Nhân vụ Quỳnh Lưu

Nguyễn Đình Cống

Sau vụ Đồng Tâm Hà Nội, đến vụ Quỳnh Lưu Nghệ An. Hai vụ này nhắc mọi người nhớ đến vụ Quỳnh Lưu tháng 11 năm 1956. Hồi ấy tôi đang là sinh viên, nghe các bạn người Nghệ An thầm thì hỏi tin nhau xem gia đình có bị gì không. Rồi sự việc bị giấu nhẹm và trôi vào quên lãng. Bây giờ nghe tin Quỳnh Lưu, nhớ lại, vào Google tìm xem ở đó viết như thế nào. Thu được 2 nguồn tin, có chỗ giống và cơ bản là trái ngược nhau.

Chỗ giống nhau:

Sau khi Chính phủ tuyên bố sửa sai Cải cách ruộng đất, từ ngày 10 tháng 11 năm 1956 nhân dân một số xã ở Quỳnh Lưu tự động họp nhau, mở đại hội, nêu yêu sách. Ban đầu chính quyền huyện điều bộ đội dịa phương về để giải tán. Dân không chịu mà tổ chức biểu tình to hơn, thành phong trào phản đối chính quyền. Chính phủ phải can thiệp, huy động nhiều trung đoàn bộ đội chính quy mới dẹp yên được.

Chỗ trái ngược nhau:

A- Nguồn tin chính thống cho rằng Vụ Quỳnh Lưu 1956 là cuộc bạo loạn do những phần tử phản động lợi dung sai lầm của CCRĐ xúi giục nhân dân chống đối chính quyền. Chính quyền đã thành công lớn trong việc kịp thời dùng quân đội để trấn áp bọn phản cách mạng, đưa lại sự yên ổn cho nhân dân. Theo tường thuật, khi các trung đoàn bộ đội bao vây và tiến vào các làng xã thì chỉ có các sĩ quan được mang súng, còn phần lớn chiến sĩ chỉ đi tay không hoặc cầm gậy. Quân đội có bắn súng liên thanh nhưng chỉ bắn lên trời để thị uy.

Đại diện cho quan điểm này là các bài: Dẹp loạn ở Quỳnh Lưu của Lê Văn Hồi ; Kịch bản ở Quỳnh Lưu 1956 tái diễn - chính quyền còn chờ gì nữa cuả Nguyễn Kim Khánh.

B- Nguồn tin lề trái cho rằng vụ Quỳnh Lưu 1956 là cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân (nhưng thất bại), là cuộc tàn sát đẫm máu của chính quyền đối với người dân tay không. Cuộc nổi dậy của nhân dân một số xã ở Quỳnh Lưu được sự hưởng ứng của hàng vạn nông dân Thanh Hóa. Đầu tiên chính quyền huy động Sư đoàn 325 đến đàn áp, nhưng lo ngại rằng lính của sư này chủ yếu là người Nghệ An, không dám ra tay, nên sau đó tướng Văn Tiến Dũng đã điều động các Sư đoàn 304, 312, 324 ở các nơi khác đến. Có số liệu cho rằng số người bị giết, bị thương, bị bắt đi tù mất tích lên đến 6000, cho rằng đây là một trong những vụ thảm sát do Quân đội nhân dân VN gây ra. Đại diện cho nguồn tin này là các vị: Cẩm Ninh, Nữ Vương Công Lý, Phạm Viết Đào, Nguyễn Văn Định, Bảo Giang…

Ở Quỳnh Lưu hiện nay chỉ mới nghe nói đến Hội Cựu Chiến binh, Hội Phụ nữ và học sinh phổ thông tổ chức mit tinh, biểu tình đấu tố vắng mặt các Lnh mục theo như kiểu đấu tố trong CCRĐ. Chưa thấy có sự can thiệp của Quân đội như năm xưa. Ở các nước Đông Âu vào thời điểm bị huy động đi đàn áp biểu tình, đại đa số binh sĩ ôm nhau khóc. Bộ trưởng Quốc phòng của Rumani đã chống lại lệnh của TBT đảng Ceausescu, không ra lệnh cho quân đội đàn áp dân. Quân đội nhân dân VN, trừ một số rất ít, rất rất ít khát máu, còn gần như toàn bộ chắc chắn cũng giống như Quân đội các nước Đông Âu, không bao giờ bắn vào dân. Sự kiện ở Quỳnh Lưu 1956 là một vết nhơ không bao giờ rửa sạch, chính quyền độc tài không bao giờ dám trình bày đúng sự thật.

N.Đ.C.

Tác giả gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn