Thừa nhận mại dâm để đưa kinh tế ngầm thành kinh tế sáng?

Hoàng Phi

Bài viết này đã được FB Menras André dẫn lại với câu hỏi: "Việt Nam: bán trôn của người ta nuôi miệng của mình?". "Mình" ở đây là ai thế, thưa ông Hồ Cương Quyết?

Bauxite Việt Nam

Ý tưởng về một khu phố đèn đỏ, tức là phố mại dâm, ở một đặc khu tại Việt Nam đã nhận được rất nhiều ý kiến vì đụng chạm đến đạo đức, truyền thống, xã hội. Nhưng còn góc độ kinh tế? Tuổi Trẻ Online đã liên hệ với một số kinh tế gia ở Việt Nam nhưng tất thảy đều từ chối trả lời vì vẫn coi đây là một sự nhạy cảm và họ "chưa nghiên cứu về vấn đề này". Dù vậy, một số người đánh giá rằng điều không thể phủ nhận, dù có chấp nhận hay không, rằng mại dâm vẫn là một nghề xưa như trái đất, tồn tại xuyên suốt lịch sử.

Câu hỏi đặt ra là: Liệu lập một phố đèn đỏ, thừa nhận mại dâm là hợp pháp, đưa vào khuôn khổ để quản lí, kiểm soát thì có có tốt hơn so với không thừa nhận, coi đó là phạm pháp?

Có một thực tế là một số quốc gia sau thời gian cho phép các phố đèn đỏ thì lại đang có xu hướng siết lại. Lí do là những tranh cãi trước đó vẫn tiếp tục là những tranh luận sau này: tưởng là thu hút khách du lịch, hóa ra khách chi dè sẻn, tưởng là an toàn cho người hành nghề hóa ra vẫn có người bị chết, hành hung.

Mại dâm và kinh tế ngầm

Nếu coi đó là một nền kinh tế ngầm thì ngành này tạo ra bao nhiêu giá trị, bao nhiêu công ăn việc làm? Vào năm 2014, Cơ quan Thống kê Anh quốc có một công bố: nghề mại dâm đóng góp cho kinh tế của đảo quốc này số tiền lên đến 5,65 tỉ bảng Anh trong năm 2013, chỉ thua bán ma túy một ít. Cơ quan Thống kê Anh quốc ước tính cả nước có đến 60.879 người hành nghề mại dâm và mỗi người như vậy có 25 khách hàng mỗi tuần (số liệu vào năm 2009). Cơ quan này tính toán rằng một người làm nghề mại dâm thu nhập cao hơn, từ 25.000 tới 30.000 bảng, trong khi thu nhập trung bình một người Anh là 22.000 bảng một năm.

Không chỉ Anh, một số quốc gia cũng công bố một số số liệu về ngành mại dâm (và ma túy, vốn là hai nghề phổ biến của kinh tế ngầm). Tây Ban Nha ước tính hai ngành mại dâm và buôn ma túy ở nước này có giá trị gần 12 tỉ USD, chiếm khoảng 1% tổng giá trị của nền kinh tế nước này. Ở Đức, hai nghề này tạo ra một giá trị lên đến 91 tỉ USD vào năm 2013. Hà Lan thì chỉ riêng mại dâm đóng góp mỗi năm cũng 2,5 tỉ euro vào GDP của nước này. Nước Pháp thống kê có khoảng 37.000 người hành nghề mại dâm, mỗi năm thị trường này ở Pháp lên đến 3,2 tỉ euro. Thu nhập của một người hành nghề mại dâm ở Pháp mỗi năm là 87.770 euro, theo một nghiên cứu của Le Mouvement du Nid được Ủy ban châu Âu tài trợ. Một báo cáo của Urban Institution, cũng vào năm 2014, cho biết tổng giá trị thị trường mại dâm ở 7 thành phố của Mỹ lên đến 975 triệu USD vào năm 2007. Thành phố Atlanta xếp đầu bảng với 290 triệu USD, Miami 235 triệu USD, Seatle là 112 triệu USD. Washington DC xếp thứ tư với 99 triệu USD. Các nghiên cứu tính các dịch vụ mại dâm ở với gái đứng đường, bán dâm qua Internet, gái gọi, khu massage kích dục và các nhà thổ, thậm chí tại gia. Đặc biệt, báo cáo tiết lộ một người hành nghề dắt mối mại dâm mỗi năm kiếm gần 1 triệu USD.

Các nghiên cứu và các công bố này luôn gây ra các cuộc tranh cãi không ngớt trong xã hội. Nhiều người cho rằng mại dâm là hoạt động bí mật, thuộc thế giới ngầm, vậy làm sao có thể biết được bao nhiêu người rồi tính được giá trị? Có một điều, qua các con số trên, bức tranh mại dâm hiện ra khá rõ: có rất nhiều người bán và cũng lắm người mua, có bên cung ứng, có bên nhu cầu. Thu nhập của những người làm nghề bán dâm cao hơn so với thu nhập bình quân đầu người. Nói theo cách của Việt Nam là ưa hưởng thụ, làm việc nhẹ mà lắm tiền.Thu nhập của người dắt mối, tổ chức đường dây còn cao hơn người hành nghề mại dâm nhiều.

Nên thừa nhận để quản lí tốt?

Dưới góc nhìn xã hội thì rõ ràng có nhiều lí do để tranh cãi. Dưới cái nhìn của kinh tế, các tranh luận cũng không hề kém cạnh. Một số ý kiến cho rằng thừa nhận hợp pháp các phố đèn đỏ hay hoạt động mại dâm là một cách để đưa nền kinh tế ngầm lên kinh tế sáng. Nhờ đó các cơ quan quản lí có thể biết được một lượng tiền lớn đang chảy vào đâu và có thể có các hoạt động đánh thuế. Có rất nhiều tiền, có thể khẳng định như vậy, đang được đưa vào nền kinh tế ngầm, trong đó có mại dâm, và việc biết được đồng tiền đó xuất phát từ đâu, được tiêu như thế nào thì tốt hơn là không biết nó được sử dụng làm gì. Nước Pháp chẳng hạn, các chuyên gia tính toán ngân sách có thể có 853 triệu euro nếu như số tiền trên được tiêu xài cho các khoản chi phí khác thay vì đổ vào mại dâm bất hợp pháp.

Hơn thế nữa, thừa nhận và ra các quy định, điều kiện ngặt nghèo để quản lí cũng là một cách để bảo vệ những người hành nghề, còn hơn là thả nổi, phó mặc cho thế giới ngầm, chưa nói đến sức khỏe và các bệnh truyền nhiễm.

Một lí do không phải không có lí: đặt ra ngoài vòng pháp luật từ rất nhiều năm nay, coi đó là "tệ nạn mại dâm" thì "tệ nạn" này vẫn không dẹp bỏ được.

Vậy liệu đưa kinh tế ngầm thành kinh tế nổi, lộ sáng và chọn một khu vực riêng biệt, như các đặc khu chẳng hạn, để đưa vào khuôn khổ, thừa nhận để quản lí tốt hơn?

Và ngân sách sẽ có thêm nguồn thu không nhỏ từ đây?

H.P

Nguồn: http://tuoitre.vn/co-nen-thua-nhan-mot-nen-kinh-te-pho-den-do-20170913145823496.htm

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn