Hậu quả nào từ việc 8 doanh nghiệp nhà nước Việt Nam bị Mỹ tố ‘gian lận’?

Thiền Lâm
Đây là “cái quai” khiến ông Phúc khó lòng “há miệng”, dù có bươn chải sang Hoa Kỳ nhiều chuyến nữa. Tổng thống Trump quả là kẻ “tẩm ngẩm tầm ngầm đấm chết voi”. Khổ thân ông Phúc và CP liêm chính của ông ấy.
Bauxite Việt Nam
Việt Nam vừa phải nhận một biện pháp trừng phạt kinh tế mới khi vào tháng đầu năm 2018, Hoa Kỳ đã “thay mặt Việt Nam” thông báo với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về 8 công ty mà lẽ ra Việt Nam phải đăng ký là “doanh nghiệp nhà nước” theo quy tắc thương mại toàn cầu.
8 công ty mà Mỹ khai báo với WTO gồm có Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) và công ty con là Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Công ty Xăng dầu Hàng không Việt Nam (Vinapco/SKYPEC), Tổng công ty Lương thực miền Bắc và Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood I và Vinafood II), Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) và Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin).
Sự kiện này không chỉ mang tính cảnh báo hay như một động tác trừng phạt mới về thương mại của Mỹ đối với Việt Nam, mà còn có thể khiến Việt Nam bị không ít quốc gia quay lưng vì thói “gian lận thương mại”.
Tòa nhà Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) tại Hà Nội. PVN là một trong số 8 công ty bị Mỹ tố cáo lên WTO. Ảnh: VOA

Toàn bộ 8 doanh nghiệp Việt Nam mà Mỹ “tố” với WTO đều là doanh nghiệp nhà nước và do Chính phủ Việt Nam sở hữu trên 50% cổ phần. Trong quan hệ làm ăn ở Việt Nam, các doanh nghiệp này vẫn thường rất tự hào với mác “quốc doanh” của họ. Không những thế, một số trong các doanh nghiệp nhà nước này đã từ quá lâu nay được hưởng thế độc quyền kinh doanh và do đó luôn tạo áp lực đáng kể đối với người tiêu dùng và xã hội về giá cả theo lối “một mình một chợ”, bất chấp những yêu cầu liên tục từ WTO và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) về việc Việt Nam phải thỏa mãn được các tiêu chí tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước, minh bạch hóa hoạt động tài chính của doanh nghiệp nhà nước và phải chống tham nhũng có hiệu quả thì mới đủ điều kiện để quốc tế công nhận Việt Nam là “kinh tế thị trường”.
Kinh tế thị trường” lại rất quan yếu đối với các nhu cầu vay tín dụng, nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài và hưởng ưu đãi trong hoạt động xuất nhập khẩu quốc tế của Việt Nam.
Từ năm 2013, những chuyến đi Mỹ của các nhân vật như ông Trương Tấn Sang – khi đó còn là Chủ tịch nước, và ông Nguyễn Tấn Dũng – khi đó còn là Thủ tướng, vẫn một mực đề nghị “Mỹ sớm công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam”. Nhưng không hề có tính từ “xã hội chủ nghĩa” gắn kèm cửa miệng.
Đó là thói khôn vặt của giới chính khách Việt! Khi cần tỏ ra kiên định thì luôn “chua” tính từ trên vào bất cứ khẩu hiệu nào. Nhưng để đối ngoại thì lại giấu kín vào túi quần. Hành vi 8 doanh nghiệp Việt Nam giấu kín gốc gác “nhà nước” của họ là một minh chứng về thói biển lận đó.
Rốt cuộc, quốc tế đã không còn kiên nhẫn nổi với thói lập lờ về mặt khái niệm trong lúc không có bất kỳ cải cách nào của Việt Nam. Vào tháng 5/2017, Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Wilbur Ross đã phải nhắc lại “Khởi động lại cơ chế trao đổi về quy chế thị trường cho Việt Nam” khi gặp Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Washington.
Nhưng cũng vào tháng 5/2017, đã xảy đến hiện tượng “đảng ngáng chân chính phủ”. Cho dù Thủ tướng Phúc – với đức tính thực dụng về các giá trị buôn bán – có thực lòng muốn đạt được quy chế “kinh tế thị trường” chăng nữa, “Nghị quyết trung ương 5 về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” do cấp trên của ông Phúc là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng kiên định lặp lại tại Hội nghị trung ương 5, đã khiến ông Phúc không biết ăn nói ra sao với quốc tế về sự khác biệt một trời một vực giữa “kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa” và “kinh tế thị trường”, chưa kể việc làm sao để đạt được “kinh tế thị trường” đó.
Nhân quả” đã báo ứng. 8 doanh nghiệp mang trên mình gốc gác nhà nước và thói độc quyền “thu cùng diệt tận” đối với dân chúng Việt Nam đang phải đưa đầu nhận lãnh hậu quả quay lưng từ cộng đồng quốc tế. Tiếp đến có thể sẽ xuất hiện thêm những cái tên doanh nghiệp nhà nước khác bị quốc tế xem là “gian lận thương mại”.
Ngay trước mắt, vụ việc 8 doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam bị phía Hoa Kỳ cáo buộc lên WTO chắc chắn sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất, nhập khẩu của các doanh nghiệp này, bởi cả 8 doanh nghiệp nhà nước này đều tham gia hoạt động kinh doanh xuất, nhập khẩu.
Trong trường hợp nếu Việt Nam không đưa ra được các chứng cứ có tính thuyết phục để bác bỏ cáo buộc từ phía Hoa Kỳ, mà điều này thì quá khó, rất có thể việc xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ – thị trường đang giúp cho Việt Nam xuất siêu đến gần 30 tỷ USD/năm – sẽ giảm sút. Và sau đó, các nước phát triển có thể sẽ ủng hộ quan điểm của Hoa Kỳ, dẫn đến khối lượng hàng hóa xuất khẩu của 8 doanh nghiệp nhà nước trên sẽ giảm sút, thậm chí các doanh nghiệp khác ngoài 8 doanh nghiệp nhà nước bị cáo buộc xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài cũng có thể gặp khó khăn.
T.L.
Nguồn: https://www.baocalitoday.com/viet-nam/hau-qua-nao-tu-viec-8-doanh-nghiep-nha-nuoc-viet-nam-bi-gian-lan.html


Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn