Dân phản đối tăng thuế môi trường xăng dầu vì thiếu minh bạch


Nguyễn Tuyền


Thời gian gần đây, ai quan tâm tìm hiểu tình hình đất nước qua các báo chí, nhất là báo chính thống, có nhận ra một dấu hiệu gì khang khác? Theo chỗ chúng tôi, chỗ khang khác đó là hình như các báo đã có chút hơi thở riêng của mình, chứ không hoàn toàn thể hiện như một giàn đồng ca, hoặc tất cả đều chỉ nói (viết)dưới cái gậy chỉ huy của một Tổng Biên tập...Đã thấy nhiều bài trên các báo “quốc doanh” đề cập khá nhiều vấn đề xưa nay cho là cấm kị, là “nhạy cảm” như vấn đề bô xít, vấn đề dân oan, vấn đề công khai minh bạch và...những hành xử chẳng hay ho gì của “bạn vàng” phương Bắcvới phần còn lại của thế giới (trừ những hành xử với chính VN). Bài dưới đây của báo Dân Trí chắc cũng thuộc loại khang khác như nói ở trên?


BVN


Thông thường ngành thuế và Nhà nước không giải trình được tăng thuế như thế để làm gì, thiếu minh bạch về vấn đề sử dụng quỹ ấy khiến cho cứ mỗi lần đề xuất tăng thuế là bị dư luận phản ứng”.

Đây là khẳng định của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan xung quanh đề xuất tăng thuế môi trường đối với xăng dầu vừa được Bộ Tài chính đưa ra mới đây.

Vì đâu "hiệu ứng domino" phản ứng tăng thuế

Bà Lan cho rằng: Người dân sẽ hoàn toàn ủng hộ Chính phủ, bộ ngành nếu biết lý do tăng thuế môi trường đối với xăng dầu là gì? Hiệu quả môi trường của việc tăng thuế môi trường đó ra làm sao, ai sử dụng và đo lường hiệu quả ấy, còn hiện nay là rất tù mù.




Chuyên gia Phạm Chi Lan: Tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu còn thiếu minh bạch

Thứ hai, theo bà Lan, người dân luôn tự hỏi tăng thuế môi trường thì ai được lợi? Nếu chứng minh được phục vụ cho người dân, minh bạch cách chi thì tôi khẳng định người dân sẽ đồng tình và sẵn sàng vì Nhà nước.

"Cái khổ của chúng ta lâu nay là thiếu minh bạch, không thuyết phục trong chi tiêu. Cái cần nhất hiện nay là phải giảm chi, giảm biên chế. Tất nhiên cái này rất khó nhưng đã đến lúc phải làm quyết liệt để tinh giảm bộ máy, đo lường hiệu quả cán bộ như doanh nghiệp", bà Lan nói.

Chuyên gia Phạm Chi Lan chia sẻ: "Chừng nào ghế ngồi trong cơ quan nhà nước còn gắn liền với tiền, quyền lực thì những đề xuất tăng thuế sẽ bị phản ứng. Người dân sẽ nghĩ ngay số tiền đó để chi tiêu cho bộ máy".

TS Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Trung Quốc của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết: Nếu đánh thuế môi trường để giảm tiêu dùng, hạn chế sử dụng sản phẩm đó thì phải đánh vào than, mặt hàng ô nhiễm hơn xăng dầu rất nhiều. Tuy nhiên, Bộ Tài chính không làm như vậy vì thu thuế xăng dầu dễ hơn, dù xăng dầu gây ô nhiễm ít hơn than.

TS Thành cho rằng: Nếu tiếp tục tăng thuế môi trường với xăng dầu, điều này đồng nghĩa mục tiêu hạn chế tiêu dùng sản phẩm ô nhiễm, tiêu dùng xanh không đúng trúng, đúng.

Người dân, doanh nghiệp nội phải "cõng" thu hộ FDI và hàng nhập

TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện VEPR cho rằng: Muốn người dân tin và không phản ứng với kiến nghị tăng thuế thì cách làm tốt nhất là tạo minh bạch và giải trình tốt chính sách.

\

TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện VEPR: "Cách làm tốt nhất là tạo minh bạch và giải trình tốt
chính sách"

Ông Thành cho rằng: Nhiệm vụ quan trọng nhất vẫn là giảm chi cho bộ máy, từ đó mới giảm áp lực thu. Theo thống kê, chi thường xuyên trong quý I/2018 chiếm 75,6% tổng chi ngân sách, trong khi chi cho đầu tư, phát triển chỉ chiếm 14,2%, số chi này chậm được cải thiện và ngốn tiền ngân sách lớn.

Gần đây bộ máy chúng ta có cải cách, sát nhập 4 - 5 đoàn thể lớn thành một khối; quyết tâm cải cách của các bộ như Bộ Công an, Bộ Tài chính nữa… Mặc dù chưa có những bước tiến lớn song chúng ta cũng kỳ vọng sẽ có chuyển biến tích cực để cần đồng hành với Chính phủ, bộ ngành và tạo hiệu ứng lan rộng, từ đó giảm chi, giảm thu.

Theo TS Thành, thâm hụt ngân sách vì bỏ thuế khi hội nhập hoặc ưu đãi cho FDI là nguyên nhân khiến ngân sách thất thu và tăng thu nội địa cao. Bài toán của Việt Nam phải giải như rất nhiều nước khác đó là: xung đột giữa tự do trong nước và tự do hội nhập quốc tế.

Ông Thành cho rằng: Khi Việt Nam muốn phát triển, chúng ta phải thu hút FDI, ưu đãi thuế cho họ, tuy nhiên đằng sau đó là bất bình đẳng và kém cạnh tranh khu vực kinh tế trong nước so với FDI.

"Các chuyên gia thế giới cho biết, trước khi tự do hóa quốc tế thì phải tự tạo tự do hoá, cạnh tranh khốc liệt ở trong nước. Điều đó các doanh nghiệp lớn lên nhờ cạnh tranh như nhau, đến khi lớn lên rồi thì mở cửa cảm thấy bình thường", ông Thành nói.

Còn Việt Nam không được như thế, theo ông Thành, Việt Nam cạnh tranh khu vực tư nhân, trong nước yếu kém, đuối sức với doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp Nhà nước. Khi mở cửa, lại bị áp lực bên ngoài tác động vào khiến nền kinh tế ngày càng phân hoá. Trong khi đó khu vực trong nước đóng thuế nặng nề, người dân bị tăng thu trong khi khu vực FDI vẫn được miễn giảm thuế, phí.

N.T.
http://dantri.com.vn/kinh-doanh/dan-phan-doi-tang-thue-moi-truong-xang-dau-vi-thieu-minh-bach-2018041023115434.htm

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn