Pakistan chết đứng với Vành đai, Con đường của Trung Quốc

Bình An

Việc Trung Quốc bất ngờ dừng 3 dự án làm đường tại Pakistan đã gióng hồi chuông cảnh báo cho các nước trong sáng kiến "Vành đai, con đường" về cách làm ăn tự quyết, không màng tới người khác của Bắc Kinh.

Trên khắp châu Á, Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - ngày càng bơm tiền vào hàng loạt dự án hạ tầng từ đường cao tốc, đập thủy điện tới cảng biển. Đây một phần trong sáng kiến "Vành đai, con đường" đầy tham vọng mà Bắc Kinh đang thúc đẩy thực hiện nhằm kết nối hạ tầng và thương mại qua một loạt quốc gia Á - Phi - Âu.

Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định việc nước nào sẽ nhận được tiền đầu tư và khi nào sẽ xúc tiến các dự án lại là một chuyện thuộc quyền quyết định của Bắc Kinh. Và Pakistan là một trường hợp điển hình đang phải "lao đao" với cách làm ăn "thích thì làm, không thích thì nghỉ" của Trung Quốc.

Pakistan ăn phen "sốc"

Pakistan hiện là điểm đến của một trong những dự án hạ tầng trọng tâm của Trung Quốc. Một loạt dự án trên bộ và trên biển với tổng số tiền đầu tư gần 60 tỉ USD đã được Bắc Kinh xúc tiến tại quốc gia Nam Á này thông qua Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC).

Tuy nhiên, đài NDTV của Ấn Độ dẫn nguồn tin từ Bộ trưởng Bộ kế hoạch và phát triển Pakistan Ahsan Iqbal hôm 12-12 cho hay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới đây đã bất ngờ ra quyết định dừng cấp vốn cho việc xây dựng ba tuyến đường lớn nằm trong CPEC. Các dự án đường bộ bị ảnh hưởng gồm các tuyến Dera Ismail Khan - Zhob dài 210 km, tuyến Khuzdar - Basima dài 110 km và đoạn cao tốc Karakoram từ Raikot tới Thakot dài 136 km.

Quyết định này đã cho Pakistan một phen bị sốc và bất ngờ vì đây là lần đầu tiên Trung Quốc ra quyết định tạm hoãn dự án nằm trong CPEC. Ba dự án trên ban đầu được Cơ quan Đường bộ quốc gia Pakistan (PNHA) đảm trách nhưng sau đó được đưa vào CPEC để nhận đầu tư ưu đãi từ Bắc Kinh. Vốn đầu tư cho ba dự án này đã được thông qua hồi năm ngoái theo các thủ tục chính thức và dự kiến sẽ được kết luận trong một cuộc họp hôm 20-11. Tuy nhiên, thời điểm đó phía Trung Quốc bất ngờ thông báo cho Pakistan về việc dừng đầu tư. Trung Quốc cho biết sẽ tái đầu tư sau khi nước này công bố "các đường lối chỉ đạo mới".

Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC) là một siêu dự án nằm trong sáng kiến "Vành đai, con đường" nhằm kết nối cảng Gwadar ở Tây Nam Pakistan với khu tự trị Tân Cương ở Tây Bắc Trung Quốc thông qua một mạng lưới đường cao tốc, đường sắt cùng đường ống vận chuyển dầu và khí đốt. Siêu dự án này đã được khởi động vào năm 2015 khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới thăm Pakistan.

Giới phân tích đánh giá quyết định này cho thấy cách quản lí dự án mang tính đơn phương của Trung Quốc. "Bắc Kinh cho cái gì thì Bắc Kinh cũng có thể rút lại cái đó" - ông Ian Bremmer, Chủ tịch kiêm nhà sáng lập Tập đoàn Tư vấn Eurasia Group nhận định. Không như Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) - một chương trình khác do Trung Quốc dẫn đầu, các dự án trong sáng kiến Vành đai, Con đường "không mang tính minh bạch hoặc dựa trên nguyên tắc đồng thuận" - theo ông Bremmer. Nhà sáng lập Eurasia Group nói rằng bản chất của cách thức ra quyết định của Trung Quốc có thể gây ra nguy cơ khôn lường cho các quốc gia phụ thuộc sáng kiến này. Những quốc gia nào bất ngờ không được Bắc Kinh nhìn nhận quan trọng về mặt chính trị, dù bất cứ lí do gì, cuối cùng sẽ chịu hậu quả nặng nề về mặt kinh tế.

Ba tuyến đường trên được cho sẽ ngốn khoảng 1 tỉ USD tiền xây dựng để kết nối các thị trấn, thành phố của Pakistan. Đối với Trung Quốc, đây là một số tiền không lớn mấy so với các dự án khổng lồ trong "Vành đai, Con đường". Tuy nhiên, đối với Pakistan, đó là một con số khổng lồ và Islamabad có thể sẽ gánh hậu quả to đùng nếu Trung Quốc bỏ rơi các dự án này.

Đây là cách thức truyền một thông điệp mang tính ngoại giao chứ chưa nói đến áp lực mạnh tới người Pakistan của Trung Quốc, đó là: Chúng tôi sẽ chi trả, nhưng… chỉ dựa trên các điều kiện của chúng tôi.

Nhận định của Quỹ châu Âu về nghiên cứu Nam Á (EFSAS): Đâu là nguyên nhân?

Các vấn đề về an ninh và lập trường khác biệt của nội bộ chính trị Pakistan có thể là nguyên nhân khiến Bắc Kinh lo ngại. "Các bộ, ngành của Pakistan chịu trách nhiệm xúc tiến các dự án đã phải chững lại vì tình trạng đấu đá nội bộ. Chính lo ngại rằng dự án đường sẽ chỉ có lợi cho các tỉnh giàu mạnh và vì thế cần đi qua các khu vực nghèo hơn đã gây tranh cãi giữa các nhà chính trị Pakistan" - Quỹ châu Âu về nghiên cứu Nam Á (EFSAS) đưa ra đánh giá.

Theo EFSAS, Trung Quốc thật ra muốn quân đội Pakistan nắm vai trò dẫn đầu trong các dự án hạ tầng này. Việc đưa quân đội dính dáng vào các vấn đề chính trị sẽ đem lại lợi ích cho Trung Quốc khi mà Bắc Kinh xem quân đội Pakistan là trung tâm quyền lực tại đất nước Nam Á. Từ đó, các dự án của Trung Quốc mới bảo đảm được thành công và các mục tiêu chiến lược của Bắc Kinh được thực hiện.

Vì siêu dự án hành lang kinh tế CPEC đi qua nhiều vùng lãnh thổ tranh chấp nên giới lãnh đạo quân đội Pakistan cũng sẽ giúp giảm nhẹ các lo ngại về an toàn của Trung Quốc.

Hiện Bắc Kinh lo ngại nhất tình trạng bạo lực ở tỉnh Balochistan (Tây Nam Pakistan). Tỉnh này là trung tâm của CPEC. Hôm 8-12, Đại sứ quán Trung Quốc ở Islamabad bất ngờ ra tuyên bố khuyến cáo các công dân nước này ở Pakistan cảnh giác về một loạt kế hoạch "tấn công khủng bố" tiềm tàng nhằm vào các mục tiêu là người Trung Quốc.

Các nhóm khủng bố liên quan al-Qaeda, Taliban và tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đều có chân rết hoạt động tại Balochistan, theo hãng tin Reuters. Hàng ngàn công nhân Trung Quốc đã đến Pakistan theo sau cam kết của Bắc Kinh về việc chi gần 60 tỉ USD vào các dự án. Hiện có gần 400.000 người Trung Quốc sống tại Pakistan. Trong số này có nhiều kĩ sư và công nhân tham gia vào CPEC.

B.A

Nguồn: https://tuoitre.vn/pakistan-chet-dung-voi-vanh-dai-con-duong-cua-trung-quoc-20171213143015134.htm

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn