Suy nghĩ về thực trạng đất nước nhân bài “Vụ Đồng Tâm, Mỹ Đức - cần cảm ơn Đảng”

Hoàng Hưng

Xin có đôi lời về bài “Vụ Đồng Tâm, Mỹ Đức - cần cảm ơn Đảng” của tác giả Mạc Văn Trang trước khi “nhân đó” nói chuyện “thực trạng đất nước” bao quát và cần thiết hơn.

Nói ngay: phản ứng của không ít người (chủ yếu ở hải ngoại) trước cụm từ “cần cảm ơn Đảng” là điều dễ hiểu. Tách khỏi vụ việc cụ thể (vụ Đồng Tâm), văn cảnh cụ thể (toàn bài viết), thì nó hoàn toàn vô lý, thậm chí “phản động” nếu đã thừa nhận rằng: con đường đi lên của Việt Nam là phải “thoát Cộng”, trước mắt phải thoát khỏi quy định về “lý tưởng Mác-Lênin” và “độc quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản” trong Hiến pháp.

Một câu hỏi đơn giản: nếu nhận định trên là rõ ràng, tại sao cả bài viết này của Mạc Văn Trang cũng như bài “Hèn hạ, nhục nhã?” - hệ quả của bài trên - đều có số like khá lớn (khoảng 360, là lớn so với những bài về chính trị trên FB), và quan trọng hơn, trong số đó có nhiều nhân vật nổi tiếng vì tư tưởng và thực tế hoạt động dân chủ, chống độc tài Cộng sản, chủ yếu đang hoạt động trong nước và chịu rất nhiều áp lực của chính quyền, có cả nhà văn nổi tiếng, nạn nhân suốt đời của Cộng sản, đang phải sống lưu vong?

Để tự trả lời câu hỏi trên, tôi buộc phải đọc lại vài lần bài “Vụ Đồng Tâm…”. Anh bạn Inrasara của tôi vừa chỉ ra: Trong bài viết sau (Hèn hạ…), ông MVT đã nói rõ là ông thật sự xin lạy và cảm ơn tên tướng cướp đã không cho đàn em giết người hãm hiếp phụ nữ sau khi cướp của, vậy là những người suy đoán rằng ông “chửi xéo”, “nói ngược” (thú thật là trong đó có tôi) bị… “hố” (xem: https://vandoanviet.blogspot.com/2017/05/y-kien-ve-bai-phan-bien-cua-mac-van.html#more). Mặc dù thế, tôi vẫn phải lưu ý các bạn đoạn kết của bài “Vụ Đồng Tâm”:

“Trở lại “Vụ Đồng Tâm”, bản năng xâm kích của các cảnh sát viên trẻ được kích hoạt, hào hứng chuẩn bị bắn bỏ “bọn gây rối, bạo loạn”; được lệnh là ra tay, “quán triệt mệnh lệnh cấp trên”. Người chiến sĩ chỉ làm sao “đánh nhanh, diệt gọn” “dẹp loạn xong”, hoàn thành nhiệm vụ trên giao… Và thế là cái ác diễn ra, không sợ bị trừng phạt!

Nhưng phúc đức làm sao, khi những cảnh sát viên đã háo hức, sẵn sàng, thì không được lệnh trên! Cái ác đã không xẩy ra ở Đồng Tâm!

Phải thật sự cảm ơn Đảng trong vụ này! Và mong rằng các vụ tương tự, Đảng hãy sáng suốt, đừng DÁN NHÃN vào nhân dân, để bỗng chốc những người con ưu tú của dân tộc thành “phản động”, và cái ác ngang nhiên diễn ra! Hãy lắng nghe, thấu hiểu và đối thoại với nhân dân! Mỗi người dân cũng đừng mãi u mê, cứ thấy đồng bào, bà con mình bị DÁN NHÃN “phản động”, “chống phá” là ùa vào “ném đá” theo tâm lý đám đông, “vô minh tập thể”, hay ngoảnh mặt làm ngơ. Các cuộc đấu tố, vu khống, giết hại trong CCRĐ, Nhân Văn Giai Phẩm, cải tạo tư sản, “trận đánh đẹp” ở Yên Lãng, Hải Phòng; “trận đánh lớn” ở Văn Giang, Hưng Yên, giải tỏa đất cho Ecopark và bao nhiêu vụ “cưỡng chế” khác đã ghi vào lịch sử, chưa đủ là những bài học xương máu hay sao?”

Bây giờ hình như tôi mới hiểu dụng ý của tác giả khi viết bài này: ông muốn gửi nó cho Đảng CSVN! Đối tượng của ông không phải chủ yếu là người dân VN, vì ông “nghĩ” (giống như nhiều người đọc ở VN (trong đó có tôi): ai chẳng biết gốc rễ của vụ ĐT chính ở đường lối Mác-Lênin của ĐCS nó chi phối luật đất đai “đất đai thuộc sở hữu nhà nước”, ai chẳng biết Đảng là cha đẻ của công an “còn Đảng, còn mình”, cho nên nói “cảm ơn Đảng” thì chắc chắn là “chửi xéo”, “nói ngược” chứ gì nữa?).

Có nhà giáo dục đáng kính đã cười cười nhắn các bạn mình: qua vụ này, mới thấy cần cho học sinh học kỹ về phương pháp “ẩn dụ”. Nhiều người đã không nhận ra “ẩn ý” của ông già van xin tướng cướp! (nhưng ông đã gọi rõ nó là “tướng cướp” thì còn “ẩn ý” gì nữa nhỉ, hihi…)

Nhưng rõ ràng, sai lầm của tác giả Mạc Văn Trang, như một nhà văn hải ngoại đã phê phán ông một cách công bằng: ông đã chủ quan khi công bố rộng rãi một bài viết mà hình như chỉ viết cho những người ngầm hiểu ý mình, với những cái “nháy mắt”, dấu hiệu cười mỉm, v.v. Người ta hoàn toàn có quyền căn cứ chữ nghĩa giấy trắng mực đen để nhận định, phê phán ông (“Words, words, words…!” Hamlet - Shakespeare). Ông phải rút kinh nghiệm “sâu sắc”, cũng như trang Văn Việt phải rút kinh nghiệm khi đăng lại status của ông mà không có đôi lời “minh định” của BBT. Mới biết “lập ngôn” thời FB này rất nên thận trọng. Đến vị tổng thống của cường quốc đứng đầu thế giới còn “ăn đá” quá trời do các phát biểu nóng hổi trên twitter nữa là! Thế nhưng vội vã chửi ông là “hèn hạ, nhục nhã, bưng bô, bồi bút” thì… chắc chắn không thể là thái độ của người trí thức.

Xin quay lại ý quan trọng: có lẽ bài viết trên của ông MVT là muốn nhân vụ Đồng Tâm, nhắc nhở Đảng CSVN về “những bài học xương máu” mà Đảng đã không “học” được trong quá khứ, và nguy hiểm hơn, rất có thể sẽ không chịu “học” trong những ngày sắp tới. Vụ Đồng Tâm vẫn còn đó mà, đã xong đâu, và sờ sờ trước mắt kia: vụ đồng bào miền Trung biểu tình bị hàng trăm (hàng ngàn?) cảnh sát cơ động sẵn sàng ra tay (nghe nói với cả loa chuyên dụng làm thủng màng nhĩ ngưòi ta, vừa mua của Mỹ?), vài người đã bị khởi tố, một linh mục đang bị đe doạ khởi tố!

Xin hãy nghe lời “cảm ơn Đảng” của MVT trong bối cảnh ấy. Cảm ơn hay cảnh báo?

“Thiện ý” của ông MVT chẳng khác của ông bạn đồng nghiệp, đồng sự với tôi khi ký tên “Thiện Ý” ở bài viết “Đổi mới Đảng để tránh nguy cơ sụp đổ! Góp ý với Đại hội XI...” và đã bị báo Quân đội Nhân dân khẳng định ngay lập tức tác giả là một tên chống Cộng ở hải ngoại! (Buồn thay, “thiện ý” của bạn tôi đã không được đảng của anh để ý, ngược lại, anh còn bị bức ép đến phải tuyên bố ra đảng và… lưu vong, và vừa in ở Mỹ hồi ký “Đến già mới sực tỉnh: Từ theo Cộng đến chống Cộng”!!!)

Hai câu hỏi tiếp theo:

1. Những “thiện ý” kiểu trên có phải chỉ cốt giúp Đảng CSVN duy trì ách “muôn năm trường trị”?

2. Nếu không phải thế, tức “thiện ý” là nhằm thúc đẩy Đảng “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” thành một đảng chịu chấp nhận dân chủ hoá, như kiểu chính quyền Myanmar, thì đến lúc này, “những thiện ý” như thế liệu có còn “xi nhê” tý gì, hay Đảng chỉ coi đó là “trò hề”? Và do đó, “thiện ý” thành ra có hại hơn là có lợi cho công cuộc “thoát Cộng”?

Xin khẳng định ngay, căn cứ những hiểu biết người thật-việc thật của tôi về những người bạn có “thiện ý” đang ở trong hàng ngũ đảng viên (chưa ra khỏi Đảng tuy thực tế đã hoàn toàn ly khai với chủ nghĩa Mác-Lênin, công khai đòi “tam quyền phân lập”, đòi “xoá điều 4 Hiến pháp”, xoá bỏ “công hữu đất đai” và “kinh tế nhà nước là chủ đạo”[1]), thì câu thứ nhất đã được trả lời.

Về câu thứ hai.

Phải khẳng định: những “thiện ý”, nỗ lực của rất nhiều trí thức phản biện, trong đó có đảng viên cựu cán bộ cao cấp, kiên trì suốt nhiều năm, đã không thúc đẩy được sự “chuyển hoá” của ĐCS VN nhanh như lẽ ra phải thế, như mong mỏi, hy vọng của họ và của tất cả những ai muốn “thoát Cộng” một cách phi bạo lực. Nhưng không thể không thấy rằng, cùng với áp lực từ những cuộc đấu tranh dũng cảm của nhiều nông dân mất đất và bị nạn môi sinh, của những tín đồ đòi tự do tín ngưỡng, của không ít thanh niên có lý tưởng chống Cộng và dám hy sinh, những kiến nghị, tuyên bố… của những cựu cán bộ bị dán nhãn “đối lập trung thành” không phải vô ích. Theo dõi những động thái mới nhất của Đảng CSVN sau Hội nghị Trung ương vừa rồi, bên cạnh những câu hỏi còn nguyên về bản chất các vấn đề, người khách quan phải ghi nhận những tín hiệu chuyển biến.

Nói như thế, chắc chắn sẽ bị đả kích: Lại hy vọng hão huyền! Họ chỉ “giả vờ” để xoa dịu chút thôi, rồi lại “vũ như cẫn” cho coi! Lại… “hố” to cho coi!

Xin nói rõ là tôi không tán thành những ý tưởng “automatic bài bác” tất cả mọi thứ gắn với chính quyền Việt Nam. Thái độ ấy hoặc là hết sức tiêu cực, chỉ nhằm biện hộ cho lối sống mackeno của bản thân, không chịu làm gì, lấy lý do “chẳng ăn thua gì đâu”, há miệng nằm chờ CS đổ; hoặc chỉ đưa đến kết luận cực đoan: chỉ có thể lật đổ CS bằng bạo lực - mà người thực tâm vì đất nước kiên quyết phản đối vì đó là không tưởng và “xúi trẻ ăn cứt gà” không hơn không kém! Xét đến cùng, sự phê phán của Phan Châu Trinh về chủ trương bạo lực của Phan Bội Châu cũng như thế. Một cách chân thành, tôi tin ở những đóng góp âm thầm của không ít người đang là đảng viên nằm trong hệ thống chính quyền hiện hành sẽ là yếu tố trực tiếp dẫn đến “diễn biến”, “chuyển hoá”. Những cuộc đấu tranh của người dân và cả những thúc đẩy ôn hoà của các trí thức phản biện, trong đó có Mạc Văn Trang, sẽ tiếp sức cho họ. Sứ mệnh của ngươì trí thức hôm nay là khai dân trí, bao gồm quan trí, Đảng trí.

Lại nói về Hy vọng. Nếu không có Hy vọng, thì cuộc sống còn ý nghĩa gì? Và nếu không làm gì để góp dù chỉ một chút sức lực cho Hy vọng ấy thành hiện thực, thì có quyền gì mà hy vọng?

Xin thưa: dù tin rằng đến khi nắm mắt xuôi tay hy vọng ấy vẫn còn là… hy vọng, tôi và nhiều bạn bè của tôi vẫn xin cố làm “một chút gì” và vẫn cứ “hy vọng”, chí ít là để không hổ thẹn với lương tâm của mình, không phải xấu hổ trước câu hỏi của con cháu mai sau: “Lúc ấy, ông (cụ) đã làm gì?”

Cách đây gần 50 năm, tôi có dịch một truyện ngắn của Liên Xô (qua tiếng Pháp) nhan đề “Tia lửa cuối cùng”. Đại ý là có thanh củi trong đêm đông đã cháy gần hết, mà đêm vẫn còn dài; nó mệt mỏi quá, kiệt sức quá, nhiều lần đã hầu như tắt ngóm, nhưng mỗi lần như thế, nó lại ráng chống chọi, ráng bùng lên, tự động viên: “Cố lên chút nữa! Cố lên chút nữa! Chủ nhân của ta cần đến ta để sống sót, mùa Xuân sắp đến rồi!” Cứ như thế, cứ như thế, cho đến khi tia sáng đầu tiên của mùa Xuân loé lên, thì đốm than cuối cùng lụi tắt.

Tác giả của truyện ngắn, một nhà văn Liên Xô tôi không nhớ tên, cũng như người bảo tôi dịch truyện ấy cho báo Văn Nghệ hồi đó, nhà văn Trần Hoài Dương, nguyên biên tập viên tạp chí Học Tập (tức tạp chí Cộng sản sau này), người đã kể rằng chính mình kèm cặp cho Nguyễn Phú Trọng và giới thiệu anh ta vào Đảng Lao Động VN, và sau đó khi gặp lại ông ta về cơ quan cũ, đã nói thẳng vào mặt: “Người như anh mà vào Bộ Chính trị thì cái Đảng này mạt rồi!”, cả hai đều đã tắt lụi, mà nước Nga vẫn chưa hết mùa Đông, mà nước Việt vẫn đang giữa mùa Đông.

Mùa Đông toàn trị Cộng sản dài lắm các bạn ơi! Không ít người đã nói: đó là cái định nghiệp của dân Việt, cũng như dân Nga! Cho nên tôi luôn trân trọng tất cả những thanh củi lớn nhỏ cháy hết mình góp chút lửa cho ta sống sót qua tháng ngày băng giá, dù chỉ là một đốm lửa lập loè. Và chẳng bao giờ dám căn vặn: tại sao mày hèn thế, chỉ lập loè thế thôi?

Bạn tôi, nhạc sĩ Trần Tiến, vừa kỷ niệm 70 tuổi đời. Anh là một nhạc sĩ được cả nhân dân lẫn nhà nước quí trọng. Hãy nghe bài ca mới nhất của anh (khoe một tý: bài này ra đời nhân 2 câu thơ tôi viết tặng trên tường nhà mới của anh):

“Ra ngõ nhìn mưa / nhìn thế hệ tôi / đập phá thế giới cũ những chàng trai. Tuổi xanh nhạt phai /đờn hèn sợ hãi / giữa nhân tâm ly tan biết đợi ai? Gió / ai đợi gió / gió sẽ quay về / Nước / Ôi phận nước / biết đến bao giờ / Gió sẽ bay lên / ngọn cờ người Việt / Nước sẽ dâng lên / sóng thần tận diệt / Hồn ta / như cánh cửa / không sao yên khi gió đến chân trời” (xem: https://www.youtube.com/watch?v=BJvWJnpRSYA)

__________

[1] Xem status mới của chính tác giả MVT: “CHỮA BỆNH ĐỘC QUYỀN, THAM NHŨNG CỦA QUAN CHỨC” bằng liệu pháp tâm lý không hiệu quả! Nó phải bằng THỂ CHẾ CHÍNH TRỊ: TAM QUYỀN PHÂN LẬP, XÃ HỘI DÂN SỰ, TỰ DO BÁO CHÍ, CÁC ĐẢNG PHÁI CHÍNH TRỊ CẠNH TRANH, HOẠT ĐỘNG TRONG KHUÔN KHỔ NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN. CHỈ KHI QUYỀN LỰC ĐƯỢC KIỂM SOÁT CÔNG KHAI, MINH BẠCH, MỚI “CHỮA ĐƯỢC BỆNH ĐỘC QUYỀN, THAM NHŨNG CỦA QUAN CHỨC” một cách hiệu quả” (https://www.facebook.com/macvan.trang/posts/771081633060452 ).

Tác giả gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn