Cơ quan quản lý dược Bộ Y tế, một lịch sử đen

Hoàng Hải Vân

Phần 1

Xin tạm gác “Những chuyện kinh hãi về vụ Năm Cam” để đề cập đến một lịch sử đen không kém phần kinh hãi của Cơ quan quản lý Dược Bộ Y tế.

Vụ VN Pharma đang gây bão trong dư luận chỉ là một phần nổi rất nhỏ trong tảng băng ngầm diễn ra từ rất lâu tại cơ quan Quản lý Dược Bộ Y tế. Cách đây 13 năm, vào năm 2004, Báo Thanh Niên đã đăng 2 loạt bài. Loạt bài thứ nhất : Ai tạo thế độc quyền cho doanh nghiệp tăng giá thuốc ? gồm 6 kỳ do tôi và phóng viên Liên Châu viết. Loạt thứ hai : Lật lại hồ sơ vụ tham nhũng lớn tại Cơ quan quản lý Dược – Bộ Y tế, gồm 7 kỳ do tôi và phóng viên Võ Khối viết.

Hai loạt bài đó đã đề cập đến các yếu tố cốt lõi của những vấn đề thời sự đang diễn ra hiện nay : Các nhóm lợi ích câu kết với quan chức nhà nước tạo ra một cơ chế dung túng cho tham nhũng và kinh doanh độc quyền, vừa tăng giá thuốc vừa mở cửa cho thuốc kém chất lượng tràn vào Việt Nam. Đó là cơ chế ăn trên lưng người bệnh và hủy hoại sức khỏe giống nòi để phục vụ cho lòng tham vô đáy của một số người.

Đối với vụ tham nhũng lớn tại Cơ quan quản lý Dược, đích thân Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã chỉ đạo điều tra xử lý, nhưng vụ tham nhũng vẫn bị “chìm xuồng”, sau đó rơi vào quên lãng. Điều đó cho thấy tập đoàn tham nhũng tại đây thế lực lớn đến cỡ nào và có những dây mơ rễ má sâu rộng tới đâu.

Đối với cơ chế tạo độc quyền tăng giá thuốc, điều nguy hiểm là cơ chế này đã ăn sâu vào hệ thống đến mức không thể sửa được. Tại thời điểm này, có thể một số thứ đã thay đổi, nhưng những vấn đề cốt lõi chỉ bị biến tướng khó phát hiện mà thôi.

Những gì mà chúng tôi điều tra và phân tích lúc đó có thể dẫn đến một kết luận đáng buồn : Bộ trưởng Y tế, dù là người nào, cũng không điều khiển được Cơ quan quản lý Dược với những quy định đã đóng đinh vào hệ thống, mà ngược lại, hoặc là bị Cơ quan này điều khiển, hoặc là phải rời khỏi nhiệm sở để bảo toàn danh tiết.

Hai loạt bài nói trên cũng bị "chìm xuồng" luôn. Bộ Y tế cũng như Cục Quản lý Dược không hề có bất cứ một phản đối nào xung quanh nội dung hai loạt bài, các "cơ quan chức năng" thì hoàn toàn im lặng. Họ lơ chúng đi là xong. Những chuyện chúng tôi đề cập trong hai loạt bài nói trên lâu nay báo chí không thấy đề cập đến, hoặc có thể có nhưng lọt khỏi tầm theo dõi của chúng tôi, điều đó cũng chứng tỏ có những rào cản vô hình trong việc tiếp cận thông tin. Về phía bản thân, sau vụ PMU18 tôi không còn được Báo Thanh Niên giao nhiệm vụ làm những phóng sự điều tra.

Chúng tôi không có ảo tưởng rằng “cái lò” của Tổng Bí thư có thể “đốt” được tới đây, vì cả "củi khô" lẫn "củi tươi" khó có thể gom lại được mà đốt. Nó chỉ có thể được cải sửa kiên trì và tiệm tiến bởi những con người không phải là tác giả của cơ chế quản lý Dược hiện hành và không dính dáng xa gần với những lợi ích tạo ra từ cơ chế đó. Nó chỉ có thể là nhiệm vụ của một Chính phủ liêm chính.

Nhưng muốn cải sửa thì trước hết phải mổ xẻ cho hết các khối u cùng dây mơ rễ má của chúng. Đó là nhiệm vụ của các nhà báo và những người có trách nhiệm trong cộng đồng mạng xã hội. Tôi phải nhấn mạnh đến “những người có trách nhiệm”, vì chửi bới mà xuất phát từ những thông tin suy diễn thiếu căn cứ không những không có lợi gì cho việc bảo vệ sức khỏe toàn dân mà còn tiếp tay cho các nhóm lợi ích cố kết lại để đối phó.

Loạt bài “Lật lại hồ sơ vụ tham nhũng lớn tại cơ quan quản lý Dược” có thể đọc tại đây:

https://www.facebook.com/beloved.mamacat/posts/10155435562514718

Status này giới thiệu trước 2 kỳ của loạt bài “Ai tạo thế độc quyền cho doanh nghiệp tăng giá thuốc”. Xin lưu ý, kỳ 1 : Zuellig Pharma - "kẻ đột nhập", là chuyện đã cũ nhưng vẫn mang tính thời sự, còn kỳ 2 : Bí ẩn giá thuốc, là chuyện vẫn chưa cũ chút nào.

AI TẠO THẾ CHO DOANH NGHIỆP ĐỘC QUYỀN TĂNG GIÁ THUỐC ?

HOÀNG HẢI VÂN - LIÊN CHÂU

Những kẽ hở về luật pháp cũng như sự bất lực, vô trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước chính là nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc các công ty dược nước ngoài thao túng thị trường tân dược Việt Nam.

Kỳ 1: ZUELLIG PHARMA - "KẺ ĐỘT NHẬP"

Sau khi báo Thanh Niên và một vài tờ báo khác thông tin về tình hình tăng giá thuốc, trong đó có đề cập đến các hoạt động của Zuellig Pharma Việt Nam (ZPV), trong một bức thư gửi cho báo Thanh Niên mới đây, ZPV khẳng định: “Thị trường dược phẩm Việt Nam là một thị trường mang tính cạnh tranh cao độ với hơn 400 công ty trong nước và nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh dược phẩm. Theo thông lệ quốc tế cũng như những ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Cạnh tranh của Việt Nam gần đây, một công ty được xem là có vị trí độc quyền khi giữ vai trò thống trị và chiếm từ 30% thị phần trở lên trong lĩnh vực kinh doanh của mình, trong khi đó Zuellig Pharma Việt Nam hiện chỉ có được 15% thị phần dược phẩm trong nước và không thể bị coi là có vai trò thống trị”. ZPV còn cho rằng: “Thời gian qua, giá cả bị biến động mạnh do có lúc đồng tiền Việt Nam mất giá nghiêm trọng so với đồng Euro hoặc đồng Frankc Thụy Sĩ hoặc đồng đô la Mỹ. Các lô hàng sản xuất cho Việt Nam thường có số lượng nhỏ hơn so với công suất tối thiểu của dây chuyền sản xuất cũng đã ảnh hưởng đến quyết định điều chỉnh giá sản phẩm của nhà sản xuất”.

Để thay cho lời bình luận về sự khẳng định của ZPV, chúng tôi xin cung cấp thêm những thông tin liên quan để bạn đọc tự rút ra nhận xét.

Trong báo cáo gửi Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm về các giải pháp cấp bách bình ổn giá thuốc, Bộ Y tế nêu rõ: Trong tổng số 500 loại thuốc nước ngoài tăng giá (theo kết quả của những cuộc thanh tra gần đây) thì đã có 157 loại thuốc do Công ty Zuellig Pharma Việt Nam (ZPV) phân phối. Thuốc do ZPV phân phối tăng giá với mức 2%-12%, thậm chí có loại tăng 30%-60% (giá bán sau 1/10/2003 so với giá bán trước đó). Theo giấy phép số 08/GP-KCN-HN, ngày 29/3/1999 và các giấy phép đầu tư điều chỉnh với phạm vi hoạt động trong lĩnh vực dược do Ban Quản lý các khu công nghiệp và khu chế xuất Hà Nội cấp và các quy định có liên quan của Bộ Y tế thì ZPV chỉ được bán dược phẩm cho các doanh nghiệp trong nước có tư cách pháp nhân và chức năng kinh doanh dược phẩm.

Tuy nhiên, Thanh tra Bộ Y tế đã phát hiện, ZPV đã bán hàng cho các đối tượng mà mình không được phép phân phối như: nhà thuốc, bệnh viện... Song việc phân phối thuốc này lại được "hợp pháp hóa" bằng hình thức ký hợp đồng với Công ty cổ phần Dược liệu T.Ư 2 (Phytopharma). Hợp đồng có điều khoản "Phytopharma là bên bán lại các dược phẩm cho các khách hàng do ZPV chỉ định tùy theo từng thời điểm (các khách hàng) trong lãnh thổ, theo các điều khoản và điều kiện của hợp đồng này. Việc chỉ định cho Phytopharma mua các sản phẩm từ ZPV và bán lại các sản phẩm đó cho các khách hàng do ZPV xác định và với giá bán do ZPV quy định" (trích từ điều 01 Hợp đồng mua bán nguyên tắc ký ngày 25.5.2002 giữa Công ty cổ phần Dược liệu T.Ư 2 và Công ty TNHH Zuellig Pharma Việt Nam). Cơ quan thanh tra khẳng định, trên thực tế Phytopharma nhận thông tin chỉ định việc phân phối cho nhà thuốc, bệnh viện, bán lẻ, loại thuốc, giá cả... từ ZPV cung cấp. Phytopharma không trực tiếp thực hiện các công đoạn của quá trình phân phối mà chỉ xuất hóa đơn để cho nhân viên của ZPV tự xuất hàng, giao hàng từ kho của ZPV cho bệnh viện, nhà thuốc, bán lẻ và tự thu tiền.

Rõ ràng là bằng một động tác đơn giản là "mượn danh" (đúng hơn là thuê) một công ty trong nước, ZPV đã lách khỏi sự giới hạn của luật pháp và trở thành doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài duy nhất được quyền phân phối sản phẩm tại Việt Nam. Điều đó đã tạo cho công ty mẹ của ZPV là Zuellig Pharma Singapore (ZPS) có lợi thế hơn tất cả các công ty nước ngoài khác và là lý do để các nhà sản xuất lớn lựa chọn Zuellig là nhà phân phối độc quyền các sản phẩm của họ tại Việt Nam. Trong số 4.467 loại thuốc nước ngoài có số đăng ký với trên 900 hoạt chất thì số hoạt chất thuộc các thuốc do ZPS cung cấp vào Việt Nam đã lên tới 180 hoạt chất (trong đó, 97 hoạt chất chỉ duy nhất có 1 số đăng ký; khoảng 55 hoạt chất có từ 2 - 5 số đăng ký, 18 hoạt chất có 5 số đăng ký nhưng chỉ duy nhất do ZPS cung cấp). Đa số các thuốc do ZPS cung cấp là thuốc được bảo hộ về tên thương mại, nhãn hiệu hàng hóa.

Chỉ chưa đầy 3 năm được phân phối thuốc tại thị trường Việt Nam, ZPV đã giúp cho doanh thu của công ty mẹ tăng đáng kể. Doanh số của ZPS đứmg đầu trong tổng số các doanh nghiệp nước ngoài ký kết hợp đồng mua bán với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam. Cụ thể: năm 2001 khoảng 47 triệu USD, năm 2002 là 64 triệu USD và 9 tháng đầu năm 2003 là 51 triệu USD (doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu chỉ thực hiện dịch vụ nhập khẩu và hưởng phí ủy thác).

Việc ký hợp đồng phân phối sản phẩm giữa ZPV với Phytopharma có thể là không sai luật pháp, nhưng rõ ràng là không bình thường. Vì chỉ riêng việc mượn danh một doanh nghiệp khác để phân phối sản phẩm cũng đã làm cho giá thuốc đội lên. ZPV khẳng định họ “luôn tuân thủ luật pháp Việt Nam”. Chúng tôi cũng không quy kết những hoạt động nói trên của ZPV là sai luật pháp. Vấn đề đặt ra là vì sao ZPV có thể trở thành một doanh nghiệp độc quyền chi phối thị trường dược Việt Nam và họ đã “đột nhập” vào vị trí đó bằng cách nào? 
________________________
ZPV cho rằng: “...Chỉ trong trường hợp mà nhà sản xuất điều chỉnh giá sản phẩm nào, chúng tôi mới buộc phải điều chỉnh giá sản phẩm ấy. Thời gian qua, giá cả bị biến động mạnh do có lúc đồng tiền Việt Nam mất giá nghiêm trọng so với đồng Euro hoặc đồng Franc Thụy Sĩ hoặc đồng đô la Mỹ. Các lô hàng sản xuất cho Việt Nam thường có số lượng nhỏ hơn so với công suất tối thiểu của dây chuyền sản xuất cũng đã ảnh hưởng đến quyết định điều chỉnh giá sản phẩm của nhà sản xuất" (trích thư gửi báo Thanh Niên). Lý do mà ZPV đưa ra rõ ràng là không có sức thuyết phục. Thứ nhất là giá ngoại tệ tuy có tăng, nhưng trong vòng 3 năm qua không hề có tình trạng đồng Việt Nam "mất giá nghiêm trọng" so với các loại ngoại tệ. Thứ hai, việc các hãng dược nước ngoài sản xuất riêng các lô hàng để xuất khẩu sang Việt Nam là rất khó hiểu. Thứ ba, có những lô hàng nhập khẩu (ủy thác qua Phytopharma) có mức chênh lệch giữa giá nhập khẩu với giá bán buôn lên tới 20-60%, thậm chí một số loại thuốc chênh lệch tới 150-200%, ZPV giải thích như thế nào về tình trạng đó ?
__________________________

KỲ 2 : Bí ẨN GIÁ THUỐC

Từ hãng bào chế cho đến người bệnh ở Việt Nam, một viên (lọ, ống...) thuốc chữa bệnh phải đi qua một mê hồn trận cực kỳ rối rắm với vô số các tầng nấc của lòng tham, cơ chế quan liêu và tình trạng suy đồi y đức...

Theo Bộ Y tế, mạng lưới cung ứng thuốc của Việt Nam đã đáp ứng 2.200 dân có một điểm bán lẻ thuốc, cao hơn nhiều so với tiêu chuẩn của WHO (tối thiểu 3.000 dân có một điểm bán thuốc). Cùng với các doanh nghiệp nhà nước là hơn 500 công ty tư nhân và 88.000 nhà thuốc đại lý, tạo nên mạng lưới kinh doanh dược rộng, phủ kín các xã trong toàn quốc. Mặc dù có sự phân bố chưa đồng đều giữa thành thị và nông thôn, nhưng theo nhận xét của Ngân hàng Thế giới (WB) thì phạm vi bao phủ của mạng lưới đó là "quá đủ" và Việt Nam "không có dấu hiệu thiếu thuốc". Thế nhưng, theo báo cáo mang tên "Định giá và bồi hoàn dược phẩm ở Việt Nam" trong đợt làm việc tại nước ta từ ngày 9 - 13/2/2004, WB nhận xét: "Các báo cáo không ngừng khẳng định giá thuốc nhập khẩu, thuốc được bảo hộ bản quyền đã tăng mà không có lý do rõ ràng. Người ta cũng dự đoán rằng nếu không có biện pháp thích hợp của các cơ quan chức năng thì giá thuốc vẫn tiếp tục tăng". Và WB còn cảnh báo: "Mặc dù có thể lập luận được là đã có thuốc thiết yếu, nhờ vậy đã đảm bảo được chất lượng chăm sóc tối thiểu, nhưng việc tăng giá không ngừng của thuốc nhập khẩu sẽ dẫn đến những bất ổn về chính trị và xã hội, và cuối cùng sẽ hạn chế tiếp cận đối với những thuốc này". Cần biết, theo ước tính của WB, thuốc sản xuất trong nước tuy chiếm từ 60-70% về khối lượng trên thị trường dược phẩm, nhưng chỉ chiếm 20-30% giá trị của thị phần, điều này cho thấy giá thuốc sản xuất trong nước rẻ hơn rất nhiều so với thuốc nhập khẩu.

Việc tăng giá thuốc được các hãng dược thực hiện qua nhiều tầng nấc, khi hiện khi ẩn, Nhà nước hầu như không kiểm soát được và cũng không có cơ chế kiểm soát.

Như chúng tôi đã thông tin, chỉ trong vòng 1 năm (tháng 3/2004 so với tháng 3 năm ngoái) giá dược phẩm và dịch vụ y tế tăng tới 15,3% (chủ yếu do giá thuốc tăng). Tuy đó là mức tăng rất không bình thường, nhưng vấn đề không phải là việc tăng giá mà ở chỗ giá thuốc ở Việt Nam có nhiều loại cao hơn một cách khó hiểu so với giá cùng một loại thuốc ở các nước châu Âu.

Kết quả thanh tra về giá thuốc mới đây cho thấy trong khi mức chênh lệch giữa giá nhập khẩu của các công ty xuất nhập khẩu dược phẩm và giá bán buôn thuốc của chính công ty này chỉ ở mức từ 5-8% thì các thuốc được nhập khẩu ủy thác qua các công ty nhà nước theo yêu cầu của các công ty TNHH và do chính các công ty này phân phối độc quyền, cắt lô, thì tỷ lệ chênh lệch giữa giá nhập khẩu so với giá bán buôn lên tới 50-300%. Các loại thuốc này được bán vào nhà thuốc bệnh viện, khoa dược bệnh viện, trung tâm y tế hoặc bán ngược lại cho công ty xuất nhập khẩu của nhà nước để đấu thầu bán vào bệnh viện. Đó là việc nâng giá lộ liễu, chỉ cần thanh tra là thấy rõ, nhưng không có cơ chế xử lý.

Nhưng không chỉ có vậy. Nhiều nhà kinh doanh dược phẩm chuyên nghiệp cho chúng tôi biết, nếu chỉ nhìn vào hóa đơn thương mại thì không thể biết mức chênh lệch thật giữa giá nhập khẩu và giá bán buôn là bao nhiêu. Vì có rất nhiều loại thuốc người ta đã nâng giá ngay từ nước ngoài, rồi làm hóa đơn với giá cao xuất vào Việt Nam. Phần lợi nhuận hạch toán tại Việt Nam có thể bé nhỏ, nhưng các khoản lợi nhuận khổng lồ thì để lại ở nước ngoài, không có bất cứ cơ quan nào của Việt Nam có thể kiểm soát được.

Một dược sĩ, giám đốc một công ty dược ở TP Hồ Chí Minh (xin được giấu tên) kể với chúng tôi một câu chuyện sau đây về giá thuốc. Gần đây, một công ty nước ngoài có mời một đoàn bạn hàng dược 20 người ở một quận của TP Hồ Chí Minh đi du lịch tại Ai Cập. Những người này có mời 2 cán bộ một công ty dược nước ngoài ở Việt Nam cùng đi, gồm 1 người nước ngoài và 1 nhân viên Việt Nam làm phiên dịch. Đây là chuyến du lịch Ai Cập đầu tiên do Vietnam Airlines tổ chức. Trong khi đi dạo chơi mấy ngày ở nước bạn, những người này đã vào một hiệu thuốc. Là những người buôn bán dược phẩm, họ rất ngạc nhiên khi thấy nhiều loại thuốc ở đây còn rẻ hơn rất nhiều so với giá bán sỉ ở Việt Nam. Những bạn hàng đó nói với cô phiên dịch của công ty dược nói trên, không biết cô ta nói lại với người bạn nước ngoài như thế nào nhưng cả hai cùng im lặng. Những người này bèn bỏ ra mỗi người 1.000 USD mua những loại thuốc đó. Về đến Thái Lan, số thuốc này bị bắt giữ, nhưng người hướng dẫn du lịch của Vietnam Airlines đứng ra xin cho, anh ta giải thích với Hải quan Thái Lan rằng đây là những người đi nghiên cứu thị trường dược, thuốc đó là thuốc mẫu mang về tham khảo. Hải quan Thái Lan thông cảm cho mang hàng đi. Về Việt Nam, họ đem bán số thuốc đó và lời từ 50 - 100%.

Câu chuyện của các bạn hàng dược mà ông dược sĩ kể lại là sự thật phổ biến. Theo khảo sát của chúng tôi, giá bán sỉ một số loại thuốc ở nước ngoài và ở Việt Nam có mức chênh lệch như sau:

TERNEURINE H5000 (thuốc chữa đau nhức thần kinh), hộp 4+4 ống, giá bán sỉ ở Pháp là 5,34 euro, tương đương với 100.018 đồng. Còn bán sỉ trong nước là 160.000 đồng, gấp 1,6 lần.

TANGANYL (thuốc chữa rối loạn tiền đình), hộp 20 viên, giá 2,96 euro (55.589 đồng); giá bán sỉ trong nước 92.000 đồng, gấp 1,7 lần.

NEOCODION (thuốc ho) hộp 20 viên, giá 0,88 euro (16.526 đồng); giá bán sỉ trong nước và 36.500 đồng, gấp 2,2 lần.

MYCOSTATINE (viên đặt phụ khoa), hộp 12 viên, giá bán sỉ ở Pháp hiện nay là 0,72 euro, tương đương với 13.522 đồng, còn giá bán sỉ ở Việt Nam là 33.000 đồng, cao gấp 2,44 lần.

LÉNITRAL 2,5 mg (thuốc chữa bệnh đau tim), hộp 60 viên, giá 1,82 euro (34.180 đồng), giá bán sỉ ở Việt Nam là 144.000 đồng, gấp 4,2 lần.

PALPAX (thuốc điều chỉnh nhịp tim), hộp 40 viên, 1,91 euro (35.870 đồng), giá bán sỉ trong nước 180.000 đồng, gấp 5 lần. ...

Như trên đã nói, ở Việt Nam không thiếu thuốc, không khan hiếm thuốc, nhưng vì sao giá thuốc lại tăng, vì sao giá nhiều loại thuốc lại cao vọt so với giá quốc tế? Câu hỏi đó không khó trả lời. Đó là chính ngành dược nước ta đã tạo sự độc quyền cho các hãng dược nước ngoài. Nhưng trả lời đúng câu hỏi đó thì lại động chạm đến hai yếu tố, một yếu tố trơ lỳ nhất và một yếu tố "nhạy cảm" nhất. Đó là cơ chế và lòng tham của con người. Trong bài trước, chúng tôi có dẫn thư của Công ty Zuellig Pharma Việt Nam (ZPV), họ nói rằng họ mới chiếm 15% thị phần dược phẩm Việt Nam nên không thể coi họ có vị trí độc quyền được. Chúng tôi có thể nói ngay rằng, không những 15% mà dù họ chỉ chiếm 1% hay thấp hơn thì họ vẫn giữ độc quyền, bởi vì theo cơ chế hiện nay, một loại thuốc cấp số đăng ký cho ai thì người đó giữ độc quyền tuyệt đối đối với loại thuốc đó trên thị trường Việt Nam. Kỳ sau chúng tôi sẽ nói rõ về sự trơ lỳ và "nhạy cảm" của cơ chế này...
______________
Vì không chính thức có biện pháp kiểm soát giá, cho nên những người cung cấp thuốc có đủ khả năng tăng giá. Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy những người cung cấp sẽ ngày càng tận dụng quyền tự do này để tăng tối đa lợi nhuận thông qua việc tăng giá. (Trích nhận xét của WB về vấn đề giá dược phẩm ở Việt Nam)

Nguồn Phần 1: https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1556035001122221&id=100001472083411

*

Phần 2

CƠ QUAN QUẢN LÝ DƯỢC BỘ Y TẾ, MỘT LỊCH SỬ ĐEN

Trước khi đọc tiếp kỳ 3 và kỳ 4 loạt bài “Ai tạo thế cho doanh nghiệp độc quyền tăng giá thuốc ?” đăng trên Báo Thanh Niên vào năm 2004 mà tôi dẫn dưới đây, các bạn đọc cần đặc biệt lưu ý đến “tử huyệt” trong cơ chế cấp số đăng ký thuốc (còn gọi là số visa). Trong một ma trận vô cùng rối rắm những quy định và thủ tục về cấp số visa thuốc, rất ít người ngoài ngành quan tâm đến vấn đề này.

“Tử huyệt” đó là: Số visa thuốc được cấp cho các doanh nghiệp dược trong và ngoài nước, nhưng không phân biệt doanh nghiệp đó là hãng bào chế hay chỉ làm nhiệm vụ phân phối thuốc. Nếu chỉ cấp cho hãng bào chế thì không tạo ra độc quyền, còn cấp cho hãng phân phối thì tạo ra độc quyền. Vì khi hãng bào chế được cấp số visa, họ có thể cung ứng thuốc được cấp visa cho nhiều hãng phân phối khác nhau để đưa vào thị trường Việt Nam. Còn khi hãng phân phối được cấp số visa, thì muốn đưa thuốc vào thị trường Việt Nam, hãng bào chế chỉ cung ứng thuốc đó cho hãng phân phối được cấp visa, tất nhiên họ vẫn có thể cung ứng thuốc cho các hãng phân phối khác nhưng các hãng phân phối đó không đưa thuốc vào thị trường Việt Nam được.

Tại thời điểm chúng tôi viết loạt bài này, thị trường tân dược đã bị án ngữ bởi các đại gia được cấp số visa. Đến thời điểm hiện tại, sau khi nước ta gia nhập WTO, tình hình có nhiều đổi khác, việc phân phối thuốc được mở cửa rộng rãi cho các hãng dược nước ngoài, nhưng sự mở cửa này không có nghĩa là đã xóa được độc quyền phân phối thuốc.

Giới thiệu lại loạt bài nói trên, chúng tôi hy vọng các nhà báo khi viết về đề tài có liên quan nên tự mình khảo sát lại những quy định mới, đối chiếu với các quy định cũ để ghi nhận thực chất của những thay đổi và ý nghĩa của những thay đổi ấy , đồng thời nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia độc lập với cơ quan quản lý Dược Bộ Y tế, có như vậy mới mô tả được những bức tranh chân thực.

Riêng đối với trường hợp của Zuellig Pharma, tại thời điểm viết loạt bài nói trên, đây là vấn đề nhức nhối, nhưng hiện nay đã là chuyện lịch sử. Từ câu chuyện của Zuellig Pharma chúng tôi mới đào sâu vào vấn đề độc quyền, nay dẫn lại hoàn toàn không mang hàm ý làm ảnh hưởng đến uy tín các hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp này trong hiện tại. Và ngay cả thời kỳ đó, chúng tôi cũng đã không nói là Zuellig Pharma kinh doanh trái pháp luật.

Câu chuyện đăng ở kỳ 3 "Đường dây ma quỷ" bây giờ có thể đã thay đổi, chúng tôi không có điều tra cập nhật nên không biết ngày nay sự thật đang như thế nào. Tại kỳ 4 "Bộ Y tế tung hỏa mù", là câu chuyện diễn ra tại thời điểm đó, "truyền thống" này được tiếp nối ra sao thì chúng tôi không theo dõi.

AI TẠO THẾ CHO DOANH NGHIỆP ĐỘC QUYỀN TĂNG GIÁ THUỐC ?

Kỳ 3 : ĐƯỜNG DÂY MA QUỶ

Muốn được cấp một số đăng ký độc quyền lưu hành một tên thuốc tại Việt Nam, theo quy định thì chỉ nộp 200 USD lệ phí, nhưng thực tế phải tốn từ 1.000-2.000 USD...

"Giá thuốc cao là nỗi lo cho nhiều người. Người ta đã phân tích rất nhiều nguyên nhân và dường như việc quy kết cho bác sĩ kê toa là cách dễ nhất, đơn giản nhất (như tìm một con chốt thí) để tránh búa rìu dư luận.

Thiết nghĩ chúng ta không khó tìm ra câu trả lời vì sao giá thuốc tăng cao, vì sao có sự độc quyền trong phân phối thuốc. Với một bộ máy đồ sộ được điều hành bởi những vị có học thức cao như Bộ Y tế, không lẽ không biết vì sao giá thuốc cao ? Hay là còn những gì khác tế nhị phía sau mà các vị không tiện đề cập đến ? Và sự lừa dối này còn kéo dài đến bao giờ ?

Kinh doanh thuốc là một ngành kinh doanh siêu lợi nhuận và nếu có sự tiếp tay của cơ quan quản lý thì hậu quả thật khôn lường. Đó là một tội ác. Tôi có một người bạn thân làm cho một hãng dược đa quốc gia cho hay năm vừa rồi họ phải tốn đến 400 ngàn USD để tiếp cận với những vị chức sắc. Thực hư chuyện này như thế nào chỉ có trời mới biết, nhưng theo tôi, có một mảng đen phía sau mà quý báo chưa thể tiếp cận được. Nó là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Đó là sự tham nhũng.

Tìm cách hạ giá thuốc là rất khó và gần như là không tưởng, nếu như chúng ta không cải cách chính cơ quan quản lý cao nhất trong lĩnh vực này. Rất mong quý báo hãy đi đúng đường, đừng để những vị ngồi trên tung hỏa mù, như vậy thì tội nghiệp cho bệnh nhân nghèo và nhiều bác sĩ không ăn một tí hoa hồng nào bị vạ lây".

Trên đây là nguyên văn một bức thư của một bạn đọc gửi cho chúng tôi sau khi đọc kỳ một của loạt bài này. Chúng tôi gọi điện đến địa chỉ của người gửi thư để xác minh thì biết ông là một bác sĩ, nhưng ông đề nghị chúng tôi giấu tên ông nếu bức thư được công bố trên báo.

Chúng tôi xin cảm ơn bức thư tâm huyết của bạn đọc nói trên, vì đó cũng là "hướng đi" của chúng tôi khi viết loạt bài này.

Chủ trương đăng ký chất lượng sản phẩm trước khi lưu hành ở Việt Nam nhằm mục đích tối thượng là bảo đảm an toàn cho người bệnh là một chủ trương đúng đắn của Bộ Y tế. Thế nhưng chủ trương đúng đắn đó đã bị bộ máy quan liêu của cơ quan quản lý ngành dược biến thành một cơ chế điều hành tù mù. Hai đặc điểm nổi bật của cơ chế tù mù đó là cố tình tạo ra những chỗ hở để lợi dụng và duy trì quan hệ "xin-cho". Không phải ngẫu nhiên mà những người hoạt động trong ngành y - dược khi cung cấp cho chúng tôi những thông tin dẫn trong loạt bài này đều yêu cầu giấu tên. Họ sợ bị gây khó dễ, bởi cơ chế hiện nay có một sức mạnh chi phối đủ gây khó dễ cho họ. Ông dược sĩ kinh doanh dược phẩm mà chúng tôi nhắc đến trong bài trước bảo rằng nếu bị ghét, ít nhất ông cũng bị gây khó dễ trong việc đưa thuốc vào bệnh viện.

Theo quy định hiện hành, mỗi loại thuốc muốn lưu hành ở Việt Nam phải được Cục Quản lý dược cấp một số đăng ký, gọi là số visa. Số visa này được cấp cho các công ty dược có đăng ký hoạt động tại Việt Nam.

"Xin", đúng nghĩa là như vậy, được cấp số visa, phải có đủ các hồ sơ cần thiết, trong đó thứ nhất, phải có chứng từ xuất xứ của loại thuốc đó (C/O), thứ hai là phải có giấy kiểm nghiệm (CA), thứ ba là giấy chứng nhận sản xuất tốt của Viện Bào chế (GMP), thứ tư là giấy chứng nhận được phép lưu hành tại nước sản xuất (FOC), v.v.

Điều đáng lưu ý là số visa chỉ được cấp cho công ty dược có văn phòng đại diện tại Việt Nam mà không phân biệt công ty đó có phải là hãng bào chế thuốc hay không. Trước đây, các công ty dược trong nước không được cấp, họ muốn nhập khẩu thuốc thì phải "mua" lại số visa của công ty nước ngoài. Ông dược sĩ giấu tên nói trên từng "mua" số visa của một công ty ngoại quốc bằng cách lấy danh nghĩa của công ty đó để xin cấp số visa và trả cho công ty đó 2% doanh số nhập khẩu.

Ông kể: "Theo quy định, lệ phí cho một số visa là 200 USD, nhưng thực tế phải chi từ 1.000 USD đến 2.000 USD, tùy loại". Chúng tôi hỏi: "Vì sao như vậy ?". Ông dược sĩ cười: "Nếu không thì anh nộp hồ sơ vào sẽ bị dội ra, từ những chuyện rất nhỏ. Sắp xếp hồ sơ không đúng thứ tự, dội ra. Hồ sơ dịch ra hai thứ tiếng, bản dịch của mình người ta không ok, dội ra, mặc dù tôi phải nhờ đến một giáo sư rất giỏi ngoại ngữ dịch. Hồ sơ nộp vào cũng không được cấp giấy biên nhận nên không ai chịu trách nhiệm về sự mất mát cả. Muốn suôn sẻ phải qua một nhóm làm dịch vụ, đó là một đường dây riêng. Phải chi tiền cho đường dây đó, còn đường dây đó chi cho ai thì mình không biết được. Cách đây không lâu tôi có mang một hồ sơ ra Hà Nội nộp cũng bị bác. Có một người đến bảo với tôi: Anh mang về nhà em, để em làm giúp cho. Tôi buộc phải nhờ anh ta với giá là 1.000 USD".

Hôm qua, ông dược sĩ thông báo với chúng tôi rằng ông vừa được cấp một số visa, ông cải chính: "Cuối cùng tôi phải tốn hết 1.200 USD, chứ không phải 1.000 USD như tôi nói với anh đâu".

Điều mà ông dược sĩ cho là "ghê tởm" là sự thiếu minh bạch của những quy định trong việc cấp số visa. Ông nói: "Khi có đủ hồ sơ hợp lệ rồi, nếu người ta không muốn cấp thì người ta bảo: Thuốc đó đã hết số visa hoặc quá nhiều số visa rồi. Nhưng nếu anh đưa sang "dịch vụ" thì dù đã "hết" anh vẫn được cấp".

Được cấp số visa, có nghĩa là anh được độc quyền lưu hành tên thuốc đó tại Việt Nam, độc quyền một cách tuyệt đối. Đó là nguyên nhân của các nguyên nhân làm cho giá thuốc (ngoại nhập) ở Việt Nam bị đẩy lên hàng cao nhất thế giới.

Những người đi "xin" số visa ai cũng biết có đường dây ma quỷ đó, nhưng bóc trần đường dây đó hầu như là một việc không thể, vì nó không để lại một dấu vết nào. Bởi vậy, muốn xóa đường dây đó chỉ có cách là xóa bỏ cơ chế nuôi dưỡng nó mà thôi.
___________________________

Việc nhập khẩu thuốc vào Việt Nam, ngoài thuốc được nhập theo số visa độc quyền, các doanh nghiệp còn được nhập theo chuyến đối với các loại thuốc chưa cấp số visa. Cục Quản lý dược xét duyệt từng chuyến một. Hồ sơ xin nhập khẩu cũng phải làm y hệt như hồ sơ xin cấp số visa. Nhưng nhập chuyến thì có số lượng được xác định và thời hạn thực hiện chỉ trong vòng 1 năm. Thuốc nhập theo con đường này tuy vẫn được phép lưu hành nhưng gặp hai hạn chế lớn: Không được đưa vào bệnh viện và rất ít khi được bác sĩ kê toa. Tuy nhiên, theo một số doanh nghiệp nhập khẩu thuốc, để được cấp giấy phép nhập khẩu một chuyến như vậy cũng phải mất 1.000 USD cho "đường dây dịch vụ".
_____________________________

Kỳ 4 : BỘ Y TẾ TUNG HỎA MÙ

Bộ Y tế đang thực hiện "một số giải pháp cấp bách" nhằm bình ổn giá thuốc theo sự chỉ đạo của Chính phủ, nhưng bộ này hình như đang "tung hỏa mù" để né tránh vấn đề cốt lõi nhất...

Theo Bộ Y tế, tính đến cuối năm ngoái, đã có hơn 10.000 tên thuốc đã được cấp số đăng ký (SĐK) lưu hành, trong đó thuốc sản xuất trong nước đã cấp 6.129 SĐK với khoảng 400 hoạt chất, đáp ứng được 35 -40% (tính theo trị giá) nhu cầu sử dụng thuốc của nhân dân. Thuốc nước ngoài đã cấp 4.353 SĐK với khoảng 1.000 hoạt chất, chiếm khoảng 60-65% nhu cầu sử dụng thuốc của nhân dân. Bộ Y tế cũng cho rằng hiện nay ngành dược Việt Nam mới có khả năng sản xuất thành phẩm với khoảng 400 hoạt chất, chủ yếu (trên 90%) là các thuốc Generic, thuốc kháng sinh, thuốc điều trị bệnh thông thường... dưới dạng bào chế đơn giản. Trên 90% nguyên liệu dùng để sản xuất thuốc trong nước phải nhập khẩu từ nước ngoài.

Hiện nay thuốc nước ngoài được nhập khẩu từ các công ty đa quốc gia, phần lớn là các biệt dược, thuốc chuyên khoa đặc trị, nhiều thuốc còn đang trong thời gian bảo hộ phát minh, sáng chế. Kim ngạch nhập khẩu thuốc tăng nhanh qua các năm: năm 2001 gần 418 triệu USD, năm 2002 hơn 457 triệu USD, năm 2003 hơn 503 triệu USD...

Như chúng tôi đã đề cập ở bài trước, cơ chế tù mù trong việc cấp SĐK (số visa) là nguyên nhân của mọi nguyên nhân làm tăng giá thuốc. Nhưng trong bản báo cáo gửi Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm ngày 16/3/2004, khi giải trình nguyên nhân tăng giá thuốc, Bộ Y tế chỉ liệt kê những nguyên nhân thứ yếu. Chẳng hạn, khi nói đến quy trình xem xét cho nhập khẩu thuốc vào Việt Nam, Bộ Y tế chỉ thừa nhận "một số điểm tồn tại" như sau: "Trong quá trình xem xét cho phép nhập khẩu thuốc, một số trường hợp không đáp ứng yêu cầu theo quy định nhưng chưa kịp thời thông báo bằng văn bản để doanh nghiệp biết lý do cụ thể dẫn đến sự hiểu lầm giữa các doanh nghiệp, giữa các doanh nghiệp với Cục Quản lý dược Việt Nam" và "Việc xem xét cho phép nhập khẩu giao trực tiếp cho chuyên viên thẩm định hồ sơ mà chưa thành lập nhóm công tác để xem xét và thông qua nên nhiều khi còn chậm, chưa đảm bảo tính công khai và dân chủ hóa trong việc xét duyệt".

Nhưng đó là "tồn tại" của việc xét duyệt cho phép nhập khẩu thuốc chưa có số visa. Còn đối với nguyên nhân gốc rễ là cơ chế cấp số visa, Bộ Y tế hoàn toàn không nêu một tí khuyết điểm nào.

Trong 5 nguyên nhân của việc tăng giá thuốc mà Bộ Y tế báo cáo với Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm, nguyên nhân thứ nhất là "Quản lý nhà nước". Nhưng trong nguyên nhân này, Bộ Y tế cũng chỉ "đổ tội" cho Pháp lệnh giá và Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành pháp lệnh này và kết luận: "Qua thanh tra, kiểm tra trên thị trường đã phát hiện được một số trường hợp giá thuốc bán lẻ chênh lệch quá lớn so với giá nhập khẩu (có trường hợp lên tới 300-400%) nhưng do chưa có chế tài xử lý vi phạm trong lĩnh vực quản lý giá thuốc nên chưa thể tiến hành xử lý vi phạm". Nguyên nhân thứ 2 là do phương thức tổ chức, cung ứng, sử dụng thuốc. Nguyên nhân thứ 3 là kinh phí hạn hẹp của các bệnh viện. Nguyên nhân thứ 5 được quy cho chi phí quảng cáo, tiếp thị của các công ty TNHH quá lớn, sự thay đổi tỷ giá và mối liên hệ giữa đội ngũ trình dược viên với các thầy thuốc kê đơn. Tình trạng độc quyền được xếp vào nguyên nhân thứ 4. Nhưng vì sao có tình trạng độc quyền đó thì Bộ Y tế lờ đi không đề cập.

Những nguyên nhân mà Bộ Y tế nêu là không sai, cần phải có các biện pháp đồng bộ để khắc phục. Nhưng rõ ràng Bộ Y tế đã né tránh nguyên nhân cốt lõi. Giả sử như tất cả các nguyên nhân mà Bộ Y tế nêu ra đều được khắc phục một cách triệt để thì giá thuốc ở Việt Nam có được bình ổn không ? Câu trả lời chắc chắn là không. Chúng tôi xin trích lời phát biểu của dược sĩ Nguyễn Doãn Linh, Phó giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu dược phẩm Cudupha tại một cuộc hội thảo về giá thuốc diễn ra từ 7/2002 để bạn đọc thấy thực chất của vấn đề:

"Các công ty được cấp số visa ủy quyền lại cho công ty nước ngoài khác phân phối lại các thuốc này tại Việt Nam, việc nâng giá thuốc và tính toán lợi nhuận do bộ phận khu vực châu Á của các công ty được thực hiện tại một số nước thứ ba có ưu đãi về thuế khóa như Singapore. Phần lớn lợi nhuận và các trị giá gia tăng được tính toán sao cho khi hàng về đến Việt Nam là sát với giá bán ra và chỉ dành ít lợi nhuận (khoảng 3%) cho các nhà phân phối lẻ như các công ty TNHH hay chợ sỉ. Nếu chỉ căn cứ trên giá nhập khẩu cộng với các "chi phí" nói trên tại Việt Nam đem so với giá mời chào của một số công ty phân phối khác tại châu Âu hay các nước khác (chưa phải là giá xuất xưởng của các nhà máy) cho cùng mặt hàng, cùng nhà sản xuất và cùng thương hiệu, chúng ta có thể thấy rằng toàn bộ lợi nhuận rất cao của những sản phẩm này được hoàn toàn để bên ngoài Việt Nam. Nếu như doanh số nhập khẩu của các mặt hàng thuộc các công ty đa quốc gia là vào khoảng 300 triệu USD, thì mỗi năm Nhà nước ta thất thu thuế hàng chục triệu USD và nhiều người bệnh Việt Nam phải trả ít ra là gấp đôi so với người bệnh Âu-Mỹ cho cùng một loại thuốc".

Rõ ràng là Bộ Y tế không thể không biết những thông tin như vậy. Để cho công bằng, cũng phải thừa nhận rằng, mặc dù không nói đến khiếm khuyết trong thực hiện việc cấp số visa, nhưng Bộ Y tế cũng có đưa ra giải pháp chống độc quyền bằng việc "ban hành các quy định về nhập khẩu song song và tổ chức nhập khẩu song song các thuốc đang bị áp đặt giá cao tại Việt Nam". Cần biết, nhiều người đã đề nghị giải pháp đó từ nhiều năm nay, nhưng không được ghi nhận. Còn bây giờ, bao giờ những quy định đó mới được ban hành và nhập khẩu song song bằng cách nào thì vẫn còn đang ở tương lai xa. Bởi vì, muốn chống độc quyền trong phân phối thuốc, trước hết phải mổ xẻ tận gốc cái cơ chế tù mù mà chúng tôi đã đề cập và phải cải tổ tận gốc cơ quan quản lý ngành dược. Nhưng Bộ Y tế hình như đang "tung hỏa mù" để né tránh. Lý do vì sao vậy?
_________________________
“Việc cấp số visa là một việc phải làm để bảo vệ người dân tránh sử dụng những loại thuốc không đạt chất lượng, giá cả, v.v... Nhưng từ đó tạo ra sự độc quyền cho các công ty đăng ký số thuốc đó ủy quyền nhập khẩu độc quyền lại cho một nhà phân phối khác là vi phạm quyền được chăm sóc tốt sức khỏe của người Việt Nam và quyền được hưởng một giá thuốc hợp lý "ít ra cũng được như người châu Âu". Nó không biện minh cho bất cứ một lợi ích gì cho Nhà nước, Chính phủ, các ban ngành có liên quan, doanh nghiệp và cho nhân dân. Nó chỉ giúp cho việc cạnh tranh không lành mạnh. Tóm lại nó đi ngược lại lợi ích của nền kinh tế thị trường”. (Dược sĩ Nguyễn Doãn Linh)

Loạt bài "Lật lại hồ sơ tham nhũng lớn tại cơ quan quản lý Dược" đọc tại đây :

https://www.facebook.com/beloved.mamacat/posts/10155435562514718

Nguồn Phần 2: https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1556592244399830&id=100001472083411

*

Phần 3

CƠ QUAN QUẢN LÝ DƯỢC BỘ Y TẾ, MỘT LỊCH SỬ ĐEN (3)

Những gì đã diễn ra tại Cơ quan quản lý Dược Bộ Y tế 13 năm về trước nhiều chuyện đã trở thành lịch sử, như trường hợp Zuellig Pharma, nhưng cốt lõi của vấn đề là cơ chế cấp số đăng ký thuốc (số visa) đã tạo ra những hậu quả không thể khắc phục được thì vẫn đang là một câu chuyện thời sự. Hậu quả đó đã và đang đổ lên đầu hàng chục triệu người Việt Nam.

AI TẠO THẾ CHO DOANH NGHIỆP ĐỘC QUYỀN TĂNG GIÁ THUỐC ?

Kỳ 5 : HẬU QUẢ KHÔNG THỂ KHẮC PHỤC

Nếu số visa thuốc được cấp cho các nhà bào chế thì không dẫn đến độc quyền. Việc cấp số visa cho các nhà phân phối thuốc đã tạo điều kiện cho những anh khổng lồ án ngữ tất cả các lối vào của thị trường dược Việt Nam...

Như chúng tôi đã đề cập ở bài trước, số đăng ký (SĐK) thuốc được cấp cho cả thuốc sản xuất trong nước và thuốc của nước ngoài. Theo một dược sĩ nguyên là lãnh đạo Bộ Y tế, tại thời điểm những năm 1996, với thuốc sản xuất trong nước, một hoạt chất trung bình có khoảng 23 SĐK. Sau đó đã được cơ quan quản lý lúc đó cố “kéo” xuống chỉ còn 12-13. Nhưng đến thời điểm này, con số trung bình đã tăng lên 15 SĐK cho một hoạt chất, thậm chí có hoạt chất có tới hơn 200 SĐK. Theo một số nhà sản xuất trong nước, việc cấp nhiều SĐK cho một hoạt chất sẽ góp phần cạnh tranh giảm giá, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nhiều chuyên gia cho rằng càng tăng SĐK cho một hoạt chất thì giá bán sản phẩm càng hạ. Đối với nhiều loại thuốc, cứ một hoạt chất có thêm một sản phẩm thì giá bán của sản phẩm đó giảm khoảng 20%.

Dược sĩ Lê Văn Truyền (nguyên Chủ tịch Hiệp hội sản xuất và kinh doanh dược Việt Nam) nói: “Việc cấp nhiều SĐK cho một hoạt chất khiến cho nhiều doanh nghiệp dược trong nước phải cạnh tranh giảm giá. Thậm chí có những loại thuốc trong nước hiện phải bán với giá quá thấp, không bù nổi chi phí sản xuất. Hiệp hội đã phải dựng giá sàn, chống bán phá giá”. Thực tế trong năm 2003, có doanh nghiệp không tiêu thụ được hàng, người lao động chỉ làm việc 4 ngày/tuần.

Tuy nhiên, hình như ngành dược chỉ dành riêng “nghĩa vụ thiêng liêng” bảo vệ người tiêu dùng cho các doanh nghiệp trong nước mà thôi. Còn các hãng phân phối dược nước ngoài thì không được “hưởng” cái “vinh dự” đó. Hiện tại một hoạt chất thuốc của nước ngoài chỉ cấp khoảng 4-5 SĐK, trong khi thuốc nước ngoài lại chiếm chi phí rất lớn trong điều trị. Giá thuốc ngoại cao “trên trời” chính là từ nguyên nhân đó.

Vì sao các SĐK thuốc lại dẫn đến sự độc quyền của các hãng dược nước ngoài? Chúng tôi xin trình bày rõ để bạn đọc hiểu vấn đề một cách thực chất. Như chúng ta đã biết, mỗi hoạt chất có thể có một hoặc nhiều tên thuốc (cũng có tên thuốc có chứa nhiều hoạt chất), mỗi tên thuốc được cấp một SĐK. SĐK chẳng qua là sự cho phép loại thuốc đó được lưu hành hợp pháp tại thị trường Việt Nam. Bởi vậy, nếu như SĐK chỉ được cấp cho công ty sản xuất thuốc (hãng bào chế) thì nhiều công ty phân phối có thể đến mua loại thuốc đó đưa vào thị trường Việt Nam, do vậy sẽ không dẫn đến độc quyền. Đằng này SĐK không chỉ cấp cho các hãng bào chế mà còn cấp cho các công ty phân phối thuốc. Hiện tại, đa số các SĐK thuốc đều thuộc sở hữu của các công ty không hề sản xuất thuốc, đó là những công ty phân phối, điển hình nhất là Zuellig Pharma. Khi một công ty phân phối sở hữu một SĐK thuốc thì lập tức công ty này trở thành độc quyền phân phối loại sản phẩm đó, vì hãng bào chế thường chỉ dành độc quyền cho công ty có SĐK được phân phối sản phẩm của họ vào Việt Nam. Các công ty kinh doanh dược phẩm khác tại Việt Nam muốn mua sản phẩm đó thì phải mua qua các nhà bán sỉ (với giá cao hơn), nhưng dù mua được cũng vô nghĩa vì không có SĐK thì không thể lưu hành tại thị trường Việt Nam.

Trở lại trường hợp độc quyền điển hình là Zuellig Pharma. Hiện nay chỉ duy nhất Zuellig Pharma Singapore là công ty nước ngoài cung cấp vào Việt Nam thuốc của 27 nhà sản xuất lớn. Trong tổng số 180 hoạt chất mà công ty này cung cấp vào thị trường Việt Nam có 97 hoạt chất chỉ duy nhất có một SĐK, số hoạt chất có từ 2-5 SĐK là 65 và số hoạt chất có trên 5 SĐK của 1 đến 5 nhà sản xuất nhưng chỉ duy nhất do Zuellig Pharma cung cấp là 18 hoạt chất.

Cho nên, theo nhiều công ty dược, giải pháp quan trọng đầu tiên để chống độc quyền là Cục Quản lý dược chỉ cấp SĐK cho hãng bào chế, không cấp SĐK cho công ty phân phối. Kế đó là việc cho nhập khẩu thuốc song hành, nghĩa là cho các doanh nghiệp khác nhập khẩu chuyến các thuốc đã có SĐK.

Tuy nhiên, cả hai giải pháp nói trên vẫn chưa thể khắc phục được tình trạng độc quyền. Bởi lẽ, với tình trạng độc quyền được tạo ra cho đến bây giờ, với gần 4.500 loại thuốc và 900 hoạt chất đã được cấp SĐK (thời hạn của mỗi SĐK là 5 năm, sau đó tiếp tục được gia hạn), những hãng dược khổng lồ đang án ngữ trên tất cả các lối vào của thị trường thuốc Việt Nam, những anh đi sau khó mà chen chân nổi.

Còn việc cho nhập khẩu song hành, nếu chủ trương đó được thực hiện, vẫn gặp hai trở ngại lớn: thứ nhất là thuốc nhập khẩu song hành chắc gì đã được đưa vào bệnh viện, vì theo cơ chế hiện hành ngay cả thuốc có SĐK vẫn có thể bị loại huống hồ thuốc không có SĐK; thứ hai, các công ty nhỏ nhập khẩu song hành sẽ phải mua thuốc qua các nhà bán sỉ với giá cao hơn, do đó cũng khó có thể cạnh tranh được với những công ty có SĐK, nhất là những "ông lớn" như Zuellig Pharma.

Rõ ràng những sai lầm trong quản lý dược của Bộ Y tế (và một số cơ quan có trách nhiệm liên quan đến trường hợp của Zuellig Pharma mà chúng tôi sẽ đề cập sau) đã dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng không thể khắc phục được.

Kỳ 6 : VẤN ĐỀ CỦA ZUELLIG PHARMA

Trong bản "báo cáo tiến độ thực hiện một số giải pháp cấp bách nhằm bình ổn giá thuốc chữa bệnh cung ứng cho nhân dân" gửi Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm ngày 24/3/2004, Bộ Y tế cho biết tính đến thời điểm 15/3/2004 đã có 30 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực dược (gồm 27 dự án sản xuất, 3 dự án dịch vụ dược), nhưng chỉ có Zuellig Pharma Việt Nam (ZPV) là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài duy nhất được hoạt động phân phối thuốc nhập khẩu.

Điều này, theo Bộ Y tế, là đã "tạo thế độc quyền cho công ty" trong việc phân phối sản phẩm của các hãng dược tại Việt Nam do công ty này độc quyền về hoạt chất, công thức thuốc, độc quyền về tên thương mại của thuốc. Bộ Y tế cũng cho rằng ZPV là một công ty con của Zuellig Singapore - một công ty đa quốc gia có mặt ở nhiều nước trên thế giới nên "có khả năng thâu tóm phần lớn nguồn hàng và áp đặt giá của thuốc trước khi vào Việt Nam" và "do có khả năng tài chính lớn và kinh nghiệm phân phối nên nhiều nhà sản xuất dược phẩm lớn trên thế giới có xu hướng phân phối qua ZPV, trong khi đó việc phân phối trước đây do các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện và trực tiếp đàm phán". Vậy ai đã tạo thế độc quyền này cho ZPV?

Cách đây khoảng 5 năm, Báo Thanh Niên số ra ngày 9/7/1999 có đăng bài Ban Quản lý khu công nghiệp - khu chế xuất Hà Nội cấp phép cho công ty nước ngoài kinh doanh dược phẩm: Sẽ gây hậu quả lớn đối với công nghiệp dược phẩm trong nước, đề cập đến việc Ban Quản lý khu công nghiệp - khu chế xuất (KCN-KCX) Hà Nội "xé rào" cấp giấy phép này mặc dù Bộ Y tế cũng như Chính phủ không đồng ý vì việc cấp phép cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực phân phối thuốc là không đúng luật. Báo Thanh Niên lúc đó đã cảnh báo bằng cách dẫn lời một quan chức của Tổng công ty Dược Việt Nam: "Việc Ban Quản lý KCN-KCX Hà Nội cấp phép cho Công ty Zuellig Pharma không khác gì bán toàn bộ thị trường thuốc Việt Nam cho nước ngoài, bởi theo tôi được biết, Zuellig chỉ là một hãng lớn chuyên phân phối thuốc chứ không sản xuất. Như vậy, chẳng những nền công nghiệp dược non trẻ Việt Nam, mà ngay cả những doanh nghiệp đang phân phối trong nước đều gặp khó khăn lớn". Đúng 1 năm sau, ngày 10/7/2000, Báo Thanh Niên tiếp tục đăng bài: Có nên xem xét lại dự án Zuellig Pharma ?. Bài báo tiếp tục đề cập đến việc làm sai nguyên tắc của cơ quan cấp phép và nêu rõ: "Dư luận cho rằng, vì mối lợi cá nhân nào đó mà Ban Quản lý KCN-KCX Hà Nội đã cố tình cấp phép thiếu cân nhắc, rất có thể làm khuynh đảo đến cả một ngành quan trọng, khiến cho Chính phủ, các bộ, ngành liên quan phải hao tốn thời gian giải quyết phần "rác" mà họ đặt ra theo kiểu sự đã rồi".

Đứng trước "sự đã rồi" đó, Thủ tướng Chính phủ đã phải can thiệp bằng cách chỉ đạo: Việc tiến hành trực tiếp phân phối thuốc nhập khẩu của ZPV tại thị trường Việt Nam chỉ được tiến hành trong 3 năm kể từ khi bắt đầu hoạt động (theo công văn số 2080/VPCP-QHQT ngày 15/5/2001 của Văn phòng Chính phủ). Thủ tướng Chính phủ cũng lưu ý: Các nguyên tắc hoạt động cho ZPV (trong nhập khẩu ủy thác và phân phối các dược phẩm nhập khẩu) không được coi là tiền lệ cho các trường hợp khác (công văn đã dẫn). Và ngày 4/3/2004 Cục Quản lý dược Việt Nam đã thông báo: ZPV được tiến hành hoạt động nhập khẩu ủy thác và phân phối thành phẩm thuốc nhập khẩu đến hết ngày 5/9/2004 (công văn số 2570/QLD-HN).

Cho đến nay, luật pháp đầu tư nước ngoài của Việt Nam vẫn chưa có quy định cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được nhập khẩu và phân phối thuốc. Việc "xé rào" cấp phép cho ZPV được phân phối thuốc tại Việt Nam đã khiến cho "sân chơi" của thị trường thuốc chữa bệnh trở nên cực kỳ không bình đẳng và hậu quả nhãn tiền như đã thấy. Tuy nhiên, cần phải phân biệt những sai phạm của cơ quan quản lý với sai phạm của doanh nghiệp. Trong trường hợp này, ZPV hoạt động đúng theo giấy phép được cấp.

Trong khi triển khai các giải pháp bình ổn giá thuốc, vấn đề của ZPV đang trở nên nan giải.

Thứ nhất, sau ngày 5/9 tới đây ZPV có bị chấm dứt các hoạt động nhập khẩu ủy thác và phân phối sản phẩm hay không ? Nếu bị chấm dứt, các cơ quan có thẩm quyền có vi phạm nguyên tắc bất hồi tố hay không ? Câu trả lời vẫn đang còn để ngỏ. Chúng tôi cũng chưa có đủ thông tin để bình luận vấn đề này.

Thứ hai, theo Bộ Y tế, sau khi ZPV được cấp giấy phép đầu tư trong lĩnh vực phân phối dược phẩm, các công ty khác như Công ty TNHH Dielthelm Việt Nam, Công ty TNHH Sản phẩm Mega Việt Nam, Công ty Sanofi Synthelabo Việt Nam cũng có nguyện vọng được trực tiếp phân phối thuốc tại thị trường Việt Nam. Bộ Y tế cho rằng nếu cho phép các công ty khác tham gia phân phối thuốc như ZPV cũng "chưa chắc phá vỡ thế độc quyền hiện nay" vì các nhà sản xuất dược phẩm trên thế giới có xu hướng đi tìm các nhà phân phối có uy tín và kinh nghiệm để phân phối thuốc. Và theo Bộ Y tế, việc mở rộng như vậy sẽ "tạo ra thế độc quyền mới" với thuốc của các nhà sản xuất khác khi có nhà phân phối khác xuất hiện tại Việt Nam.

Vì lý do đó Bộ Y tế kiến nghị chưa nên cho phép công ty nước ngoài phân phối thuốc tại thị trường Việt Nam. Để củng cố quan điểm của mình, Bộ Y tế cũng lưu ý rằng việc mở rộng nhiệm vụ phân phối thuốc cho các công ty nước ngoài khác cũng sẽ xuất hiện sự bất bình đẳng với doanh nghiệp Hoa Kỳ vì Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ mới cam kết xóa bỏ sự hạn chế đối với quyền nhập khẩu dược phẩm trong vòng 6 năm sau khi hiệp định có hiệu lực và chưa cam kết đối với quyền phân phối (theo chúng tôi, vấn đề này không ảnh hưởng gì đến các doanh nghiệp Hoa Kỳ, bởi theo tinh thần của hiệp định, nếu các công ty khác được quyền này thì mặc nhiên các công ty của Mỹ cũng được quyền đó mà không cần phải bổ sung cam kết).

Vấn đề đặt ra là, chỉ với một giấy phép ưu ái sai thẩm quyền và không đúng pháp luật đã khiến cho môi trường kinh doanh trên thị trường dược phẩm Việt Nam bị nghiêng lệch. Hậu quả của sự nghiêng lệch đó chưa biết sẽ được xử lý như thế nào ? Theo chúng tôi, chấm dứt quyền phân phối sản phẩm đối với ZPV cũng như việc không mở rộng quyền phân phối của các doanh nghiệp khác để giải quyết hậu quả của sự nghiêng lệch đó không phải là một giải pháp tốt. Vì sao vậy ? Vì chúng ta đang đặt ra mục tiêu trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2005, khi đó các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ không bị hạn chế quyền kinh doanh phân phối như hiện nay.

Xin tạm dừng loạt bài này tại đây. Mong nhận được những ý kiến của các cơ quan có thẩm quyền, của các doanh nghiệp và bạn đọc. Và chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này trong thời gian gần đây.

HOÀNG HẢI VÂN – LIÊN CHÂU
(Báo Thanh Niên, tháng 4-2004)

Đọc tất cả :

Kỳ 1 + Kỳ 2 : https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1556035001122221&id=100001472083411

Kỳ 3 + Kỳ 4 : https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1556592244399830&id=100001472083411

Nguồn Phần 3: https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1557085934350461&id=100001472083411

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn