Thủ Thiêm: Nhìn mà không thấy

RFA
Một người đàn ông đẩy xe với một chiếc tủ lạnh trên con đường đất ở Thủ Thiêm bên kia sông Sài Gòn. Hình chụp 18/10/1996. AP
Thủ Thiêm những ngày này như trên lửa với tràn ngập các tin bài trên các báo và trang mạng về tấm bản đồ quy hoạch bị mất, về tương lai của nhà thờ Thủ Thiêm, về tình cảnh của những người dân mất đất và những nghi ngờ về quan chức tham nhũng đất đai. Nhưng cách đây khoảng 2 năm, khi sự kiện Thủ Thiêm vẫn còn chưa được báo chí chú ý đến, đã có một nhà nhân chủng học người Mỹ viết một cuốn sách về Thủ Thiêm. Ông đưa ra một cách nhìn khác về vùng đất đang gây nhiều tranh cãi nhưng theo ông đã có một bề dày văn hóa nên được bảo tồn. Cuốn sách viết gì về Thủ Thiêm ngày xưa và bây giờ?
Nhìn mà không thấy
Ăn quận 5, chơi quận 1, ngủ quận 3… đánh nhau quận 4 và quận Thủ Thiêm. Đó là câu nói được những người dân Thủ Thiêm thường nói đùa với nhau nhưng phần nào cũng diễn tả được suy nghĩ của người dân Sài Gòn về Thủ Thiêm, mảnh đất mà họ vẫn cho là của những người thất nghiệp, ăn xin, nghiện ngập… bên kia sông Sài Gòn. Nhưng theo Tiến sĩ Erik Harms, người ta đã không nhìn nhận đúng về con người Thủ Thiêm và mảnh đất này, điều mà ông gọi là ‘Nhìn mà không thấy’ trong cuốn sách Luxury and Rumble, tạm dịch là Hoành Tráng và Đổ Nát xuất bản năm 2016.
“Trong cuốn sách của mình tôi viết là những người ở bên kia sông dường như không nhìn thấy những người bên này, đó là những người ngoại thành, thiếu văn minh. Nó có gì đó phân biệt về nơi bạn ở”.
Cuốn sách của Erik Harms có hai phần: phần đầu là Luxury (Hoành Tráng), miêu tả về khu đô thị Phú Mỹ Hưng được miêu tả như biểu tượng vươn lên của Sài Gòn sau đổi mới, và phần hai là Rubble (Đổ Nát) là phần về Thủ Thiêm với những đống đổ nát cả về nghĩa bóng lẫn nghĩa đen khi chính quyền thành phố quyết định di dời, giải tỏa trắng nhiều vùng tại Thủ Thiêm để phát triển khu đô thị mới giống như Phú Mỹ Hưng.
Kể từ giữa thế kỷ thứ 19, Thủ Thiêm đã là nơi của nhà thờ Công Giáo và tu viện dòng Mến Thánh Giá, rõ ràng là thậm chí từ trước thế kỷ thứ 19, khu đất này đã có những chùa, đền, miếu, đình.
Thủ Thiêm, theo Tiến sĩ Erik Harms đã được người dân đến cư ngụ từ rất lâu, lâu như chính Sài Gòn vậy, từ thời Chúa Nguyễn hồi thế kỷ thứ 17. Thế nhưng cũng từ rất lâu, vùng đất này dường như không được người bên ngoài để ý đến. Vùng đất thậm chí không được đánh dấu một cách rõ ràng như các phần khác của Sài Gòn trên các bản đồ thành phố từ thời Pháp cho đến tận gần đây.
Vùng đất này cũng là nơi của những nhà thờ Công giáo, các chùa, và miếu có niên đại cả trăm năm, hơn trăm năm. Một đoạn trong cuốn sách viết:
“Kể từ giữa thế kỷ thứ 19, Thủ Thiêm đã là nơi của nhà thờ Công giáo và tu viện dòng Mến Thánh Giá, rõ ràng là thậm chí từ trước thế kỷ thứ 19, khu đất này đã có những chùa, đền, miếu, đình”.
Từ thời Pháp cho đến những năm 60 và 70 của thế kỷ trước, chính quyền đã vài lần lên những kế hoạch phát triển Thủ Thiêm, nhưng đều không thực hiện được do vấn đề chiến tranh. Và Thủ Thiêm lại tiếp tục là vùng đất không được chú ý đến đúng mức.
Đến những năm 90 của thế kỷ trước, Thủ Thiêm, vùng đất bên bờ sông Sài Gòn, ngay sát quận 1, quận trung tâm thành phố, vẫn còn bị che khuất bởi những biển hiệu quảng cáo và các ánh đèn neon chiếu về phía trung tâm Sài Gòn.
“Vùng đất được coi là không phát triển, thế giới của những lộn xộn ngay bên kia sông trong nhiều năm đã bị che đi bởi những biển hiệu quảng cáo và ánh đèn nê ông. Khi nhìn về từ trung tâm thành phố, những tấm biển hiệu này giống như những tấm màn che đi những gì nằm phía sau đó. Nó cũng giống như những tấm gương phản chiếu những hy vọng của Sài gòn và dội lại”.
Ước mơ Phố Đông
Người đi từ Sài Gòn sang Thủ Thiêm từ nhiều năm vẫn đi qua phà Thủ Thiêm quen thuộc cho đến một ngày. Chính xác đó là vào đêm ngày 1/1/2012 khi con phà chính thức chấm dứt hoạt động. Đó cũng là lúc bắt đầu của một giai đoạn hai năm chính quyền thành phố tăng tốc việc di dời 14.600 hộ dân với hơn 60.000 nhân khẩu để xây khu đô thị mới Thủ Thiêm với ước muốn biến nó thành một Phố Đông của Sài Gòn giống như Phố Đông ở Thượng Hải.
“Nếu bạn so sánh Thủ Thiêm với Phố Đông ở Thượng Hải thì rõ ràng là ở Trung Quốc họ làm rất nhanh. Họ vào và tống hết người dân đi chỗ khác và làm rất nhanh. Bây giờ người ngoài nhìn vào thì bảo nhìn xem sao Phố Đông phát triển thế. Phố Đông giờ gần như là một biểu tượng phát triển của Trung Quốc. Bây giờ họ so sánh với Việt Nam và họ có thể nói chúng tôi muốn làm tương tự mà không được nên họ cảm thấy xấu hổ. Cho nên với những phức tạp đang diễn ra trong câu chuyện Thủ Thiêm, nếu chính phủ thất bại ở Thủ Thiêm thì đó là bằng chứng về những tham nhũng và không có khả năng của chính quyền. Nhưng nếu họ thành công thì đó là bằng chứng rằng họ sẵn sàng cưỡng chế người dân bằng mọi giá. Dù trong tình huống nào thì hình ảnh của họ trong câu chuyện này cũng không tốt”.
Họ nghĩ Thủ Thiêm không có gì so với quận 1. Họ nghĩ là họ chỉ việc vào, đá mọi người ra và cho họ tiền đền bù thấp mà không vướng phải bất cứ phản đối nào.
Vào giai đoạn cao trào của giải tỏa, những người dân Thủ Thiêm mất đất nhận được thông báo họ phải di dời, nếu không sẽ bị cưỡng chế thu hồi đất. Người dân ở đây được chính quyền đề nghị mức giá đền bù ban đầu là 2.380.000 VND một mét vuông hồi năm 2002. Sau đó mức đền bù này được tăng lên 6.380.000 VND một mét vuông vào năm 2006. Ba năm sau đó mức đền bù được tăng lên 18.380.000 VND.
Đây cũng là mức đền bù được báo chí đề cập đến rất nhiều trong thời gian qua mà người dân cho là không hợp lý. Giá đền bù 18 triệu nhưng trên thực tế, chủ đầu tư có đất đã bán lại với giá 350 triệu đồng, một mức chênh lệnh quá lớn mà người chịu thiệt thòi, mất mát lớn nhất là người dân Thủ Thiêm như lời của tiến sĩ Erik Harms:
“Người dân Việt Nam bây giờ đã biết nhiều hơn về giá trị của đất so với khi dự án bắt đầu vào khoảng năm 1997. Vào lúc đó thì họ không biết nhiều về thị trường nhà đất. Ở Phú Mỹ Hưng, họ bắt đầu giải tỏa từ 1993 và người dân ra đi, họ nhận tiền và dời đi. Vào lúc đó họ không biết đến việc anh có thể trở thành đại gia vì nhà đất… Mọi thứ đã thay đổi. Họ nghĩ Thủ Thiêm không có gì so với quận 1. Họ nghĩ là họ chỉ việc vào, đá mọi người ra và cho họ tiền đền bù thấp mà không vướng phải bất cứ phản đối nào. Nhưng khi họ bắt đầu làm thì thị trường nhà đất ở thành phố Hồ Chí Minh đã thay đổi và mọi người nói rằng đừng hòng tôi đưa ông đất vàng mà không nhận lại gì cả”.
Sao không để người dân ở lại?
Từ đầu những năm 2000 đến nay, rất nhiều người dân Thủ Thiêm đã phải ra đi, nhường đất cho khu đô thị mới. Thế nhưng vẫn có cả trăm hộ vẫn tiếp tục con đường khiếu kiện ra tận Hà Nội suốt nhiều năm ròng rã.
Câu chuyện về tấm bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm có từ thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt năm 1996 được chính quyền thành phố mới đây tuyên bố đã biến mất khiến người dân và dư luận đặt nhiều nghi ngờ về ý định của những người lãnh đạo thành phố. Những người dân Thủ Thiêm ngay từ hồi đầu những năm 2000 đã nói về vấn đề chênh lệnh giá quá đáng mà họ cho là do tham nhũng đất đai.
Nếu tôi là một nhà kiến trúc, một nhà quy hoạch từ ban đầu của Thủ Thiêm, tôi sẽ làm một dự án bao gồm tất cả những người dân ở đó.
Nhưng những người lên kế hoạch phát triển Thủ Thiêm cũng không hiểu rằng, chính những người dân phản đối việc giải tỏa trắng, di dời, lại là những người ủng hộ sự phát triển của Thủ Thiêm. Họ tự hào về Thủ Thiêm và mong nó được phát triển. Chỉ có điều những gì họ nghĩ, họ nói, đã không được lắng nghe đúng mức.
“Bất chấp những cáo buộc về vấn đề tham nhũng đối với thành phố, quận và các giới chức dự án, những cuộc phỏng vấn với các cư dân ở đây cho thấy người dân ở Thủ Thiêm và trong thành phố đều không phản đối ý tưởng của dự án. Thực tế họ còn nghĩ việc quy hoạch là đáng vì làm thành phố đẹp hơn. Bằng việc chống lại cưỡng chế, họ không chỉ trích ý tưởng xây dựng một thành phố Hồ Chí Minh hiện đại mà họ chỉ tức giận vì cách mà họ bị đối xử”.
Đất Thủ Thiêm vốn có nhiều vùng bị coi là khó phát triển do đất mềm, ngập nước. Trong những năm 70, đã có những ý kiến của các chuyên gia cho rằng việc lấp đất xây Thủ Thiêm sẽ quá tốn phí. Nhưng giờ đây, với giá đất lên đến 350 triệu đồng một mét vuông, có lẽ cái giá lấp đất và di dời dân không còn đáng bao nhiêu đối với những nhà đầu tư. Đã nhiều năm trôi qua mà việc di dời các hộ dân, giải tỏa Thủ Thiêm vẫn chưa thể hoàn tất. Ước mơ xây dựng Thủ Thiêm giống như Phú Mỹ Hưng hay Phố Đông của Thượng Hải vẫn còn rất xa vời với những đống đổ nát còn lại tại Thủ Thiêm. Tiến sĩ Erik Harm đặt câu hỏi, tại sao những nhà quy hoạch, chính quyền thành phố không để những người dân Thủ Thiêm ở lại, để họ cùng lên kế hoạch phát triển thành phố.
“Nếu tôi là một nhà kiến trúc, một nhà quy hoạch từ ban đầu của Thủ Thiêm, tôi sẽ làm một dự án bao gồm tất cả những người dân ở đó. Tôi sẽ có một cuộc thi của các nhà kiến trúc, tôi sẽ nói với họ đây là dòng sông, đây là vùng đất đầm lầy, đây là các công trình hiện có, các bạn thiết kế dựa theo đó. Bên cạnh đó là hơn 14.000 hộ dân. Tôi muốn các nhà kiến trúc làm thế nào để bao gồm cả họ vào trong dự án phát triển tương lai của Thủ Thiêm. Nếu họ bắt đầu như vậy thì các nhà kiến trúc sẽ thấy nó có thách thức nhưng họ sẽ thích như vậy. Thứ hai là bạn sẽ không có nhiều vấn đề phải giải quyết với những người dân địa phương”.
Nếu, có rất nhiều từ nếu đối với Thủ Thiêm vào lúc này. Nếu như tất cả những cái nếu đó được thực hiện, có lẽ đã không có chuyện khiếu kiện ròng rã cả chục năm trời của cả trăm hộ dân, và biết đâu cũng không có chuyện tấm bản đồ bị thất lạc?
Nguồn: https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/another-thu-thiem-under-the-view-of-an-anthropologist-05112018151352.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn