Rút ngắn quy trình ‘xử’ Đinh La Thăng cho thấy điều gì?

Thiền Lâm
Tổng bí thư Trọng đã như thể “lột xác” kể từ tháng Mười một năm 2017, đặc biệt sau cuộc gặp với Tập Cận Bình của Trung Quốc vào ngày 12/11/2017. Gần một tháng sau cuộc gặp vừa lộ diện vừa cực kỳ bí mật đó, cựu ủy viên Bộ chính trị Đinh La Thăng đã bị còng tay. Và đúng hai tháng sau cuộc gặp đó, Đinh La Thăng đã phải đối diện với một mức án nặng chưa từng có đối với một quan chức cấp cao.

Chỉ mới vào ngày thứ tư của phiên tòa xử “Thăng - Thanh”, Viện Kiểm sát tối cao đã xuất hiện với đề nghị mức án 14 - 15 năm đối với cựu ủy viên Bộ chính trị Đinh La Thăng và chung thân đối với Trịnh Xuân Thanh.

Với sự xuất hiện khá sớm như thế, có khả năng phiên tòa trên – dự định kéo dài khoảng 2 tuần – sẽ được rút ngắn hơn.

Thậm chí, cơ chế rút ngắn ấy còn được bị cáo Đinh La Thăng “cảm ơn đến cơ quan tố tụng, vì đã đẩy nhanh tiến độ xử lý vụ án một cách nhanh chóng nhất và cũng cảm ơn TAND TP Hà Nội đã có một phiên tòa dân chủ, công khai, đổi mới theo tinh thần Hiến pháp 2013 và tinh thần Bộ luật hình sự 2015”.

Thời gian và quy trình “xử” Đinh La Thăng đã được hệ thống tư pháp Việt Nam rút ngắn một cách khác thường, nếu không nói là kỳ lạ.

Trước phiên tòa trên, bản kết luận điều tra đối với Đinh La Thăng do Cơ quan cảnh sát điều tra thuộc Bộ Công an tiến hành đã hoàn tất chỉ trong 11 ngày, tính cả hai ngày nghỉ cuối tuần.

Ngay sau đó, Viện Kiểm sát tối cao còn “lập thành tích chào mừng” hơn cả Bộ Công an khi hoàn tất cái trạng truy tố “Đinh La Thăng và đồng phạm” chỉ trong 6 ngày.

Trong thời gian trên, có những dấu hiệu cho thấy Tổng bí thư Trọng phải chịu một áp lực lớn đối với vụ Đinh La Thăng. Khi đó, đã có những đồn đoán về khả năng một “thái thượng hoàng” đã can thiệp vào hệ thống pháp đình nhằm “giải cứu Đinh La Thăng”. Khả năng xảy ra là ông Trọng đã chỉ đạo các cơ quan tư pháp gấp rút hoàn tất những thủ tục tố tụng hình sự đối với Đinh La Thăng để đặt mọi chuyện vào “sự đã rồi”, để không còn một cấp nào hay nhân vật nào có thể can thiệp vào vụ án cực kỳ quan trọng này.

Nhưng vì sao khi đã lôi được Đinh La Thăng ra tòa và định được mức án lên tới 14 - 15 năm cho Thăng, thời gian xử án tại phiên tòa này vẫn có thể rút ngắn?
Một cách lý giải là Đinh La Thăng còn phải kinh qua ít nhất một vụ án nữa: vụ 800 tỷ đồng của PVN gửi vào Ngân hàng Đại Dương của Hà Văn Thắm mà số tiền này đã không cánh mà bay. Khả năng phiên tòa xử vụ án này sẽ được mở ngay sau vụ 119 tỷ đồng (đang diễn ra). Và nếu đúng như thông báo công khai của ông Trọng vào tháng 11/2017 khi họp với Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng trung ương, vụ 800 tỷ đồng sẽ được xử vào tháng 2/2018, hoặc thậm chí sớm hơn – vào tháng Một năm nay.

Nếu hai vụ “119 tỷ đồng” và “800 tỷ đồng” kết thúc trong tháng Một hoặc đầu tháng Hai, có thể hình dung ra một kịch bản là Tổng bí thư Trọng muốn kết thúc vụ Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh, cùng với vụ xử Phạm Công Danh và Trầm Bê ngay trước tết Nguyên đán 2018.

Nếu cả 3 vụ án trên đều được kết thúc trước tết Nguyên đán 2018, sau tết Nguyên đán 2018 sẽ là gì?

Đây mới là một dấu hỏi rất lớn và cực kỳ hiểm nghèo mà các đối thủ chính trị lẫn các đối tượng “chống tham nhũng” của ông Trọng rất có thể đang mất ăn mất ngủ để tìm lời giải.

Bởi một khi ông Trọng chỉ mất hai tháng kể từ khi bắt đến khi xử án Đinh La Thăng, “quy trình” và thời gian thanh trừ đối với những phạm nhân tương lai cũng có thể sẽ là như thế.

Hãy thử hình dung: trong cuộc gặp tay đôi tại Hà Nội vào ngày 12/11/2017, giả dụ Tập Cận Bình nhắn nhủ với Nguyễn Phú Trọng rằng “Muốn làm gì thì phải làm thật nhanh và thật gọn. Đánh rắn phải đánh dập đầu”, cùng những kinh nghiệm “đả hổ” của Tập ở Trung Quốc từ năm 2012 đến nay, hẳn ông Trọng đang “học tập kinh nghiệm” ít nhất trên phương diện “thần tốc, thần tốc hơn nữa” trong hoạt động chỉ đạo bắt và xử án giới chức tham nhũng.

Sau tết Nguyên đán 2018 lại là một khoảng thời gian dài, dài đến cả năm 2018. Sau Đinh La Thăng vẫn còn hàng loạt cái tên mà ông Trọng có thể lần lượt tống vào lò như cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, “liên quan trách nhiệm” như cựu Bí thư TP.HCM Lê Thanh Hải…, chưa kể hàng loạt quan chức công an có thể đã trực tiếp hoặc gián tiếp liên đới vụ scandal Vũ “Nhôm” – Thượng tá tình báo công an Phan Văn Anh Vũ.

Vài ba tháng sau tết Nguyên đán 2018, hoặc sớm hơn, có thể sẽ là Hội nghị trung ương 7 của đảng cầm quyền. Ở hội nghị này, chuyện “bãi nhiệm tư cách ủy viên trung ương” đối với Đinh La Thăng chỉ mang tính thủ tục, nhưng vấn đề lớn hơn nhiều là liệu sẽ có thêm 1 - 2 ủy viên Bộ chính trị nào đó bị kỷ luật – theo cách mà Đinh La Thăng đã bị loại khỏi Bộ Chính trị tại Hội nghị trung ương 5 vào tháng 5/2017.

Dư luận đang đồn đoán về những cái tên ủy viên Bộ chính trị trong tương lai gần như thế.

Nhưng sau vụ xử Đinh La Thăng, khoảng thời gian còn lại cho đến tết Nguyên đán 2018 cũng chưa chắc êm ả. Mà còn có thể diễn ra một vài vụ bắt bớ chấn động nữa, làm cơ sở để sau tết sẽ “xử”.

Tâm trạng giới quan chức “lỡ nhúng chàm” vào những ngày này đang sôi sục, y hệt cái lò của Tổng bí thư Trọng đang rừng rực sức nóng thiêu đốt ngày càng tăng của nó. Hẳn là ông Trọng đã “lột xác”, đã biến thành một người khác hoàn toàn ít nhất trên phương diện “chống tham nhũng”, đã chuyển cuộc chiến được xem là “chống tham nhũng” của ông sang giai đoạn 2 kể từ tháng 12/2017, và không thể nghi ngờ việc ông đang “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc” trên con đường tống vào lò hàng loạt quan chức “tham nhũng thời kỳ trước” và có thể cả “thời kỳ này” trong một vài năm tới.

T.L.

Nguồn: https://www.baocalitoday.com/chinh-su-viet-nam/rut-ngan-quy-trinh-xu-dinh-la-thang-cho-thay-dieu-gi.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn