Con đường Tự do

NGUYỄN HỒ NHẬT THÀNH

Tôi không biết mình sẽ bị bắt giam vào lúc nào khi mức độ đàn áp những hoạt động tranh đấu cho Quyền tự do ngày càng gia tăng. Tôi không lo sợ việc sẽ ngồi tù nhưng chỉ lo những kinh nghiệm về đường hướng hoạt động mà tôi đã tìm hiểu và suy tư trong 5 năm qua không có cơ hội chia sẻ lại với những người mới muốn hoạt động xã hội. Trong thời gian còn lại không biết là bao nhiêu, tôi muốn viết ra đây như một sự gửi gắm đến những người bạn, những anh em có cùng sự quan tâm về thực trạng xã hội và khát khao đóng góp vào sự thay đổi, vì một đất nước Việt Nam Tự do, Công bằng và Yêu thương nhau hơn.

Trước đây, tôi cũng là một người bàng quan như bao người, nhưng biến cố biểu tình chống sự bành trướng của Trung Quốc vào ngày 5/6/2011 và những tuần sau đó mà tôi đã tham gia làm thay đổi nhận thức của tôi về xã hội, về tình hình chính trị đất nước và từ đó cuộc đời tôi bước sang một ngã rẻ khác. Tôi vẫn nhớ rõ như in thời gian này, những người bạn, những người anh em biết nhau qua những cuộc biểu tình đã bị đánh đập, bị lôi lên xe chở đi như một con thú mà chỉ trước đó ít phút thôi những nhân viên sắc phục công an còn ra cười nói bắt tay khuyên chúng tôi về vì mọi chuyện đã có “đảng và nhà nước lo”.

Tại sao nhà cầm quyền lại hành xử với chúng tôi như vậy? Tại sao lại chà đạp lên lòng yêu nước đơn thuần của chúng tôi bằng những trận đòn và sự sỉ nhục? Những câu hỏi đau đớn đó đã thúc bách tôi phải đi tìm nguyên nhân của thực trạng này. Càng quan tâm tôi càng nhìn thấy rõ hơn nhiều hiện tượng bất công trong xã hội từ những việc nhũng nhiễu của nhân viên nhà nước, từ việc dân oan bị cướp đất vào các tay buôn dự án đến sự bắt giam những nhà hoạt động ôn hòa. Tất cả vấn nạn, nhìn chung, đúng như lời cựu chủ tịch quốc hội Nguyễn Văn An đã nói. Đó chính là nguyên do từ “lỗi hệ thống”. Một hệ thống còn chứa đầy nọc độc của chế độ quân chủ chuyên chế phong kiến, xem người dân vẫn là thần-dân-nô-lệ thay vì là một công-dân-tự-do với đầy đủ phẩm giá và các quyền con người như những quốc gia dân chủ thực sự.

Do vậy, đất nước này phải thay đổi. Hệ thống chính trị này phải thay đổi, phải trả lại quyền tự do cho người dân. Hoặc, nó sẽ biến mất trên bản đồ Thế giới. Đó là nguy cơ có thể xảy ra như sự cảnh báo của các thế hệ cha ông về mối nguy ngày càng lệ thuộc Trung Quốc cả về phương diện tư tưởng chính trị và kinh tế như hiện nay.

Vì một quốc gia được gọi là một quốc gia tồn tại và phát triển phải đảm bảo đầy đủ ba yếu tố, đó là lãnh thổ - nhân dân và chủ quyền. Thiếu một trong ba điều kiện đó thì sẽ dẫn đến nguy cơ một quốc gia thất bại như tình trạng một số nước ở Châu Phi như Somalia, hay Syria trong những năm gần đây. Trong ba điều đó thì nhân dân là quan trọng nhất, mà muốn biết yếu tố nhân dân còn hay mất thì phải xem thực trạng Dân quyền được thực thi ở mức độ nào. Như cụ Phan Bội Châu đã viết: “Dân quyền mà được đề cao thì nhân dân được tôn trọng, mà nước cũng mạnh. Dân quyền bị xem nhẹ, thì dân bị coi khinh, mà nước yếu. Dân quyền hoàn toàn mất thì dân mất, mà nước cũng mất" *.

Vậy Dân quyền là gì?

Dân quyền chính là hành trình tiến hóa và chuyển đổi nhận thức của xã hội loài người từ chế độ Thần quyền (quyền lực thuộc về thần linh) sang Quân quyền (Quyền lực thuộc về vua chúa) đến Dân quyền (Quyền lực thuộc về người dân) như các quốc gia văn minh trong giới tiến bộ hiện nay. Dân quyền (Civil Rights) là những quyền tự do căn bản của người dân sống trong một quốc gia bao gồm ba quyền nền tảng: Quyền tự do bầu cử và trưng cầu dân ý; Quyền tự do ngôn luận và báo chí; Quyền tự do lập hội và hội họp. Cần nhấn mạnh rằng tự do bầu cử phải đi kèm với tự do trưng cầu dân ý; Tự do ngôn luận phải đi kèm tự do báo chí và tự do lập hội phải đi kèm tự do hội họp. Vì nếu hai yếu tố cấu thành một quyền đó bị tước bỏ thì xem như nó không tồn tại. Ví dụ như chính quyền cho phép lập hội nhưng cấm thành viên hội họp với nhau thì luật đó cũng vô nghĩa. Và chỉ cần một trong ba quyền này không được thực thi thì không - thể - gọi - là - Dân - quyền.

Tôi sẽ không đi sâu vào lịch sử Dân quyền để tránh dài dòng nhưng một điều chắc chắn là Phong trào Dân quyền (Civil Rights Movement) được hình thành từ nhiều thế kỷ trước khi được tổng hợp trong phần Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (International Covenant on Civil and Political Rights) của Bộ luật Nhân quyền quốc tế được thông qua vào ngày 16/12/1966. Thời gian đó vẫn đang diễn ra Phong trào Dân quyền cho người da đen tại Mỹ do mục sư Martin Luther King lãnh đạo. Dẫn chứng này nhằm giúp chúng ta phân biệt và xác định mục tiêu tranh đấu rõ ràng hơn với thực tế tình hình Việt Nam.

Từ nhận thức trên, có thể nhận thấy rằng, về mặt tổng quan thì Việt Nam hiện nay có Nhân quyền nhưng điểm quan trọng nền tảng mà Việt Nam hoàn - toàn - không - có, chính là Dân quyền. Theo đó ta có thể định nghĩa rằng: Dân quyền là giá trị nền tảng để phát triển xã hội dân chủ. Muốn biết một quốc gia có thực sự dân chủ hay không, hãy nhìn vào tình trạng Dân quyền ở đó.

Khẩu hiệu quốc gia “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” chúng ta thường thấy trên mọi văn bản nhà nước phát xuất từ tinh thần chủ nghĩa Tam Dân của ông Tôn Trung Sơn, người khai sinh ra Trung Hoa Dân Quốc. Đây cũng là lý tưởng đấu tranh của các cha ông ngày trước. Cụ thể là Dân tộc phải Độc lập; Dân quyền phải Tự do và Dân sinh phải Hạnh phúc. Nhưng bi kịch là, sau khi kháng chiến chống thực dân Pháp thành công, lý tưởng giành lại Dân quyền cho người dân vẫn chưa trở thành sự thật và kéo dài cho đến ngày hôm nay.

Tôi có dịp gặp nhiều trí thức, học giả, mỗi người quan tâm mỗi lĩnh vực từ môi trường, giáo dục, kinh tế, xã hội... Tất cả đều đau đáu muốn vận động cải cách lĩnh vực mà mình quan tâm. Nhưng một thực tế là, khi đi đến căn nguyên của vấn đề họ đều đành bất lực, bởi nếu chế độ không tôn trọng và thực thi Dân quyền thì mọi nổ lực hoạt động khác chỉ là giải quyết những hậu quả do “Lỗi hệ thống” này tạo ra. Cần nhìn thẳng vào sự thật đó. Khi Dân quyền được khai thông Tự do thì Dân sinh mới thực sự được Hạnh phúc. Và trách nhiệm của thế hệ hiện nay, phải tiếp nối cha ông thúc đẩy cho lý tưởng này trở thành hiện thực.

N.H.N.T.

Sài Gòn ngày 29/12/2016

* Phan Bội Châu. Sđd., t.2. tr.286

Phần tiếp: Làm thế nào để hoạt động thúc đẩy Dân quyền?

Nguồn: https://www.facebook.com/notes/nguy%E1%BB%85n-h%E1%BB%93-nh%E1%BA%ADt-th%C3%A0nh/con-%C4%91%C6%B0%E1%BB%9Dng-t%E1%BB%B1-do/1269632499742041

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn