Mưa hè ở Salzburg

Vũ Nam (Germany)

Sau khi đọc bài viết về nhạc sĩ thiên tài người Áo, Wolfgang Mozart, trên báo Cỏ Thơm của nhà văn, nhà biên khảo Phạm Văn Tuấn, người viết lấy một ngày cuối tuần để đi đến thành thố Salzburg, xem nơi nhạc sĩ ra đời, cảnh trí, đời sống ra sao. Trên toàn nước Đức lâu rồi đã có những chuyến xe lửa đi cuối tuần giá rất rẻ, lại đi được mỗi lần một group 5 người. Cứ lựa chọn, hoặc đi và về trong ngày thứ bảy, hoặc chủ nhật. Còn ngủ qua đêm thì hôm sau lại phải mua một vé mới. Đó là trên toàn nước Đức. Còn ở mỗi tiểu bang cũng có những vé đi về trong lãnh thổ tiểu bang, trong một ngày, cũng cho 5 người.

Thành phố Salzburg của nước Áo tôi nghe từ lâu nhưng chưa có dịp đến. Salzburg nằm cạnh ranh giới với nước Đức, góc Đông Nam. Một lần từ Đức đi thành phố Linz của Áo, xe có chạy ngoài xa lộ ngang qua ngoại thành của Salzburg, nhưng bận việc nên tôi không có thời giờ ghé vào thành phố.

Trên đường đến Linz, có những thảm cỏ bao la. Rất ngạc nhiên khi lần đầu thấy những con hươu con nai nhỏ gậm cỏ thảnh thơi bên dòng đường xa lộ đầy xe. Ở Đức không có thấy cảnh này. Trông những con vật hình như không biết sợ xe, sợ người. Hình ảnh vài con hươu đứng gặm cỏ dưới bầu trời xanh, hoặc đang nhìn ngơ ngác những chiếc xe chạy trên đường, xa xa là rặng núi Alpen, tôi thấy được cả sự yên bình của nước Áo. Trong hồn tự nhiên lâng lâng niềm an ổn, quên đi nơi đây là đất nước nổi tiếng vì tuyết, vì lạnh, vì có ngọn núi cao và trùng trùng điệp điệp những hàng núi đan khít nhau, ngọn cao ngất ngưỡng. Cho tị nạn ở đây chắc… chết vì lạnh. Trên chót vót của những ngọn núi cao này, dù mùa hè nhưng vẫn còn tuyết đóng trắng. Ai đi bằng đường xe hơi từ Đức ngang thành phố Innsbruck đi về hướng Venedig của Ý sẽ thấy cảnh này. Nếu Thụy Sĩ có vẻ đẹp nhờ hồ và những con thiên nga, thì ở Áo lại có vẻ đẹp khác từ hai vùng. Một vùng nhờ bình nguyên đồng cỏ và những chú hươu nai và một vùng nhờ những ngọn núi cao trong dãy Alpen đầy tuyết.

Ngày đi từ Ý về Đức ngang Áo của những năm trước gặp cơn mưa mùa hè nhỏ nhưng đủ làm áo ướt, thì tháng trước khi đến Salzburg sau cơn nắng nóng tôi cũng chịu cơn mưa hè nhỏ đủ tưới tẫm trên lá cây và vườn hoa Mirabellgarten trong thành phố.

Salzburg đẹp có lẽ nhờ dòng sông Salzach chảy ngang qua thành phố và dãy núi chạy dọc sông. Với tôi, nhà ở salzburg cũng vậy thôi. Những lâu đài cổ ở đây cũng vậy thôi. Cũng giống những lâu đài ở miền Nam nước Đức. Cũng ngất ngưởng trên đồi núi cao. Cũng người người đi bộ, đi xe kéo, lục đục từ dưới đi lên để thăm viếng lâu đài. Có sông và núi ở Salzburg là đẹp.

Người viết thích nhất là dòng sông và những băng ghế, thảm cỏ, dọc theo hai bên bờ. Đi bộ ở bờ bên này nhìn bờ bên kia là những đồi núi xanh, những lâu đài và những ngôi nhà được cất trơ vơ trên vách núi. Đi bên bờ bên kia nhìn bên này là những dãy nhà to lớn, những khách sạn, quán ăn và ngôi nhà thờ cổ. Không biết nhà của ông Mozart ở mé nào của dòng sông? Cứ cách vài trăm mét lại có một cây cầu bắt ngang sông cho khách qua lại.

Cứ phải “khen người chê mình” hoài cũng kỳ. Nhưng thú thật dọc dòng sông nơi đây có những nơi vệ sinh công cộng mà sạch sẽ tôi không thể ngờ. Còn ở Đức, những nơi công cộng, có nơi thật sạch thì cũng có nơi không được sạch lắm, nhưng không đến nỗi phải sợ mỗi khi cần đi.

Chúng tôi đi vào những con đường nhỏ trong thành phố. Cảnh bán buôn cũng giống như nước Đức. Có khác là hình như thỉnh thoảng bắt gặp một tượng hình ông Mozart. Lúc ở công viên, lúc đứng nơi trung tâm mua sắm giữa thành phố. Hình nhỏ gọn, màu đồng đen. Có thể nhờ tiếng tăm ông mà Salzburg có nhiều du khách đến thăm. Nhưng dù tài năng viết nhạc lẫy lừng với thế giới như vậy nhưng trong phố, quê ông, tượng ông người ta cho dựng cũng nhỏ, cũng bình thường như một con người, không có nét gì là vĩ đại cả!

Đói bụng chúng tôi vào một lần ở quán cóc bên đường, ăn xúc-xích Áo và uống bia. Bia nước Áo làm quá ngon, người bạn đi chung với tôi khen như vậy. Tôi cũng thấy vậy. Vợ chồng người chủ quán cóc người Áo vui vẻ với hai anh Á châu, dù chắc họ không lạ gì với những người đến từ VN, bởi Áo cũng có dân tị nạn. Mặc dù khác biệt về màu da, về ngôn ngữ nhưng họ đối xử rất thân thiện. Có thể là nghề nghiệp của họ nhưng vẫn để lại trong lòng người khách niềm vui và những “ấn tượng” lâu dài.

Một lần chúng tôi vào quán người Thổ để ăn Kepab và cũng uống bia Áo. Bia Đức uống thường rồi. Đến Áo mới có dịp uống bia Áo. Bia có nhãn hiệu nền trắng chữ đỏ. Các bạn khi ở xa đến Áo du lịch thử uống bia này, coi có ngon không?

Vòng vòng trên đường phố khá lâu, chúng tôi tạt vào một quán cà phê nằm ở giữa phố, cạnh dòng sông. Quán cà phê đầy người. Những tà áo mùa hè của các thiếu nữ người Áo và những cô gái từ nước khác vào Salzburg du lịch. Quần áo đủ màu. Tiếc thay, nhìn không được lâu những màu sắc mang lại cho đời những sức sống đó, vì trời làm giông và cơn mưa hạ đổ xuống. Mọi người bật dù che, hay cuống quít chạy núp dưới những tàn cây có những cành nhánh rậm để che mát con đường. Trời đang nắng, bỗng âm u và có mưa. Nhưng trên dòng sông chiếc tàu chở du khách cứ chậm rãi tiến bước. Tàu có mái che nên những dải nắng, những hạt mưa vẫn không làm hành khách trên tàu phải bận rộn. Họ yên tĩnh ngắm mây trời hoặc những hạt mưa sa xuống mặt sông trong ngày hè đang oi bức.

Gần ba mươi năm ở trời Âu. Vì ở miền Nam nước Đức nên tôi có dịp đi nhiều ở những vùng Nam Âu, chưa có dịp nào đến Bắc Âu, ngoại trừ một lần đi đến một thành phố Đan Mạch, nằm cạnh biên giới Đức. Tôi thấy các nước phía Nam Âu châu này mỗi nước có một vẻ đẹp riêng. Do trời đất tạo, nên họ có những khác biệt. Thụy Sĩ đẹp nhờ hồ, núi. Hồ ở Thụy sĩ đẹp như một bức tranh. Mặt hồ phẳng lặng như mặt gương. Nhưng khi có một chiếc thuyền du lịch chạy qua thì mặt hồ rẻ ra hai làn sóng con con đều đặn ở hai bên thuyền. Đứng từ mũi thuyền mà nhìn mặt hồ phía sau thuyền, sau khi thuyền đã đi qua, giờ như một thân cây cho hai bên hai hàng nhánh cây mỏng đều đặn trên mặt nước. Ý đẹp nhờ biển và nắng ấm. Áo đẹp nhờ gì? Nhờ những rặng núi cao của dãy Alpen và những bình nguyên cỏ có hươu nai đứng ngơ ngác cạnh đường. Hy Lạp đẹp nhờ nhiều đảo nhỏ. Từ trên phi cơ nhìn xuống các hòn đảo cứ nối nhau thật ngoạn mục. Những đường viền màu trắng của sóng biển quanh đảo hiện rõ trong ánh nắng ban trưa, mặt nước biển màu xanh dương trong trẻo với đủ loại thuyền tàu lớn bé đi về khắp mọi nơi trên biển. Hoà Lan có gió biển, những con đê đồ sộ và nghêu sò ốc hến đầy trên bãi biển. Tiệp Khắc có những đồng cỏ hoang và những cô gái mũi nhỏ gọn, đẹp. Còn Đức và Pháp ắt cũng có những cái đẹp. Người Việt tị nạn ở Ý khi qua Đức họ khen Đức đẹp nhờ xa lộ, những rừng thông, rừng cây sồi cây dẻ và những lâu đài cổ. Còn Pháp đẹp chắc là ngoài những bãi biển dài đẹp họ còn có những thành phố nổi tiếng. Và nhất là Paris bao giờ cũng quyến rũ du khách trên khắp địa cầu này. Dòng sông Seine, tháp Eiffel, Khải Hoàn Môn… là những thắng cảnh của Paris. Còn Việt Nam mình đẹp nhờ gì? Chắc nhờ bãi biển dài, những ngày hè mặt biển lóng lánh ánh nắng mặt trời. Nhờ núi non trùng điệp miền Bắc miền Trung. Nhờ phù sa sông ngòi miền Tây với những cánh đồng lúa vàng bất tận.

Trên đường từ Salzburg trở về nhà, ánh nắng chiều óng ả rải xuống những cánh đồng dưới rặng Alpen. Mặt cánh đồng uốn lượn như những triền sóng trên mặt biển ngày tôi đi vượt biên. Mặt biển ngày ấy, khi ra gần đến hải phận, có màu xanh âm u buồn thảm. Hành trình còn xa vời vợi, chưa biết ngày mai sẽ ra sao, khi chiếc ghe nhỏ nhoi đang chập chùng trên sóng nước, lúc đang thả neo để cho máy nghỉ… Xe lửa đang chạy chậm chạp qua vùng miền Đông Nam nước Đức. Nhìn những đàn bò sữa xa xa đang cúi đầu gậm cỏ, trong ánh nắng chiều vàng nhạt, tôi nhớ lại cuốn truyện Sữa mùa thu (Herbstmilch) của tác giả nữ Anna Wimschneider. Đây chính là vùng mà tác giả, cũng là nhân vật chính trong truyện kể lại cuộc đời bà, nơi quê hương bà, trong những ngày trước và sau Thế chiến thứ hai. Sanh ra và lớn lên trên một quê hương đầy băng tuyết, những ngày còn nhỏ trong mùa đông cũng phải đi về vài cây số để đến trường học và trở về nhà. Thế chiến thứ hai bùng nổ, đã phải chịu cùng chung số phận với dân tộc quê hương, phải chia tay người tình là nông dân, để anh đi vào chiến trận, với nỗi mong chờ đêm ngày cho ngày trở lại khi chấm dứt chiến tranh. Kết thúc của câu chuyện rất có hậu. Sau chiến tranh anh đã trở về lành lặn, đám cưới, một mái gia đình, anh bỏ việc làm nông gia, vào làm trong nhà máy, có tiền hưu trí sau mười năm làm việc. Những quang cảnh tôi thấy và đọc trong phim, truyện Sữa mùa thu, bây giờ tôi đi ngang nó đây.

Tôi thật sự bàng hoàng trước cảnh đẹp của vùng này khi xe lửa chạy qua. Những cánh đồng cỏ màu xanh phẳng lì. Những cánh rừng thông đứng thẳng hàng, chụm lại từng khu, từng khu. Xa xa có vài ngôi nhà. Những khe suối chạy ngoằn ngoèo. Nếu nói giống “y chang” như một bức tranh vẽ thật không ngoa chút nào. Ở Âu châu có những hình ảnh đẹp như tranh! Những họa sĩ Việt Nam đang ở đâu? Chắc họ đang bận vẽ những mái tranh nghèo sống ven sông với đời người tạm bợ, ngặt nghèo; những mẹ già da má nhăn nheo; những em nhỏ hai bàn chân không “lội” đi bán vé số suốt ngày trong thành phố. Hay họ vẽ những tay nhà giàu thời đổi mới đang học làm sang trong những sân quần vợt; quần sọt, áo “cá sấu”, giày vớ trắng tinh, hay đang “chơi golf” trên những sân golf vừa lập ra rẫy đầy trên đất nước. Hay họ đang bận vẽ những cô gái vẫn còn còng lưng trên những cánh đồng để cấy cho xong những mảng lúa vàng, cây mang nặng hạt. Họ hãy đến đây để vẽ những cánh rừng thông, những đồng cỏ phẳng hoặc cánh đồng lúa chín bạt ngàn, mà nhiệm vụ gặt chỉ có 3 chiếc xe có cùng chung một nhiệm vụ cấy cày bừa gặt v.v… Một đất nước mà chỉ sau ngày chấm dứt chiến tranh khoảng 20 năm ai ai ở Việt Nam không nghe và biết đến “made in West Germany”. Trông người mà nghĩ đến ta!

Hai đất nước, hai tình cảm, tôi cứ bị cầm tù trong cách suy nghĩ so sánh hết sức là… mệt! Tự nhủ lòng không để hận thù trải lên trang giấy, nhưng sự phân biệt rạch ròi phải trái tôi đã học được từ người Đức qua gần ba mươi năm ở xứ người, làm cho tôi không thể còn là người “sao cũng được” được. Chắc các bạn Việt Nam đang ở Đức cũng thấy vậy. Nhưng ở Việt Nam từ mấy chục năm trước cũng đã có những câu thơ “yêu cứ bảo là yêu, ghét cứ bảo là ghét…” kia mà. Sự trùng hợp bao giờ cũng có, thời nào cũng có. Như mấy năm trước, trời ở Đức chỉ thấy “mưa ngâu” như ở Huế, Hà Nội quê mình, thì nay, đang nắng, mây đen từ đâu kéo về, một đám mưa rào thật mạnh đổ xuống làm mờ mịt đất trời. Chốc lát trời lại khô rang, nắng lại lên. Y như những cơn mưa ở Sài Gòn. Khí hậu nước Đức bây giờ “hơi giống” Việt Nam rồi. Global hết rồi!

Gió mùa thu đã về. Trời gần cuối tháng Tám đã có những buổi chiều hơi lạnh. Trước nhà, trên đường những chiếc lá đã rời cành, nằm rải trên đường. Cuộc sống cứ tuần hoàn. Vui hay buồn trước mỗi sự việc; dửng dưng hay thấy có lửa trong hồn trước mỗi hoàn cảnh chắc là tuỳ vào cách sống của mỗi cá nhân. Đó là Tự Do của mỗi con người.

V.N.

Tác giả gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn