Xây dựng thủy điện bậc thang ào ạt ‘cần phải lên án’

clip_image002

Một chú bé chồng bè tạm ra khỏi nhà trên một cái ruột bánh xe hơi ở tỉnh Bình Định hôm 18 tháng 12, 2016. Chỉ một tuần lễ có 24 người chết vì thủy điện xả lũ tại miền Trung Việt Nam. (Hình: STR/AFP/Getty Images)

SÀI GÒN (NV) – Tuy các con sông ở miền Trung đều nhỏ nhưng phải gánh rất nhiều các công trình thủy điện bậc thang dẫn đến hệ lụy ngập lụt chết người, tài sản, mùa màng, cầu đường thiệt hại.

“Quy hoạch thủy điện bậc thang ở các sông nhỏ là một sai lầm, là nguyên nhân sâu xa của lũ. Về mặt kỹ thuật không được làm điều này nhưng chúng ta vẫn cố để làm. Cần phải lên án điều này”. Trong một cuộc phỏng vấn của tờ Một Thế Giới hôm Thứ Hai, 19 tháng 12, 2016, ông Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy Lợi thời ông Võ Văn Kiệt làm Thủ tướng, Chủ tịch Hội Thủy Lợi Việt Nam, nói như vậy.

Theo ông này, có một số nguyên nhân chính dẫn đến việc các đập thủy điện xả lũ “đúng quy trình” mà người dân không kịp chạy. Thứ nhất, những người điều hành đập thủy điện “không nắm được thông tin” về dự báo khí tượng để điều tiết nên chỉ hối hả xả lũ khi sợ vỡ đập, dẫn đến ngập lụt các khu vực hạ lưu.

Thứ hai, “các sông suối nhỏ cũng đều làm thủy điện bậc thang, mỗi sông 3 – 4 nhà máy thủy điện. Hơn nữa, khoảng cách giữa các nhà máy chỉ cách nhau khoảng vài chục cây số. Các nước không ai cho phép như vậy bởi vì khi đập này tích nước, chưa kịp xả hết thì nước từ đập kia lại chảy về rồi”.

Thứ ba, theo ông được thuật lời, “những vùng rốn lũ thì chúng ta lại cho phép dân cư vào ở rất nhiều, ví dụ như Hố Hô, đúng dòng sông Ngàn Sâu chảy, hai bờ không được xuống nhưng địa phương vẫn cho dân phát triển. Tình trạng này cũng tương tự ở các địa phương khác. Cho nên tác hại của ngập lụt nghiêm trọng hơn. Những vùng rốn rũ, quốc tế và đặc biệt là Mỹ không bao giờ cho dân vào ở, nhưng Việt Nam thì cứ cho”.

Theo ý kiến của ông Vũ Trọng Hồng, hiện Việt Nam sử dụng điện phần lớn từ 37 nhà máy thủy điện lớn, “nếu bỏ những thủy điện nhỏ này không ảnh hưởng gì nhiều. Nhà nước có thể xem xét những thủy điện nào có nhiều rủi ro như kiểu Hố Hô hoặc thủy điện bậc thang, không thu được lợi ích kinh tế nhiều thì đề nghị họ có thể thu xếp chấm dứt hoạt động”.

Theo các con số được tờ VNEconomy nêu ra ngày 14 Tháng Mười Một, 2016, hiện nay, trên cả nước Việt Nam có 306 dự án thủy điện với tổng công suất lắp máy Nlm=15,474 MW đang vận hành phát điện. Còn 193 dự án (5,663 MW) đang thi công xây dựng và 245 dự án (3,006 MW) đang nghiên cứu đầu tư. Đó là chưa kể 59 dự án (422 MW) có quy mô nhỏ “đang được tiếp tục rà soát”.

Nếu chỉ kể riêng về quy hoạch bậc thang thủy điện trên các dòng sông lớn đã vận hành phát điện 61 dự án (13,101 MW) và đang thi công xây dựng 31 dự án (3,580 MW); đang nghiên cứu đầu tư 15 dự án (730 MW), có 3 dự án (128 MW) chưa cho phép nghiên cứu đầu tư. Nhìn chung, hầu hết đều là những dự án thủy điện có công suất rất nhỏ.

Người ta đã biết sự tác hại của thủy điện từ lâu nay nhưng không thể loại bỏ được, theo ông Vũ Trọng Hồng, là vì “Có nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó cũng có nguyên nhân lợi ích nhóm, có người này người kia cổ phần ở trong các nhà máy thủy điện nên rất khó xóa bỏ”.

Theo các con số thông kê sơ khởi từ “Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai” của nhà cầm quyền CSVN, các đập thủy điện miền Trung xả lũ hai tháng qua đã làm 111 người chết và mất tích, 121 người bị thương; hơn 300,000 ngôi nhà bị ngập, hư hại. Tổng thiệt hại ước tính trên 8,500 tỷ đồng hay khoảng $260 triệu. Nếu kể từ đầu năm đến nay, các loại thiên tai phối hợp với thủy điện xả lũ đã làm chết 235 người và thiệt hại tài sản khoảng $1.7 tỷ. (TN)

Nguồn: http://www.nguoi-viet.com/viet-nam/xay-dung-thuy-dien-bac-thang-ao-can-phai-len/

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn