Các thành viên còn lại cố hồi sinh TPP mà không có Mỹ

Trọng Nghĩa

Bản đồ 12 nước trước đây tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương -TPP. Nguồn: freemalaysiatoday.com

Họp tại Hà Nội bên lề các hội nghị của Diễn đàn Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương APEC, 11 thành viên còn lại trong hiệp định tự do thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP vào hôm nay, 19/05/2017, đang nỗ lực đàm phán về một bản tuyên bố nhằm khẳng định quyết tâm thúc đẩy thực hiện thỏa thuận này, bất chấp sự rút lui của thành viên quan trọng nhất là Hoa Kỳ.

Theo hãng tin Anh Reuters, một số nguồn thạo tin có liên hệ với các cuộc thảo luận cho biết, nhóm quốc gia được gọi là TPP-11, tức là 12 nước đã ký kết hiệp định trừ Mỹ, dự trù ra bản tuyên bố này vào ngày mai, 20/05.

Nhật Bản - nước đầu tiên trong nhóm - đã phê chuẩn TPP, là động lực đi đầu trong cố gắng thường được gọi là “hồi sinh” bản hiệp định tự do mậu dịch này, vốn bị tân Tổng thống Mỹ Donald Trump khai tử ngay sau khi nhậm chức, nhân danh chủ trương “nước Mỹ trên hết” của ông. Và mới đây, Nhật Bản đã được New Zealand tiếp sức sau khi Wellington phê chuẩn hiệp định này.

Một nguồn tin xin ẩn danh đã xác định với Reuters rằng bản tuyên bố có hai điểm chính: Một là làm sao để Hiệp định sớm có hiệu lực cho khối TPP-11, mà thời điểm dự trù là vào năm 2018. Điểm thứ hai cần chú ý là tạo điều kiện để cho một nước đã ký kết thỏa thuận, nhưng sau đó rút ra, có thể quay trở lại. Điểm thứ hai này được cho là nhằm để ngỏ cửa cho Hoa Kỳ trở lại vào khối nếu chính quyền Donald Trump thay đổi ý kiến.

Trên bình diện thuần túy kỹ thuật, 11 thành viên còn lại phải đồng ý xóa bỏ một điều khoản trong thỏa thuận, quy định rằng để có hiệu lực, hiệp định phải được ít nhất 6 nước phê chuẩn và các nước này phải chiếm 85% tổng GDP của toàn khối.

Tuy nhiên, theo nhận định của Reuters, việc hồi sinh TPP không phải không gặp những trở ngại. Một trong số những thách thức này liên quan đến việc làm sao giữ được Việt Nam và Malaysia trong khối.

Trong trường hợp của Việt Nam, đây là nước được đánh giá là hưởng lợi nhiều nhất từ TPP nếu Hoa Kỳ còn là thành viên. Khi đàm phán TPP, vì những lợi ích đó, Việt Nam đã đồng ý với Hoa Kỳ là sẽ tôn trọng một số điều khoản nghiêm ngặt về quyền của người lao động hay về việc bảo vệ tác quyền. Nay Hoa Kỳ không còn trong khối, Việt Nam có thể sẽ đòi đàm phán lại những điều khoản đó. Một viên chức Việt Nam xin giấu tên đã nêu bật khả năng trên với hãng tin Anh.

Một vấn đề thứ hai, dù xa xôi hơn, nhưng liên quan đến hai nước đầu tàu trong việc hồi sinh TPP là Nhật Bản và New Zealand. Cho đến nay, Nhật Bản được cho là không muốn mở cửa TPP đón Trung Quốc, và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe vẫn nuôi hy vọng là Mỹ sẽ hồi tâm chuyển ý và quay trở lại TPP. Trong lúc đó, New Zealand - một nước có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc - lại muốn lôi kéo người khổng lồ này vào TPP.

Dẫu sao, theo nhận xét của Reuters, Trung Quốc chắc chắn sẽ không muốn thấy TPP hồi sinh, kể cả khi không có Mỹ, vì thỏa thuận đó cạnh tranh với Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực RCEP mà Bắc Kinh muốn thúc đẩy.

T.N.

Nguồn: http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170519-tpp-11-thanh-vien-con-lai-co-suc-hoi-sinh-hiep-dinh-ma-khong-co-my

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn