Thư giãn Chủ nhật

Công bằng là thế sao?

Nguyễn Duy Nghĩa

Dù đã qua rồi nhưng vẫn thấy sốt dẻo với tin từ cơ quan truyền thông chính tắc chứ không phải là luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của các thế lực phản động chống phá chế độ đương thời vô cùng tốt chưa đẹp thế bao giờ, vừa trong lại siêu sạch. Tin thế này: “Chiều 4/5, trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến hướng giải quyết vụ việc tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội trong thời gian tới, ông Mai Tiến Dũng (Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ) khẳng định các cơ quan chức năng sẽ vào cuộc với tinh thần minh bạch, công bằng.

"Nếu chính quyền sai thì nhận lỗi trước dân, nếu dân sai thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật…. ", ông Dũng nói (1). Vấn đề là ở đây: Nếu chính quyền sai thì nhận lỗi trước dân, nếu dân sai thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Để lý giải được vấn đề nói trên xin lấy gốc từ chữ “Công bằng” trong lời vàng, ý ngọc của Ngài Dũng. Thật tuyệt vời một nền dân chủ, cộng hòa thọ 72 tuổi - cái tuổi xưa nay hiếm: “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật” (2).

Khi nói ra điều này, Ông Bộ – Bộ trưởng - Chủ nhiệm – đã nắm đằng chuôi, ấy là dân Đồng Tâm sai và đã tự nhận sai là cả gan bắt giam người thi hành công vụ. Nay kiểm tra nếu chuyện đất đai lại sai nữa – mà đây là chiếm đất quốc phòng, là vượt quá giới hạn nín nhịn của công quyền đấy nhé, gần như tội phản quốc – thì chưa biết sẽ áp khung hình phạt nào, chỉ bị tăng nặng, không giảm nhẹ, dù Đồng Tâm là xã… anh hùng.

Còn về phía chính quyền thì Ông đã chắc từ đúng… trở lên. Đất đai thuộc sở hữu toàn dân (3). Nhà nước của dân thì chính quyền thừa sức toàn quyền thay mặt toàn dân ban phát. Chính quyền đúng ắt dân sai.

Trong chuyện này, kể cả cách hành xử với dân của cơ quan công quyền, ông Bộ cũng chắc mẩm rằng không thể sai. Dù việc dụ người dân ra chỉ mốc giới đất, sau đó “mời“ lên xe đến... gãy cả xương đùi, và dù sau đó lại đổ bộ lực lượng cảnh sát cơ động đến thôn Hoành thi hành công vụ với đầy đủ công cụ hỗ trợ tân kỳ mới nhập khẩu, thì cũng chỉ là bảo vệ dân, là lôi dân ra khỏi lũ ma quỷ, bọn lực phản động nào đấy đến đàn áp hoặc cám dỗ.

Nhưng bọn phản động này ở đâu ra nhỉ? Đã qua 42 năm sạch sành sanh bóng quân thù. Bè lũ tay sai kẻ được cải tạo nên người, đứa lủi mất tăm. Sau toàn thắng năm 1975, nước ta đã hoàn toàn độc lập, tự do và vĩnh viễn độc lập, tự do, không có kẻ thù nào dám liều mạng xâm phạm nữa.

Hơn thế, Việt Nam đã làm bạn với bốn phương, trở thành thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, không ai nỡ lòng, chẳng ai có dã tâm xua quân đến đàn áp nhân dân Việt Nam anh hùng, đã chịu quá nhiều thương đau, hiện đang sống trong khung cảnh chưa… như thế bao giờ. Đất nước yên bình, trên dưới một lòng, người người ấm no, nhà nhà hạnh phúc.

Vậy, bọn phản động này dưới thời công nghệ 4.0 chỉ có thể là robots từ sao Hỏa, sao Kim với tốc độ ánh sáng đổ bộ tới, chứ ở trên hành tinh này thì không, dứt khoát là không, bằng máy bay siêu tốc hạ cánh ở sân bay Miếu Môn, Mỹ Đức cũng không kịp. Robots từ hành tinh khác ngoại trừ phim ảnh cũng chưa đâu thấy. Nếu vậy thì đây hẳn là bọn tham nhũng, lũ tự chuyển hóa được chỉ đích danh là nội xâm đang đe dọa sự tồn vong của đảng cầm quyền; chúng đến lôi kéo đồng bào, truyền thụ kinh nghiệm cướp đất mà chúng từng là băng trưởng.

Nhưng xem đi xét lại, lời ông Bộ vẫn có điều phi lý. Dân và cơ quan công quyền vốn là hai thực thể bình đẳng trước pháp luật thì hà cớ gì dân sai thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật còn chính quyền sai thì nhận lỗi trước dân (chỉ phải nhận lỗi thôi nhá và cứ dựa vào lời Ông thì chẳng thấy “sẽ sửa sai” hoặc “chịu trách nhiệm” gì nữa cả). Nói nhận lỗi lại sực nhớ lâu nay đã dị ứng với quá nhiều hội chứng xin lỗi. Dàn lãnh đạo Formosa xếp hàng ngang gập người xin lỗi. Điều chưa biết là độc hại họ thải vào biển nay khắc phục đến mức nào rồi, nhưng chuyện sờ sờ là tiền đền bù gần một năm dân chưa được nhận đủ. Vậy, một năm qua dân sống bằng gì và bề trên khuyên dân chuyển đổi nghề nghiệp thì dân biết đâm đầu vào đâu. Bao đời phơi mình với nắng gió bão bùng biển khơi, nay cả đống tuổi mới khởi nghiệp hỏi đến bao giờ mới thành nghiệp. Bám biển là kế sinh nhai nhưng cũng là hành động kiên cường giữ gìn lãnh thổ. Xui chuyển nghề là ngầm bỏ biển mách cho kẻ nào thế chân đây.

Thường thì quan nhận lỗi xong là… xong. Xin lỗi suông dễ ợt, chỉ trừ vụ xin lỗi “tử tù” Hàn Đức Long ở xã Phúc Sơn, tỉnh Bắc Giang. 4 lần bị kết án tử hình, bóc lịch 11 năm mới được thả, quan thay mặt bề trên ra xin lỗi bị ăn trận mưa giày dép, trong khi bình thường ra xin lỗi là ngon. Qua (cái) loa dăm ba câu, lên xe mát đưa vào phòng lạnh rút… “cái sợi dây kinh nghiệm” dài vô tận. Bồi thường thì cứ việc móc tiền thuế của dân ra đền. Quan làm sai, dân è cổ bồi thường. Điều này liên tưởng tới tục ngữ “Quýt làm Cam chịu”. Cùng chữ “Q”, Quýt hiểu là Quan. Cam là dân. Muôn đời đã là dân thì phải cam chịu cái “ách cai trị”, nay thời thượng nói là “dưới sự lãnh đạo….”.

Cứ như miệng quan thì dân không ngang hàng với quan đâu nhá, mà hơn quan về đẳng cấp. Dân là chủ, Quan tự nhận là công bộc của dân, có thời còn thật thà: Cán bộ là đày tớ của nhân dân. Vậy chẳng lẽ khi Ông Chủ sai thì đối mặt với pháp luật, còn trường hợp đầy tớ sai chỉ nhận lỗi là xong? Nghịch lý này chắc nằm trong cái vô đạo lý mang tầm thời đại rồi.

Chắc gì quan sẽ chịu nhận là sai, mà có sai thì đổ riệt cho cơ chế, cơ chế lại không biết nói năng. Với truyền thống “Biến không thành có - biến khó thành dễ - biến thiếu thành đủ - biến cũ thành mới” thì mọi việc đều có thể xảy ra và đã từng xảy ra. Đã không chỉ có một tử tù ngồi chục năm trong ngục tối chờ chết bỗng dưng được… ban vô tộị. Ôi, từ cõi chết trở về mà không chói lọi / Dù từng đi theo mặt trời đỏ gọi (4) ./.

N.D.N.

(1) Ông Mai Tiến Dũng: Vụ Đồng Tâm, bên nào sai thì phải chịu trách nhiệm - Hoàng Thùy, Vnexpress, thứ năm, 4/5/2017

(2) Khoản 1, Điều 16, Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam 2013

(3) Điều 53 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam 2013

Điều 53. Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.

(4) Câu thơ gốc “Từ cõi chết, em trở về, chói lọi / Như buổi em đi, mặt trời đỏ gọi”. Bài Người con gái Việt Nam – Tố Hữu.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn