Bị qui là phản động, nhưng không đương nhiên bị truy tố?

Kính Hòa, phóng viên RFA

Công an ngăn chặn người biểu tình trước Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội ngày 13/5/2014. AFP photo

Tháng 5 năm 2017, một người hoạt động xã hội dân sự ở Nghệ An là ông Hoàng Đức Bình bị bắt tạm giam. Ngoài lý do cáo buộc ông Bình là hoạt động tuyên truyền chống phá nhà nước, tờ báo mạng Công Lý của Tòa án nhân dân tối cao còn cáo buộc ông Bình có dính líu đến những tổ chức phản động mang màu sắc chính trị như NoU, Liên đoàn Lao Động Việt,… trong khi các tổ chức này chỉ là những tổ chức hoạt động xã hội dân sự.

Một câu hỏi được đặt ra là tại sao bị qui kết là phản động, mà trong thực tế những tổ chức này và những thành viên vẫn hoạt động công khai?

Dùng từ ngữ chính trị, phản động để bôi xấu

Trong hai tuần lễ đầu tháng năm, năm 2017, ngoài ông Hoàng Đức Bình bị bắt tạm giam còn có hai người hoạt động xã hội nữa bị nhà cầm quyền Việt Nam truy nã là ông Bạch Hồng Quyền ở Hà Nội, và ông Thái Văn Dung ở Nghệ An.

Trong đó ông Bạch Hồng Quyền bị truy nã về tội gây rối, còn ông Thái Văn Dung bị truy nã về tội không chấp hành án sau khi ra tù. Ông Thái Văn Dung bị kết án 4 năm tù giam và 4 năm quản chế vào năm 2013 với tội danh hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một người hoạt động xã hội dân sự nhận xét về những từ ngữ mà nhà cầm quyền dùng để chỉ những cá nhân hoạt động dân sự và những tổ chức của họ:

“Đó là một cái trò chơi về ngôn từ mà bảy tám chục năm nay người Việt Nam đã bị nhồi sọ. Tôi hay dùng cái thuật ngữ là cảnh sát tư tưởng, là cái bộ phận mà nó giám sát đầu óc con người, nó tẩy não người”.

Trong những nhóm mà báo chí Việt Nam gán cho là có màu sắc chính trị, hoặc đôi khi gọi là phản động có nhóm NoU. Nhóm này được hình thành từ những hoạt động phản đối Trung Quốc xâm lược biển đảo của Việt Nam. NoU có nghĩa là không chấp nhận đường ranh giới hình chữ U, còn gọi là đường lưỡi bò của Trung Quốc tự tuyên bố chiếm 90% diện tích biển Đông. Ngoài ra nhóm NoU cũng có những hoạt động từ thiện như trợ giúp người nghèo ở vùng núi, hay là cứu trợ nạn nhân bão lụt.

Một thành viên của tổ chức NoU ở Hà Nội là kỹ sư Nguyễn Lân Thắng cho biết tại sao những từ ngữ như là hoạt động chính trị, hay là phản động được dùng để chỉ trích, hoặc qui tội cho các nhóm hoạt động dân sự:

“Đấy, vấn đề nó là ở chỗ đấy, họ tìm một căn cứ mơ hồ nào đó, giống như từ trước đến nay họ thường hay có một cái bài là đổ cho tổ chức Việt Tân chẳng hạn. Làm cho không ai biết đấy là đâu, chỉ biết là phản động thế này thế kia. Người ta luôn có một lý do, một con ngáo ộp, để hợp thức hóa những việc làm phi pháp”.

Theo nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng hiện sống ở Sài Gòn thì có thể có hai lý do mà báo chí và bộ máy tuyên truyền của Đảng dùng những từ ngữ xấu để gán ghép cho các tổ chức dân sự: thứ nhất là họ không ý thức được việc làm của những tổ chức dân sự đó là những việc làm cần thiết để giúp đỡ người dân mà nhà nước không làm được, thứ hai, hoặc là đó là thói quen trấn áp của nhà cầm quyền.

Ông Phạm Chí Dũng đề cập đến hoạt động của những người vừa bị bắt hoặc truy tố như Bạch Hồng Quyền, Hoàng Đức Bình là đấu tranh vì môi trường, đòi đóng cửa nhà máy Formosa, tổ chức gây ra thảm họa môi trường Vũng Áng vào tháng tư năm 2016.

Đàn áp nhưng không thể truy tố chính trị

Có một câu hỏi đặt ra là tại sao cơ quan tuyên truyền của Đảng nói rằng một số tổ chức dân sự là phản động nhưng tại sao lại không truy tố và bắt giam tất cả thành viên của các tổ chức đó?

Ngoài ra Việt Nam còn tuyên bố là không cầm giữ những tù nhân chính trị, mà chỉ bắt giữ những người phạm tội lật đổ nhà nước hay gây rối trật tự xã hội mà thôi.

Hoàng Đức Bình (trái) đã bị bắt và Bạch Hồng Quyền đang bị truy nã do lên tiếng về vụ Formosa. RFA

Vậy tại sao báo chí Việt Nam lại cáo buộc những người bị bắt và truy tố là có những hoạt động liên quan đến chính trị?

Ông Lê Thăng Long, một cựu tù nhân chính trị, từng hoạt động trong tổ chức Con đường Việt Nam, một tổ chức chủ trương đấu tranh bất bạo động để dân chủ hóa xã hội Việt Nam, nói:

Thực tế là trong thời gian qua những tổ chức đó, người ta hoạt động công khai, người ta không buộc tội được họ, vì họ hết sức chuẩn mực và đúng luật pháp, đúng cái lẽ phải chung của loài người. Đảng độc tài thì họ không muốn mất đi cái vai trò quyền lực của họ. Họ tìm cách ngăn chận và nói xấu”.

Nhà báo tự do Phạm Chí Dũng bổ sung là những tổ chức xã hội dân sự như là NoU, Con đường Việt Nam, Liên đoàn Lao Động Việt, … nếu có đấu tranh thì đều dùng phương thức hoạt động bất bạo động, được thế giới chấp nhận, nên vì thế nhà cầm quyền chỉ có cách là bôi xấu họ:

“Nhà cầm quyền thực hiện một chính sách là kềm chế và sử dụng phản tuyên truyền của chính quyền để nói xấu những tổ chức này, làm cho những tổ chức này không có đất hoạt động, hoặc giảm ảnh hưởng trong quần chúng nhân dân”.

Trong những diễn biến chính trị xã hội tại bốn tỉnh miền Trung trong hai tuần lễ đầu tháng năm, với nhiều cuộc biểu tình vì môi trường, chống Formosa bị đàn áp, có ông Thái Văn Dung bị truy nã, nhưng ông không bỏ trốn, và cho đến giữa tháng năm, ông vẫn tự do không bị bắt.

Ông Nguyễn Lân Thắng giải thích sự không nhất quán đó:

“Thật ra họ cũng có rất nhiều bộ phận, rất nhiều cấp độ khác nhau, theo vùng miền cũng như là theo các kênh tổ chức của họ, cho nên là họ cũng không có một kế sách nhất quán, trong việc tuyên truyền, cũng như là trấn áp”.

Ngoài ra trong lúc những cuộc biểu tình vì môi trường chống Formosa diễn ra ở Hà Tĩnh và Nghệ An bị đàn áp, thì một đoàn vận động quốc tế các vấn đề nhân quyền và môi trường của Giáo phận Vinh, cũng là địa bàn các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh lại được phép lên đường sang châu Âu.

Nhà báo Phạm Chí Dũng nhận xét:

“Đàn áp thì đàn áp nhưng mà vẫn sợ, sợ một cái công đoàn Công giáo khổng lồ, không chỉ là ở Vinh đâu, mà cả ở những nơi khác họ hiệp thông với Vinh. Trước mắt là Vinh, 500 ngàn giáo dân và vài trăm linh mục. Mà ở Vinh thì tinh thần họ rất cao, họ kết thành một khối, mà khi người Công giáo kết thành một khối thì họ có thể trở thành một lực lượng”.

Ông Phạm Chí Dũng cũng đưa ra nhận xét là vì lý do bị áp lực quốc tế, nên nếu so sánh với 10 năm trước, thì số vụ bắt bớ những nhà hoạt động dân sự, hay bất đồng chính kiến đã giảm hẳn. Nhà cầm quyền chỉ dùng những tội danh có tính chất hình sự để bắt tạm giam, hay truy tố họ. Nhưng song song đó, trong việc tuyên truyền, nhà cầm quyền lại gán cho họ tội phản động chính trị, chỉ để bôi xấu.

Nhưng theo ông Nguyễn Lân Thắng, biện pháp tuyên truyền này có thể có tác dụng ngược, vì nó giúp cho dân chúng biết nhiều hơn đến những nhà hoạt động xã hội dân sự và tổ chức của họ.

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/why-being-reactionary-not-always-convicted-kh-05182017132821.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn