc, Đại học Quốc gia Singapore, Học viện Công nghệ Monterrey (Monterrey Institute of Technology) của Mexico, v.v.

Đó là những đại học chỉ trong thời gian 20-30 năm đã vươn lên và trở thành đại học đẳng cấp thế giới. Cái mẫu số chung của những đại học vừa kể trên là họ tuyển dụng nhiều giáo sư tài giỏi và tuyển mộ sinh viên có học lực tốt; họ có ngân sách dồi dào; và quan trọng là có lãnh đạo tốt, với tầm nhìn chiến lược.

Nhưng theo tôi thấy Việt Nam sẽ rất khó học áp dụng bài học thành công của họ, vì thể chế tổ chức trong các đại học Việt Nam còn cứng nhắc.

Người ta tuyển lãnh đạo đại học và giáo sư đại học qua quảng cáo khắp thế giới, nhưng ở Việt Nam thì theo cơ chế "qui hoạch" thì rất khó thu hút được người tài.

Người tài không thích ai định hướng cho mình, và họ đòi hỏi tự do trong suy nghĩ và ngôn luận. Do đó, Việt Nam nói đến học kinh nghiệm ngoài, nhưng nếu đại học không được tự chủ và không có tinh thần tự do học thuật thì việc mô phỏng theo các mô hình đại học khác trên thế giới chẳng có ý nghĩa gì.

Tự do học thuật phải được tôn trọng

Các trường Đại học là nơi sản sinh và tích dồn tri thức, để làm giàu trực tiếp và gián tiếp cho một quốc gia. Nhưng vai trò này của các trường đại học ở VN rất mờ nhạt. Nên thay đổi từ đâu thưa ông?

Tôi nghĩ nói cho công bằng thì các đại học Việt Nam cũng đã có đóng góp cho nền kinh tế và khoa học Việt Nam, nhưng có lẽ gián tiếp nhiều hơn là trực tiếp. Các đại học VN đã đào tạo những chuyên gia cho nền kinh tế, các nhà khoa học, và đó là một đóng góp rất đáng kể.

clip_image003

Nhưng đóng góp trực tiếp của các đại học Việt Nam cho nền kinh tế thì vẫn còn lu mờ. Bằng sáng chế từ các đại học Việt Nam hầu như không đáng kể. Các giáo sư đại học cũng chưa có nhiều sáng chế gì đáng chú ý. Các đại học Việt Nam dĩ nhiên chưa thể ở vị trí thu hút sinh viên nước ngoài để tạo ra hàng tỉ USD cho ngân sách quốc gia như các đại học phương Tây.

Nhưng tôi nghĩ các đại học Việt Nam có thể làm tốt hơn nữa trong việc đóng góp cho nền kinh tế. Làm như thế nào thì lại là một câu hỏi lớn đã chiếm thời gian và tiêu hao công sức của rất nhiều người quan tâm. Tôi nghĩ đến một chiến lược liên kết chiến lược giữa các doanh nghiệp kĩ nghệ và đại học. Cần có những cơ chế để cho những người trong doanh nghiệp kĩ nghệ (có nghiên cứu) tham gia vào việc đào tạo sinh viên, và họ cũng được ghi nhận qua các chức danh học thuật.

Đối với các ngành nghiên cứu khoa học xã hội tôi nghĩ thách thức còn lớn hơn các ngành khoa học và kĩ thuật. Có nhiều chủ đề mà giới khoa học xã hội quan tâm nhưng có khi được xem là "tế nhị" hay "nhạy cảm" nên đành phải gác lại. Đây cũng là một vấn đề về tự do học thuật.

Theo ông, nên "gỡ" nút thắt nào đầu tiên?

Thú thật, tôi vẫn nghĩ đến tự chủ và tự do học thuật. Đại học cần phải có quyền tự chủ trong việc quyết định bổ nhiệm giảng viên, giáo sư, quyết định chế độ lương bổng, quyền tuyển sinh, và chủ động trong việc soạn thảo chương trình giảng dạy.

Tự do học thuật cần phải được tôn trọng. Một khía cạnh khác của tự do học thuật chính là tự chủ, hiểu theo nghĩa đại học có quyền bổ nhiệm giáo sư, hoạch định chương trình giảng dạy, và theo đuổi nghiên cứu vì lợi ích khoa học và nghệ thuật chứ không vì lợi ích của các nhóm lợi ích và chính trị trong xã hội. Tôi nghĩ không có tự do học thuật thì khoa học xã hội Việt Nam rất khó phát triển.

Theo ông, làm thế nào để xây dựng được một tinh thần đại học đúng nghĩa?

Tôi nghĩ đến mô hình đại học dựa trên tinh thần khai sáng của Immanuel Kant và lí tưởng liberal của Friedrich Schleiermacher. Đại học không chỉ là trung tâm đào tạo nhân tài, mà còn là một trung tâm khoa học và văn hóa, với tự do học thuật được xem là đặc điểm quan trọng nhất. Không có tự do học thuật, đại học khó mà hoàn tất sứ mệnh phản biện xã hội của mình, và khó có thể đóng góp tích cực cho Nhà nước và xã hội.

Xin cảm ơn ông

Lê Vũ Quý Linh (thực hiện)

GS.TS Nguyễn Văn Tuấn:

Giảng viên cao cấp tại ĐH New South Wales, Úc.

Trưởng nhóm nghiên cứu, Viện nghiên cứu Y khoa Garvan, Úc.

Nghiên cứu viên cao cấp Hội đồng quốc gia về nghiên cứu y khoa và y tế Úc (NHMRC).

1987-1997: Thạc sĩ ĐH Macquarie (Úc); Tiến sĩ thống kê, chuyên về dịch tễ học ĐH Sydney (Úc); Tiến sĩ y khoa ĐH New South Wales (Úc), Nghiên cứu sinh sau tiến sĩ (postdoc) tại ĐH Basle, Trung tâm nghiên cứu lâm sàng Sandoz  (Thụy Sĩ) và Bệnh viện St Thomas (Anh).

1998: Được bổ nhiệm Phó Giáo sư y khoa ĐH Wright States (Mỹ).

2009: Được bổ nhiệm Giáo sư ĐH New South Wales (Úc).

Nguồn: vietnamnet.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn